Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
906
123.197.022
 
Con ngựa ô
Khôi Vũ

Nếu có thể nói được, chắc chắn Ô sẽ nói với ông Út điều đó.

Ông Út biết rất rõ về Ô, từ khi Ô còn trong bụng mẹ nữa kia! Chính ông Út là người giới thiệu với ông Năm Thành Cát chú ngựa giống của một người từng là nài đua ở trường đua ngựa Phú Thọ. Ông Năm Thành Cát sở dĩ mang tên đó vì nhà ông có nuôi một bầy ngựa chọn lọc nhiều giống ông cho là khỏe và đẹp. Bầy ngựa làm thích mắt nhiều người đến xem và một ai đó nghĩ đến bầy ngựa chiến của Thành Cát Tư Hãn đã buột miệng gọi đùa ông Năm là ông Năm Thành Cát. Chẳng ngờ riết rồi chết tên. Chú ngựa giống của người nài chính là cha đẻ của Ô. Nhờ công giới thiệu ngày đó, sau này ông Út mới được ông Năm Thành Cát nhượng lại Ô với giá phải chăng. Khi ông Út dắt Ô đi, ông Năm Thành Cát nói:

- Nói thiệt, tôi nể chú lắm. Chớ con Ô, chú bắt nó kéo xe thổ mộ đâu có xứng!

Ông Út đáp:

- Dạ, tui biết. Nhưng anh Năm thông cảm. Nghề nghiệp tui phải có con ngựa cỡ con Ô đây, chớ không thì đói. Đói, anh Năm à.

Ô về nhà ông Út để thay thế một con ngựa già đã kéo xe thổ mộ cho chủ hơn chục năm. Nghe nói có người hỏi mua để xẻ thịt, ông Út không đành lòng bán. Ông dẫn ngựa tới nhà một bà chị, nói:

- Chị nuôi nó ít lâu rồi tính sao thì tính, tùy! Tui chỉ xin chị một điều, chị có gả bán nó cho ai cũng đừng nói cho tui biết. Tui thương nó lắm. Nó sống với tui bao nhiêu năm nay. Nó nuôi tui, nuôi vợ tui và sắp nhỏ.

 

Ông Út cẩn thận dặn dò như vậy mà bà chị vẫn quên. Một hôm bà tới kể cho ông nghe rằng bà mới bán con ngựa cho lò mổ được một số tiền, bà giao lại ông một nửa để tiêu xài. Ông Út cầm tiền khóc ròng!

 

Thời gian đầu, Ô rất khó chịu khi phải kéo xe thổ mộ. khó chịu nhất là bị bịt hai miếng da nơi mắt để chỉ nhìn thấy phiá trước. Lần đầu tiên Ô phản ứng bằng cách nhảy dựng hai chân trước lên làm chiếc xe lật nhào. Xe kéo Ô té nằm xoài theo. Ô đau lắm, nhưng nghĩ đến cảnh mình phải kéo xe, lòng nó còn đau hơn. Ô nhớ thời ở với ông Năm Thành Cát, nó là một chú ngựa được cưng chiều, thường được khoe với khách nhiều nhất. Nhà ông Năm Thành Cát giàu có, ông ta chỉ ăn chơi, nuôi ngựa đẹp để khoe, dễ chừng ăn cả đời con cũng không hết của. So ông Năm Thành Cát với ông Út thì có nhiều cái khác  nhau xa. Nhà ông Út đông người, vợ bệnh hoạn, con nheo nhóc, nhà cửa tuềnh toàng, cái chuồng nơi Ô ở đầy mạng nhện và cả chất thải đã khô của con ngựa già trước kia. Ô hí lên những lời bực bội. Bà Út vừa ho khù khụ vừa cằn nhằn chồng:

- Nói rồi mà ông không nghe! Mua ngựa nhà giàu, nết ăn nết ở nó khó lắm!

- Để đó thủng thẳng tui rèn. Ngựa cũng như người vậy thôi. Tui dạy được mà!

 

Rồi ông Út tới vuốt ve Ô một hồi, lại thủ thỉ với nó:

- Tao khổ lắm rồi. Đừng làm tao khổ thêm, con ơi!

 

Bây giờ thì Ô đã hoàn toàn thông cảm với ông Út. Nó kéo chiếc xe thổ mộ chở khách mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ ngơi. Có những hôm giữa trưa nắng gắt, có khách, ông Út cầm một nắm cỏ tươi đưa tận miệng Ô và nói:

- Ráng chạy thêm cuốc trưa nghen con. Bà Út ở nhà đang cần tiền mua thuốc uống...

Ô gặm cỏ rồi nhai thêm một nắm thóc của chủ, mắt nhìn ông Út muốn nói: Ông Út yên tâm đi mà. Tôi biết bà Út bệnh nặng mà!

 

Nắng làm cho mồ hôi Ô rịn ra, bóng mượt lớp lông mịn đen. Những người khách đi xe thổ mộ bàn tán mỗi người một ý:

- Coi kià! Con ngựa mướt mồ hôi đen láng, đẹp ghê!

- Đẹp? Đẹp cái mốc xì! Nè ông Út! Bộ thiên hạ hết ngựa rồi sao mà ông kiếm con ngựa đen trùi lũi chạy xe hả?

 

Ông Út bênh Ô:

- Tại em không biết đó thôi! Ngựa ô là ngựa quý, ngựa đẹp đó! Để qua nhắc em nhớ thử coi. Người ta ca: Khớp con ngựa, ngựa ô...

Ô thấy vui vui. Ông Út đã nói lại ý của ông Năm Thành Cát. Lần nào giới thiệu Ô với khách, ông Năm Thành Cát cũng kể thêm một câu chuyện làm quà:

- Mấy đứa nhỏ thời nay hát trật lất hết, nghe chói cái lỗ tai hết sức. Tụi nó hát: anh khớp cái kiệu vàng. Cái kiệu vàng làm sao được. Cái kiệu làm sao đặt lên lưng con ngựa. Đúng ra là cái kiều vàng. Kiều có nghĩa là cái yên ngựa đó mà...

Rồi ông Năm Thành Cát hứng chí hát:

- Khớp con ngựa, ngựa ô... Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiều vàng. Ứ ư ừ ứ ư...

Ông Út không có cái thú khoe ngựa với khách. Ông có cái thú khác. Những đêm khuya, ông hay leo lên chiếc xe thổ mộ để ở khoảng sân trước chuồng của Ô nằm vắt chân chữ ngũ ca cổ nhạc. Ông thuộc khá nhiều bài bản và ca không phải dở. Có điều không hiểu vì cổ nhạc vốn buồn, hay tại giọng ông Út buồn, hay vì ông chọn toàn bài buồn, mà mỗi khi ông ca, Ô thấy nghẹn lòng. Gia đình ông Út buồn lắm. Ông rong ruổi với Ô cả ngày như vậy mà tiền kiếm được vẫn không đủ ăn. Cứ dịp nào bà Út bệnh nặng là y như rằng cả nhà phải húp cháo. Vậy chớ con người cần cù, lương thiện ấy lại giàu tự ái. Ô nghĩ, nếu ông Út hỏi ông Năm Thành Cát một tiếng, thế nào ông Năm lại chẳng giúp đỡ. Ở với ông Năm Thành Cát từ nhỏ, Ô biết ông ta thừa tiền nên cần cái tiếng nhân nghĩa. Con người nghĩ cũng lạ. Người thừa tiền thì thiếu niềm vui, còn người túng đói lại thừa sự hồn nhiên. Ông Út nằm ca cổ nhạc, nhiều lần đã liếc Ô và bảo nó:

- Nè con, có muốn nghe tao ca không thì biểu. Cho con biết, tao với danh ca Chín Sớm là bạn nối khố. Nghe đây con, tao ca Khốc hoàng thiên cho nghe: Vó câu sa tràng, còn rong ruổi, tháng ngày buồn trôi, chốn quê nhà thương kiếp hường nhan...

Ô nghe chớ chẳng! Ô vừa vui vừa buồn.

 

*

Tất cả đều ở phía trước Ô. Hai miếng da che mắt buộc Ô phải nhìn về phiá trước, chỉ nhìn thấy những gì phiá trước. Phiá trước là cái cổng làm bằng kẽm gai của gia đình ông Út được mở toang cho Ô kéo chiếc xe thổ mộ đI ra. Phiá trước là một gốc cây bả đậu thân đầy gai, tán lá dầy thỉnh thoảng trên đó lại nổ bốp một tiếng rồi những mảnh vỏ trái văng tứ tung. Phiá trước là những căn nhà đủ kiểu cứ lùi dần theo bước chân của " dù nó chưa kịp nhìn rõ. Lóc cóc. Lóc cóc. Ô gõ nhịp trên đường từ sáng sớm, về phiá mặt trời mọc. Mặt trời làm chóa mắt Ô một lúc thì phiá trước hiện ra những người gánh gồng lỉnh kỉnh. Họ leo lên chiếc xe thổ mộ, sức nặng trì sợi dây da tròng nơi lưng Ô cho tới khi ông Út giật dây cương. Bây giờ phiá trước của Ô lại có những căn nhà và người qua kẻ lại đi lùi về đằng sau dù Ô chưa kịp nhìn rõ. Lóc cóc. Lóc cóc. Khi ông Út kéo giật dây cương hơi gấp, Ô biết là mình phải dừng chân. Khi ông gặc nhẹ về bên nào, Ô biết mình phải rẽ về bên đó.

 

Ô đã nguôi buồn. Ở với ông Năm Thành Cát có sung sướng đó, nhưng nó chỉ được ở một chỗ buồn tẻ, có chăng là có những người khách đến xem ngựa, người trầm trồ, người im lặng, kẻ bình phẩm nọ kia. Ở với ông Út, giúp ông kéo chiếc xe thổ mộ, Ô thấy đời mình phong phú hơn, đỡ tẻ nhạt hơn. Ô hiểu rằng có lăn mình vào cuộc sống như ông Út mới thấy hết sự đa dạng và luôn bất ngờ của cuộc sống, mới thấy nhiều điều đáng yêu và không thiếu điều đáng ghét.

 

Nhưng lẽ nào tất cả đối với Ô chỉ có phiá trước? Ô muốn nhìn lâu hơn những hình ảnh bị lui theo bước chân tiến tới của nó. Hai miếng da bịt hai bên mắt bắt đầu gây khó chịu cho Ô. Một lúc nào đó, nó bỗng nghiêng đầu qua một bên để nhìn cho rõ hơn đứa bé bên đường. Lập tức ông Út kéo cương về phiá ngược lại bắt nó nhìn thẳng về phiá trước. Đôi ba lần như thế. Nhiều lần như thế. Ô khiến ông Út bực mình. Cây roi mà trước đó ông ít khi sử dụng đã quất lên lưng Ô, ban đầu còn nương tay, sau mạnh hơn. Sự bực bội của ông Út làm nên những lằn roi dọc ngang lưng Ô. Buổi tối, ông Út vỗ về Ô, hỏi nó:

- Sao lóng rày mày trở chứng vậy con? Hay là mày đau yếu?

Ô nhìn ông Út, mong rằng ông hiểu được nó muốn gì?

 

*

Bà Út qua đời. Đó là nỗi buồn lớn nhất trong gia đình ông Út. Ô nghe ông khóc, nghe những đứa con ông khóc. Lần đầu tiên Ô thấy ông Út chịu nhận tiền của ông Năm Thành Cát giúp đỡ lo ma chay cho vợ. Người đàn ông ấy có một hành động lạ đời. Ông nhất định phải đưa vợ mình tới nơi an nghỉ cuối cùng bằng xe thổ mộ. Ông vỗ đầu Ô, bảo nó:

- Bà Út mơ khi khỏi bệnh sẽ ngồi xe thổ mộ đi một vòng dạo phố. Mày chở bả cho bả toại nguyện nghen con!

 

Nước mắt ông Út rơi lã chã. Ô cũng khóc. Nó gật gật đầu cho ông [t vui lòng. Nó gồng mình phụ với mấy cậu thanh niên giữ chiếc xe được thăng bằng khi người ta khiêng bộ ván có bà Út nằm trong đó lên xe. Đích thân ông Út cầm cương ra roi cho Ô cất bước. Ô dậm hai chân trước mấy lần rồi bước đi. Nó đi rất chậm để bà Út hưởng cái thú ngồi xe thổ mộ lần cuối cùng. Lóc cóc. Lóc cóc. Tiếng móng của Ô gõ trên mặt đường chậm rãi. Phiá trước Ô là hình ảnh nhiều người đứng xem chiếc xe tang lạ đời đi qua. Những hình ảnh ấy lùi về sau trước khi Ô kịp nhận ra thái độ của những người xem. Nó bứt rứt. Nó nghiêng đầu qua một bên. Sợi dây cương bên kia giật lại. Ô lại nghiêng đầu. Nó thấy ai đó cười cợt trước tấm lòng chân thành của ông Út. Sợi dây cương giật về phiá bên kia nhắc Ô. Ô vẫn ngoái lại muốn nguyền rủa kẻ vô tâm. Bây giờ thì cái roi trong tay ông Út vung lên, quất vào lưng Ô. Ô không thấy đau. Nó chỉ thấy ức lòng. Nó chợt dừng lại, nhảy chồm lên và cất tiếng hí. Mời người la hoảng vì tưởng rằng chiếc xe thổ mộ sẽ bị đổ nhào. Ông Út mất bình ĩnh quất như điên vào lưng Ô. May mà Ô nhớ ra mình đang chở cỗ ván có bà Út nằm trong đó. Nước mắt nó ứa ra. Sau đó, nó nhìn thẳng về phiá trước, dậm hai chân trước mấy lần rồi  bước đi ngoan ngoãn.

 

Sau hôm ấy, ông Út giận Ô. Ông cho rằng nó không còn là con ngựa trung thành của mình nữa. Nó chẳng suýt làm đổ chiếc xe tang là gì! Ông Út bán Ô cho một người bạn và lại đến nhà ông Năm Thành Cát gạ mua con ngựa khác.

 

Khi bị dẫn ra khỏi cái cổng có rào kẽm gai và cây bã đậu phiá trước, Ô nhìn ông Út lần cuối, nó thấy ông khóc.

 

*

Hãy tha thứ cho tôi, ông Út ơi! Tôi đã cùng ông rong ruổi bao ngày,  đã biết yêu, biết ghét theo ông. Tôi chỉ có tội là có ước muốn cháy bỏng, ước muốn được gỡ hai miếng da bịt mắt để có thể nhìn mọi phiá, để được yêu, được ghét nhiều hơn, giống như ông vậy. Nhưng ông đã chẳng hiểu được tôi. Tôi không giận ông đâu. Phần ông, hãy tha thứ cho tôi, ông Út nhé!

 

Nếu có thể nói được, chắc chắn Ô sẽ nói với ông Út như thế./.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2617
Ngày đăng: 03.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn – 22 - Đỗ Ngọc Thạch
Bánh vẽ - Huỳnh Văn Úc
Những mảnh vỡ 9 - Nguyễn Thị Hậu
Thời buổi này người tốt khó tìm - Flannery O’Connor
Gió rừng u minh - Nguyễn Minh Phúc
Yêu bạn gái của bạn mình - Đỗ Mai Quyên
Truyện ngắn ngắn – 21 - Đỗ Ngọc Thạch
Hội làm ma - Khôi Vũ
Đêm làng Trọng Nhân - Sương Nguyệt Minh
Café Đắng - Trang Thanh Trúc
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)