Không phải chờ đến đầu thế kỷ XX mới có nữ hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam. Bởi lẽ, mỹ thuật dân gian, hay còn gọi là tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống ... ) đã có cách đây mấy trăm năm và không thể khẳng định là không có bàn tay của phụ nữ. Nhưng, nếu nhắc đến nữhoạ sĩ đầu tiên của dòng tranh hiện đại Việt Nam thì không thể không nhắc đến Lê Thị Lựu.
Nữ hoạ sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19-1-1911 tại làng Thổ Khôi (Bắc Ninh), mất ngày 6-6-1988 tại Antibes (Pháp). Bà sinh ra và lớn lên đúng vào thời kỳ văn hoá Pháp bắt đầu có ảnh hưởng đến xã hội và văn hoá Việt Nam - những phong tục, tập quán: về thẩm mỹ, về kiến trúc, về sinh hoạt hàng ngày ...
Trong khi phụ nữ Việt Nam vẫn còn đang nhuộm răng đen, mặc áo dài thâm và chịu gò bó trong những khuôn khổ, quy tắc của Nho giáo, thì Lê Thị Lựu đã thi đỗ và thuyết phục được gia đình cho theo học nghề hoạ sĩ vẽ tranh khoả thân tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1927. Năm 1932, bà tốt nghiệp với số điểm cao nhất trường. Các báo phụ nữ những năm này đều nhắc đến người nữ hoạ sĩ đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa ấy. Ra trường, bà nổi tiếng ngay khắp ba kỳ về tài năng của mình.
Tranh của Lê Thị Lựu thẫm đẫm những đặc tính của phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Đó là nét thanh tú, dịu dàng, hiền lành, tràn đầy tình yêu thương với trẻ nhỏ ... được thể hiện quấn quýt, nhuẫn nhuyễn trên nét vẽ, đặc biệt được thể hiện trên chất liệu lụa. Hai bức tranh "Mẹ và Con" được thể hiện trên hai chất liệu khác nhau là phấn màu và lụa, được coi là những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của bà.
Ba bức tranh đầu tiên của bà đã được trưng bày tại cuộc triển lãm do Hiệp hội những nữ hoạ sĩ và điêu khắc (The Union of Women Painters, Sculptor and Woodcut Artists) tổ chức. Tại đây, bà đã giành được giải nhất và ngay lập tức được kết nạp vào Hiệp hội.
Đề tài chính của Lê Thị Lựu nằm trong chữ "thiếu": thiếu phụ, thiếu nữ, thiếu nhi, ... Những bức tranh về đề tài này cũng là những bức thành công và tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của bà như "Thiếu nữ với cây đàn thập lục", "Kiều gẩy đàn tì bà", "Sơn nữ", "Chân dung vợ chồng quê", "Giông tố", "Kim Kiều gặp gỡ", "Thiếu nữ tắm hồ sen" ... Có thể hình dung về bức "Thiếu nữ với cây đàn thập lục" : Bóng tối từ phía thiếu nữ làm ta mường tượng đây là ban đêm, nhưng toàn thân thiếu nữ khoát ánh sáng tràn sang những đoá hồng thì thầm bên cạnh, một thứ ánh sáng bàng bạc, huyền ảo của một đêm trăng liêu trai. Thiếu nữ gảy đàn dưới trăng, trong trăng, trên trăng, hay trăng chính là thiếu nữ? Đây là một trong những bức tranh thành công nhất của bà theo trường phái ấn tượng. Hoặc bức tranh khoả thân "Thiếu nữ tắm hồ sen", với nền xanh non tươi mát lót thảm cỏ hoa, vài cánh sen hồng trôi trên mặt nước như ẩn như hiện. Người con gái ngồi nghiêng, tóc ươn ướt xoã, quay đầu lại, khăn lụa mỏng che một phần thân hình úp mở đợi chờ. Dường như cỏ hoa, mây nước, cũng muốn tắm chung với nàng trong màu xanh bất tuyệt ấy. Bức "Giông tố" hoạ một em bé ngồi dưới trời giông, đôi mắt lo âu, thắc mắc. Bé đi lạc chăng? Bé đợi ai đây? Giông tố bên ngoài có cao bằng giông tố đang bên trong lòng bé? Đây là một trong những bức tranh hiếm hoi thể hiện sự nhớ thương quê hương da diết của Lê Thị Lựu.
Một trong nhiều ý kiến nhận xét về tranh của Lê Thị Lựu là : Màu vui, nét sáng mà vẫn thoảng buồn cùng với những đường nét và thần thái của những mộng mơ và cảnh sắc thiên đường trong tưởng tượng.
Cùng với công việc vẽ tranh - niềm đam mê hàng ngày, bà còn là cô giáo dạy vẽ trong 7 năm liền (1932-1939) tại các trường lớn như trường Bưởi, trường Hàng Bài (tức trường Trưng Vương sau này), trường làm Ren, trường Hồng Bàng (Hà Nội), trường Áo tím (trường Gia Long sau này) và trường Mỹ thuật Gia Định.
Khi là một nhà giáo dạy vẽ, Lê Thị Lựu rất quan tâm đến học sinh. Hình ảnh của bà hiện lên vừa gần gũi thân quen, lại vừa cao sang. Họa sĩ Phan Kế An, một trong những học trò trước đây của bà kể lại: "Trong lớp, bà đi đến từng học sinh, chỉ dẫn cặn kẽ cho mỗi người. Chỉ một thời gian, bà đã nhận ra những ưu điểm và nhược điểm của từng học sinh, ai chăm ai lười, bà đều nhẹ nhàng động viên khuyên nhủ". Nhiều họa sỹ thành danh sau này là những học trò được bà dìu dắt trong những bước đi đầu tiên trên con đường đến với Hội hoạ.
Cùng với Hội hoạ, bà còn cộng tác với các tạp chí "Ngày nay", "Phụ nữ tân văn", "Đàn bà mới", và làm thơ. Năm 1940, bà theo chồng sang Pháp sinh sống và làm việc tại Paris. Ở đây bà đã tham gia phong trào chống thực dân và nhiều lần bị mật thám Pháp khám nhà và xét hỏi. Bà từng giữ chức thủ quỹ cho Hội văn hoá Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam.
Thời nay, quan niệm và cái nhìn của xã hội về vai trò của người phụ nữ cũng đã khác, nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có đủ tài và đủ can đảm để lao vào con đường nghệ thuật đầy khắt khe như Lê Thị Lựu đã từng làm vào những năm đầu thế kỷ XX - thời buổi giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng phong kiến khắt khe với tư tưởng bình quyền của phương Tây, giữa những phong tục tập quán trải hàng nghìn năm với những hoạt động văn hoá mới du nhập ... Nói như vậy để thấy hết được vai trò là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật vốn không dễ dàng này của Lê Thị Lựu vừa là đại diện cho phụ nữ, vừa là đại diện tiêu biểu cho cả nền hội hoạ hiện đại Việt Nam.
Tạp chí Thông tin phụ nữ
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam