Vào đầu năm 2002, Lệ Ba cho ra mắt và phát hành từ Toronto, Canada, CD “Truyện Kiều Qua Các Thể Ngâm” gồm hai đĩa do chính chị diễn ngâm và bộ CD độc đáo, mang tính tiên phong lẫn thử nghiệm ấy là một dấu mốc đặc biệt trong lãnh vực thưởng ngoạn Truyện Kiều.
Truyện Kiều, như mọi người đều biết, chứa trong nó một tâm thức Việt tính, một kho tàng ngôn ngữ cùng những thủ pháp tuyệt diệu và là nguồn hứng khởi cho biết bao nhiêu văn thi sĩ trong sáng tác và niềm khuây khỏa cho người dân trong cuộc đời thường. Người ta vịnh Kiều, tập Kiều, bình Kiều, bói Kiều, dùng việc nghiên cứu bút pháp của Nguyễn Du làm bài học sáng tác cho mình, lấy Truyện Kiều phóng tác thành tuồng hát, mượn thơ Kiều để giải bày tâm sự, tỏ tình nam nữ hoặc ru con trong nôi..., ví những gian nan đời mình với những gian truân đời Kiều hoặc dùng tên các nhân vật Tú bà, Sở Khanh, Hoạn Thư làm đặc tính cho mẫu người có thật ngoài đời. Có học giả còn gắn liền Truyện Kiều với sinh mệnh tồn vong của dân tộc và thậm chí có chế độ chính trị còn sử dụng Truyện Kiều như một thứ vũ khí “đấu tranh giai cấp”.
Về mặt thưởng ngoạn bằng hình thức dọc và ngâm Truyện Kiều, đã xuất hiện một thể ngâm thường chỉ dùng để ngâm Truyện Kiều, được gọi là “Lẩy kiều”. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ ngâm Kiều cũng hay dùng thể Tao đàn, đặt tên theo chương trình ngâm thơ được phổ biến sâu rộng trên các đài phát thanh Việt Nam trước đây. Điểm đặc biệt của hai thể ngâm này là chỉ đặt căn bản trên cách phát âm của người Hà Nội.
Trước Lệ Ba, đã có những nghệ sĩ diễn ngâm Kiều trên băng đĩa được phát hành rộng rãi như nhóm Bích Thuận ở Pháp với Bích Sơn, Kiều Lan, Đan Hùng và Hữu Vân, nhóm Tô Kiều Ngân ở Sàigòn với Hồng Vân, Vân Khanh và Đoàn Yên Linh, nhóm Ngọc Lan ở Hà Nội với Kim Đức, Kim Dung và Trang Nhung. Những nghệ sĩ ấy chỉ sử dụng hai thể ngâm vừa kể và như thế, có lẽ chưa đưa được trọn vẹn hơi thơ của Nguyễn Du vào lòng những người miền nam và miền trung, cũng như chưa phổ cập được giọng thơ Kiều vào giọng nói của người dân khắp ba miền.
Việc ấy phải chờ tới sự xuất hiện giọng ngâm và cách ngâm của Lệ Ba. Với bộ CD “Truyện Kiều Qua Các Thể Ngâm”, chị trích các đoạn tiêu biểu của Truyện Kiều và và diễn thành các ngâm khúc theo những thể điệu Sa mạc, Lẩy kiều, Tao đàn, Hát bội, Nam xuân, Nam ai, Ngâm nam, Ru bắc, Ngâm hà tĩnh, Ngâm huế, Hò mái nhì, Lý con sáo, Ca trù và Tụng huế. Và như vậy có lẽ đủ tiêu biểu cho phong cách thưởng ngoạn Truyện Kiều suốt chiều dài đất nước.
Người nghe cảm thấy rung động thấm thía khi nghe những câu thơ Kiều trong điệu ngâm Hà tĩnh, quê hương của Nguyễn Du; nghe giọng Tụng huế khi Vãi Giác Duyên luận về “tội và nghiệp” của Thúy Kiều; nghe âm hưởng tha thiết và mềm mại trong Ru bắc; nghe hơi ngọt ngào sông nước miền Nam trong đoạn Kiều khóc biệt ly tiễn Thúc Sinh về Lâm Tri; giật thót mình trong đoạn hát bội khi người của Từ Hải đón Thúy Kiều về làm nhất phẩm phu nhân; và lắng nghe tiếng tom chát của hát Ả đào trong giao duyên và chia phôi ...
Tính đa dạng trong bộ CD Kiều của Lệ Ba khiến mỗi người nghe đều có thể bắt gặp giọng nói của chính mình trong các thể ngâm tuyệt vời của miền đất sinh ra mình, đưa đẩy lòng mình phiêu bạt dạt dào với lời thơ Kiều, như thế, nó mang Truyện Kiều đến với từng người nghe mà không phân biệt sở thích điệu ngâm, tâm tính riêng tư và đặc tính địa phương, và đồng thời, nó hoà hợp các thể ngâm cá biệt trong việc phô diễn một tác phẩm thi ca. Và sau cùng, cái có lẽ quan trọng hơn hết, là nó chứng tỏ một cách tài hoa và sinh động rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều cho từng người, cho mọi người và cho cả dân tộc, vượt thời gian và không gian.
Làm nền cho giọng diễn ngâm là âm thanh các nhạc cụ tiêu, gõ, trống, các loại đàn cổ nhạc ba miền tranh, nhị, bầu... và đặc biệt được trình tấu đúng với phong cách và thể cách của các điệu ngâm cá biệt của mỗi miền, rất chuẩn mực và rất điêu luyện của các nhạc sĩ trong và ngoài nước như Nguyễn Châu, Đức Thành, Chí Hoà, Văn Công, ban nhạc Lạc Hồng...
Để thể hiện việc diễn ngâm đúng với từng điệu ngâm và chính xác với giọng nói của mỗi địa phương, tôi đoán một nghệ sĩ tài tử như Lệ Ba ắt phải trải qua một quá trình rất đam mê và nhiều công phu tập luyện, mất nhiều năm tháng và học hỏi dưới nhiều hình thức. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc thực hiện phần phối khí và tấu nhạc hội đủ tiêu chuẩn về chuyên biệt và nghệ thuật như thế cũng đòi hỏi nhiều công sức, phương tiện và không dễ gì thành tựu được. Như thế, qua giọng diễn ngâm của Lệ Ba, còn thấy thấp thoáng bóng dáng của những người đã âm thầm và tích cực góp phần vào bộ CD Kiều này.
Có lẽ chỉ có Lệ Ba với tài năng và quyết tâm của mình mới làm được một tác phẩm CD Kiều ba miền như thế, và sau chị, hẳn khó tìm được nghệ sĩ nào hoặc một cơ sở văn hoá nào có hoàn cảnh thuận tiện và vượt qua cam go để làm được một công trình nghệ thuật độc đáo như thế. Thêm nữa, có thể nói trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay về việc phát hành và tiêu thụ tác phẩm thuần túy nghệ thuật ở cả trong lẫn ngoài nước, bộ CD “Truyện Kiều Qua Các Thể Ngâm” của Lệ Ba ra đời hẳn chỉ nhằm phục vụ nghệ thuật và công chúng. Sự cống hiến quí hiếm và đầy kinh ngạc của Lệ Ba sẽ sống mãi với thời gian và góp phần vào việc ghi dấu ấn ngày càng đậm đà thêm của Truyện Kiều trong lòng người Việt./.
Canada - 2002