Flannery O’Connor (1925-1964) nhà văn Mỹ. Hiếu Tân dịch
Bà nội không muốn đi Florida. Bà muốn đi thăm một vài người quen ở đông Tennessee, và bà tận dụng mọi cơ hội làm thay đổi quyết định của Bailey. Bailey là người con mà bà đang ở cùng, là con trai duy nhất của bà. Anh đang ngồi trên mép ghế cạnh bàn cúi xuống đọc mục thể thao màu cam trong tờ Journal. “Này nhìn đây, Bailey” bà nói “Trông đây, đọc cái này đi” và bà đứng một tay chống nạnh một tay khua loạt soạt tờ báo bên cạnh chiếc trán hói của anh. “Đây, một gã tự xưng là “Misfit” vừa trốn thoát khỏi Nhà Tù Liên Bang, và đang thẳng hướng sang Florida, con nhìn đây, xem nó nói nó đã làm gì mọi người. Cứ đọc đi. Tôi chẳng ngu gì đưa con cái tôi đi cùng hướng với một tên tội phạm vừa vượt ngục. Tôi không thể trả lời lương tâm tôi nếu tôi làm thế”
Bailey chẳng buồn ngẩng lên khỏi bài báo anh đang đọc, nên bà hướng sang mẹ bọn trẻ, một thiếu phụ trễ nải, có khuôn mặt to tròn ngây thơ như một chiếc bắp cải, lại quấn một chiếc khăn xanh có hai nút trên đầu trông như đôi tai thỏ. Chị đang ngồi trên ghế sofa, xúc mứt mơ từ trong chiếc hũ bón cho đứa bé. “Bọn trẻ đã được đến Florida rồi” Bà cụ nói. “Các con phải cho chúng nó đến một vùng nào khác để thay đổi, sao cho chúng nó được thấy những vùng đất mới và được mở rộng tầm mắt. Chúng nó chưa bao giờ được thấy miền đông Tennessee”
Mẹ bọn trẻ dường như chẳng nghe bà, nhưng thằng bé tám tuổi, John Wesley, chắc mập và đeo kính, nói “Nếu bà không muốn đi Florida, sao bà không ở nhà đi?” Nó với con em June Star đang ngồi trên nền nhà đọc truyện tranh.
“Có cho bà làm bà chúa trong một ngày bà cũng không chịu ở nhà đâu” June Star nói mà không ngẩng mái đầu vàng hoe của nó lên.
“Được nhưng nếu ngộ nhỡ thằng Misfit này tóm được cháu thì sao nào? ”
“Thì cháu tát vào mặt nó” John Wesley nói.
“Có cho bà một triệu đồng bây giờ bà cũng chẳng chịu ở nhà đâu”. June Star nói “Bà sợ thiệt đấy mà. Bà cứ phải đi bất cứ nơi nào chúng ta đi”
“Được nhé, tiểu thư.” Bà nội nói. “Cứ nhớ lấy lần sau cô đừng có mà nhờ tôi uốn tóc cho”
June Star nói tóc nó quăn tự nhiên.
Sáng hôm sau bà nội là người đầu tiên lên xe, sẵn sàng xuất phát. Bà để chiếc va li đen to đùng của bà trông như đầu con hà mã vào một góc, bên dưới nó bà dấu một cái giỏ chứa Pitty Sing, con mèo yêu của bà. Bà không muốn để con mèo phải trơ trọi một mình ở nhà những ba ngày bởi vì bà sẽ nhớ nó lắm, bà lại sợ biết đâu nhỡ nó chạm phải cái bếp ga thành ra nghẹt thở. Con trai bà, Bailey, thì không muốn khi đến khách sạn lại có mang theo con mèo.
Bà ngồi ở giữa băng sau với John Wesley và June Star ngồi hai bên bà. Bailey với mẹ bọn trẻ và bé út mới sanh ngồi băng trước, và họ rời Atlanta lúc tám giờ bốn lăm, trên đồng hồ tốc độ số dặm đã đi là 55890. Bà nội ghi lại con số này vì bà nghĩ sẽ thật thú vị khi về đến nhà biết được đã qua bao dặm đường. Mất hai mươi phút mới ra đến con đường vành đai thành phố.
Khi đã ngồi yên vị thoải mái, bà cụ tháo đôi găng tay bằng vải bông trắng và đặt nó cùng với chiếc xắc tay lên cái giá nhỏ ở trước băng ghế sau. Mẹ lũ trẻ vẫn mặc bộ đồ thường ngày, đầu vẫn chít chiếc khăn xanh lá cây, nhưng bà nội đội chiếc mũ lính thủy màu xanh dương trên vành có đính một chùm hoa violet, bà mặc bộ áo váy màu xanh nước biển có in những chấm trắng nhỏ, cổ áo và tay áo bằng vải phin organdie trắng viền đăng ten, trên đường viền cổ áo bà ghim một chùm hoa violet bằng vải có cả một chiếc túi nhỏ ướp nước hoa. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, bất kỳ ai nhìn thấy bà chết trên đường cũng sẽ biết ngay đây là một bà già quý phái.
Bà bảo bà nghĩ rằng hôm nay thật là một ngày đẹp trời không nóng quá không lạnh quá, và bà cảnh báo Bailey rằng tốc độ giới hạn là năm mươi lăm dặm một giờ và rằng bọn tuần cảnh hay nấp sau các bảng thông báo và các bụi cây và đuổi theo anh trước khi anh kịp giảm tốc. Bà chỉ ra những chi tiết thú vị của cảnh vật: dãy Núi Đá, những giải granit màu xanh ở nhiều đoạn chạy ra sát tới hai bên đường cao tốc, những bờ đất sét đỏ rực lướt qua thành những vệt màu tía, nhiều loại hoa màu mọc thành những giải xanh mướt trên đồng đất. Cây cối tràn ngập ánh nắng trắng như bạc, những lùm cây thấp cũng lung linh. Hai đứa trẻ chúi mũi đọc truyện tranh, mẹ chúng tiếp tục ngủ.
“Ba ơi chạy nhanh nhanh qua Georgia để khỏi phải nhìn nó nhiều quá” John Wesley nói.
“Nếu bà ở vào địa vị đứa trẻ như cháu, bà sẽ không nói về đất nước quê hương của mình bằng cái giọng như thế”. Bà nội nói. “Tennessee có nhiều núi cao, còn Georgia có nhiều đồi”
“Tennessee là vùng đồi lè tè khỉ ho cò gáy, còn Georgia cũng là một bang cà mèng như thế”
“Anh nói thế” June Star nói.
“Vào thời của bà” bà nội gập những ngón tay gày guộc đầy gân xanh, nói “Trẻ con kính trọng đất nước quê hương của chúng, kính trọng cha mẹ chúng và nhiều thứ khác. Hồi ấy người ta sống đúng đắn hơn bây giờ. Ô, nhìn kia thằng bé tí con ngộ chưa kìa!” Bà nói và chỉ tay ra một thằng bé da đen đứng trước cửa một cái lều. “Trông đã giống một bức tranh chưa?” Bà hỏi và mọi người ngoảnh ra nhìn thằng bé da đen qua cửa kính sau. Nó vẫy tay.
“Nó chẳng mặc quần gì cả” June Star nói.
“Có lẽ nó chẳng có cái quần nào” Bà nội giải thích. “Trẻ con da đen ở nông thôn không có đồ dùng như chúng ta đâu. Nếu bà biết vẽ, bà đã vẽ bức tranh này” Bà nói.
Hai đứa đổi truyện tranh cho nhau.
Bà nội đưa tay muốn bế bé út, và mẹ nó đưa nó cho bà qua lưng ghế. Bà đặt nó lên đầu gối, buộc lại tã cho nó và kể cho nó nghe về những cảnh vật đang lướt qua. Bà đảo mắt, chúm môi và áp sát khuôn mặt da nhăn nheo của bà vào cái má mịn màng của nó. Đôi lúc nó nở nụ cười ngây ngô với bà. Xe chạy qua những cánh đồng bông trong đó có năm sáu ngôi mộ có hàng rào bao quanh, giống như những hòn đảo nhỏ. “Nhìn những ngôi mộ kìa” Bà nội chỉ tay nói “Đó là khu mộ một gia đình của một dòng họ lâu đời. Khu ấy thuộc về đồn điền”
“Thế đồn điền đâu?” John Weyley hỏi.
“Cuốn Theo Chiều Gió” Bà nội nói.
“Ha, ha, ha”
Khi bọn trẻ đọc hết những cuốn truyện tranh chúng mang theo, chúng mở bữa trưa ra ăn. Bà nội ăn bánh mì kẹp bơ và một quả ôliu, và không cho bọn trẻ quẳng rác ra ngoài cửa sổ. Khi không còn việc gì để làm chúng chơi trò chơi bằng cách chọn đám mây và bảo đứa kia đoán xem nó giống cái gì. John Weyley chỉ đám mây hình con bò và June Star bảo nó giống con bò, John Weyley bảo không, đó là cái ô tô, và June Star nói anh chơi ăn gian, rồi chúng bắt đầu phát nhau qua người bà nội.
Bà nội bảo bà sẽ kể chuyện nếu chúng chịu yên lặng. Khi bà kể chuyện bà đảo mắt, lắc đầu trông rất kịch. Bà bảo khi bà còn là một tiểu thư có ông Edgar Atkins Teagarden từ Jasper, Georgia theo đuổi. Ông ấy rất đẹp trai và lịch sự, và mỗi chủ nhật ông ấy lại mang đến cho bà một quả dưa hấu có khắc ba chữ cái tên ông ấy là E.A.T. Ờ, rồi một chủ nhật ông ấy mang dưa hấu đến nhưng không có ai ở nhà nên ông ấy để nó ở cổng rồi lên chiếc xe độc mã trở về Jasper. Nhưng bà không bao giờ nhận được quả dưa ấy, bởi vì có một thằng bé da đen khi trông thấy chữ EAT (ăn) trên quả dưa đã ăn nó. Câu chuyện đã cù đúng chỗ John Wesley nên cu cậu cười lăn cười lộn nhưng June Star thấy nó chẳng hay tí nào. Nó nói nó không bao giờ lấy một người mà chủ nhật chỉ mang đến cho nó một quả dưa hấu. Bà nội nói nếu bà lấy ông Teagarden thì quá tốt vì ông ấy là một người rất lịch sự và đã mua cổ phiếu Coca Cola ngay khi nó vừa ra, và ông mới chết cách đây mấy năm, và rất giàu có.
Họ dừng lại ở quán Tower để ăn bánh kẹp thịt quay.
Tower là một trạm đổ xăng nửa tường xây nửa lát gỗ và một phòng nhảy, nằm ở khoảng đất trống ngoại ô Timothy. Chủ quán là một người tên là Red Sammy Butts, và khắp nơi trên tường nhà cũng như nhiều dặm ngược xuôi đường cao tốc có dán biển hiệu ghi: HÃY NẾM THỬ THỊT QUAY NỔI TIẾNG CỦA RED SAMMY! KHÔNG ĐÂU NGON BẰNG RED SAMMY NỔI TIẾNG! GÃ BÉO CÓ KHUÔN MẶT CƯỜI RẠNG RỠ! MỘT CỰU CHIẾN BINH! RED SAMMY NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA BẠN!
Red Sammy đang nằm trên mặt đất bên ngoài quán Tower, đầu bác ta chui dưới gầm một chiếc xe tải, có một con khỉ lông xám cao độ ba mươi phân được xích vào gốc cây dâu đang líu ríu bên cạnh. Vừa trông thấy lũ trẻ ra khỏi xe và lại gần con khỉ vội vọt lên cây và trèo lên cành cao nhất.
Bên trong, quán Tower là một căn phòng dài và tối, một đầu có quầy bán hàng, đầu kia kê nhiều bàn ghế, và một sàn nhảy ở giữa. Mọi người ngồi quanh một chiếc bàn rộng cạnh một máy chơi nhạc tự động, và vợ Red Sam, một phụ nữ da xẫm màu, tóc và mắt còn sáng hơn màu da, đến để nghe gọi món. Mẹ đám trẻ bỏ một đồng hào vào máy và điệu vanxơ Tennessee vang lên, và bà nội nói nghe nhạc bà lại muốn nhảy. Bà hỏi Bailey có thích nhảy không nhưng anh ta chỉ lườm bà. Anh ta không có khuynh hướng vui vẻ tự nhiên như bà, và chuyến đi làm anh ta nhức đầu. Đôi mắt nâu của bà nội rất sáng. Bà lắc lư cái đầu và ngồi trên ghế giả vờ nhảy. June Star nói nó thích điệu nhạc nào mà nó có thể gõ gót nhảy theo, nên mẹ nó cho thêm một đồng hào khác vào máy và chọn một điệu nhạc nhanh hoạt, và June Star bước ra sàn nhảy điệu nhảy của nó.
“Xinh quá nhỉ” Vợ Red Sam tựa người vào quầy nói. “Cháu có thích ở đây làm con của bác không?”
“Không, chắc chắn là không” June Star trả lời “Có cho ngàn đô tôi cũng chả chịu sống ở một nơi tồi tàn như thế này” và nó chạy về bàn.
“Cô bé xinh thật”, người đàn bà lặp lại, uốn môi một cách lịch sự.
Bà nội xuỵt “Cháu không biết xấu hổ à?”
Red Sam bước vào bảo vợ thôi đừng bám lấy cái quầy nữa mà hãy nhanh tay mang đồ ăn cho khách. Chiếc quần ka ki của bác ta chỉ kéo đến xương hông và bụng bác ta xệ ra ngoài như một chiếc bao bột đung đưa bên dưới áo sơmi. Bác ta bước đến ngồi xuống bàn kế bên rồi buông ra một tiếng thở dài. Chuyển sang giọng kim, bác ta nói “Chẳng biết làm sao được” và lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ bằng chiếc khăn tay màu xám. “Thời buổi này không còn biết tin ai” Bác ta nói “Không đúng sao?”
“Rõ ràng bây giờ người ta không tử tế bằng ngày xưa” bà nội nói.
“Tuần trước có hai gã sơn tràng đến đây” Red Sammy nói “Lái một chiếc Chrysler. Đó là một chiếc xe cũ bên ngoài trông tã nhưng máy còn tốt, và hai tay kia trông cũng được không đến nỗi nào. Nói chúng nó làm ở xưởng máy, bà biết không và tôi đã cho chúng nó chịu tiền xăng. Vậy tại sao tôi lại làm thế?”
“Bởi vì bác là người tốt ” bà nội nói ngay.
“Đúng thưa bà, tôi cho là thế” Red Sam nói như thể bị công kích bởi câu trả lời ấy.
Bà vợ mang thức ăn ra, mang năm đĩa một lúc không cần khay, mỗi bàn tay cầm hai đĩa, một đĩa kẹp giữa hai cánh tay. “Đó không phải là một linh hồn trong cõi Chúa mà ông có thể tin” bác ta nói “Và tôi không đòi hỏi ai chuyện đó, không một ai” bác ta nhìn Red Sam, lặp lại.
“Bác đã đọc tin về gã tội phạm đó chưa, cái gã Misfit trốn tù ấy?” bà nội hỏi.
“Tôi không mảy may ngạc nhiên nếu nó tấn công chỗ này ngay bây giờ” Người đàn bà kia nói “Nếu nó nghe thấy mọi chuyện ở đây, tôi không ngạc nhiên tí tẹo nào nếu trông thấy nó. Nếu nó nghe thấy có hai xu trong két, tôi không ngạc nhiên khi nó…”
“Thôi đủ rồi” Red Sam nói “Ra mang Coca cho các vị đây” người vợ đi ra lấy đồ uống cho khách.
“Bây giờ tìm ra một người tốt khó lắm” Red Sam nói. “Mọi thứ bây giờ càng ngày càng kinh khủng. Tôi cứ nhớ cái thời có thể ra khỏi nhà mà không cần cài cửa. Chẳng bao giờ còn thấy nữa”
Bác ta trò chuyện với bà nội về cái thời tốt đẹp xa xưa. Bà cụ bảo theo ý kiến bà Châu Âu hoàn tòan đáng trách về tất cả tình trạng tồi tệ hiện nay. Bà nói cái cách Châu Âu sử sự cứ như chúng ta vẽ ra được tiền, và Red Sam nói điều ấy chẳng cần phải nói, bà hoàn toàn đúng. Bọn trẻ chạy ra chơi ngoài nắng, và đến xem con khỉ buộc bên cây dâu. Nó đang rối rít bắt bọ chét trên người nó và cắn từng con giữa hai hàm răng, làm như thanh nhã lắm.
Buổi chiều trời nóng nực họ lại tiếp tục lên đường. Bà nội ngủ chập chờn chốc chốc lại thức dậy vì tiếng ngáy của chính mình. Đến bên ngoài Toombsboro bà tỉnh hẳn và nhớ đến một cái đồn điền cũ ở quanh đâu đây mà có lần khi còn là một cô tiểu thư bà đã đến thăm. Bà nói ngôi nhà có sáu hàng cột trắng ở mặt tiền, và có một con đường lớn hai bên trồng sồi dẫn thẳng tới đó, lại có hai hàng dây leo trên dàn gỗ mát rượi mà bà thường cùng với chàng trai cầu hôn bà ngồi nghỉ sau những cuộc dạo chơi trong vườn. Bà nhớ lại chính xác con đường nào rẽ vào đó. Bà biết rằng Bailey chẳng chịu phí chút thì giờ ghé vào xem một ngôi nhà cũ, nhưng càng nói về nó bà lại càng muốn nhìn thấy nó lần nữa để xem hai hàng dây leo có còn đó không. “Trong ngôi nhà đó còn có một cửa hầm bí mật” bà nói giọng láu cá điều bà bịa ra nhưng muốn tin là thật. “Nghe nói toàn bộ của cải vàng bạc nhà đó đều giấu sau cửa ấy, có thời Sherman đã đến nhưng không tìm ra”
“Hê” John Wesley nói “Ghé đó đi ba, chúng ta sẽ tìm thấy kho báu. Chúng ta sẽ thọc vào tất cả những chỗ bằng gỗ và sẽ tìm ra. Ai sống ở đó? Rẽ vào lối nào hở bà? Kìa ba! Rẽ vào đi ba”
“Chúng ta chưa bao giờ thấy một ngôi nhà có cửa hầm bí mật” June Star hét lên “Chúng ta sẽ vào xem ngôi nhà có cửa hầm bí mật! Ba ơi ghé vào ngôi nhà có cửa hầm bí mật đi ba”
“Cũng không xa đây lắm. Tôi biết” Bà nội nói “Chỉ độ hai mươi phút thôi”
Bailey đang nhìn thẳng. Quai hàm anh nhô ra, cứng như một cái móng ngựa. “Không”, anh nói.
Bọn trẻ bắt đầu la hét rằng chúng muốn vào xem ngôi nhà có hầm bí mật. John Wesley đạp thình thịch và lưng ghế trước, còn June Star đu lên vai mẹ nó và nhai nhải rằng nghỉ hè rồi mà chúng chẳng có gì vui, và không bao giờ chúng được làm những thứ mà CHÚNG muốn. Bé út bắt đầu khóc thét và John Wesley đá lưng ghế trước mạnh đến nỗi ba nó thấy như bị đấm vào lưng.
“Được rồi” ba nó quát lên và cho xe dừng lại bên vệ đường. ‘Có im tất cả không. Hai đứa này có câm miệng lại không? Nếu chúng mày không im, thì không có đi đâu cả”
“Cứ phải cho chúng nó một trận như thế” bà nội nói.
“Thôi được” Bailey nói “Đây là lần duy nhất chúng ta dừng lại vì một chuyện như thế này. Một lần và chỉ một lần này thôi”
“Con đường đất mà đáng lẽ con phải rẽ vào cách đây một dặm” Bà nội nói. “Mẹ đã chỉ nó khi chúng ta đi qua”
“Hừ!Con đường đất” Bailey gừ gừ.
Sau khi quay đầu xe chạy về phía con đường đất, bà cụ nhớ lại một chi tiết về ngôi nhà ấy, đó là cửa kính sáng choang ở mặt trước và cây đèn chùm trong đại sảnh. John Wesley nói cửa hầm bí mật có lẽ trên lò sưởi.
“Các con không được vào trong nhà. Mình chưa biết ai sống ở đó” Bailey nói.
“Trong khi ba nói chuyện với họ ở cửa trước, con vòng ra sau và trèo qua cửa sổ” John Wesley đề nghị.
“Tất cả chúng ta ở yên trong xe” Bà mẹ nói.
Xe chạy vào con đường đất cuốn theo lớp bụi đỏ mù mịt đằng sau. Bà nội nhớ lại ngày xưa chưa có đường đá đi ba mươi dặm phải mất cả ngày. Con đường đất đồi có nhiều chỗ lên xuống đột ngột, những cua gấp nguy hiểm. Thình lình họ thấy mình ở trên đồi nhìn xuống xung quanh qua những tán cây xanh ra xa hàng dặm, rồi một phút sau lại ở dưới đoạn đường võng đỏ quạch nhìn lên những tán cây phủ bụi.
“Một phút nữa mà không thấy là tôi quay xe”. Bailey nói.
Con đường trông như thế hàng tháng trời không ai bước chân qua.
“Không còn xa nữa đâu” Bà nội nói, và đúng lúc bà nói, một ý nghĩ khủng khiếp thoáng qua trí óc bà. Ý nghĩ ấy bối rối đến mức mặt bà đỏ ửng lên, mắt bà dãn ra và đôi chân nảy bật lên, làm lật nghiêng chiếc vali trong góc. Chiếc va li đổ làm cho tờ giấy báo bà dùng để đậy chiếc giỏ bên dưới bỗng bay vung lên với một tiếng gừ và Pitty Sing, con mèo, nhảy tót lên vai Bailey.
Bọn trẻ bị quăng xuống sàn, và mẹ chúng, ôm chặt đứa bé, bị ném ra ngoài cửa xe xuống mặt đường, bà cụ bị ném lên băng ghế trước. Chiếc xe bị lật nghiêng sang bên trái xuống một khe sâu bên cạnh đường. Bailey vẫn còn trong xe với con mèo- một con mèo vằn với cái mặt trắng rộng và cái mũi đỏ, bám chặt cổ anh như một con bọ cạp.
Ngay khi vừa thấy tay chân chúng vẫn cử động được, bọn trẻ bò ra khỏi xe, gào lên “Chúng tôi bị TAI NẠN” Bà nội bị cuộn tròn dưới bảng đồng hồ, hy vọng rằng bà bị thương chỗ nào đó để cơn tức giận của Bailey không đổ ngay lên đầu bà. Cái ý nghĩ khủng khiếp bà có trước khi xảy ra tai nạn là ngôi nhà mà bà nhớ đến một cách sống động như thế không ở Georgia, mà ở Tennessee.
Bailey giằng con mèo ra khỏi cổ anh bằng cả hai tay và quăng nó ra khỏi cửa sổ quật mạnh vào một thân cây thông. Rồi anh ra khỏi xe và bắt đầu tìm mẹ lũ trẻ. Chị đang ngồi tựa lưng trong lòng hào đỏ quạch, ôm đứa bé đang gào khóc, nhưng chị chỉ bị một vết rách trên mặt và xương vai bị gãy. “Chúng tôi bị TAI NẠN” Hai đứa trẻ gào lên trong một niềm vui sướng mê cuồng.
“Nhưng không có ai chết” June Star nói một cách thất vọng khi bà nội khập khiễng ra khỏi xe, chiếc mũ vẫn còn gắn trên đầu bà nhưng vành mũ phía trước đứt lìa vẫn lắt lẻo một góc rất nhộn, và chùm hoa violet treo lủng lẳng một bên. Mọi người, trừ lũ trẻ, ngồi xuống con hào để lấy lại hồn vía. Họ run rẩy.
“May ra có chiếc xe nào chạy qua” mẹ bọn trẻ nói bằng giọng khản đặc.
“Mẹ chắc bị thương ở đâu rồi” bà nội nói, ấn tay vào bên sườn, nhưng không ai trả lời bà. Răng Bailey va nhau lách cách. Anh mặc chiếc áo thể thao màu vàng có in hình những con vẹt màu xanh và mặt anh vàng như chiếc áo. Bà nội quyết định không nhắc đến chuyện ngôi nhà ở Tennessee.
Mặt đường cách phía trên đầu họ khoảng ba mét và họ chỉ nhìn thấy những chỏm cây ở phía bên kia đường. Đằng sau cái hào mà họ đang ngồi còn có nhiều cây nữa, cao, tối và sâu. Ít phút sau họ thấy một chiếc xe xuất hiện phía xa trên đỉnh một ngọn đồi, chạy chậm như thể những người trong xe đang quan sát họ. Bà nội đứng dậy vẫy rối rít bằng cả hai tay để thu hút sự chú ý của họ, Chiếc xe tiếp tục chạy chậm, khuất sau một khúc quanh, rồi lại hiện ra, đi chậm hơn nữa, lên đỉnh ngọn đồi mà họ vừa đi qua. Đó là một chiếc ô tô lớn màu đen đã mòn vẹt giống như một chiếc xe tang. Trên xe có ba người.
Nó từ từ dừng lại ngay phía trên đầu họ và trong mấy phút người tài xế cúi nhìn xuống chỗ họ ngồi với cái nhìn trừng trừng vô cảm và không nói năng gì. Xong hắn quay đầu nói thầm gì đó với hai người trong xe rồi bọn chúng bước ra. Một đứa trong bọn là một thằng bé béo ị mặc chiếc quần đen và chiếc sơ mi đỏ trước ngực có thêu con ngựa màu bạc. Nó đi vòng qua bên phải họ và đứng nhìn chăm chăm mồm hơi hé ra dáng như muốn toét ra cười. Thằng thứ hai mặc chiếc quần ka ki và áo véc có xọc xanh, và một chiếc mũ trùm xuống rất thấp che gần hết khuôn mặt nó. Nó đi chầm chậm vòng qua bên trái họ. Không nói.
Gã tài xế ra khỏi xe và đứng bên cạnh xe. Gã lớn tuổi hơn hai thằng kía. Tóc gã đã bắt đầu hoa râm và gã đeo cặp kính gọng bạc trông ra dáng trí thức. Gã có khuôn mặt dài nhàu nhò, gã không mặc sơ mi hay áo lót gì hết, chỉ mặc độc chiếc quần gin quá dài so với người và trong tay gã đang cầm một chiếc mũ đen và một khẩu súng. Cả hai thằng kia cũng có súng.
“Chúng tôi bị TAI NẠN” Hai đưá trẻ gào lên.
Bà nội có một cảm giác đặc biệt rằng gã đeo kính kia là người mà bà biết. Khuôn mặt gã quen thuộc với bà như thể bà đã biết gã cả đời nhưng bà không thể nhớ ra gã là ai. Gã ra khỏi xe và bắt đầu đi xuống dưới đê, đặt chân cẩn thận từng bước để khỏi trượt. Gã đi đôi giày màu nâu nhạt và trắng, không đi tất, để lộ mắt cá chân gày guộc và đỏ au. “Xin chào cả nhà” gã nói “Tôi thấy các vị ở đây đã bị lộn nhào đôi chút”
“ Xe chúng tôi bị lật hai lần” Bà nội nói.
“Mộộc lần” Gã chữa lại. “Chúng tôi đã thấy nó xảy ra. Hiram, thử chiếc xe của họ xem nó còn chạy không.” Gã nói nhanh với thằng con trai đội mũ xám.
“Các ông cầm súng để làm gì?” John Wesley hỏi “ Các ông làm gì với những khẩu súng đó?”
“Thưa bà” gã đàn ông nói với mẹ bọn trẻ “Xin Bà vui lòng để lũ trẻ ngồi chung với bà. Trẻ con làm tôi nhức đầu. Tôi muốn mọi người ngồi gom cả ở đây, chỗ các vị đang ngồi”
“Ông bảo CHÚNG TÔI làm thế để làm gì?” June Star hỏi.
Đằng sau họ hàng cây giống như một cái mồm tối đen há hốc. “Lại đây” bà mẹ nói.
“Hãy nghe tôi” Bailey bỗng dưng bắt đầu nói “Chúng tôi đang gặp cơn hoạn nạn! Chúng tôi đang..” Bà nội rít lên đinh tai: Bà trườn đứng thẳng lên nhìn chằm chằm “Ông là Misfit! Tôi nhận ra ông ngay”
“Đúng, tôi đấy” gã đàn ông nói, gã cười nhẹ như thể hài lòng mặc dầu đã bị nhận ra. “Nhưng thưa quý bà, sẽ tốt hơn cho tất cả các vị nếu chưa nhận dza tôi”
Bailey quay ngoắt đầu lại và nói điều gì đó với mẹ làm cho ngay cả bọn trẻ cũng bị sốc. Bà cụ bắt đầu khóc và Misfit đỏ mặt lên.
“Bà” Misfit nói “Bà đừng hốt hoảng quá. Đôi khi người ta nói thế mà không phải thế. Tôi đoán anh ta không định nói với bà cái kiểu đó”
“Ông không bắn một bà già chứ, phải không ông?” Bà nội nói và rút trong tay áo ra một chiếc khăn tay sạch để chùi mắt.
Misfit dí mũi giày xuống đất khoét thành một lỗ nhỏ rồi lại lấp đi ngay. “Tôi ghét phải làm thế”
“Xin ông hãy nghe tôi” bà nội gần như rú lên “Tôi biết ông là một người tốt. Trông ông không có vẻ gì là hạ lưu cả. Tôi biết ông chắc chắn phải xuất thân từ dòng dõi cao quý”
“Đúng đấy thưa bà” Gã nói “Dòng dõi trong sạch nhất thế giới” Khi mỉm cười gã phô hàng răng trắng khỏe. “Chúa chưa bao giờ tạo ra một phụ nữ tuyệt vời hơn mẹ của tôi, còn trái tim cha tôi thì bằng vàng ròng” Gã nói.
Thằng con trai mặc áo lót màu đỏ đi vòng ra sau họ và đứng với khẩu súng bên hông. Misfit ngồi xổm xuống. “Bobby Lee, mày trông chừng lũ trẻ con. Mày biết đấy, chúng làm tao điên cái đầu”
Gã nhìn sáu người bọn họ ngồi xúm xít với nhau trước mặt gã và dường như bối rối không nghĩ được điều gì để nói. “Trời không có một bóng mây” gã ngước mắt lên trời nhận xét. “Không thấy mặt trời cũng chả thấy mây”
“Vâng, hôm nay đẹp trời” Bà nội nói. “Ông nghe tôi” bà nói “Ông không nên tự gọi mình là Misfit bởi vì tôi biết trong thâm tâm ông là một người tốt. Chỉ cần nhìn ông là tôi có thể nói như thế”
“Hừ” Bailey la lên. “Hừ. Mọi người im cả đi để yên cho tôi xử lý chuyện này”. Anh đang ngồi xổm trong tư thế người chuẩn bị chạy nhưng anh không nhúc nhích.
“Tôi tính thế này, quý bà ạ” Gã Misfit nói và dùng báng súng vẽ một vòng tròn nhỏ lên mặt đất.
“Cần nửa giờ để sửa chữa chiếc xe ở đây”. Hiram nói, nhìn qua mui xe được nâng lên.
“Được. Trước hết mày với thằng Bobby Lee đưa anh ta với thằng bé này bước quá ra đằng xa kia.” Misfit đưa tay chỉ Bailey và John Wesley nói. “Hai thằng này muốn hỏi anh vài câu chuyện” Gã nói với Bailey. “Anh có vui lòng quá bộ vào chỗ rừng kia với chúng nó một lúc không?”
“Nghe đây” Bailey bắt đầu nói. “Chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hoạn nạn khủng khiếp. Không ai biết là chuyện gì.” Rồi giọng anh ta gãy ra. Mắt anh ta xanh rực lên như những con vẹt trên áo anh ta. Và anh ta giữ hoàn toàn bất động
Bà nội vươn người tới để sửa lại vành mũ của anh như thể bà sắp ra đi cùng với anh, nhưng chiếc mũ ngả ra nằm trong tay bà. Bà đứng đó nhìn trừng trừng chiếc mũ rồi buông nó rơi xuống đất. Hiram xốc dưới cánh tay lôi Bailey đứng dậy như thể nó đang đỡ một ông già. John Wesley nắm chặt bàn tay bố nó và Bobby Lee bước theo sau. Họ đi ra phía rừng, và ngay khi họ đến mép rừng tối om Bailey bỏ chạy và trốn sau một thân cây thông trần trụi, anh gào lên: “Con sẽ quay lại ngay sau vài phút, mẹ, hãy đợi con”
“Quay trở lại ngay lúc này” bà mẹ anh ta rít lên, nhưng tất cả bọn đã biến mất sau rừng cây.
“Bailey con!” Bà nội gọi bằng giọng bi thảm nhưng bà thấy bà đang nhìn vào Misfilt ngồi xổm trước mặt bà. “Tôi biết rõ ông là người tốt” Bà nói, giọng tuyệt vọng “Ông không phải hạng tầm thường!“
“Không, tôi không phải là người tốt” Misfilt nói sau một giây như thể gã đang cẩn thận cân nhắc lời tuyên bố đó “Nhưng tôi cũng không phải là kẻ xấu xa nhất trên đời. Bố tôi bảo giữa các anh chị em tôi tôi là một giống chó khác hẳn. Bà biết không bố tôi nói có những kẻ sống suốt đời không bao giờ phải hỏi về nó, còn những kẻ khác cứ phải biết tại sao nó như thế, và thằng bé này thuộc vào loại sau. Nó sẽ dính vào đủ mọi thứ chuyện” Gã đội chiếc mũ đen của gã lên đầu và bỗng ngước nhìn lên rồi nhìn xa vào rừng cây như thể gã lại thấy bối rối. “Tôi xin lỗi vì đã không có mặc áo sơ mi trước các quý bà đây” Gã vừa hơi uốn cong đôi vai vừa nói. “Chúng tôi đã chôn những quần áo chúng tôi mặc khi chúng tôi trốn trại, và chúng tôi chỉ kiếm tí chút đến khi nào chúng tôi khá hơn. Chúng tôi mượn những cái này từ những người chúng tôi gặp trên đường” Gã giải thích.
“Điều đó hoàn toàn đúng” Bà cụ nói “Có lẽ Bailey có một chiếc sơ mi còn dư trong va ly của nó”.
“Tôi sẽ chực tiếp xem” Misfit nói.
“Họ đưa anh ấy đi đâu?” mẹ bọn trẻ gào lên.
“Bản thân bố tôi cũng là một tay chịu chơi. Không ai có thể buộc tội ông ấy điều gì. Ông ấy cũng không bao giờ gặp rắc rối với nhà trức trách. Chẳng qua là ông ấy có mẹo sử sự với họ”
“Ông cũng có thể là lương thiện nếu ông chỉ cần cố gắng.” Bà nội nói. “Thử nghĩ xem sẽ tuyệt vời biết bao nếu tìm được chỗ yên ổn sống một cuộc đời thoải mái tiện nghi và không phải nghĩ rằng lúc nào cũng có người săn đuổi theo mình”
Misfit vẫn lấy báng súng cào cào lên mặt đất như thể đang nghĩ ngợi về điều đó. “Đúng rồi, thưa bà, lúc nào cũng có người săn đuổi theo mình” gã lầm rầm nói.
Bà nội nhận thấy nhánh xương vai dẹt của gã rất gày gò đằng sau chiếc mũ, vì bà đang đứng nhìn xuống gã. “Ông có bao giờ cầu nguyện không?” bà hỏi.
Gã lắc đầu. Bà chỉ nhìn thấy chiếc mũ đen lắc lư giữa hai nhánh xương vai của gã. “Hông” gã nói.
Có tiếng súng nổ trong rừng, một tiếng khác tiếp theo liền. Rồi im lặng. Đầu bà nội giật lên. Bà nghe thấy tiếng gió vi vút trên những ngọn cây giống như tiếng thở hít vào thỏa mãn. “Bailey con ơi” bà gọi.
“Có lúc tôi đã là một ca sĩ hát thánh ca” Misfit nói “Tôi hầu như đã làm tất cả mọi thứ. Đã phục vụ trong quân đội, cả lục quân hải quân, cả trong nước ngoài nước, hai lần lấy vợ, làm người khiêng đòn đám ma, làm việc trong đường sắt, cày Đất Mẹ, đã ở trong cuộc bạo loạn, có lần thấy người bị thiêu sống” rồi gã nhìn lên người mẹ và cô gái nhỏ đang ngồi cạnh nhau, mặt trắng bệch và mắt đờ đẫn không hồn.
“Thậm chí có lần tôi thấy một phụ nữ bị đánh nhừ tử”
“Cầu nguyện, cầu nguyện” bà nội bắt đầu nói. “Cầu nguyện, cầu nguyện”
“Tôi không bao giờ là đứa trẻ hư hỏng mà tôi nhớ đến” Misfit nói với giọng gần như mơ mộng “Nhưng trên đường đi đôi lúc tôi đã làm đôi ba việc sai trái và bị tống vào nhà giam. Tôi bị chôn sống”
Gã ngước nhìn lên và níu giữ sự chú ý của bà vào cái nhìn chằm chằm của gã.
“Chính những lúc ấy là lúc ông nên bắt đầu cầu nguyện” bà nói “Lần đầu ông làm gì để đến nỗi bị đưa vào trại giam?”
“Quay sang bên phải, đó là bức tường” Misfit lại nhìn lên bầu trời không một gợn mây, nói. “Quay sang bên phải, đó là bức tường. Nhìn lên đó là trần, nhìn xuống đó là sàn nhà. Tôi quên hết mọi thứ tôi đã làm, thưa quý bà. Tôi ngồi đó, ngồi đó cố nhớ lại việc gì tôi đã làm và cho đến hôm nay tôi vẫn không nhớ được. Có lần tôi đã nghĩ nó đến với tôi, nhưng nó không bao giờ đến”
“Có lẽ họ bắt ông vào đấy vì nhầm lẫn” bà cụ nói một cách không chắc chắn lắm.
“ Không. Đấy không phải nhầm lẫn đâu. Họ có cả hồ sơ về tôi”
“ Chắc ông đã ăn trộm vật gì”
Misfit hơi nhếch mép “ Không ai có cái mà tôi muốn” gã nói “Chính một bác sĩ trưởng trong trại giam đã bảo việc tôi đã làm là giết bố tôi nhưng tôi biết đó là nói láo. Bố tôi chết năm một chín một chín vì dịch cúm và tôi không có liên quan gì chuyện đó. Ông được chôn ở nghĩa địa Mount Hopewell Baptist và bà có thể đến đó tự nhìn bằng mắt mình”
“Nếu ông cầu nguyện thì Giê xu cứu giúp ông” Bà cụ nói.
“Đúng thế đấy” Misfit nói.
“Vậy thế sao ông không cầu nguyện đi?” bà hỏi, run lên vì nỗi vui mừng đột ngột.
“Tôi không muốn được cứu giúp” gã nói “Tự tôi làm được rồi”
Bobby Lee và Hiram thông thả từ trong rừng bước lại. Bobby Lee kéo lê theo một chiếc sơ mi vàng có những con vẹt xanh trên ngực áo.
“Ném chiếc áo cho tao, Bobby Lee” Misfit nói. Chiếc áo bay về phía gã và đậu trên vai gã và gã mặc nó vào. Bà nội không thể nói chiếc áo gợi cho bà nhớ lại điều gì. “Không, thưa bà” Misfit nói trong khi gã cài cúc “Tôi thấy ra rằng tội ác không thành vấn đề. Anh có thể làm việc này hay việc khác, giết một người hay lấy chiếc lốp khỏi xe của hắn, bởi vì sớm hay muộn gì rồi anh cũng quên việc anh đã làm và bị trừng phạt vì việc đó”
Mẹ bọn trẻ bắt đầu gào thét ầm ĩ đến đứt hơi.
“Bà có muốn đi ra đằng kia cùng với Bobby Lee và Hiram đến chỗ chồng bà không?”
“Có, thưa ông” người mẹ nói yếu ớt. Cánh tay phải của chị lủng lẳng một cách vô vọng, tay kia chị ôm đứa bé đang ngủ. “Giúp bà này đứng lên, Hiram” Misfit nói trong khi cố trèo lên mặt đường “Còn Bobby Lee, mày cầm tay cô bé kia”
“Tôi không muốn anh ta cầm tay” June Star nói. “Nó làm tôi nhớ đến con lợn”
Thằng béo đỏ mặt lên, cười và nắm lấy cánh tay cô bé lôi cô xềnh xệch vào rừng theo sau Hiram và mẹ cô.
Còn lại một mình với Misfit, bà cụ cảm thấy mình mất hết tiếng. Trên trời không một gợn mây, không có mặt trời. Xung quanh bà chẳng có gì ngoài rừng cây. Bà muốn bảo gã cần phải cầu nguyện. Bà hé mồm ra rồi ngậm lại nhiều lần mà chưa nói được câu gì. Cuối cùng bà thấy mình nói “Giê xu, Giê xu” có nghĩa là Giê xu sẽ cứu giúp anh, nhưng cái cách bà nói câu ấy nó vang lên như thể bà đang nguyền rủa.
“Vâng, thưa bà” Misfit nói giống như gã đồng ý “Giê xu làm cho mọi thứ mất cân bằng. Cùng một hoàn cảnh như Chúa và như tôi, chỉ có điều ông ấy không phạm một tội ác nào còn tôi thì người ta có thể chứng minh tôi đã phạm tội bởi vì họ có cả hồ sơ về tôi. Tất nhiên” gã nói, “Họ không bao giờ cho tôi xem những hồ sơ ấy. Đó là lý do tại sao tôi ký tên mình vào. Tôi nói đã từ lâu rồi, anh có một chữ ký và anh ký nhận mọi thứ anh làm và anh không thể ngăn giữ cho tội ác của anh khỏi bị trừng phạt và xem trừng phạt ấy có xứng với tội của anh không và cuối cùng anh sẽ có một cái gì đó chứng tỏ rằng anh đã bị đối xử không đúng. Tôi tự gọi tôi là Misfit (“Trật Lất”) gã nói, bởi vì tôi chịu không thể ghép cho khớp những chuyện bậy bạ tôi đã làm với những hình phạt mà tôi đã phải chịu.
Có một tiếng rú khủng khiếp từ trong rừng vọng ra, tiếp liền theo là tiếng súng nổ. “Có vẻ như điều này đối với bà là đúng, thưa quý bà, khi một kẻ phải chịu trừng phạt quá nhiều trong khi kẻ khác lại không hề phải chịu gì cả”.
“Giê xu” bà cụ khóc. “Ông có dòng máu tử tế! Tôi biết ông sẽ không bắn một bà già. Tôi biết ông thuộc dòng dõi cao quý. Cầu nguyện đi. Giê xu, ông không nên bắn một bà già. Tôi sẽ đưa ông tất cả số tiền tôi có”
“Quý bà” Trật Lất nói, nhìn qua đầu bà lão vào phía rừng “Chưa bao giờ có một xác chết nào cho người mai táng tiền boa cả”
Có thêm hai tiếng súng nổ nữa và bà cụ nghểnh đầu lên giống như con gà tây khát nước và gọi “Bailey con, Bailey con ơi” như thể tim bà đang vỡ ra.
“Giê xu là Người duy nhất làm người chết sống lại”, Trật Lất nói “mà lẽ ra Ông ấy không nên làm như vậy. Ông ấy làm cho mọi vật mất cân bằng. Nếu ông ấy làm những gì ông ấy nói thì người ta không còn việc gì phải làm nữa, ngoài việc vứt mọi thứ đi và đi theo Ông ấy, còn nếu ông ấy không làm những gì ông ấy nói thì người ta cũng không còn việc gì phải làm nữa, ngoài việc hưởng thụ vài phút còn lại theo cách nào hay nhất – bằng cách giết một người nào đó hoặc đốt nhà hắn hoạc làm một việc hèn hạ nào khác đối với hắn. Không phải vui thú mà là hèn hạ”. Gã nói và giọng gã trở nên gần như gầm ghè.
“Có thể Người sẽ không làm người chết sống lại”. Bà cụ nói lầm bầm, bà không biết bà đang nói gì, và cảm thấy choáng váng đến mức bị thụt xuống hào và đôi chân bà vặn vẹo dưới thân hình bà.
“Tôi không ở đó nên không thể nói rằng Người không làm” Trật Lất nói “Tôi ước gì tôi có ở đó” Gã đấm nắm tay xuống đất nói “Việc tôi không có ở đó là không đúng bới vì nếu tôi đã có ở đó tôi phải biết. Nghe đây bà già” Gã cao giọng nói “nếu tôi đã có ở đó tôi đã phải biết và tôi đã không giống như tôi bây giờ”. Giọng gã răng rắc và trong phút chốc bà cụ thấy đầu mình dãn ra một chút. Bà thấy mặt gã đàn ông nhăn nhúm lại, như thể gã sắp khóc, và bà lầm rầm “Tại sao anh lại là con tôi. Anh là một trong số con tôi” Bà vươn ra chạm tay vào vai gã. Trật Lất vùng ra sau như thể một con rắn đã cắn gã, và bắn ba phát vào ngực bà. Rối gã bỏ súng xuống đất, bỏ kính ra và bắt đầu lau nó.
Hiram và Bobby Lee từ rừng trở về đứng trên bờ mương nhìn xuống bà cụ nửa nằm nửa ngồi trong một vũng máu với hai cẳng chân bắt chéo giống như trẻ con và khuôn mặt bà mỉm cười lên bầu trời không mây.
Không có kính đôi mắt của Trật Lất trông viền đỏ, tái ngoét và trơ ra không có gì bảo vệ. “Kéo bà ấy đi và ném vào chỗ chúng mày đã ném bọn kia.” Gã vừa nói vừa nhặt con mèo lên, con mèo này vừa cọ mình vào chân gã.
“Bà này lắm mồm quá, đúng không?” Bobby Lee nói, vừa trườn xuống hào và đổi sang nói bằng giọng kim.
“Bà ấy có thể là một phụ nữ tốt” Trật Lất nói “Nếu có ai ở đó để bắn bà ấy từng phút một trong suốt cuộc đời bà ta”
“Vui thật” Bobby Lee nói.
“Câm mồm, Bobby Lee” Trật Lất nói “Đây không phải là niềm vui thật sự trong đời”.
HT dịch 300709
Flannery O’Connor (1925-1964) nhà văn Mỹ.