Nguyễn Tam Phù Sa viết về Mang Viên Long ,VCV cũng muốn thêm vài hàng về anh , là một trong rất ít nhà văn có nhân cách tốt đẹp hiếm hoi tại VN ,có khi lại may cho anh vì anh không là hội viên của hội viết nào ở đây.VCV
Đất Bình Định nổi tiếng là đất võ đạo Tây Sơn, quê hương của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, nhà cách mạng Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, nhà soạn tuồng Đào Tấn, bốn nhà thơ trong nhóm “Tứ linh” (Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan), nhà thơ trữ tình Xuân Diệu, nhà phê bình, nghiên cứu Vũ Ngọc Liên, Đặng Quí Địch, còn là nơi sinh của nhà giáo, nhà văn Mang Viên Long (MVL).
MVL mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ. Năm lên 8 tuổi, mẹ mất. Vợ chồng người anh trưởng giang tay đùm bọc, không chỉ chăm sóc cái ăn ở mà cả cái học hành. Vợ ông là cô giáo Huỳnh Thị Hồng, đã nghỉ hưu. Ông tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn năm 1966, về dạy ở Tuy Hòa, Phú Yên đến cuối năm 1976. 34 năm chồng làm “thợ đụng”, vợ dạy học, nuôi 4 người con vượt qua đại học. Là tác giả của 10 tập truyện ngắn đã xuất bản, trước và sau 1975.
Bắt đầu viết văn từ năm 1965. MVL là bút danh cũng là tên thật. Ông là nhà văn duy nhất chuyên viết truyện ngắn. Có truyện đăng trên các báo: Văn, Bách khoa, Trình bày, Khởi hành, Hiện diện, Vấn đề, Ý thức, Đuốc nhà Nam, Phổ thông… và gần đây (sau 1975) trên Tuổi trẻ chủ nhật, Thanh niên, Văn nghệ TP.HCM, Văn nghệ Trung ương, Văn hóa Phật giáo, Giác ngộ, Văn tuyển, Hồn Việt và Văn nghệ các tỉnh thành ... Mỗi truyện ngắn của ông là một bức tranh hiện thực trong sáng, phản ảnh đời sống xã hội đương thời, không mang “hương vị chính trị”, rất gần gũi với bạn đọc ở mọi thời đại.
10 tác phẩm đã xuất bản của MVL:
* Trên đỉnh sa mù, tập truyện, 1969
* Mùa thu trống trải, tập truyện, 1970
* Phố người, tập truyện, 1971
* Có những mùa trăng, tập truyện, 1972
* Đoá hồng cho tình yêu, tùy bút, 1972
*
* Biển của hai người, tập truyện, NXB Trẻ 2003
* Hỏi lại chính mình, tập truyện, NXB Văn nghệ 2005
* Trái tim còn lại, tập truyện, NXB Văn nghệ 2007
* Ông già và con chim hoàng ly, tập truyện, NXBVHSG 2008
* Người giữ cầu bến sông, tập truyện, NXB Văn nghệ 2009
MVL nghỉ dạy ở Tuy Hoà, lui về thị trấn Bình Định xin dạy hai môn- Anh văn và tiếng Việt. 6 năm chờ đợi Phòng, Sở GDĐT huyện, tỉnh xét duyệt đơn không được như mong muốn, ông xếp giáo án, ngưng ngang chuyện văn chương, quay qua làm thợ kiếm cơm. 101 nghề “thợ đụng” không qua trường lớp- từ thợ nhiếp ảnh dạo, thợ sơn, thợ hồ, thợ sửa mắt kiếng, sửa xe đạp, bơm quẹt gaz, đến thợ sửa ổ khoá, làm chìa...; nói chung ai thuê gì làm nấy, việc nào ông cũng đảm đang, gánh vác một cách nhiệt tình vì cuộc sống của chính mình và cả gia đình.
Không thể đánh đồng theo cách nghĩ, “Cùng nghề đan thúng, túng nghề đan mê” mà rõ ràng đây là ý thức sống mạnh mẽ, sáng suốt và thực tế, phải đủ bản lĩnh, dày nghị lực và lòng kiên trì mới làm được. Với ông, chịu khó thích nghi với hoàn cảnh, yêu thích nghề mình đang làm, biết sống hòa hợp, thông cảm, chia sẻ cùng cộng đồng và vui sống còn là “liều thuốc đặc trị” mọi nỗi buồn. Nói thì nói vậy, chứ làm người ai cũng có lúc chạnh lòng. Ông bộc bạch: “lao động thí óc (dạy học, viết văn) và lao động chân tay đều cao quí, vì trọng tâm của “lao động” là làm ra “sản phẩm” trí tuệ và của cải cho gia đình, xã hội.
Ông có bốn người con đã đỗ đại học, có công ăn việc làm ổn định. Hôm ghé nhà ông ở đường Ngô Gia Tự, thị trấn Bình Định, tôi thấy một người đàn ông tóc điểm bạc đang căm cụi sửa ổ khoá trước hiên nhà, nhìn kỷ hoá ra là nhà văn MVL! Ngạc nhiên hơn, nơi ông đang ở là nhà của vợ chồng con gái đầu! Trong cái ngùi ngùi ấm lạnh của buổi sáng Bình Định, sau 34 năm mới gặp lại bạn văn, lòng cứ đùn lên bao câu hỏi. Không đợi tôi mở lời, ông tâm sự: “Tôi ngưng viết 15 năm (1975-1990) vì sinh kế. 19 năm trở lại đây, con cái đã trưởng thành, tự lo được, giúp tôi toàn tâm toàn ý theo đuổi nghiệp văn. Năm 2003, được nhà thơ Nguyễn Liên Châu quan tâm, bỏ vốn in 5 tập truyện trong vòng 6 năm (2003-2009), giúp tác phẩm của tôi sau 34 năm vắng bóng trên văn đàn có cơ hội đến với bạn đọc xa gần. Anh đừng ngạc nhiên vì sao tôi ở với con gái, con rể. Cách đây 10 năm, tôi bán đứt căn nhà riêng, cộng với sự hỗ trợ của ôngbà ngoại các cháu, tôi mua một căn chung cư trên đường CMT8, TP. HCM để 2 người con có nơi ăn học, làm việc. Cả đời tôi, hạnh phúc nhất là được nhìn thấy các con thật sự trưởng thành, sống có ích cho mình, cho xã hội. Khi tôi xoắn tay áo làm thợ phổ thông là tôi đã xác lập- vì tương lai các con”.
4 người con đã qua đại học:
* Mang Viên Hoàng Nhã, 1971, tốt nghiệp cử nhân Toán-Tin học, giáo viên THPT An Nhơn I, thị trấn Bình Định.
* Mang Viên Hoàng Nhật, 1974, dược sĩ,cử nhân dược-QTKD-Anh văn, công tác tại Công ty dược Glaxo-Smith.
* Mang viên Hoàng Nhân, 1978, dược sĩ, cử nhân Anh văn, công tác tại Công ty dược Glaxo-smith.
* Mang Viên Hưng Định, ĐHKT Thủ Đức, kỹ sư điện.
Ở khúc rẽ “làm thầy ra làm thợ”, lý tưởng sư phạm trong ông vẫn không mất, vì đấy là một nghề nghiêm túc, còn chuyện văn chương là nghiệp dĩ, ăn dâu trả tơ của một kiếp tằm. 34 năm không được đứng lớp là 34 năm hối tiếc, vì sở học bị lãng quên, ý nguyện bị mai một. Ông đi gần trọn vòng nhân thế, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, nhưng cuối cùng vẫn còn mắc nợ con em quê nhà. Đời ông là một chuỗi nghịch lý, từ chuyện “gừng không còn cay, muối không còn mặn”, “làm thầy ra làm thợ”, tới chuyện nghe lời “rủ rê” của bạn văn, thơ đất Bình Định xin làm hội viên Hội VHNT tỉnh cũng trầy trật, dù được Chủ tịch Hội đầu tiên (nhà thơ Yến Lan), Thư ký Hội (nhà văn Thu Hoài) và Chủ tịch Hội đương nhiệm- nhà văn Nguyễn Thanh Mừng đặc biệt quan tâm, nhưng giờ chót vẫn còn thiếu cái duyên với Hội. Có nên nói rằng, thật đáng tiếc cho ông và cả cho Hội VHNT tỉnh Bình Định?
34 năm giã từ phấn trắng, thầm lặng lui về làm thợ. Một tay cầm kìm làm chìa khóa cho người (mà không làm nổi cho mình một chiếc chìa mở ngăn đời tẻ lạnh), một tay cầm bút làm thơ, viết văn. Đọc lại bài thơ ứng khẩu, bốn câu của ông dưới đây mới thấy cõi nhân sinh với ông sao mà dung dị, rộng mở, đáng yêu quá!
Chữ thơ chữ thợ cũng gần
Làm thơ làm thợ ta mần cả hai
Làm thợ thì để sinh nhai
Làm thơ thì để lai rai đỡ buồn! ./.