1.Thảo luận
Muốn thảo luận với nhau tận gốc một vấn đề, cần rất nhiều lý và… một tí tình.
Chút tình ấy khiến ta không rơi vào tị hiềm vô bổ, bất kể cuộc thảo luận ngã ngũ hay không.
Mọi cuộc thảo luận đều có thể kết thúc như sau :
a/ có đúng có sai. Nghĩa là : ta đã hiểu nhau, đã được cho nhau một điều đáng cho.
b/ ta vẫn nghĩ ta đúng, bạn cũng vậy : chưa hiểu nhau. Chẳng có gì đáng buồn phiền, đời người thường thường vốn thế thôi.
c/ chưa khẳng định được. Nghĩa là : ta đã cho nhau điều đáng cho nhau nhất ở đời : một câu hỏi.
(2009-06-23. PHD)
2. Trung thực
Ở đời, trung thực chẳng dễ tí nào.
Mỗi lần ta trung thực vời người đời, ta dại.
Mỗi lần ta trung thực với chính mình, ta đau.
Mỗi lần ta trung thực với chữ nghĩa, ta… thất bại !
Hè hè.
( 2009-06-03. PHD)
3. Già rồi…
Ăn gì cũng bớt ngon.
Ngắm đàn bà mà bớt thèm.
Nhớ em mà bớt đau.
Nhìn đời mà bớt giận, bớt tởm.
Bớt một bước nữa : Niết Bàn.
Ta mong ta sẽ chẳng bao giờ bớt chính mình đến thế.
Hè hè.
( 2009-07-14. PHD)
4. Làm Tổng thống Mỹ da đen
Barack Obama, con của một người trí thức da đen xứ Kenya và một đàn bà trí thức da trắng Mỹ, đã trở thành tổng thống Mỹ.
Chỉ ở Mỹ mới có thể có chuyện tày trời như thế. Đó là vinh dự mà, cho tới nay, chỉ có Mỹ có thôi. Riêng ở điểm này, Mỹ xứng đáng làm ngọn cờ tiên phong của nhân loại.
Mỗi người, dù tải ba tới mấy, mỗi ngày cũng chỉ có 24 giờ để tiếp cận thế giới, tư duy và hành động thôi. Duy vật đấy, hè hè…
Mỗi ngày, trên thế giới, có hàng tỷ người hành động. Làm sao biết được họ làm gì và vì sao ? Để mà hành-động một cách có ý thức như một con người ?
Sau khi nhậm chức, Obama đã chỉ định khoảng 7000 người vào những cơ quan chính quyền. Đọc tự truyện của chàng, chàng quen thân chưa tới vài chục người. Chàng sẽ phải nhìn thế giới, con người xuyên qua lăng kính của 7000 người kia. Và sẽ phải hành-động trong bối cảnh ấy. Lại "duy vật biện chứng" ! Sẽ còn gì của người thanh niên đã viết "Những giấc mơ của bố tôi" tồn tại trong hành-động của thủ lĩnh siêu cường quốc duy nhất của đời nay ? Và vì sao ?
Câu hỏi văn học đích thực. Thú vị và bổ ích hơn tán gẫu và ẩu đả về những lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại về "căn cước" của con người.
Để xem sao.
( 2009-07-12. PHD)
5. Đành vậy
Ta cảm nhận tha nhân qua lăng kính cá biệt của ta. Chẳng thể nào khác được.
Nếu ta may mắn, nhờ tha nhân, nên người đôn hậu, khi gặp tha nhân, ta thường thấy ngay điều đáng yêu, đáng trọng ở nó. Chỉ nghiệm sinh, ta từng trả giá, mới khiến được ta cầm lòng : rất có thể, đằng sau vẻ đáng yêu đáng trọng đó, có một con người tồi "khác".
Nếu ta, vì tha nhân, đã nên người trong sự ngờ vực người khác, ta thường thấy ngay điều tồi hay hèn kém ở tha nhân. Cũng chỉ nghiệm sinh, ta đã được trả giá, mới khiến ta tìm ra được ở nó điều đáng thương nếu chưa là đáng yêu, đáng trọng.
Người đời, kể cả ta, ai mà không có cả hai mặt người ấy ?
Trên cơ sở đó, ta có thể làm bạn với tha nhân trong giới hạn có thể làm bạn với nhau được, không bao giờ quên những khả năng khác ở tha nhân.
Dù thế, cũng có lúc ăn đòn. Hè hè…
Đành vậy.
( 2009-07-16. PHD)
6. Làm người
Ta làm chính ta xuyên qua người đời.
Người đời xua đuổi ta về chính ta.
Đời nay nó vậy.
Thảm nào văn chương đời nay, bói không ra được một tác phẩm yêu đời.
Hè hè…
(2009-07-16. PHD)
7. Hiểu nhau
Bạn bảo ta :
Chả bao giờ dân Việt có thể hiểu nhau được.
Có thể thế thật. Hiện nay, nói chung, thế thật. Điều ấy không ngăn cản chúng ta thương nhau. Chỉ cần chân tình, đàng hoàng tử tế với nhau thôi. Thế cũng đủ cho phép ta thương người đời trong hoàn cảnh và môi trường văn hoá của nó. Thậm chí, thương mình luôn.
Nếu điều ấy hão, ta quẳng bút liền.
Nhưng than ôi, chân tình, đàng hoàng tử tế với chính mình là điều khó nhất ở đời.
Hè hè…
(2009-06-13. PHD)
8. May mắn
Ở đời, được gặp người hơn mình là điều may mắn. Điều ấy nghĩa là : kiếp người không nhất thiết sáng láng hay tăm tối như mình tưởng.
Ta đã từng được may mắn ấy, không chỉ qua sách vở.
( 2009-06-17. PHD)
9. Như ai ?
Ta không có hoài bão được người đời suy luận như ta về mọi chuyện. Chán chết.
Em yêu mà nghĩ y hệt như anh trong mọi chuyện thì anh yêu em thế quái nào được ? Trong khao khát yêu, không ai nhạt nhẽo vô duyên hơn chính mình. Vì thế mà mình có nhu cầu yêu người khác ! Vì thế chẳng mấy ai yêu chính mình lâu dài được. Trừ Narcisse, những người điên, một loại thi sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, triết gia, trí giả et tutti quanti. Hay những người tuyệt vọng. Chán thấy mồ.
Ta chỉ mong những điều ta viết khích người đời tư duy tự chính mình và, trên cơ sở đó, nếu muốn, có với ta một quan hệ còn quá hiếm ở đời nay : bình đẳng, chân tình và trìu mến. Thậm chí : chưa hề có ở đời ! Hè hè.
Khó lắm, người đời ơi.
( 2009-06-11. PHD)