V. Các trường phái triết học phi chính thống
Các trường phái triết học vừa được trình bày tổng quát ở trên đều triển khai bên trong truyền thống chủ lưu của kinh Veda. Các truyền thống khác, gồm Phật giáo và Kỳ Na giáo mà chúng ta sẽ xem xét trong các chương sau, đều được triển khai tách biệt và liên hệ một cách đặc thù với khu vực đông bắc Ấn Ðộ, nơi thuở ấy có địa danh là Magadha (Ma-kiệt-đà) và ngày nay là Tây Bengal và Bihar.
Ngoài hai trường phái được gọi là phi chính thống vừa kể vì không chấp nhận thẩm quyền của kinh Veda ấy, còn có các trường phái phi chính thống khác. Giáo sư Karel Werner, thuộc phân khoa Tôn giáo, Ðại học London, Anh, đã trình bày những nét đại cương mà đầy hấp dẫn của các trường phái ấy trong cuốn Encyclopedia do nhà Routledge xuất bản năm 1997. Ông mô tả rất chi tiết một khu vực chịu sự cai trị của Vratyas, liên bang các bộ tộc Aryan.
Trường phái Vratya
Người ta tìm thấy trong trường phái Vratya nhiều luận cứ liên quan tới kinh Atharva Veda: Nhương tai minh luận, cùng những tham chiếu tản mác từ các nguồn khác.
Ðây là một triết thuyết thần bí trong đó thuật ngữ Vratya được dùng để chỉ quyền năng sáng tạo vũ trụ, được cá nhân hóa bằng danh xưng Ekavratya, cũng được gọi là Mahadeva, đấng Thượng đế vĩ đại, một thuật ngữ được dùng để chỉ thần Siva, đấng hủy diệt. Từ Thượng đế vĩ đại ấy xuất hiện Brahmachari, đấng lang thang trong vũ trụ, kẻ kiến tạo thế gian, gây cho nó thụ thai, và như thế, làm phát sinh tính chất vô số trong thế giới kinh nghiệm của chúng ta.
Tam vị nhất thể – Vratya, Ekavratya và Thế gian – được tái diễn xuất trong một nghi lễ phồn thực. Những kẻ thực hiện nghi lễ ấy gồm một tôn sư, một môn sinh và một người nữ phụ tá, trong một cuộc giao hoan tính dục có tính cách tế lễ, được gọi là mathuna.
Xét theo thuật ngữ tôn giáo, mục đích của nghi lễ ấy là đi ngược trở lại tiến trình kiến tạo để tái sở đắc siêu việt tính ở quá bên kia tính chất vô số của thế giới kinh nghiệm của chúng ta. Diễn tiến ấy đưa tới sự từ bỏ thế gian để làm một brahmachari độc thân, người trẻ tuổi tự nguyện khai tâm và điểm đạo để đi theo cuộc sống tôn giáo, rèn luyện tâm linh và tuyên đọc lời khấn nguyện tu hành đầu tiên. Và khi đã đi trọn con đường dạo, thiếu niên ấy được gọi là một ekavratya hoặc arhat (la hán).
Ở đây, chúng ta cần để ý tới sự tái diễn có tính nghi lễ quá trình tạo dựng thế giới, với tính dục của con người phản chiếu cuộc sáng tạo cơ bản trong vũ trụ. Lúc ấy, phản ứng lại tiến trình đó, có sự đảo ngược diễn tiến bằng thái độ từ khước thế giới để đi tìm sự hiệp nhất đầy bí nhiệm và cao hơn.
Hình tượng tính dục ấy và việc sử dụng tính dục như một hành động phô diễn sự sáng tạo cũng xuất hiện trong Mật giáo (xem chương 8), dù người ta vẫn không biết chắc chắn rằng nó có nối kết nào đó với triết thuyết Vratya hay không; tất cả vẫn ở trong vòng suy đoán.
Trường phái Carvaka
Triết học Carvaka còn gọi là Lokayata, mang tính duy vật chủ nghĩa. Nó được trình bày trong chính kinh Veda, trong các sử thi và cả trong kinh sách của Phật giáo. Thuyết ấy tuyên bố rằng chỉ có thể biết là hiện hữu những cái ta có thể tri giác. Không có thế giới bên kia: chết là hết. Niềm tin vào những cái như thế bị xem là tưởng tượng quái đản. Không có bằng chứng hợp luận lý cho tính khả thi của cái không thể thấy; không thể dùng sự suy ra như một nguồn có giá trị của tri thức mới vì không thể chứng minh nó một cách vô điều kiện.
Chỉ nên chấp nhận sự suy ra nếu kết quả của nó ít nhất, về mặt nguyên tắc, có thể tri giác được. Nhưng như Werner vạch rõ, sự giả định có tính duy vật chủ nghĩa cơ bản ấy, nghĩa là “cái gì không thể thấy thì không thể hiện hữu”, không thể tự chứng minh nó là đúng hoặc sai, do đó, nó vỏn vẹn chỉ là một yêu cầu siêu hình, một chọn lựa cách thức thông giải kinh nghiệm của mỗi người
Ðối với triết thuyết duy vật chủ nghĩa ấy, ý thức thì đơn giản chỉ là kết quả của các thành tố hợp cùng nhau làm thành con người, giống như ngây ngất say rượu là kết quả của quá trình lên men trong một thức uống.
So với triết Tây
Quan điểm này của truyền thống Lokayata khá giống với dạng yếu của Lý thuyết Xác minh (Verification Theory) được những người theo thuyết thực chứng luận lý (logical positivism) triển khai. Họ cho rằng khi nói cái gì đó là hiện hữu, ta cần phải có khả năng nói tới loại chứng cớ nào có thể được nêu ra để chứng minh hoặc bác bỏ sự hiện hữu của nó.
Ý tưởng của Lokayata về bản ngã, nếu nói theo thuật ngữ Tây phương, hẳn có thể gọi là mang tính phụ tượng chủ nghĩa (epiphenomenalism), nghĩa là cho rằng tâm trí là một hiện tượng (phenomene) phát sinh trên cơ sở thể xác vật lý.
Bản ngã theo Loyakata
Trong trường phái Loyakata, có nhiều quan điểm khác nhau về bản ngã:
a. Một số đồng hóa bản ngã, một cách đơn giản, với các thành phần vật chất được nuôi dưỡng bằng thực phẩm, rất giống lối tiếp cận “Bạn chính là cái bạn ăn vào”;
b. Một số đồng hóa bản ngã với năng lực nhận thức bằng giác quan;
c. Trường phái thứ ba đồng hóa bản ngã với sinh lực;
d. Còn có một trường phái nữa chấp nhận sự hiện hữu riêng biệt của tâm trí dù chính tâm trí cũng bị họ xem là có khả năng bị diệt vong.
Ðạo đức học Lokayata
Khởi đi từ niềm xác tín rằng bên kia cõi chết chẳng có gì sống sót, đạo đức học Lokayata chủ trương ta nên hưởng thụ khoái lạc tới mức cao nhất có thể được, và cho rằng hạnh phúc cao cả nhất là được phụ nữ xinh đẹp ôm ấp. Lokayata bảo rằng chuyện tế lễ và việc học hỏi các kinh Veda chẳng đạt tới cái gì cả. Do đó, tốt nhất nên để những cái đó cho những kẻ thiếu trí năng và thiếu đàn ông tính.
Mặt khác, lời dạy của Lokayata quả quyết rằng việc theo đuổi khoái lạc không nên gây đau khổ cho kẻ khác. Vì thế, người theo Lokayata chống lại việc cúng tế súc vật và chiến tranh.
Cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm thấy văn bản gốc nào của Carvaka/Lokayata. Chúng ta chỉ biết tới triết thuyết này qua những nỗ lực bác bẻ nó của các trường phái chính thống. Nó được trình bày khá đầy đủ trong các khảo luận triết học của Sankaracarya, có tên là Sarvasitdanta Sangraha, nghĩa là “Ðiểm qua tất cả các học thuyết”. Triết thuyết này bị các hành giả chỉ trích, nhưng khó có thể nghi ngờ rằng nó được đại chúng ưa thích nhất.
Tuy thế, khi tới phần xem xét Phật giáo, chúng ta sẽ thấy một giáo thuyết tự ngụ ý là Trung đạo. Có thể hiểu khái niệm đó bằng nhiều cách, hoặc như một cân bằng giữa lối sống xa hoa phóng đãng và chủ nghĩa khổ hạnh, hoặc giữa vĩnh cửu chủ nghĩa và hư vô chủ nghĩa, nhưng dựa vào bối cảnh các nguồn gốc của nó, có lẽ đó là một trong những cách có liên quan tới lập trường giữa chủ nghĩa khổ hạnh chính thống Ấn giáo và chủ nghĩa khoái lạc duy vật chất của Carvaka.
So với triết Tây
Ở đây, Lokayata có điểm tương đồng hiển nhiên nhất với khoái lạc chủ nghĩa (hedonism) của Epicurus, ở chỗ nó chấp thuận khoái lạc làm mục đích có giá trị cao cả trong cuộc sống. Thế nhưng trong khuôn khổ những giới hạn được đặt ra trên con đường theo đuổi sự sung sướng, thí dụ, không gây đau khổ cho kẻ khác, Carvaka/Lokayata còn có những điểm tương đồng với đạo đức học duy thực lợi chủ nghĩa (utilitarianist ethics) của Tây phương.
VI. Cuộc sống: cứu cánh và đạo đức học
Kinh Veda mô tả trật tự tự nhiên của vạn vật là rta, một khái niệm chẳng bao lâu sau bị thay thế bằng các ý tưởng về Brahman và Dharma. Rta là “lề luật, trật tự cố định”, cũng được hiểu là “chân lý sống động bắt nguồn từ Thượng đế và tác động qua ngài”. Chân lý, trật tự thiêng liêng rta ấy đem phúc lợi và hạnh phúc tới cho mọi người.
Rta và Dharma
Hết thảy các thần linh được mô tả muôn hình muôn vẻ trong kinh Veda đều có mặt ở đó để duy trì rta. Và loài người có thể duy trì rta qua các nghi lễ cúng tế và qua sự thể hiện các nghĩa vụ của mình. Nếu thi hành những điều ấy, họ nhận được phúc lợi đi kèm theo các rta của chúng.
Do đó, từ các kinh Veda, chúng ta có khái niệm đạo đức nền tảng, đó là Dharma. Như đã trình bày, hiểu một cách khái quát, Dharma là Pháp. Và có thể hiểu Dharma là hành động chân chính hoặc thích đáng hoặc nghĩa vụ, là cái duy trì xã hội, bảo đảm cho con người và xã hội luôn luôn theo đúng trật tự tự nhiên của vạn vật.
Về sau, trong Bhagavad Gita, khái niệm ấy được diễn tả bằng svadharma, nghĩa là pháp cho bản thân hoặc luật tắc cho riêng mỗi người. Nói cách khác, mỗi người có nhiệm vụ cá biệt phải thể hiện, và svadharma của ta chính là dharma của ta khi áp dụng một cách cá biệt cho riêng bản thân ta. Svadharma là luật tắc bên trong cá nhân mỗi người và luật ấy phải hòa hợp với ý muốn của thần linh.
Varnasramadharma
Rõ ràng, svadharma, luật tắc cho riêng mình, biến đổi theo với người này và người nọ tùy vào hoàn cảnh cá biệt của mỗi người. Dharma của ta thì tùy thuộc màu sắc (varna) của bản thân ta và tùy vào từng giai đoạn nhất định (asrama) trong cuộc đời ta.
Trong xã hội Ấn Ðộ, ngay từ thời cổ đại, đã có sự phân chia đẳng cấp thành bốn nhóm chính, hoặc varna, một từ ngữ có lẽ được dùng để phân biệt người Aryan nhập cư nước da nhạt so với cư dân bản địa nước da sậm hơn, những kẻ bị họ xâm chiếm và là những kẻ họ cộng sinh. Do đó, dharma của mỗi người tùy thuộc vị trí của người đó trong hệ thống đẳng cấp của xã hội.
Xã hội bốn đẳng cấp
1. Ðẳng cấp Brahmin (Bà la môn, giới tư tế);
2. Ðẳng cấp Kshatriya (nhà cai trị hoặc chiến sĩ);
3. Ðẳng cấp Vaishya (thương buôn);
4. Ðẳng cấp Shudra (người lao động).
Bốn đẳng cấp có tính kế tục theo gia tộc nên còn được gọi là tập cấp. Trong mỗi đẳng cấp lại chia thành rất nhiều hệ cấp. Ngoài bốn đẳng cấp ấy là những người hạ đẳng (pariah) hay hạ lưu, không được xếp vào đẳng cấp nào. Hệ thống đẳng cấp đó đã được ghi trong Purusa Sukta của Rig-Veda, là bộ sớm sủa nhất trong các kinh Veda; bộ ấy được soạn trong khoảng từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 8 trước C.N.
Thứ bậc đẳng cấp được trình bày một cách sinh động bằng đồ biểu dưới dạng phân chia con người nguyên thủy: Brahmin là cái đầu; Kshatriya là cánh tay; Vaishya là bắp đùi; và Shudra là bàn chân. Hình tượng ấy gợi cho thấy tính tương thuộc và hòa điệu cho dẫu có những khác biệt tận gốc rễ về địa vị và chức năng tới độ không thể làm thông gia với nhau.
Bốn giai đoạn cuộc đời
Cùng với varna, còn có một thành tố có tính quyết định cho dharma của mỗi người, đó là giai đoạn nhất định trong cuộc đời mình, tức là asrama. Ðời của một người đàn ông có bốn giai đoạn:
1. Brahmacarya: giai đoạn tuổi trẻ, sống độc thân, được khai tâm điểm đạo để lo tu học;
2. Grhasta: giai đoạn lập gia đình, sống làm gia trưởng;
3. Vanaprasta: giai đoạn sống qui ẩn, trầm tư mặc tưởng;
4. Sannyasa: giai đoạn từ bỏ thế tục, làm tu sĩ hành cước khất thực.
Varnasramadharma nghĩa là bổn phận cá nhân. Nó kết hợp từ ba từ ngữ: varna, asrama và dharma, nghĩa là pháp (luật tắc sống) tùy vào đẳng cấp của mình và giai đoạn trong đời của mỗi người. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời có những nghĩa vụ tương ứng. Nói cách khác, bổn phận được ấn định theo từng đặc tính tuổi đời và theo “màu sắc” của người ấy.
Ðặc điểm đạo đức học Ấn giáo
Như thế, điểm đặc biệt và chủ yếu của đạo đức học Ấn giáo là sự thừa nhận một cách uyển chuyển rằng con người ta ở mỗi địa vị khác nhau trong xã hội, vào mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, thì có những định chuẩn khác nhau về động thái, nghĩa là tác phong hạnh kiểm. Lối tiếp cận như thế luôn luôn tạo lợi thế cho việc áp dụng thực tiễn, và do đó không cần thiết phải liên tục điều chỉnh các luật lệ đã được tổng quát hóa để thích ứng với từng nhóm người đặc thù.
Mặt khác, trong một hệ thống đẳng cấp với quá nhiều hệ cấp như thế, thật khó phân biệt cái gì đúng cái gì sai theo bất cứ ý nghĩa tuyệt đối nào, đồng thời khó đánh giá cái gì đơn thuần phản ánh cấu trúc xã hội. Cũng thật khó không để cho xã hội định chế hóa cái được xem là không công bằng, hiểu theo lối nói có tính tuyệt đối chủ nghĩa. Do đó, khi phê phán hệ thống đẳng cấp của Ấn giáo, người ta thường có thói quen đứng từ quan điểm nhân bản chủ nghĩa Tây phương, phát xuất từ một xã hội được giả định rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Sống với bốn mục đích
Trong kinh Veda, có một tập hợp các sutra liên quan một cách đặc thù tới sự phô diễn Dharma, trong đó cái quan trọng nhất là Munudharma Sastra (hay Munusmrti). Kinh này có trước các triết hệ. Nó là tác phẩm đầu tiên và quan trọng nhất, được dùng làm cơ sở cho xã hội Ấn Ðộ.
Kinh ấy không chỉ quan tâm tới luật lệ (Dharma) mà còn chú trọng tới nhiều mặt của xã hội Ấn Ðộ cổ đại. Ban đầu, kinh có tất cả 10.000 câu thơ, chia thành 24 chương. Nay chỉ còn 2.685 câu.
Kinh Manudharma Sastra đề ra bốn mục đích cho cuộc sống:
1. Dharma. Bổn phận và nghĩa vụ. Ðức hạnh, hạnh kiểm đúng đắn. Công bằng, chính đáng, ngay thẳng, đạo đức.
2. Artha. Của cải. Sở hữu tài sản. Khát vọng chiếm hữu vật chất này không bị lên án trong chừng mực cuộc tìm kiếm nó không vi phạm những yêu cầu đạo đức được qui định trong Dharma.
3. Kama. Khoái lạc nhục cảm, khát vọng, thèm muốn tính dục. Trong Rig-Veda, dục vọng được trình bày như ý nguyện biểu hiệu nguyên sơ của cái Tuyệt đối: “Dục vọng nảy sinh trong cái Tuyệt đối, căn nguyên của ý thức, được các thánh nhân phát hiện từ đáy lòng mình do những tìm kiếm sự hiệp nhất Thực tại tuyệt đối với thế giới các hiện tượng”.
4. Moksa. Giải thoát. Thoát khỏi mọi hệ lụy trần thế, vượt ra ngoài nghiệp báo và chu kỳ sinh tử luân hồi nhờ kết hiệp với Thượng đế và hiệp nhất với Thực tại tối hậu.
Ở một phần trước trong chương này, chúng ta đã xem xét mục đích thứ tư, là giải thoát, vì đó là mục đích cao cả nhất, lớn lao nhất và là đặc điểm quan trọng nhất trong các triết hệ cổ điển. Hai mục đích thứ hai và thứ ba thừa nhận vai trò của khoái lạc tính dục và các khoái lạc khác, cùng với sự sở đắc của cải như thuộc phần giá trị của cuộc sống, với điều kiện chúng không đi ngược lại Dharma mà làm thiệt hại cho kẻ khác.
Rõ ràng bốn mục đích ấy tương ứng với bốn giai đoạn trong cuộc đời. Lúc thanh xuân thì lo tu tập rèn luyện Dharma. Còn Artha và Kama đặc biệt thích đáng cho giai đoạn lập gia đình và làm gia trưởng, là lúc người ấy được kỳ vọng tích cực về mặt sinh hoạt kinh tế và tính dục. Tới giai đoạn sau cùng thì nhắm tới moksa.
Những phương cách giải thoát
Giống hệt Dharma là nguyên tắc tiềm ẩn trong cả bốn mục đích của cuộc sống, giải thoát (moksa) cũng thế. Moksa là mục đích tối hậu. Nó bàng bạc khắp các triết thuyết cổ điển của Ấn Ðộ. Có ba con đường (marga) khác nhau dẫn tới giải thoát; hành giả đi trên mỗi đường ấy với mục đích duy nhất là tinh tiến tâm linh trong hiệp nhất với Thượng đế.
1. Con đường thứ nhất: Karma marga
Theo truyền thống, có hai cách khác nhau trong việc thể hiện động thái dẫn tới giải thoát.
Cách thứ nhất là đi theo con đường từ bỏ trần thế, kể cả gia đình, để làm người tu sĩ lang thang khất thực sannyasa, kẻ rút lui khỏi cuộc thế xa hết sức có thể được và sống như một nhà khổ hạnh.
Cách thứ hai là vẫn ở lại với nhân quần xã hội nhưng sống với tác phong khiêm nhu, và theo một cách nào đó, phản ánh svadharma, luật tắc dành cho riêng mình.
Cả hai con đường ấy hiệp cùng nhau làm thành khái niệm karma marga. Ðây là con đường được cổ vũ trong Bhagavad Gita, và nó là “hành động nhưng không bị ràng buộc với kết quả của hành động”. Nói cách khác, cả hai đều có chung ý nghĩa từ bỏ theo nghĩa không mưu tìm sở đắc riêng tư, và như thế, ta có thể tiến hành sự từ bỏ ấy trong khi vẫn dính líu tới những hoạt động trần thế.
Lập trường ấy dĩ nhiên được phản ánh trong những lời giảng dạy sớm sủa nhất về Dharma, nhắm tới hành động cho cái thiện của xã hội và đồng thời cũng phù hợp với bản ngã nội tâm của mỗi người. Con đường hành động ấy bao gồm các giới phải giữ (yama) và các đức hạnh phải trau dồi (niyama).
Các giới phải giữ gồm 5 cái:
1. Ahimsa. Bất tổn sinh, thường được diễn tả theo thể mạnh là đừng sát sinh;
2. Satya. Thật thà, thường được phát biểu là đừng nói dối;
3. Asteya. Không trộm cắp;
4. Brahmacarya. Tiết chế tính dục, thường được phát biểu là không tà dâm;
5. Aparigraha. Không tham lam, tránh hám lợi.
Các đức hạnh phải trau dồi gồm 5 cái:
1. Tinh sạch cả tâm hồn bên trong lẫn thể xác bên ngoài;
2. Hài hòa thanh thản;
3. Tự nguyện nghiêm khắc với bản thân.
4. Học tập với người khác;
5. Tận hiến cho Thượng đế.
2. Con đường thứ hai: Jnana marga
Những trình bày vừa rồi cho chúng ta thấy triết học đóng vai trò rộng lớn trong truyền thống Ấn Ðộ. Jnana là tri thức, am hiểu. Con đường tri thức, jnana marga, như chúng ta từng đề cập ở phần nói tới triết hệ Vedanta, liên hệ tới sự thừa nhận tính đồng nhất thể của Atman với Brahman; tri giác ấy được Sankara đánh giá là dẫn tới giải thoát.
Ta cũng nên ghi nhận rằng học tập là đức hạnh thứ tư, cần phải trau dồi trên con đường hành động.
3. Con đường thứ ba: Bhakti marga
Con đường tận hiến. Trong khi khảo sát sự phát triển của triết hệ Vedanta, chúng ta đã thấy làm thế nào cuối thiên niên kỷ thứ nhất sau C.N., truyền thống Bhakti đã ra sức gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên toàn bộ truyền thống triết học Ấn Ðộ.
Nguyên ngữ, Bhakti nghĩa là yêu thương: yêu thương Thượng đế, trung thành phục vụ tôn sư của mình (guru), và vị thần mình đã chọn (istadevata). Như thế, con đường thứ ba này có những dạng khác nhau và những mức độ khác nhau tùy vào đối tượng nào của Bhakti trong ba đối tượng ấy, hoặc cả ba.
Có thể truy tầm ngược trở lại dấu vết của con đường tận hiến do bởi yêu thương này tới tận sử thi Bhagavad Gita, trong đó sự tận hiến được xem như một phương cách thành tựu giải thoát. Lòng yêu thương cao nhất đối với Thượng đế với tâm niệm chẳng có gì ngoài Thượng đế và ngoài ý thức hiệp nhất với ngài. Từ đó, ta có tình yêu không những xuất thần đối với Thượng đế, mà còn là một sự xuất thần cực kỳ mạnh mẽ.
Dĩ nhiên toàn bộ truyền thống Bhakti hàm ý sự hiện hữu của một đấng thần linh tối cao có nhân cách, và vì thế, truyền thống này không là đối tượng chọn lựa của những người theo triết học phi hữu thần chủ nghĩa (non-theistic philosophy).
Ahimsa: bất tổn sinh
Chúng ta đã thấy giới đầu tiên phải giữ trong năm giới là đừng sát sinh. Trong tư tưởng Ấn Ðộ, ahimsa không chỉ đơn giản là kiêng cử chớ sát sinh; nó còn liên quan tới việc phát triển một thái độ tích cực đối với hết thảy những gì đang sống, nghĩa là mọi sinh linh.
Nguyên ngữ, ahimsa nghĩa là không dính líu tới bạo lực, không làm tổn hại tới sự sống. Ý nghĩ, lời nói, hành động tuyệt đối tôn trọng thể chất của mọi sinh linh. Thánh Mahatma Gandhi (1869-1948) lấy nguyên tắc ahimsa, bất bạo động, làm nền tảng toàn bộ cho phong trào giải phóng Ấn Ðộ khỏi sự thống trị của người Anh.
Ahimsa là cốt tủy dưới dạng nhân sinh quan tổng thể của Ấn giáo. Nó liên quan tới ý tưởng về nghiệp quả lẫn khái niệm chủ yếu rằng mọi hữu thể đều có luật tắc của chính nó (svadharma): khi bạn làm điều bạo động đối với kẻ khác tức là bạn đang phủ nhận việc người khác có quyền sống theo cách thích đáng với họ. Ahimsa còn là hành động thừa nhận mối tương liên của toàn bộ sự sống.
Cần ghi nhận rằng ahimsa cũng là đặc điểm cốt tủy của hai triết thuyết phi chính thống, sẽ được chúng ta xem xét riêng từng cái, đó là Phật giáo và Kỳ Na giáo. Ahimsa cực kỳ ăn sâu vào toàn bộ tư duy mang tính xã hội và triết lý của Ấn Ðộ.
So với triết Tây
Trong chương thứ hai này, chúng ta đã quan tâm tới các chủ đề căn bản hình thành tư tưởng Ấn Ðộ, và vì dòng chảy của chủ đề cũng như giới hạn của từng phần, chúng ta không có cơ hội dừng lại để khảo sát các nhà tư tưởng cá biệt và hiện đại, tương ứng với từng tiểu đề.
Họ từng theo học các đại học phương Tây. Công trình của họ được trình bày bằng tiếng Anh, là một trong hai ngôn ngữ chính của Ấn Ðộ, thích hợp với lối nhìn của con người thời nay, nhất là với những độc giả quen với lối phân tích của triết học Tây phương. Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy tiểu sử và đôi nét tư tưởng của họ trong các từ điển tôn giáo hoặc triết học Ðông phương. Họ gồm có: Swami Vivekenada(1863-1902); Mahatma Gandhi (1869-1948); Sri Aurobino (1872-1950); Sarvepalli Radhakishna (1888-1975), v.v. Cho tới nay, cũng đã có một số sách hoặc trích văn của các tác giả ấy được dịch ra tiếng Việt.n