Chiều hôm qua, sau mấy chục năm, tôi đã tình cờ gặp lại anh ta-người Tổng Phụ trách đội của đội viên Thiếu niên Tiền phong Phường tôi, một phường nghèo của một tỉnh cũng nghèo thuộc dạng nhất nhì cả nước. Anh ta-giờ đã trở thành một ông già hom hem-vốn là nguyên mẫu có thật trong một truyện ngắn của tôi, đã từng 2 lần đăng báo (Lần 1, trên báo Phụ Nữ TP.HCM năm 1990, và lần 2, trên báo Giáo Dục TP.HCM vào dịp 30/4/2000), nhưng riêng lần thứ 2, truyện này đã bị Thành Uỷ TP.HCM phê bình một trận te tua, vì “Nội dung truyện khá nhạy cảm, lại đăng đúng vào dịp Kỷ niệm mấy chục năm giải phóng miền Nam nên có thể gây hiểu lầm không tốt.”.
Thực ra, truyện ấy được viết từ rất lâu, trước 1989, và nó căn cứ từ một câu chuyện có thật, dựa trên một xúc cảm có thật, chứ đơn thuần không mang hàm ý gì chống đối, hay muốn “xét lại”-như người ta đã mang ra phê bình. Chuyện chỉ là thế này: vào những năm sau giải phóng, lúc ấy trong khí thế hừng hực của làn gió cách mạng thổi về, những cậu nhóc sống ở vùng tạm chiếm vui mừng đón nhận và tham gia các hoạt động của đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) trên cả trái tim mình vốn có, bất chấp sự phản đối của người thân trong gia đình, nguyên là cán bộ, công chức của chế độ cũ. Nhiều hoạt động như: làm kế hoạch nhỏ, tập văn nghệ, vệ sinh đường phố, tập nghi thức đội... được gần như 100 % thiếu niên trong phường tích cực hưởng ứng, với mong muốn là sẽ đạt danh hiệu... “Cháu ngoan Bác Hồ” (Dạo ấy, danh hiệu này xem ra còn “oách” hơn nhiều danh hiệu của người lớn bây giờ). Cậu thiếu niên-nhân vật xưng tôi trong truyện-cũng nằm trong số ấy. Và thần tượng của cậu lúc bấy giờ chính là...anh Tổng phụ trách đội. Do quá yêu “thần tượng” của mình nên cậu luôn răm rắp nghe theo những lời giáo huấn của anh, mà bao giờ cũng là những lời khuyên “các em nên làm những việc tốt đẹp, sống có đạo đức...”. Một hôm, sau buổi tập nghi thức đội vào buổi chiều, do muốn hoàn thiện kỹ năng cho riêng mình nên cậu ở lại sân trường “tập rán” đến nhá nhem tối. Khi đã mệt, cậu rời sân trường, vào trước cửa phòng học, ngồi bệt xuống, định nghỉ mệt một lát rồi về. Trong phút giây tĩnh lặng của màn đêm, cậu nghe rõ mồn một tiếng “Thần tượng của mình” nói lời ngon ngọt, thề non hẹn biển với một chị-cũng là cán bộ phụ trách đội TNTP-rồi tiếng thở gấp, tiếng rên...mà sau này, để thoả mãn trí tò mò, cậu tìm hỏi mấy người lớn, thì mới biết đó là gì.
Một bí mật động trời mà cậu cho là chỉ mình biết, và cậu hoàn toàn ủng hộ đôi “trai tài, gái sắc” này, cụ thể là những ngày sau đó, cậu vẫn im thin thít về câu chuyện mà mình tình cờ biết được, thậm chí còn vun vén họ vào với nhau. Nhưng...chuyện đâu chỉ có thế. Một hôm, sau buổi tập, cậu bắt gặp chị phụ trách đội kia đang ngồi lặng lẽ khóc trong góc phòng. Hỏi ra mới biết, anh Tổng phụ trách vừa gửi thiệp hồng, và người anh sắp cưới chính là...con gái rượu của ông Bí thư phường, người có thể giúp anh thăng tiến hơn “chức vụ” Tổng phụ trách đội hiện tại. Và đột ngột, thần tượng trong lòng cậu thiếu niên chợt sụp đổ, cậu hiểu ra những lời tốt đẹp mà thần tượng đã “giáo huấn” các cậu bấy lâu nay đều là giả dối, và anh ta sẵn sàng đạp bỏ tất cả để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân mình. Kết thúc là vậy nên truyện mới có tên là “Cú sốc đầu tiên”. Hoàn toàn là một câu chuyện dành cho tuổi mới lớn, nội dung khá hẹp; nhưng...khi phê bình, người ta lại moi móc “động cơ” của tác giả, và còn đi xa hơn khi khoác cho nó chiếc áo “sự sụp đổ niềm tin của người dân vào cách mạng”(!)
Nguyên mẫu của tôi hoàn toàn không may mắn theo như đoạn kết câu chuyện: lấy con gái ông bí thư được vài năm, chưa kịp “hưởng phước” thì ông ta qua đời do nhậu quá nhiều, bị ung thư gan, thế là đường hoạn lộ của anh bị chặn lại, sau đó trong một lần làm việc sai, anh bị buộc thôi việc và trở về đời sống “nhân dân”, ngày ngày kiếm sống bằng cách làm thuê, chạy xe lôi, vợ bán tạp hoá. Lần này anh lên Sài Gòn là để đưa vợ đi chữa bệnh. Sự già nua, mệt mỏi, nét vất vả lộ ra cả dáng vẻ bên ngoài. Tôi mời anh uống bia, nhưng anh từ chối, nói là không quen và chỉ uống mỗi được rượu, chiều ý anh, chúng tôi tạt vô quán lề đường làm vài xị đế. Rượu ngà ngà, tôi mới nhắc chuyện xưa, nhưng có vẻ như với anh, chuyện cơm áo đã đẩy quá khứ lùi sâu rất xa vào khoảng tối nào đó của ký ức. Mãi đến khi tôi hỏi, chị N. bây giờ ra sao, anh mới lúng túng rồi buông: “Hình như lấy chồng, sau bán nhà về Cầu Kè, rồi không nghe tin tức nữa...”. Nguyên mẫu, lẽ dĩ nhiên không hề biết mình chính là nguồn cảm hứng cho tôi viết truyện ngắn, và do xa xôi cách trở mưu sinh vất vả, nên không hề biết có cái truyện ngắn ấy tồn tại trên đời; cũng như không thể nào biết được tôi chính là nhân chứng sống của mối tình của anh. Tôi định tiết lộ, nhưng sau đó thấy không cần thiết nên nói lảng sang chuyện khác. Chuyện đã cũ, người cũng đã trở thành muôn năm cũ, mà thời thế nay đã khác, nói ra chẳng có lợi gì cho bất kỳ ai trong câu chuyện, và nhân quả ở đời, thế cũng đã chẳng rõ rồi sao? Tôi lặng lẽ móc ra 500 ngàn đưa anh, gọi là giúp đỡ lúc khó khăn, chăm sóc cho chị nhà bị bệnh, anh cảm ơn rối rít khiến tôi cũng thấy ngài ngại.
Lần này, không chỉ sụp đổ như trước kia, thần tượng của tôi hẳn sẽ biệt tăm mãi mãi.../.