Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.280
123.158.405
 
Hội làm ma
Khôi Vũ

Chúng tôi ngồi ăn bữa chiều trên bộ ván gõ choán gần hết nửa phòng khách nhà Hai Lóc. Bộ ván gõ quả đáng giá. Nó chỉ có một tấm duy nhất ngang hơn thước rưỡi, dài hai thước bảy và dày tám phân. Hai Lóc cho tôi biết người ta đã xẻ nó từ một cây gõ khổng lồ trong rừng sâu, thời mà rừng chưa bị bóc trắng nham nhở như bây giờ. Cũng theo lời Hai Lóc, có người ở Sài Gòn đã lặn lội tới tận xứ Bưng Roong heo hút này, trả giá anh ta hai cây vàng để lấy bộ ván gõ, nhưng anh ta từ chối.

- Vậy mà em chỉ tốn một tấm phim!

 

Hai Lóc chỉ tiết lộ chừng đó mà không chịu giải thích thêm, dù tôi tìm mọi cách để biết. Anh ta nói tiếp :

- Sau ba đêm Hội, ông thầy sẽ tự khắc hiểu!

 

Hai Lóc nói vậy càng làm tôi nôn nóng. Mà có còn lâu lắc gì! Hơn ba tiếng đồng hồ nữa, đêm Hội đầu tiên sẽ khởi điểm.

 

Hai Lóc gắp thức ăn bỏ vào chén của tôi, nhắc tôi ăn cho chắc bụng để có sức khỏe lội bộ suốt đêm nay. Anh ta cũng tự lo cho cái dạ dày của mình chu đáo. Mỗi lần nhai, phần dưới khuôn mặt Hai Lóc bạnh ra, còn cục A Đam thì vội vã trồi lên khi anh ta nuốt. Hai Lóc hớt tóc ngắn, hai bên thái dương bo vuông vức, giống một cậu tân binh. Thật ra, anh ta đã bốn mươi tuổi.

 

Thốt nhiên tôi bật cười.

- Có gì vui vậy ông thầy? - Hai Lóc hỏi rồi ực trọn ngụm phần rượu còn lại trong ly của mình.

- Tôi chợt nghĩ không biết đêm nay mình sẽ làm ma thế nào?

- Chưa đâu! Đêm nay ông thầy đâu có làm ma ngay được. Ông thầy phải quan sát kỹ coi người ta làm những gì rồi ngày mai về suy nghĩ để tính phần mình. Đêm mai, đêm mốt, ông thầy sẽ rành sáu câu thôi! Mà kìa, cạn ly đi chớ ông thầy!

 

Tôi nhắm mắt để uống hết phần rượu ngâm mật rắn còn lại trong ly của mình. Nếu không phải đáp lại tấm tình quá nồng hậu của Hai Lóc, tôi đã từ chối ly rượu đắng đúng nghĩa của từ đắng này. Hai Lóc giải thích khi rót rượu: "Rượu này ngâm tới mấy bộ mật rắn nên rất bổ, có điều đắng chịu không thấu. Dù sao nó cũng có ích cho sức khỏe ông thầy để đêm nay đi dự Hội".

 

Tôi khà một tiếng để tống khứ đi cái vị đắng khủng khiếp đang lưu lại trong miệng, trước khi mở mắt ra. Nhà Hai Lóc có một người khách. Anh ta tới lúc tôi đang làm nghĩa vụ uống rượu. Đó là một thanh niên trạc ba mươi, da ngăm đen, vạm vỡ trong cái áo thun ngắn tay. Anh ta gật đầu chào tôi. Hai Lóc giới thiệu:

- Nó là Tư Sâm, thợ mộc hạng chiến của Bưng Roong này. Số nó có đào hoa chiếu mệnh nên nhiều bồ mà vẫn phòng không. Thân chủ ruột của em đó ông thầy. Sao Tư? Thêm một liều nữa hả?

 

Tư Sâm có vẻ ngượng vì sự có mặt của tôi. Giọng anh ta nhỏ rí:

- Dạ... Cho chắc ăn...

- Được thôi! Mày là Thượng đế của tao mà ! Ngồi chơi, tao vô lấy!

 

Tôi rót một ly rượu mời Tư Sâm:

- Uống đi em!

- Dạ... em không dám...

- Đêm nay em có đi dự Hội không?

- Dạ có. Ở đây, nhà nào cũng có người đi Hội.

- Vui không?

- Dạ... vui.

- Em làm gì trong mấy đêm Hội?

 

Tư Sâm gãi đầu chưa kịp trả lời thì Hai Lóc đã trở lại với một gói giấy nhỏ trên tay. Tôi hiểu đó là gói thuốc ngón nghề của Hai Lóc. Anh ta nhìn thấy ly rượu tôi rót liền cầm lên trao cho Tư Sâm :

- Phải lắm! Mày phải làm hết ly này, tao mới giao hàng. Nè! Đây là liều thượng thượng hảo hạng đó nghe! Tao bảo đảm mày sẽ chiến đấu được tới gà gáy sáng! Thôi! Dzô đi! Dzô cho ông thầy thấy thanh niên Bưng Roong uống rượu cỡ nào!

 

Tôi thấy gương mặt Tư Sâm ửng đỏ lên khi anh ta đón lấy ly rượu. Anh ta ngửa cổ uống cạn ly rượu một cách dễ dàng. Uống xong, anh ta chép miệng: "Đã!"

Hai Lóc trao gói thuốc cho Tư Sâm và nói luôn:

- Tiền bạc để sau ba đêm Hội sẽ tính.

- Dạ, cảm ơn anh Hai. Em về...

- Ừa! Mày về đi. Chúc đêm nay Dzui dzẻ!

 

Tư Sâm đi khuất rồi. Tôi chưa kịp hỏi thì Hai Lóc đã nói :

- Chắc hẹn hò với một bà góa nào đó dữ dội lắm nên phải cầu viện tới thuốc nghề của em...

 

Bất giác, tôi nhìn về phía gốc me trước sân nhà Hai Lóc, nơi có đóng tấm bảng nhỏ mà tôi hầu như thuộc lòng dòng chữ viết sơn đỏ trên đó: "Y tá Hai Lóc. Chuyên trị bất lực và giúp đỡ nam thân chủ tăng cường hạnh phúc".

 

Đồng hồ điểm năm tiếng. Tôi xếp chén đũa, bẻ cây tăm bằng chân nhang cho ngắn lại. Hai Lóc cũng buông đũa.

- Ông thầy ra sau rửa mặt cho khỏe rồi lên uống trà.

 

Tôi ra sau nhà Hai Lóc. Ngang căn phòng nhỏ của vợ chồng Hai Lóc, tôi nhìn qua tấm mành ni lông phe phẩy, thấy cái giường nệm và bàn trang điểm của Trang, vợ Hai Lóc, khá mốt. Trang bán cà phê nơi quán cách nhà vài trăm mét. Hai vợ chồng chỉ có một mụn con gái, gởi học ở Sài Gòn. Nghe nói con nhỏ cũng mốt mát không thua gì má.

 

Tôi vốc nước trong lu vỗ vỗ vào mặt. Nước mát rượi. Trước mặt tôi là khu rừng kéo dài tới chân núi Bưng Roong, nơi sẽ diễn ra ba đêm Hội mà tôi quyết định ở lại dự cùng Hai Lóc cho biết. Hai Lóc nói đơn giản: "Đi Hội, người ta được làm mọi việc mà trong cuộc sống bình thường bị cấm, trừ giết người, đâm chém nhau". Còn ông Mười Hương, người tổ chức chính của ba đêm Hội thì giải thích thêm: "Hồi xửa hồi xưa, ông bà ở Bưng Roong này nghĩ rằng người ta sống tốt xấu lẫn lộn, chi bằng cho phép mọi người được làm ma ba đêm để những ngày còn lại trong năm làm người tốt! Hậu sanh chúng tôi nghĩ nôm na, Hội là cái van giúp người ta xì ra những cái xấu xa giữ trong lòng cả năm trời..."

 

Có tiếng guốc. Tôi quay lại và thấy Trang. Vợ Hai Lóc mặc bộ đồ xoa màu  vàng chanh, thơm thoảng mùi nước hoa đắt tiền. Cô ta vẽ mắt, gắn lông mi giả, trang điểm không khác gì những phụ nữ ở thành phố. Cũng dễ giải thích : ở cái xứ Bưng Roong này, quán cà phê Trang nổi tiếng là ngon và đông khách thì chẳng lẽ bà chủ lại là một phụ nữ lùi xùi, bê bối!

- Đêm nay em có đi Hội không Trang? - Tôi hỏi.

- Có chớ ông thầy. Ông thầy nghĩ coi, cả năm, em tất bật với cái quán cà phê. Sáng nào cũng phải thức dậy từ bốn giờ, đêm tới mười hai giờ mới kéo cửa quán được. Năm nào cũng vậy, ba ngày Hội em nghỉ bán. Ngày ngủ bù, tối đánh bài với mấy bà bạn...

- Em thường được hay thua?

- Khi được khi thua. Nhưng chuyện đó đâu có ăn nhằm gì ông thầy. Cái chính là mình được vui. Dạ, vui lắm. Mà thôi, mời ông thầy lên nhà uống trà. Anh Hai đã pha ấm trà mới...

 

Tôi trở lại với Hai Lóc. Anh ta rót trà mời tôi rồi tới bên bộ ván nhắc cái túi da đeo lên vai. Cái túi khá nặng khiến anh ta phải so vai lên cao hơn vai bên kia để giữ sợi dây treo khỏi tuột.

- Ông thầy thấy em giống một anh chàng ký giả không?

 

Tôi mỉm cười gật đầu.

Trước lúc ăn cơm chiều, Hai Lóc đã khoe tôi mớ đồ nghề đi Hội đêm nay của anh ta. Một cái máy chụp hình loại thời thượng hiệu Pentax có đủ đèn, giây bấm đèn, chân nhôm. Một cái máy ghi âm bỏ túi hiệu Sony với cuộn băng nhỏ xíu bằng hộp quẹt. Mấy cuộn phim, pin, băng ghi âm dự phòng. Tất cả là đồ nghề của một phóng viên!

- Giờ này chắc khỏi giữ bí mật nữa phải không chú Hai? Nói tôi nghe coi, chú sẽ làm gì với mớ đồ nghề kia?

 

Hai Lóc chưa vội trả lời. Anh ta bỏ cái túi xuống bộ ván, ra bàn ngồi đối diện tôi, nhấm nháp ly trà của mình rồi mới ngẩng nhìn tôi, nói chầm chậm:

- Em làm ma xó. Dạ đúng vậy. Ma xó!

- Nghĩa là sao?

Hai Lóc cười mỉm:

- Nghĩa là... đi với em hết đêm nay, ông thầy sẽ hiểu... Coi bộ ông thầy nôn nóng dữ...?

Đúng! Tôi rất nóng lòng muốn biết người ta làm gì trong những đêm Hội làm ma?

 

*

 

Đường đến khu vực tổ chức Hội làm ma không gần như tôi tưởng. Nó cũng chẳng rộng rãi gì. Nó vốn là con đường mòn mà dân làm rừng thường đi để vào khu rừng dưới chân núi kiếm củi, bẫy thú nhỏ hoặc ăn trộm gỗ. Trời tối, tàn cây phủ trên đầu, lá xào xạc dưới chân, không khí lành lạnh. Nếu không phải là người địa phương thông thuộc đường lối, thì khó có thể tìm đến nơi diễn Hội. Hai Lóc trấn an tôi:

- Coi vậy chớ rất bình yên. Xưa nay, chưa có vụ lộn xộn nào xảy ra trên con đường này. Lại nữa, đêm nay là đêm Hội. Ma thì ma, ma cũng có luật chơi của nó!

 

Bỗng dưng tôi nghe rờn rợn sống lưng khi nghĩ rằng mình đang đi với một... con ma. Một con ma xó! Nó đang rọi đèn theo đúng luật chơi của ma: chỉ rọi sáng tới ba thước phía trước, vừa đủ thấy rõ đường đi mà không thấy được người đi trước, đi sau! Phía trước chúng tôi, nhiều ánh đèn pin cũng soi quãng ngắn như thế. Cả phía sau! Người ta đang lũ lượt đến khu vực Hội.

Chúng tôi tới một vùng sáng, nơi có thể nhìn rõ mặt nhau. Mấy ngọn đèn măng sông treo trên nhánh cây tập trung vào một cái bàn phủ vải đỏ, ngồi quanh là mấy ông già, trong đó tôi nhận ra ngay ông Mười Hương. "ng Mười mặc khăn đóng áo dài nghiêm chỉnh, miệng bập thuốc rê, khẽ nói tên Hai Lóc và tên tôi cho một ông già khác ngồi cạnh ghi vào sổ. Hai Lóc chào mọi người và giới thiệu tôi với mấy ông già còn lại. Sau đó, anh ta móc bóp nộp tiền ủng hộ Hội.

 

Ông Mười nói với tôi:

- Thầy nhớ lệ dự Hội của chúng tôi chớ: thấy gì, nghe gì thì để trong bụng, mơi mốt về không được kể cho ai nghe.

 

Tôi đáp:

- Thưa, tôi nhớ.

 

Hai Lóc thêm:

- Con xin bảo lãnh cho ông thầy con mà!

 

Một ông già vẻ mặt khó chịu, nói với Hai Lóc :

- Nếu tin thì tụi tao tin ông thầy, chớ mày, con ma xó mà bảo lãnh cho ai!

 

Hai Lóc cười giả lả rồi kéo tôi đi. Lần thứ nhì, tôi thấy rờn rợn. Ông già vừa gọi Hai Lóc là con ma xó. Con ma xó đang dẫn tôi cùng đi làm ma với nó... Ôi! Tại sao tôi lại dấn mình vào cuộc phiêu lưu đáng sợ này?

- Bắt đầu nghen ông thầy?

 

Hai Lóc trao đèn pin và cái túi da cho tôi sau khi lấy máy hình khoác trước ngực và bỏ trong túi áo khoác cái máy ghi âm.

- Rồi ông thầy sẽ dần dần hiểu hết mọi việc ở đây. Để coi nào... phải rồi, trước hết mình sẽ ghé lại đám Út Con...

 

Út Con và bạn bè xúm quanh cái bàn thấp kiểu ở quán nhậu bình dân. Trên mặt bàn là dĩa gà bóp gỏi khá lớn, một bình rượu đế ba lít, một chai áp xanh, lại có cả một chai rượu ngoại hiệu Black White. Bốn người ngồi quanh đều ở tuổi thanh niên, một cậu có bộ mặt non nhất, ước chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Thấy Hai Lóc và tôi, cả bốn nhao nhao lên :

- Mời chú Hai hùn với tụi con một ly!

 

Hai Lóc giới thiệu tôi :

- Đây là thầy Năm, ông thầy của tao!

- Chào thầy Năm. Mời thầy Năm một ly!

 

Cậu trai trẻ nhất đi tới bên một gốc cây, đem về hai cái ghế cóc cho khách. Hai Lóc gật gù:

- Mày khá đó Tuấn. Chừng nào lấy vợ, tới tao, tao cho một toa "tăng cường hạnh phúc" miễn phí nghe chưa!

 

Út Con bưng ly rượu, nói năng trịnh trọng:

- Thưa thầy Năm, thưa chú Hai. Đêm Hội này, bốn anh em tụi con quyết định quắc cần câu tại chỗ này. Con xin giới thiệu với thầy Năm. Thằng này là Hà sún, sửa xe đạp. Thằng này là Long điện, chuyên sạc bình ắc quy. Còn thằng này là Tuấn còm, học lớp mười trường huyện. Con là Út Con, dân xe thồ. Ngày thường, tụi con lớp lo mần ăn, lớp lo học hành, ít có dịp ngồi với nhau. Chai rượu ngoại là của con góp. Ngặt tụi con đã hứa với nhau sẽ uống nó sau cùng. Bởi vậy mạn phép thầy Năm, tụi con mời thầy Năm một ly nước mắt quê hương để trọn tình làng nghĩa xóm. Dạ... Kính thầy Năm...

 

Hai Lóc đỡ lời tôi:

- Thầy Năm không uống được rượu. Vậy ly này thầy Năm sẽ nhấp môi rồi tao uống cạn. Tụi bay đồng ý không?

- Dạ! Nhưng chú Hai phải có quà kỷ niệm cho tụi con mới được đó!

- Dễ thôi!

 

Tôi nhận ly rượu, khẽ nhấp môi. Hai Lóc tiếp, uống trót trót điệu nghệ và nhận được tràng pháo tay tán thưởng của đám trẻ. Rồi anh ta đứng lên, sửa soạn máy hình :

- Tao sẽ chụp cho tụi bay một pô hình kỷ niệm với thầy Năm. Sau Hội, mỗi đứa sẽ có một tấm cỡ lớn đàng hoàng. Miễn phí. Nào! Ngồi xích vô coi... Chuẩn bị... Một...Hai...

 

Chụp hình xong, chúng tôi từ giã bàn nhậu của Út Con. Đi một quãng, Hai Lóc hỏi tôi:

- Ông thầy bắt đầu hiểu rồi chớ gì? Tụi Út Con đêm nay làm ma ... men! Tụi nó còn nhỏ, làm ma kiểu đó thì hiền lành thôi...

 

Chúng tôi tới một gốc cây lớn. Ở đây có mấy người lớn tuổi ngồi trên chiếu uống trà, giữa chiếu là cây đèn dầu lớn. Hai Lóc đằng hắng chào, giọng kính trọng:

- Chào thầy giáo Bảy, chào các bác, các chú...

 

Một ông trạc sáu mươi ngoài, vẻ mặt đạo mạo, đeo kính lão, ngước nhìn chúng tôi, gật đầu chào lại nhưng không nói gì. Vẻ như ông không thích sự có mặt của Hai Lóc. Anh ta vẫn trịnh trọng giới thiệu tôi với mấy ông già và ngược lại. Vẫn ông già đeo kính lão thay mặt mọi người đưa bàn tay phải về một chỗ trống trên chiếu mời tôi ngồi. Tôi thấy khó xử vì sự miễn cưỡng của chủ. Tôi thầm trách Hai Lóc nhưng vẫn phải tìm cách thoát khỏi tình trạng này:

- Thưa các bác, tôi chẳng qua vì tò mò nên xin đi dự Hội. Nếu sự có mặt của tôi làm phiền các bác thì tôi xin được kiếu...

 

Lập tức ông già đeo kính nói:

- Quả có phiền đó chú Năm à. Anh em bạn già chúng tôi đây, nói thiệt đừng giận, chúng tôi không thích Hai Lóc...

 

Hai Lóc ngồi xổm, gãi đầu:

- Thầy Bảy làm như con là một đứa xấu xa cần phải xa lánh vậy...

- Thôi đi! Mày!... Con ma xó!

 

Tôi bấm Hai Lóc:

- Nghe lời tôi đi mà! Chào các bác rồi ta đi nơi khác...

 

Hai Lóc còn nán vớt vát một câu nữa mới chịu đi. Tôi thắc mắc khi chúng tôi đã đi một quãng:

- Tại sao mấy ông già đó không thích chú?

- Trước hết, ông thầy nghe em kể về mấy ông già đó đã. Thầy giáo Bảy dạy tiểu học, học trò ở khắp Bưng Roong, nhiều người nay làm lớn, có người làm nghề giáo như thẩy. Thầy Bảy nổi tiếng đạo đức, nói năng cẩn trọng. Ông Hai Hói có thời làm Hương .Ông Sáu Vượng thì đã có cháu gọi bằng cố ngoại. Ông Lâm Lang người gốc Hoa, biết chữ Hán, một lời nói ra là dẫn sách Thánh Hiền...

- Vậy chắc đêm nay họ ngồi đàm đạo văn chương, đạo đức?

- Ông thầy lầm rồi! - Hai Lóc bật cười - Họ tụ tập với nhau để nói toàn chuyện tục tĩu. Khi nói chuyện họ cũng chửi thề đầu câu không khác gì bọn trẻ thiếu văn hóa...

- Chuyện chú Hai nói tôi khó mà tin được...

- Rồi ông thầy sẽ tin. Họ ghét em vì đã có lần em ghi âm được thầy giáo Bảy kể chuyện ngày xưa đi chơi gái ra sao, ông Lâm Lang thì nói toàn chuyện "hữu mao", "vô mao" của đờn bà... Nhưng vỏ quít dày đã có móng tay nhọn. Hồi nãy họ đuổi em đi, họ đâu có ngờ em chỉ kiếm cớ tới gần họ để đặt cái máy ghi âm mở sẵn gần đó. Lát nữa quay lại, em lấy cái máy, ông thầy sẽ được nghe họ nói và ông thầy sẽ tin!

- Nhưng, chú ghi âm họ để làm gì?

- Ông thầy chưa đoán ra sao? Họ rất sợ những gì họ nói trong đêm làm ma này được mọi người nghe vào những ngày thường! Nhưng họ muốn Hai Lóc này im lặng thì họ phải... biết điều!

- Nghĩa là chú bắt chẹt họ?

- Cũng gần như thế. Nhưng chỉ khi nào em thấy cần thiết...

 

 

Tôi nén tiếng thở dài. Hai Lóc làm ma xó vào những đêm Hội để làm ma cả trong ngày thường... Một lần nữa, tôi thấy bên cạnh mình là một con ma thật sự...

 

Hai Lóc dẫn tôi đi tiếp. Rừng đêm đầy bí hiểm. Tôi nhìn và nghe thêm nhiều việc, nhiều chuyện trong cái màn bí mật đó. Một nhóm đánh bài đang ngồi sát phạt gay cấn. Lại có một nhóm đua tài làm thơ, tiếc là thơ con cóc nhưng cũng đủ cả thí sinh, giám khảo. Trong bóng tối, một người đàn bà nào đó đứng kể lể, chửi rủa chồng đã húng hiếp mình, coi mình như con ở. Cũng trong bóng tối, những cặp nam nữ ngồi tình tự...

 

Hai Lóc chợt ra dấu cho tôi tắt đèn pin. Anh ta đi rón rén khiến tôi cũng phải bắt chước để tránh gây tiếng động. Đi thêm một quãng về phía mấy gốc cây đan xen nhau thì tôi hiểu Hai Lóc sắp làm gì. Phía bên kia là một đôi nam nữ đang làm chuyện vợ chồng mà tôi biết chắc họ không phải vợ chồng. Hai Lóc bò như một con mèo. Tôi ngồi lại vừa nguyền rủa anh ta vừa bực bội chờ đợi. Chợt ánh đèn Flash lóe lên cùng với hai tiếng kêu hốt hoảng của đôi tình nhân. Ánh đèn thứ hai tiếp tục sáng lòa trong đêm. Kế đó là tiếng Hai Lóc, giọng đểu cáng: "Xin lỗi!"

 

Anh ta nắm tay tôi kéo đi nơi khác.

- Tại sao chú Hai lại làm như vậy?

- Em muốn họ chuộc tấm phim!

- Chưa bao giờ tôi nghĩ tới điều đó...

- Chẳng qua vì ông thầy nhân hậu quá! Ông thầy còn nhớ bộ ván gõ nhà em không? Em có nói em có nó chỉ nhờ một tấm phim. Cách nay ba mùa Hội, em tình cờ chụp được cảnh mùi mẫn của một cặp mà khi rửa hình ra, trong ba kiểu có một kiểu thấy rõ đó là "sếp" kiểm lâm và phu nhơn một vị chức sắc ở Bưng Roong! "Sếp" có bộ ván gõ và "sếp" đã đổi lấy tấm phim của em...

 

Hai Lóc quá ma! Người ta đi làm ma ba đêm Hội, anh ta làm ma của ma, làm ma cả ngày thường! Tôi không dằn được:

- Tôi nói điều này chú đừng buồn... Quả tình tôi không chịu được hành động của chú...

 

Hai Lóc cười:

- Em biết thế nào ông thầy cũng nói với em như vậy. Nhưng em có lý của em. Người ta đi Hội để làm ma công khai, chớ trong đời, thiếu gì người tiếp tục làm ma lén lút. Em làm ma xó, làm ma tống tiền, bắt chẹt người ta cũng chỉ là loại ma tép riu, thấm tháp gì! Em tiếc là chưa lần nào làm ma được với một con ma cỡ bự! Vạch mặt được bọn giấu mặt mới thiệt là sướng...

Tôi lắc đầu, không thông với lý của Hai Lóc. Rồi tôi đòi về. Hai Lóc nài tôi đi tiếp không được đành nói:

- Thôi, em đưa ông thầy về vậy! Tiếc quá! Những pha hấp dẫn nhất lại thường xảy ra vào khoảng nửa đêm về sáng...

 

Trên đường về, Hai Lóc không ngớt giải thích, phân bua với tôi về hành động của anh ta. Tôi chỉ im lặng. Tới bìa rừng, tôi nói:

- Tới đây, chú để tôi về một mình được rồi. Đưa chìa khóa cửa cho tôi rồi chú quay trở lại với những con ma và những pha hấp dẫn của chú...

 

Hai Lóc lắc đầu:

- Em sẽ về cùng ông thầy. Em tức quá mà! Em sẽ thức trắng đêm nay để nói sao cho ông thầy thông cảm mới chịu...

 

Tôi nhún vai. Tôi vẫn có cảm nghĩ mình đang đi cạnh một con ma! Đường lộ vắng vẻ. Trời tối thui. Mặc dù vậy, từ xa tôi vẫn nhận ra bóng cây me trước sân nhà Hai Lóc. Chúng tôi đi trong im lặng. Chúng tôi lọt vào dưới vòm me.

 

Chợt, tôi nghe trong nhà Hai Lóc có tiếng cười khúc khích. Tôi không lầm, đó là tiếng cười của Trang. Cô ta rủ bạn tới nhà chơi bài? Nhưng sao không mở đèn phòng khách?

 

Hai Lóc cũng đã nghe những gì tôi nghe, có điều, anh ta nghĩ được điều gì đó mà tôi chưa nghĩ ra. Anh ta bỏ cái túi đựng đồ nghề, máy hình và cả cái máy ghi âm đã lấy lại chỗ thầy giáo Bảy, rồi lần tìm chìa khóa cửa. Cửa mở, Hai Lóc ào vào nhà như một cơn gió. Tôi theo anh ta bén gót. Hai Lóc dạt tấm mành ni lông nơi phòng ngủ, mở công tắc đèn. Phòng sáng trưng!

 

Tôi sững sờ. Trên chiếc giường nệm mút thời trang của vợ chồng Hai Lóc, Trang đang vơ vội cái mền để che đậy tấm thân lõa lồ của cô ta. Gã đàn ông đang lấy gối che phần xấu nhất của A Đam là Tư Sâm!

 

Hai Lóc đứng như trời trồng một giây, rồi anh ta bứt tóc, rít lên:

- Đồ đĩ!

Tôi nghe rất rõ lời Hai Lóc. Đó không phải tiếng một con ma. Đó là tiếng một con người đau khổ!./.

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2401
Ngày đăng: 29.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm làng Trọng Nhân - Sương Nguyệt Minh
Café Đắng - Trang Thanh Trúc
Có những mùa trăng - Mang Viên Long
Chữ ký - Phùng Văn Khai
Chuyện xảy ra trong một giờ - Kate Chopin
Mảnh vườn tạp - Nguyễn An Cư
Lão Hạp - Huỳnh Văn Úc
Truyện ngắn ngắn – 20 - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn ông có đeo bảng số ở cổ chân - Nguyễn Đông Phương
Ngôi nhà chữ đinh - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)