1.Trên bàn rượu người ta bàn gì nhỉ? Ừ thì nhiều nhất vẫn là chuyện cơ quan-những chuyện mà người ta không thể, hay không dám nói trong không gian của một cuộc họp. Này nhé “Mụ X. cứ tâng bốc Sếp L. trong đại hội công nhân viên chức, đàn bà đàn bẻ gì mà mới ngoài 40 da mặt đã nhăn xọm, gò má xệ đi thấy rõ; vậy mà còn dám xài chanel 3 thơm phưng phức cái mùi như muốn mời đàn ông lên giường. Lão T. cuộc họp nào cũng xoen xoét mồm về dân chủ trong cơ quan, nhưng trong tổ do mình quản lý thì anh em cứ mà chết với cái thói gia trưởng của lão. Thằng A. dạo này hay gặp riêng Sếp để ton hót chuyện mấy anh em trong phòng tài vụ “tham ô” mấy ly cà phê sữa đá mà Sếp H. vừa về hưu chiêu đãi…”. Đi cạnh những câu chuyện loại này là những tiếng thì thào đầy âm mưu rằng sẽ “lật đổ” một ai đó trong quý tới, hoặc với kế hoạch chiều mai họp chúng ta sẽ “phê” anh nọ một trận tới bến, để làm tiền đề bứng anh ta ra khỏi chức vụ hiện tại. Ôi! Những âm mưu bên bàn nhậu! Kế đến là chuyện…mỹ nữ trong và ngoài cơ quan; dĩ nhiên không thiếu những lời khen chê-đàng hoàng có, tục tĩu có, kể cả những bình loạn kiểu “không say không ai dám nói”. Và kèm theo đó là những tin đồn bí mật nhưng hết sức cay độc về cuộc sống riêng tư của em C., em D. với ông A., ông B. trong cơ quan, đi cùng là một vài chứng cứ y như thật khiến ai nghe cũng bán tín, bán nghi.
Chính trị gần như được xếp “chiếu dưới” trong các cuộc nhậu, hình như hết đề tài, người ta mới đụng đến nó; và…trời ạ, nghe họ tán chuyện cứ y như nghe…Bộ Chính trị họp-nghĩa là bàn toàn chuyện “thiên đình” kèm theo các “sắp xếp nhân sự” với nhiều lý do rất ư là…tổ chức! Cuối cùng mới là những chuyện “lặt vặt” như vợ con, đi nhậu về khuya tối hôm kia bị vợ cằn nhằn quá, cái ống nước trước nhà bị nghẹt, thằng nhỏ đi học đóng tiền trường tháng này cao quá… Nghĩa là vô thiên lủng những chuyện chẳng ra đâu vào đâu, mục đích cũng chẳng có gì rõ ràng…nhưng chiều chiều, những chuyện loại này vẫn xuất hiện ở các quán nhậu. Hay là một “món nhắm” đặc biệt chăng, mà nếu thiếu nó, người ta không thể nhậu được?
Trà dư, tửu hậu ấy à? Thật khó mà tưởng tượng ra trong bộn bề các câu chuyện ấy có bao nhiêu phần trăm lợi ích thực sự cho những người đang ngồi cầm ly nhâm nhi. Cứ thử hình dung những bình loạn cực kỳ…sai (say) ấy sau cuộc nhậu sẽ lọt vào tai của ai đó lỡ là nhân vật trung tâm của bàn nhậu, thì hệ quả sẽ ra sao nhỉ? Yên tâm đi. Không ai chịu trách nhiệm cả, vì khi ấy người ta biện minh rằng mình nói trong bàn nhậu mà!?Và thật tàn nhẫn khi “nhân vật” không hề biết rằng mình đã bị đem ra mổ xẻ trong bàn nhậu, rồi những chuyện sai lệch ấy cứ như con rắn có chân len lỏi khắp nơi, cắn xé không thương tiếc danh dự của người khác, mà người ấy sẽ không bao giờ có cơ hội thanh minh (nếu người này không phải là tín đồ của ve chai giáo). Tôi cũng đã từng là nạn nhân của trà dư tửu hậu khi một người bạn nhậu-vì vài chai bia người khác mời- đã thản nhiên “bán” lý lịch và những sinh hoạt đời thường tôi ra làm mồi nhậu-như một món nhắm tinh thần, để đưa cay thêm phần ý vị. Tàn nhẫn đấy. Nhưng biết làm sao được. Trà dư tửu hậu không chừa bất kỳ ai ra cả. Thế đấy!
2.Hiếm khi trong các câu chuyện nồi chõ ấy, tôi nghe được lời cảm thán nào về vài người bạn nhậu-chiến hữu-đã mất hay đang nằm viện trong tình trạng thập tử nhất sinh; những băn khoăn, lo lắng, hay chia sẻ về chuyện vợ con, người thân của những người bạn ấy sẽ sống, đang sống ra sao khi mất họ. Sự tàn nhẫn của bàn nhậu còn thể hiện ở chỗ còn xuất hiện (trong các bàn nhậu, hic!), và nếu như bạn không còn ở đó, các bạn nhậu sẽ nhanh chóng quên bạn ngay, hay thậm chí còn…đem cuộc sống riêng tư của bạn ra…nhậu một cách không thương tiếc.
Bạn sẽ gặp những người rất hào hiệp, sẵn sàng…hứa giúp bạn giải quyết một số khó khăn mà bạn vô tình gặp phải trong cuộc sống. Tâm đầu, ý hợp, bạn và người bạn nhậu ấy sẽ uống “không say, không về”như là để kỷ niệm cho dịp may gặp gỡ. Tưng bừng và tưng bừng. Để rồi sáng hôm sau, hôm sau rồi hôm sau và cả…tuần lễ sau nữa, sự hào hiệp ấy rơi vào lãng quên, nếu bạn có nhắc, bạn sẽ nhận được những câu trả lời cho qua chuyện. Trà dư tửu hậu là vậy đó.
Rồi một lần nào đó, bạn cũng sẽ vô tình lọt vào vòng xoáy của vài cuộc tranh luận vô bổ, đại loại như: giữa bia Sài Gòn đỏ và Heneiken chênh lệch nhau bao nhiêu độ? Tổng thống Pháp Sacozy có mấy đời vợ?...Những chuyện mà nếu “tranh luận tới cùng” để phân thắng bại (có khi hào hứng đến mức cá độ hẳn 1 thùng bia, để cho bạn bè ngồi chung bàn có cớ “ăn theo”), thì kết quả của nó cũng “chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới”; vậy nhưng các bạn nhậu ngồi cùng bàn đang “tình thương mến thương” ấy rất sẵn sàng đỏ mặt tía tai, phùng mang trợn mắt để giành phần đúng về mình, có khi còn kết thúc cuộc tranh luận bằng một màn “tỉ thí võ công”, rồi thề độc rằng: “Không bao giờ ta uống rượu với thằng đó nữa!”; và đùng đùng đứng dậy bỏ về, để lại sau lưng bao ánh mắt cảm thán của dân nhậu đang ngồi những bàn xung quanh. Yên tâm đi, sẽ chẳng có cuộc chia tay màu đỏ nào hết; vì sáng hôm sau, khi tỉnh rượu, có khi người ta chẳng còn nhớ hôm qua mình đã nói gì, làm gì; thậm chí còn bóc điện thoại cười tênh hênh: “Ê, sorry nhé, bữa qua say quá, trưa nay gặp nhau…tạ lỗi chút nhé!”. Và thế là trưa hôm đó, người ta lại thấy họ ngồi lai rai cùng nhau như chẳng có chuyện gì xảy ra hôm qua. Thế đấy, trà dư, tửu hậu mà!
3. Bạn nhậu (khác với khái niệm “bạn”, vì bạn nhậu còn có thêm vĩ từ “nhậu” đi kèm) thường không như những người tình “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, mà bạn nhậu chỉ bỏ ta đi khi ta…hết tiền. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy những hôm khi bạn xùy tiền ra mời các bạn nhậu, cuộc nhậu sẽ rất vui, có những người chẳng mấy thân, nhưng bạn sẽ nghe được từ họ những lời có cánh, khen hết lời về “tài năng” và vài đức tính tốt mà bạn chưa bao giờ có. Ngược lại, nếu là những cuộc nhậu “Hợp tác xã”, đôi khi bạn bắt gặp những lời phán đoán ác ý, hoặc không mấy thiện cảm về mình. Thế đấy. Những người bạn có thể thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi sức khỏe bạn; nhưng với những bạn nhậu, có khi sau cuộc nhậu tối qua bạn bị té xe, gãy tay, hay gặp vài chấn thương khác, hôm sau, rồi nhiều hôm sau nữa, khi nhậu, vắng bạn, họ cũng thản nhiên quên hỏi thăm bạn; không phải vì họ ghét bỏ gì bạn, đơn giản là vì họ vô tư thế thôi. Vậy nên, đôi khi nghe vợ bạn nhiếc mắng (khá quen thuộc) rằng: “Đó, sáng mắt ra chưa? Ông bị tai nạn có thấy mặt thằng bạn nhậu nào tới thăm không?” bạn cũng đừng lấy làm phiền lòng, vì bạn nhậu vốn vậy mà!
Bạn nhậu rất vui, thậm chí vui như tết khi những hôm đang… ế độ, vô tình nhận được điện thoại của bạn mời nhậu; nhưng bạn nhậu cũng rất sẵn lòng… phớt lờ bạn nếu cuộc nhậu nào đó có mặt anh B., anh C., những người có chức vụ, có vai vế, mà bạn nhậu của bạn cần làm quen, cần tranh thủ, hoặc tệ hơn là chỉ để “làm sang” thêm cho bạn ấy, khi người ta kháo nhau: “Thằng ấy chơi với ông Q. phó tổng biên tập, thân lắm, nhậu kỳ nào cũng thấy, nó kêu 1 cái là ra!”. Xin bạn đừng chạnh lòng, vì bạn nhậu là thế đấy. Trà dư, tửu hậu mà!
4. Thôi vậy, trà dư, tửu hậu, nói hoài cũng không hết chuyện. Đi nhậu đây!...