Nếu lúc ra khỏi rạp chiếu phim trời không mưa, thì tôi đã cuốc bộ về nhà; căn hộ của tôi gần đấy và đường đi chẳng có gì phức tạp: thẳng xuống đại lộ, qua hai con phố và rẽ phải ở con phố thứ ba, phố Grenelle, khoảng một nửa khối nhà. Tuy nhiên, tôi đã gọi một chiếc taxi, nhưng ngay lập tức nhận ra rằng tài xế của nó là một lão già có gương mặt rất khó chịu, ương gàn và cáu kỉnh. “Không, không!” tôi vội kêu lên khi lão ta rẽ ngay con phố thứ nhất, phố St. Dominique. “Còn hai blôc nữa cơ” lão ta nhàu gì đó rồi quay xe lại đại lộ rồi thoáng cái đã rẽ ngoặt ngay vào con phố thứ hai, phố Las Cases. “Không, không!” tôi lại kêu lên. “Làm ơn, phố sau cơ, phố sau mới là nhà tôi, phố Grenelle” Lúc này lão ta quay hẳn người lại và nhìn tôi trừng trừng giận dữ, rồi phóng vọt đi thẳng, không rẽ vào phố tôi, và tiếp tục chạy rất nhanh xuống đại lộ, như muốn cứ thế chạy mãi. “Nhưng bây giờ ông chạy qua mất rồi” Tôi kêu lên. “Lẽ ra ông phải rẽ phải, như tôi nói. Nhờ ông quay lại cho, đến phố Grenelle, số 36”
Tôi khiếp hãi thấy ông ta gầm lên một tiếng. Quay ngoắt xe theo hình chữ U trên mặt đường trơn trượt, ông ta tăng tốc, băng qua đại lộ rồi dừng ngay ngã tư đầu phố tôi bằng một cú phanh giật ngửa. “Đi ra!” ông ta quát lên, mặt đỏ tím vì tức giận. “Bước ra khỏi xe tôi ngay. Tôi từ chối không lái cho ông thêm một chút nào nữa. Ba lần ông đối xử với tôi như với một thằng ngốc. Ba lần ông đã nhục mạ tôi thậm tệ. Xe tôi không phải là để chở khách nước ngoài, nói cho ông biết! Bước ra ngay!”
“Giữa trời mưa thế này ư?” tôi kêu lên phẫn nộ. “Tôi sẽ không ra đâu. Tôi không hề xúc phạm ông dù chỉ một lần, mơxiơ, nói chi đến ba lần. Ông biết rõ rằng tôi chỉ hối thúc ông đưa tôi về nhà, nhưng tôi đã uổng công. Nào bây giờ xin ông vui lòng làm thế. Tôi xin biếu ông khoản pourboire hậu” Tôi nói thêm, nhã nhặn hơn “rồi chúng ta sẽ chia tay nhau như bạn bè”
Ông ta chỉ chờ cho tôi nói xong “Đi ra!” ông ta thét “Đi ra ngay, tôi bảo ông! Ông đã luôn luôn chửi tôi, và ông phải đi ra”
Tôi liếc nhìn, màn mưa tầm tã “Tất nhiên tôi sẽ không ra”
Ông ta trở nên điềm tĩnh một cách đáng ngại. “Hoặc là ông ra khỏi xe tôi” ông ta nói bằng giọng đều đều, khàn khàn. “Hoặc là tôi sẽ chở ông đến đồn cảnh sát ở đó tôi sẽ đòi ông bồi thường về những sự nhục mạ của ông. Chọn đi”
“Giữa lúc mưa như thế này” tôi nói “Tôi không có sự lựa chọn nào cả. Đến cảnh sát thì đến” Và chúng tôi đi.
Sở Cẩm (hay đồn cảnh sát) chỉ cách nhà tôi có mấy nhà, không xa lạ gì với tôi. Tôi đã đến đấy mấy lần vì những việc không mang tính cãi cọ, và khi tôi cùng người tài xế sánh vai nhau bước vào căn phòng trống thì ông chánh cẩm,đang ngồi một mình oai vệ sau chiếc bàn làm việc của ông, gật đầu chào tôi như một người quen. “Xin chào mơxiơ” Ông gọi tôi bằng tên. “Tôi có thể giúp gì cho ông? Ông cần gì ạ?”
Nhưng người tài xế, mà viên chánh cẩm chỉ gật đầu chào lấy lệ, đã không để tôi kịp nói. “Chính tôi mới là người cần” Ông ta la lên “Chính tôi mới là người đòi ông khách ngoại quốc này trả lời. Thưa Ông, ba lần ông ấy đối xử với tôi như với một thằng ngốc! Ba lần ông ấy sỉ nhục tôi thậm tệ! Tôi đòi hỏi công bằng, thưa Ông!”
Ông chánh cẩm nhìn ông ta chằm chằm, nét mặt không biểu lộ gì, tôi có cảm tưởng rằng ông cũng như tôi đang tự hỏi ông già này bị làm sao thế. Rồi ông quay sang tôi hỏi tôi có vui lòng trình bày sự việc. Ông cầm một chiếc bút lên, mở một cuốn sổ lớn và trong khi tôi nói thì thoăn thoắt ghi lại bằng bàn tay mềm mại. Việc tôi nói rõ địa chỉ với người tài xế, hai lần rẽ sai, những tiếng càu nhàu, việc chạy bỏ qua dãy phố của tôi, cơn giận dữ, việc đuổi tôi ra khỏi xe, tất cả đều được viên đồn trưởng ghi lại rõ ràng bằng một thứ mà người Pháp gọi là văn phong Spence, một hai lần ông dừng bút để quở trách người tài xế, vì lão này cứ lầm bầm bên tai tôi ở mỗi đoạn lời chứng của tôi. Khi tôi nói xong, người cảnh sát còn viết thêm một lúc nữa, kết thúc bằng một nét cong bay bướm, và thấm khô dòng cuối cùng, rồi cám ơn tôi. Sau đó ông quay sang người tài xế “Bây giờ đến lượt ông” ông nói giọng cộc cằn “Ông cũng khai đi, để tôi có thể quyết định về vấn đề rắc rối này”
Tuy vậy lão tài xế chẳng có gì để khai. “Ba lần” là những gì lão có thể nói bằng cái giọng nặng trịch, giận dữ, hoa chân múa tay trước viên chánh cẩm và lườm tôi. “Ba lần, thưa Ông! Tôi bị đối xử như một thằng ngốc! Ba lần tôi bị sỉ nhục thậm tệ! Bởi người ngoại quốc này. Tôi không thể chịu đựng được, thưa Ông!”
Ông chánh cẩm nhìn lên ngang qua cuốn sổ, trong đó những lời buộc tội này được ghi một cách lờ mờ. “Nhưng hoàn cảnh? Ông nói rõ chi tiết điều gì xảy ra giữa ông với quý ông đây. Nếu những hoàn cảnh liên quan không đúng”, ông liếc sang tôi cái nhìn xin lỗi “thì phải sửa chúng đi”
Nhưng lại một lần nữa người kết tội tôi chỉ nói được hai tiếng “Ba lần” và viên chánh cẩm dằn mạnh bút xuống bàn “Thế là hoàn toàn rõ” ông nói bằng giọng rất dứt khoát “Rằng chính ông, thưa Mơxiơ, là người bị hại trong vụ này, và tôi sẽ hân hạnh đưa ra quyết định của tôi, tức là yêu cầu ông này chở ông về tận cửa mà không phải trả tiền. Nếu ngay bây giờ, thưa Mơxiơ, ông vui lòng cho phép tôi liếc qua giấy tờ của ông - một thủ tục pháp lý thông thường trong những trường hợp như thế này- Tôi sẽ giải quyết vấn đề ngay lập tức. Thẻ căn cước của ông, xin ông cho phép?”
Tim tôi rớt xuống như hòn chì. Trong tâm tưởng, tôi nhìn thấy chiếc bàn viết trong phòng làm việc của tôi, và nằm trơ trên đó – bị bỏ quên – là tấm thẻ cư trú dành cho người nước ngoài, mà theo luật nước Pháp, tôi phải luôn mang theo bên mình. “Vì lúc đó trời mưa như trút, thưa ngài” đó là lý do duy nhất tôi có thể nêu ra “nên tôi đã để thẻ của tôi ở nhà, sợ bị mưa làm ướt và có thể làm hỏng nó hoàn toàn. Sáng mai tôi sẽ đem đến cho ngài thật sớm, và tôi hy vọng sẽ đáp ứng những đòi hỏi của ngài, mà tôi nhận thức là rất nghiêm khắc và cần thiết”
Nhưng tôi đã phạm một sai lầm không thể tha thứ, và mọi việc xoay chuyển và kết thúc cùng với nó. “Điều đó không đáp ứng được những đòi hỏi” viên chánh cẩm nói một cách lạnh lùng, khuôn mặt ông ta như bằng đá. “Chắc chắn là sáng mai ông sẽ mang thẻ của ông đến đây, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại tôi buộc lòng phải thay đổi phán quyết của tôi trong vụ này. Vì trời đang mưa, nên tôi sẽ yêu cầu ông này đưa ông về tận nhà, nhưng tôi đòi hỏi ông phải trả ông ấy không chỉ tiền cước của toàn bộ hành trình từ đầu đến cuối, mà còn cả thời gian mà ông ấy đã mất vì phải đến đây. Tôi hy vọng, mơxiơ” ông ta nói với ông già “ông vẫn để đồng hồ tính tiền chạy đấy chứ?”
Người tài xế gật, và viên chánh cẩm đứng lên “Vậy au revoir (xin tạm biệt). Mơxiơ xin đừng quên sáng mai”. Và cũng như lúc vào, chúng tôi lại sánh vai nhau bước ra khỏi Sở Cẩm. Tôi đã thấy một tia sáng tinh quái lóe lên trong mắt người kiện tôi khi phán quyết bị đảo ngược, nhưng ngoài cái đó ra lão ta không tỏ vẻ gì đắc thắng, và giữ nguyên như thế, lão chở tôi về nhà không nói một lời. Chỉ khi đến nơi, tôi đưa cho lão đủ số tiền xe, đếm cẩn thận từng đồng, lão mới nói. “Mơxiơ chắc đã quên lời hứa về tiền pourboire hậu, để chúng ta chia tay nhau như những người bạn rồi hẳn”
FRANCIS STEEGMULLER: Nhà văn Mỹ (1906-1994)
Hiếu Tân dịch 300709