Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
776
123.366.405
 
Để có những trang viết tươi ròng sự sống
Lê Khánh Mai

Mối quan hệ giữa nhà văn và đời sống là vấn đề không mới nhưng cũng không bao giờ cũ. Hướng đến đời sống, gắn bó, khám phá, phát hiện đời sống là nhu cầu tự thân, là khát vọng và động lực sáng tạo của nhà văn. Mặt khác, đời sống luôn vận động, biến đổi không ngừng làm nảy sinh cái mới, đặt ra những thách  thức mới cho con người, xã hội và người cầm bút.

 

Nhà văn vốn rất nhạy cảm với những vấn đề xã hội, với những hướng đi, thể chế, những khổ đau, hạnh phúc của con người. Và như một xu thế tự nhiên nhà văn bao giờ cũng hoà vào dòng chảy  cuộc sống, chịu sự va đập, nhận diện, chiếm lĩnh cuộc sống về mặt thẩm mỹ, tự ý thức về trách nhiệm xã hội của mình trong hoạt động sáng tạo văn chương.

 

Nhưng cũng chính cuộc sống là trục quay khổng lồ, hối hả và không lặp lại nên mối quan hệ giữa nhà văn và  đời sống cần được nhận chân lại.

 

Nhìn lại hôm qua, thế kỷ XX với những biến động lớn lao, chiến tranh tàn khốc, thế kỷ tìm kiếm chân lý và những câu trả lời cho thân phận con người. Nhà thơ E. Vinokurov viết:

 

Thế kỷ hai mươi ai phiêu bạt trên đường

Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ

Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ

Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!

 

Chiến tranh-  một hiện thực lớn tác động đến từng quốc gia, dân tộc, từng số phận con người. Và nó cũng là cuộc thanh lọc vĩ đại, tạo ra cái thước đo, mà ở đó những giá trị đích thực có cơ hội được khẳng định. Khát vọng giải phóng dân tộc, khát vọng chiến thắng và thành quả của cuộc chiến tranh nhân dân đã in dấu ấn những vẻ đẹp mang tính lý tưởng bao trùm lên nền văn học hôm qua.

 

Nhưng hôm nay đã khác. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất  đất nước đã hoàn thành. Con người phải đối diện với hiện thực mới, bộn  bề , phức tạp, đa dạng, không tập trung, tinh vi, khó nắm bắt. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nền kinh  tế thị trường, sư ïkiện Việt Nam gia nhập WTO đdang dần khẳng định vị trí Việt Nam  trên trường quốc tế. Nhưng đi cùng nó là sự lên ngôi của những giá trị vật chất và sự hạ thấp vai trò của những giá trị tinh thần.

 

Thực tế đó đòi hỏi nhà văn nhận thức về đời sống hôm nay không chỉ bằng tấm lòng,  sự nhạy cảm của người nghệ sĩ mà phải bằng cả sự tỉnh táo của tư duy. Thực tế đó cũng tự nhiên khiến ngòi bút nhà văn hướng vào đời sống một cách âm thầm, ráo riết, gian nan và cả đau đớn. Cái khó mà nhà văn hôm nay phải đối mặt là tính lý tưởng, tính thiêng mà họ tâm huyết tạo dựng trong văn chương không còn thiết thực và hấp dẫn như trước nữa. Điều đó có nghĩa rằng tiêu chí về thành tựu, về đỉnh cao văn chương hôm nay phải khác hôm qua. Vậy là bắt đầu những tìm kiếm mới, đầy ngộ nhận, vấp váp, thất bại, đầy hệ luỵ và đớn đau sinh thành.

 

Đời sống mãi là kho tàng vô giá, là chất liệu văn chương không bao giờ vơi cạn. Nhà văn dù thuộc tầng lớp nào, trong họ cũng có hai con người: con người sáng tạo và con người xã hội. Hai con người này khi phân thân, khi hoà nhập, bổ sung làm phong phú cho nhau. Năng lực quan sát, cảm nhận tư duy, chiêm nghiệm phản biện đời sống và tư tưởng nghệ thuật là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm, và là căn cứ để nhìn  nhận  chân tài nhà văn.

 

Đời sống trong văn chương là đời sống đã được chưng cất, tinh lọc, như thể qua giọt  sương nhìn thấy cả mặt trời (ý thơ Trần Mạnh Hảo). Và nó luôn được nhìn bằng con mắt mới. Nhà văn có thể bị ám ảnh bởi những dư chấn của quá khứ, nhưng khi sáng tạo, quá khứ ấy phải được soi rọi bằng cái nhìn mới, bằng tấm lòng của con người hôm nay và cả dự cảm tương lai.

 

Vấn đề không phải là phản ánh cái gì của đời sống xã hội mà là hiệu quả nghệ thuật từ cá tính sáng tạo của nhà văn. Camilo Jose Cela, nhà văn Tây Ban Nha nói : “Văn học dùng để làm gì? Chắc chắn không phải để làm lại thế giới. Không nên quên rằng văn học là một bộ môn nghệ thuật. Phải nói lên sự vật một cách nghệ thuật, có thế thôi. Đối với một dân tộc, văn học là tất cả. Nó đảm bảo cho một dân tộc trường tồn…”

 

Nhà văn có thể  khai thác bản thân mình, đi  đến tận cùng cái tôi nhưng không thể tách rời thế giới chung quanh và ảo tưởng cái tôi là tất cả, là vô tận. Khóc cười cho riêng mình là việc của con người bình thường nhưng nhà văn thì phải khóc cười cho cuộc đời. Bàn về chủ thể và khách thể trong sáng tạo nghệ thuật., V. Gớt-tơ quan niệm: “Khi nào ( nhà thơ) chỉ biểu hiện một số cảm giác riêng tư của mình, anh ta còn chưa phải là nhà thơ, nhưng khi anh  ta  vừa hiểu thấu thế giới xung quanh và học  được cách mô tả nó, anh ta sẽ trở thành một nhà thơ”.

 

Cô  đơn và nhập cuộc là hai trạng thái tinh thần luôn giằng co, “tranh chấp” trong con người nhà văn. Nhà văn cần rất  nhiều cô đơn, cần giú mình trong cõi lặng để “siêu thoát” và thăng hoa, nhưng đó là khi cuộc sống đã đầy ắp, nhà văn đã bước vào “công đoạn”  thai nghén và sáng tạo. Nếu nghèo nàn vốn sống thì càng cô đơn càng trống rỗng. Hoà nhập cuộc sống không có nghĩa là lẫn vào đám đông đánh mất mình. Hoà nhập cuộc sống với ý thức khám phá, phát hiện và thấu hiểu thì cuộc sống sẽ làm đầy, làm mới chính bản thân nhà văn, tạo nên nội lực mới, tránh đi những lối mòn hay lặp lại mình, lặp lại người khác trong quá trình sáng tạo.

 

Nghề văn hạnh phúc  vì lao động tự do, khi sáng tạo nhà văn được quyền sống với riêng mình, không ai can thiệp vào cõi riêng,  nhưng nhà văn sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Mà cái đẹp chính là cuộc sống, ở trong cuộc sống. Vì thế ngay cả trong những khoảnh khắc thật sự tự do nhà văn vẫn không thể thoát ly đời  sống. Hiện thực đa dạng hôm nay vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa là thách thức đối với nhà văn. Trong quá trình dân chủ hoá, phát triển đất nước, bên cạnh việc sáng tạo cái đẹp, văn học rất cần tiếng nói phản biện, xã hội, phản biện mạnh mẽ, quyết liệt như bản chất của đời sống  vốn mâu thuẫn và đa chiều. Ước vọng lớn nhất của mọi nền văn học là làm sao nói lên được một cách bản chất nhất tâm thế của con người thời đại mình.

 

Nhà văn làm ra tác phẩm,  đó chưa phải là khâu cuối cùng. Nhà văn hôm nay còn phải dõi theo đứa con tinh thần xem nó đi vào đời sống như thế nào. Cần phải cởi bỏ ý nghĩ cho rằng nếu tác phẩm hay sẽ  được bạn  đọc đón nhận nồng nhiệt. Điều đó đúng với hôm qua, khi chưa có sự cạnh tranh khốc liệt giữa văn hoá  đọc với văn hoá nghe nhìn, chưa có sự bùng nổ thông tin, chưa có văn hoá mạng và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng chưa đa kênh như hôm nay. Người đọc là nguồn động viên, người đem  đến cho nhà văn sinh lực tinh thần và vật chất để tái sản xuất, vì thế nhà văn cũng cần tác động tích cực, góp phần đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc.

 

Nghề văn giờ đây đã trở nên nhọc nhằn hơn, nhưng sẽ thật hạnh phúc khi, sau bao nhiêu vật vã, nhà văn đã  để lại cho đời những trang viết tươi ròng sự sống./..

 

Tham luận tại Hội nghị Nhà văn Nam miền Trung và Tây Nguyên tại  T.P Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam -28 đến 30 tháng 9 năm 2008

 

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 3052
Ngày đăng: 04.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Ru tình lưu lạc của Nguyễn Ước - Nguyễn Hồng Nhung
Sức nặng của một Tuyển tập Thơ - Nguyễn Khắc Phê
Có một nhà thơ Xứ Nghệ... - Yến Nhi
Đọc thơ Ngân Giang :Trưng Nữ Vương - Khổng Ðức
Nhận diện truyện ngắn "Vàng lửa" qua yếu tố văn hóa - Đặng Văn Sinh
Những đối lập gay gắt trong "đất không giấu mặt" (1) - Lê Quang Trang
Một bài báo bóp méo sự thật và vu cáo - Nhiều Tác Giả
Đối thoại với các linh hồn. - Ban Mai
Người gọi những giấc mơ - Lê Huỳnh Lâm
Yêu ở tuổi chín mươi - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)