Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.150.350
 
Một trường hợp
Mang Viên Long

Ông Nguyễn đang nằm trong buồng nghe tiếng đẩy cửa biết là thằng Hùng đã trở về. Một lát sau, ông lại nghe giọng vợ hét to lên : “Quần áo của mày gần khô rồi, tao phơi chỗ mát, có chỗ phơi mấy bộ của bố, của em mày, làm gì mà dồn đống thế kia?”.

-Bà phơi thế làm sao chúng khô được? – Giọng Hùng vang lên.

-Em nó cần chiều đi học, mày đi đâu mà vội?

-Đi chơi – Hùng đáp gọn.

-Mày đi chơi, tụ họp, quấy phá, mà cũng gấp à ? Lớn đến từng ấy tuổi, ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà chẳng làm được một công chuyện gì có lợi cho gia đình, lại còn vô lễ ngổ ngáo; mày không biết xấu hổ sao?

-Không.

Ông Nguyễn vẫn nằm im, không lên tiếng. Ông nhớ đến mấy lần đã răn dạy, can ngăn nó, nhưng rốt cục bao giờ cũng là một trận xô xát, đổ vỡ, không đem lại một chút kết quả nào. Lần Hùng cãi nhau với chị vì nó đã lấy mất chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Seiko của em mà chị nó đã mua cho như một phần thưởng, một kỷ niệm; ông đã lên tiếng. Sau đó là nó vác ghế đập vào chị, phải đi nằm viện; xô ngã chiếc bàn về phía ông, làm bể bộ tách trà của Nhật. Suốt mấy hôm sau nó đi bặt, cũng không đến viện thăm chị lấy một lần.

Ông Nguyễn mỗi ngày càng cảm thấy yếu mòn dần tuy nhẩm tính tuổi mình chưa được sáu mươi. Ngày ông tập kết ra Bắc với chức vụ ủy viên Hội nông dân huyện, hai mươi hai tuổi, có hai con. Công tác bên ngành nông nghiệp suốt hai mươi năm, có vợ lại vào năm 58, sinh con gái đầu năm sáu mươi. Tiếp theo là Hùng năm 70, và Ngọc năm 78.

Sau 1975, ông từ miền Bắc trở về thăm quê và vợ con sau hai mươi năm xa cách. Hai người con ông đã lập gia đình; vợ ông đã có cháu nội, cháu ngoại. Bà vẫn sống với người con trai út, để chờ đợi ông, như lời bà đã hứa lúc đưa ông xuống tàu.

Ở lại với gia đình được một tháng, ông trở ra Bắc, với một số lớn vàng, vợ và con ông góp cho, để ông “thanh toán món nợ tình cảm dây dưa ở ngoài ấy”; trước khi về sống hẳn với gia đình trong nầy.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, năm năm sau, ông trở về. Ông không trở về một mình. Mà với vợ và ba đứa con. Vợ trước và con ông cương quyết không lui tới với ông nữa. Còn ông cũng chẳng bước đến nhà cho dầu đó là ngày kỵ giỗ cha mẹ của ông.

Ông được phân công làm Trưởng phòng Lương thực huyện. Mua được đất. Xây được nhà to. Có xe Cúp đời mới. Nói tóm, sau gần sáu năm làm việc, ông đã có đủ. Với số tài sản ấy, ở trong Nam trước đây, mỗi người công chức cấp trung bình, phải làm trong thời gian gấp ba lần. Năm ông tròn năm mươi ba tuổi, vì người đỡ đầu của ông trong Ban tổ chức chính quyền tỉnh bị nghỉ việc; có sự xáo trộn đổi thay nơi bộ máy Đảng và chính quyền huyện; ông bị “động viên về hưu sớm” nếu không muốn ra tòa. Vợ ông cũng được giảm biên chế sau đó vì lý do “không đủ điều kiện và khả năng công tác”.

Ông bước ra khỏi phòng. Hùng cũng vừa đi vào. Ông dò xét nhìn nó : “Sao mày lại hỗn láo với mẹ mày thế?”.

-Bà ấy không phải là mẹ tôi – Hùng lớn tiếng cãi.

-Vậy ai đã sanh mày ra? Mày ở dưới đất tự chui lên chắc? – Giọng ông trầm nhỏ.

Hùng mở cửa, bước ra, đập mạnh cánh cửa vào. Ông biết là nó sẽ đi đâu, mấy ngày mới về, vì nó vừa mới được chồng của Hương – anh rể, cho tiền. Sau nhiều lần theo dõi, ông biết chồng Hương không thể thuyết phục được nó, tuy anh đã bảo sẽ thay ông khuyên nhủ, bảo ban nó dần dần. Chồng của Hương đã đôi lần thết đãi nó ở hiệu ăn sang trong, mua cả đồng hồ, quần Jean Thái cho nó mặc; nhưng sau lúc ấy rồi, nó lại tránh né gặp mặt. Nó làm lơ xa lạ. Như chẳng hề nhận của anh ta thứ gì, chưa hề hứa với anh ta một điều gì cả. Đôi lúc nó còn ngổ ngáo, vô lễ, như cư xử với người dưng. Nó trở mặt rất lạ.

Vợ ông từ phía sau nhà đi vào, đến trước mặt ông, bà xẵng giọng:

-Chứ ông không làm gì được nó à ?

Ông Nguyễn ngồi vào chiếc ghế bành rộng, cảm thấy hơi choáng váng, buồn nôn. Tuần trước đi khám, đo huyết áp, bác sĩ bảo ông bị “rối loạn trung khu tiền đình”, huyết áp cao hơn bình thường. Ông cố gắng giữ bình tĩnh nói với vợ : “Bà còn cách gì không? Bà nuôi nấng, cưng chìu nó là thế, mà nó dám bảo bà không phải là mẹ của nó”.

 

Ông Nguyễn vừa mới bước chân vào nhà, bà Nguyễn đã vội hỏi:

-Họ trả lời thế nào?

Ông Nguyễn quẳng chiếc mũ xuống bàn:

-Ối Trời ơi, tôi đã bảo mà, họ trả lời là không thể giúp gì được cả. Họ bảo đó là chuyện riêng của gia đình. Nó chưa quấy rối trật tự công cộng, chưa xâm phạm tài sản của ai, cũng không có đơn tố cáo, xin can thiệp của bất cứ người nào; làm sao họ bắt nhốt, đưa đi cải tạo được? Làm như thế là sai luật …

Tiếng bà gầm lên:

-Đợi đến lúc nó trở thành tên cướp của, giết người, gây án lung tung rồi mới bắt à ?

Ông Nguyễn ngồi thừ ở ghế bành, mắt đăm đăm nhìn vợ. Quả thật  là ông không còn chọn được cách nào, để dạy dỗ, lôi kéo đứa con trai duy nhất của mình trở lại lối cũ. Lúc nhỏ, nó còn nằm trong tay, bảo gì nghe nấy; chừng lớn lên rồi, không dễ gì khuyên bảo nó được. Nhiều lần nằm một mình suy nghĩ, tưởng nhớ lại, ông biết mình không phải là không biết dạy dỗ, giáo dục con. Vợ ông lại càng kỹ lưỡng, bảo ban con từng câu, từng lời, bắt nó phải học thuộc; vậy mà, nó đã trở thành như thế từ lúc nào không rõ?

-Ông còn ngồi yên như thế à ? Nó lấy hết cả tiền trong tủ rồi ông không thấy sao? – Giọng bà Nguyễn rít lên.

-Thì bà cứ xuống đồn mà báo cáo – Ông Nguyễn nhỏ giọng. Này, tôi nói thêm cho bà biết luôn, họ còn bảo, đưa nó đi cải tạo một hai năm trở về, chưa chắc đã đỡ hơn, tốt hơn bây giờ đâu. Lên trên trại, nó có thể ảnh hưởng thêm, càng khó dạy bảo nữa. Đó là tôi chưa kể đến việc nó sẽ thù oán bà, nếu bà làm đơn đưa nó đi học tập… Bà cứ suy tính kỹ lại đi, đừng có la ó ồn ào, mọi người biết được, càng thêm xấu hổ.

-Đến nước này rồi, ông còn ngại xấu hổ nữa sao? Giọng bà Nguyễn đã dịu bớt cơn giận.

Ông Nguyễn rót một tách trà, nhấm nháp, suy nghĩ. Bà Nguyễn ngồi bệt dưới sàn, bắt đầu khóc ấm ức. Chỉ mới cách nay hai tháng thôi. Hùng đã bán đi chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Oméga của ông Nguyễn, sau đó là chiếc quần Jean, cái bàn ủi điện; bà Nguyễn đã chặn lại hỏi, quyết không nhân nhượng nữa, nhưng nó đã xô ngã bà lăn xuống sàn nhà, điềm nhiên  bước đi, không ngó lại. Nếu bà làm dữ việc này, có thể nó sẽ gây thương tích cho bà lần nữa thì khổ thêm.

Ông Nguyễn an ủi vợ:

-Hay là bà hãy để cho tôi nói chuyện với nó, như thế có lợi hơn. Bà nóng nảy, giằng co với nó, nó sẽ đánh bà chứ chẳng sợ gì đâu.

-Để cho ông cãi tay đôi với nó mãi như thế à? – Bà tiếp tục cúi đầu, khóc.

Sau lần xô bà Nguyễn ngã xuống sàn, mấy hôm sau nó lại mò về. Nó ngang nhiên mở cửa, đi vào phòng riêng, như chẳng hề xảy ra việc gì. Ông Nguyễn đứng ngoài cửa buồng nó nói vọng vào:

-Hùng, mày còn trở về nhà này làm gì nữa?

-Lấy quần áo – Hùng đáp thản nhiên, nhà của tôi thì tôi về chứ sao?

-Ai bảo nhà của mày ? – Ông Nguyễn giận.

-Tôi bảo – Hùng quay lại nhìn ông, thế có được không?

-Mày nói lý sự với tao à ?

-Bố mẹ đã chẳng từng nói với nhau “ở đời nếu không biết lý sự, quanh co, thì không sống được” hay sao?

-Mày xô ngã mẹ mày trặc một cánh tay, va đầu vào tường thâm tím như thế, mà không chịu xin lỗi, hỏi han bà ấy một lời là thế nào ?

-…

-Sao mày không chịu trả lời ? Mày coi mẹ mày không ra gì cả là thế nào ? Ai đã sanh mày ra, nuôi mày lớn lên, mà mày không nghĩ tưởng gì đến là sao chứ ? Mày có phải là con người không?

-Còn bố - Hùng quay phắt lại, bố đã nghĩ gì, làm gì cho cha mẹ của bố ? Đến ngày cúng giỗ, bố cũng chẳng đã bỏ quên là gì ?

-…

-Sao bố không chịu trả lời đi ? giọng Hùng hằn học.

-Tao khác, mày khác. Hoàn cảnh của tao không phải như mày bây giờ - Ông Nguyễn giải thích; mỗi người có một hoàn cảnh, một thời điểm riêng …

-Không khác, không riêng gì cả - Hùng lớn tiếng, nếu nói thế, tôi cũng có hoàn cảnh riêng của tôi.

Hùng đã thay xong quần áo, xếp gọn thêm một bộ bỏ vào túi xách, tiến ra phía cửa. Ông Nguyễn tránh sang một bên, nói vọng theo: “Mày hãy cút đi luôn đi, gia đình này không chấp chứa những thằng vô lại như thế”.

Bà Nguyễn đã nhiều lần được nghe thấy những cuộc cãi vã như thế, nên không thể tin vào chồng được. Từ ngày ông bị cao huyết áp, thường chóng mặt, bà lại cố tránh cho ông đọ mặt với con. Suốt ngày, hết ngồi ở ghế bành uống trà, lại chui vào nằm trong buồng; buồn bã không muốn ra khỏi nhà. Ông Nguyễn đã già sọm hẳn đi, trông thấy rõ. Bao nhiều tiền của trong nhà này, dần dần cũng từ tay Hùng mà bay đi. Biết làm thế nào?

 

 

Mấy tháng sau có người em của bà Nguyễn ở Nam Định vào thăm. Sau khi nghe chị kể lại sự tình, anh ta vui vẻ nói : “Anh chị cứ giao thằng Hùng cho em, em có cách dạy bảo nó được”.

Nghe người em tỉnh bơ nói thế, vợ chồng ông Nguyễn rất vui mừng. Còn hơn cho vàng. Thế là ông bà Nguyễn sắp thoát khỏi một tai nạn lớn. Thằng Hùng sẽ hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ, chị em. Nó sẽ có một nghề để sinh sống. Rồi sẽ có vợ con.

Ông Nguyễn tâm sự với cậu em:

-Cậu à, ý nguyện của vợ chồng tôi là làm sao cho thằng Hùng nên người đàng hoàng; tôi muốn thấy nó được như thế, trước khi chết.

Bà Nguyễn nhìn em giây lâu, dè dặt hỏi:

-Mà cậu định sẽ làm thế nào?

Người em cười:

-Dễ mà. Chị đã quên có lúc em làm quản lý một trại giam hay sao?

Ông Nguyễn chồm lên:

-Cậu định dùng sức mạnh với nó à ?

-Không – Người em gắn một điếu thuốc lên môi, tùy nghi áp dụng từng phương án chứ anh?

-Đầu tiên là thế nào? Bà Nguyễn lo lắng.

-Ngọt ngào – cậu ta nhả khói thuốc lên không trung, “mật ngọt chết ruồi” mà chị. Cứ hứa hẹn với nó mọi chuyện tốt đẹp theo ý nó muốn để nó chịu ra ngoài ấy cái đã. Từng bước em sẽ có phương án…

-Nhưng mà hứa cái gì mới được chứ cậu? Ông Nguyễn phân vân.

-Chẳng hạn – người em có vẻ suy nghĩ, sẽ mua cho nó một chiếc Cup…

-Nhưng mà tiền đâu cơ chứ? Cậu tưởng chúng tôi giàu lắm hay sao ? – Bà Nguyễn thở dài.

-Thì anh chị chỉ hứa thế thôi, có cần ngay bây giờ đâu – cậu em cười.

Hai vợ chồng ông Nguyễn đều im lặng. tuy không phản đối “phương án giải quyết” của em, nhưng trong lòng họ đã mất dần niềm tin vui ban đầu. Nhưng liệu họ có còn cách nào khác hơn đâu ?

Hùng bước vào. Mặt đỏ gay. Mùi rượu bia bốc lên từ bộ quần áo nhàu nhò, thấm ướt mấy chỗ trước ngực. Ông Nguyễn từ buồng riêng bước ra, nghĩ thế nào. lại quay trở vào. Bà Nguyễn đang lui cui dưới bếp, thoáng thấy con, bà nói vui vẻ :

-Con về rồi đấy à ?

Hùng im lặng đi thẳng ra giếng rửa mặt. Người em bà Nguyễn đi dạo phố cũng vừa về đến nhà. Bà vội vã lên gặp em, dặn dò, nhờ cậy giúp đỡ. Cậu ta lặng lẽ tiến ra phía giếng.

-Hùng, cháu mới đi chơi về đấy à ? – Anh ta mở đầu.

-À – Hùng quay lại, tôi đi chơi hay đi đâu thì can dự gì đến cậu ?

-Cháu dám trả lời cậu như thế à ?

-Có gì mà không dám – Hùng đáp, cậu chỉ có tài quát nạt những người đã bị trói.

-Sao mày lại bảo thế ? Anh giận dữ chộp lấy cánh tay Hùng.

-Cậu buông tôi ra hay không thì bảo ?

Ông bà Nguyễn đã kịp chạy đến, xô người em ra, tìm lời an ủi anh ta. Hùng chỉ tay vào mặt gã:

-Muốn yên thân trở về Bắc thì đừng có giở trò lên mặt dạy đời nhé.

Người em bà Nguyễn giật khỏi tay ông Nguyễn muốn xấn tới phía Hùng. Anh quát lớn : “Mày không phải là một con người. Mày chẳng có trái tim”.

Hùng bước về phía cửa, quay lại cười gằn:

-Còn cậu, hẳn các người có trái tim chắc ?

 

Th. 8-1990

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2606
Ngày đăng: 07.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai lần bác sĩ - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm cỏ tuyết - Kiệt Tấn
Chuỗi hạt trân châu - William Somerset Maugham
Vườn mê 1 - Nguyễn Anh Thế
Lộc rừng - Phùng Phương Quý
Một người Mỹ trên đất Pháp - Francis Steegmuller
Con ngựa ô - Khôi Vũ
Truyện ngắn ngắn – 22 - Đỗ Ngọc Thạch
Bánh vẽ - Huỳnh Văn Úc
Những mảnh vỡ 9 - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)