Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
948
123.366.873
 
Có một nhà thơ Xứ Nghệ...
Yến Nhi

(Đôi điều về thi sĩ Quỳnh Dao)

 

Trong một cuộc hội thảo về cuốn “Thi nhân Việt Nam” khi nhắc đến Quỳnh Dao , nhà nghiên cứu văn học lão thành Nguyễn Đình Chú có cho rằng “…sự tiếc nuối tăng lên nhiều lần bởi sự thiếu vắng khuôn mặt thi nhân Quỳnh Dao bên cạnh ba nhà thơ cùng quê hương  Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can trong công trình rất sáng giá “Thi nhân VIÊT NAM”- một công trình mà có người đánh giá là cuốn sách của thế kỷ…”   ( Hội thảo 50 năm xuất bản “Thi nhân Việt Nam”- Hà Nội  1992).

 

Tại sao Nguyễn Đình Chú cũng như nhiều người yêu thơ khác khi nói đên Quỳnh Dao  lại có một sự luyến tiếc như vậy?

 

Nhiều trường phái thơ xuất hiện vào khoãng những năm 30-45 thường được biết đên với các tên tuổi đã thành danh : Trường thơ Loạn Bình Định, Nhóm Dạ đài, Nhóm Xuân thu nhã tập … và rất nhiều thi sĩ tuy không thành nhóm nhưng cũng tập hợp một cách không tự giác và thường được nói đến trong một liên danh  như các nhà thơ Xứ Huế , các nhà thơ Lục Tỉnh , các nhà thơ Xứ Nghệ…  Trong “Thi nhân VIÊT NAM” , các ông  Hoài Thanh, Hoài Chân có tuyển chọn và đánh giá cao ba nhà thơ xứ Hồng Lĩnh ( Hà Tĩnh ) là Huy Cận, Xuân Diệu , Thái Can . Hai thi sĩ đầu là hai ngôi sao của làng Thơ Mới ,còn người thứ ba không là “ sao” nhưng cũng thường được biết đến như một tài năng hứa hẹn với nhiều bài ngũ ngôn độc đáo về quê kiểng .  Thực ra còn một nhà thơ khác nữa mà nhiều thi phẩm cũng khá thành công gây nhiều ấn tượng cho độc giả đương thời nhưng thiếu vắng trong  công trình của hai ông , đó là  Quỳnh Dao, một tài thơ trẻ độc đáo.

 

Quỳnh Dao  ( 1918-1947) tên thật là Đinh Nho Diệm quê ở xã Gôi Mỹ , huyện Hương Sơn, một vùng đất nổi tiếng khoa bảng tỉnh Hà Tỉnh. Bố là một nhà nho yêu nước mẹ là một cô gái xứ Huế , con một vị đốc học chuyên trông coi việc giáo dục ở kinh đô.QUỲNH DAO được gia đình nuôi ăn học chu đáo, hứa hẹn một tương lai viên hạnh. Quá khứ từng cho ta thấy nhiều sự kết hợp huyết thống  đẹp đẽ sản sinh nhiều nhân tài như sự kết hợp dòng tộc quê mẹ vùng  Bắc Ninh trữ tình với quê cha vùng Nghi Xuân kiêu dũng đã  sản sinh một thi hào lớn là Tố Như, gần hơn  dòng màu ông đồ nho cần mẫn xứ Nghệ hòa hợp dòng máu ngừời phụ nữ hiền thục Qui Nhơn  cho ta một Xuân Diệu  lừng danh . Có thể chăng sự hòa hợp dòng máu Hương Sơn nghĩa khí, thông minh với xứ Huế  mộng mơ sẽ nuôi dưỡng một hồn thơ thành nổi tiếng nếu số phận không mang ông về thế giới bên kia quá sớm ?  Bút danh Quỳnh Dao  phần nào nói lên hoài bão của chàng thi sĩ trẻ.

 

Nhà thơ mang dòng máu hai miền nhưng sống nhiều ở cố đô, và mảnh đất xứ Huế nuôi dưỡng trong ông nhiều tình cảm sâu đậm mà sau này ông mang vào trong các thi phẩm của mình.Chỉ trong khoãng 1938-1941 , chàng thi sĩ tuổi vừa đôi mươi đã cho ra mắt bạn đọc các tập thơ “Tơ trắng” , “Dưới cầu Giang Tô”,và rất nhiều bài thơ lẻ khác đăng trên các báo rất được bạn trẻ ưa chuộng như Tiếng chuông chiều, Bài thơ Huế, Mối duyên hải hồ, Cả một buổi chiều , Hơi sương…Ngoài thơ tình ông còn viết một số bài thơ thế sự khác như Vịnh quan về hưu, Lính Tây mộ, Thăm cụ Phan Sào Nam… và một số truyện ký. Không phải bổng nhiên mà Lê Tràng Kiều một cây bút khá nổi đương thời, nguyên  chủ bút  “Tiểu thuyêt thứ năm”, đã không quên tên ông khi nhắc đến các thi sĩ tài danh một thời  như Anh Thơ, Thanh Tịnh, Yến Lan Phạm Huy Thông, Lưu trọng Lư … : “ Những vần mơ màng của Quỳnh Dao, nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần trong sáng của Đổ Huy Nhiệm, những vần diểm ảo của Thanh Tịnh, những vần thành thực ,tha thiết của Lê Anh Xuyên,  những vần đầy mộng ảo và âm nhạc của  Yến Lan,  và những vần đặc biệt của TCHYA, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư…”

 

Thế tại sao ông không vào được cặp mắt xanh của các tác giả “Thi nhân VIÊT NAM” để rồi sau đó tên tuổi  chìm dần theo thời gian tạo một luyến tiếc cho đời sau? Phải chăng vì khi hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân xuất bản THI NHÂN VIÊT NAM trong tay chưa có nhiều thi phẩm của Quỳnh Dao ,hay nghệ thuật thơ ông không hợp “gu” hai tác giả ? Hoặc giả các vị thấy miệt Hồng Lĩnh có quá nhiều thi nhân trong tập sảch nên không muốn đưa thêm vào một tên tuổi còn quá mới! Chỉ có thể nghĩ rằng có lẽ so với các tác giả nổi tiếng đương thời,Quỳnh Dao chưa có các bài “đỉnh” gây ấn tượng mạnh cho các ông như kiểu Tiếng thu - Lưu Trọng Lư, Bức tranh quê- Anh Thơ, Làng tôi- Tế Hanh, Ông đồ - Vũ Đình Liên, Hổ nhớ rừng -Thế Lữ…

 

Một điều an ủi  là dẫu không có tên trong THI NHÂNVIÊT NAM xuất bản năm 1942 nhưng trước đó và mãi sau này  thơ ông vẩn được nhiều người mến mộ trong đó có những tác giả đã nổi tiếng. Nữ sĩ Anh Thơ trong hồi ký của mình đã viết về Quỳnh Dao  với những dòng cảm phục : “ Tôi thật sự kính phục anh về nhân cách và lòng tận tụy với văn học nghệ thuật, cảm mến anh về thái độ chân thành, cởi mở và tế nhị với đồng sự và bạn bè”.( Nhiều tác giả - Văn phẩm Quỳnh Dao - NXB Thanh Niên Hà Nội 1992).

 

Cũng như các nhà thơ đồng trang lứa lúc bấy giờ ,thơ của họ là tiếng nói của lòng ham sống một cuộc sống trong sạch không chạy theo những cám dỗ vật chất mà xã hội đương thời đang giăng bẩy,  đang muốn lôi kéo thanh niên đi vào. Đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân thấy mình có trí tuệ, có nhân cách , có quyền vui sống . Với họ vũ trụ, đất trời, thiên nhiên rất tươi  đẹp , đẹp ở sự tươi nguyên mới mẻ, trẻ trung : “Sớm hôm nay lòng ta như tủ áo, mới tinh khôi là lượt xếp từng đôi”. ( Huy Cận ).Cuộc đời với bao hy vọng đang đón chào.Các thi phẩm của Quỳnh Dao  tô đậm  thêm cái sự  mơ mộng ham sống , dồi dào tình yêu với cái đẹp, những câu thơ vừa giàu chất tạo hình vừa thẩm đẩm những cảm xúc  tuơi mát hồn nhiên, bây giờ đọc lại ta vẫn không khỏi xúc động :

 

Cả một chiều say trào cát bụi/  Lá vàng bay liệng mãi trong sân

Trời ơi làn gió vô duyên lạ/  Thiếu nữ hai tay giữ lấy quần .

 

(Vài ba con hạc về tiên động / Lộ cái thân ngà ngược gió  mưa)

Những nét điên cuồng trên áo lụa/Đương đòi cắt nghĩa ý da tơ.

 

Nước mưa như luyến mùi son phấn /  Chưa ráo thêm duyên cặp má hường

Ta tưởng hồn đi trên xứ lạ  /   Hàng ngàn ý nghĩ lạc trong hương.

( Tơ trắng - 1939)

 

Chàng thanh niên 21 tuổi với những cảm xúc chân thực của mình  khi ngắm những cô  nữ sinh trường Đồng Khánh đi học về gặp mưa ướt như  “hạc”.. Thơ chân thành dể hiểu  , lay động người đọc vì cải cảm xúc chân thành hồn nhiên hơi nhục thể nhưng vẫn trắng trong ! Cảnh và người xứ Huế hiện lên trong  các thi phẩm Quỳnh Dao quả thật rất thơ , rất mộng, con mắt chàng thi sĩ đa tình đã phát hiện nét đẹp riêng của các cô gái Huế quí phái ,tươi vui mà dân giã lại rất gần gũi với thiên nhiên sông nước: “ Một hàng  tôn nữ cười trong nón / Sông mở lòng ra đón bóng yêu.”

 

Hình ảnh thiên nhiên trong thơ ông gần gũi, toả lan  chầm chậm đi vào hồn ta như một tình cảm quen thuộc muôn thuở, khơi gợi ở ta tình quê hương đất nước mặn nồng.Đó là một thiên nhiên không có cái sự ồn ào cuồng nhiệt như ở Xuân Diệu, cổ kính như Huy Cận , hoang dã như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư mà tĩnh lặng, mơ màng  giống như một bức tranh thuỷ mạc, rất gần với Anh Thơ :

 

Sương bay vô số gội lên cành

Mặt lá thêm buồn nhợt nhạt xanh

Ứa lệ hoa tàn run lẩy bẩy

Rồi triềng xuống cỏ cỏ làm thinh

(Hơi Sương -Tơ trắng )

 

Và cái ngôn ngữ mà tác giả xử dụng thật tươi mát,thật trẻ trung: “Trời ơi làn gió vô duyên lạ/  Thiếu nữ hai tay giữ lấy quần” . hay  “Sương bay vô số gội lên cành….Rồi triềng xuống cỏ cỏ làm thinh” Nó trẻ trung và hồn nhiên như chính tuổi Xuân của tác giả!Với một ngôn ngữ thơ như vậy sẽ có người với thói quen thẩm thơ cũ cho là thô mộc, sống sít, nhưng với những con mắt khai sáng thấu thị ưa nhìn về tương lai sẽ cảm nhận được cái gì đó mới mẻ mà thi ca dần đến.

 

Bên cạnh những bài thơ về tình yêu và tuổi trẻ ,Quỳnh Dao  cũng có nhiều vần thơ thông cảm với số phận những người  lam lũ ,những mảnh đời cay cực, trong  thời buổi tao loạn: Cầu Giang Tô với Bích dương/ Ngói tan  gạch nát con đường rêu xanh  ( Duới cầu Giang Tô).  Sau này , với sự nhạy bén với thời cuộc ông  đã có nhiều bài viết kín đáo lên án bọn cai trị, bày tỏ lòng mến mộ những nhà ái quốc ( Lính Tây mộ, Thăm Phan Sào Nam) , hướng về một đổi thay xã hội .Nhiều bài báo in trên  tạp chí Đông Tây (1940 -1945) đã bị Sở liêm phóng theo dõi  cho đến khi tòa báo này bị đóng cửa.

 

Cách mạng thành công ông tham gia  hồ hởi  vào các Nhóm công tác tuyên truyền Trung bộ và phụ trách Đoàn kịch quần chúng địa phương  cho đến khi mất 1947 ( 29 Tuổi ).

 

Quỳnh Dao cũng như nhiều thanh niên trí thức tân học thời bấy giờ đã đến với Cách mạng từ lòng yêu văn chương, yêu cái đẹp. Cuộc sống ngắn ngủi nhưng “tiếng thơm” còn mãi với thời gian. Dẫu người đọc có kẻ nhớ , người quên nhưng  chắc rằng trên con đường lưu lạc văn chương sẽ có những người bạn đồng hành gọi tên anh với một niềm yêu mến!

 

Ghi chú :

Các câu thơ trích dẫn lấy ở  Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX - Sở VHTT, Hội VHNTHà  Tỉnh xb 2000

Yến Nhi
Số lần đọc: 3810
Ngày đăng: 31.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Ngân Giang :Trưng Nữ Vương - Khổng Ðức
Nhận diện truyện ngắn "Vàng lửa" qua yếu tố văn hóa - Đặng Văn Sinh
Những đối lập gay gắt trong "đất không giấu mặt" (1) - Lê Quang Trang
Một bài báo bóp méo sự thật và vu cáo - Nhiều Tác Giả
Đối thoại với các linh hồn. - Ban Mai
Người gọi những giấc mơ - Lê Huỳnh Lâm
Yêu ở tuổi chín mươi - Khuất Đẩu
Bình luận mỹ học :cũ và mới. - Yến Nhi
Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc - Nguyễn Hưng Quốc
Sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác - Đặng Văn Sinh
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)