Thân đứng lại trước căn nhà có cái biển số 325/16/40. Điều bất ngờ với anh không phải vì căn nhà nằm sâu trong một con hẻm bề ngang chỉ vừa đủ cho chiếc xe lam ba bánh đi một phía, còn phần kia người đi xe đạp khép nép sát lề, rồi sau đó, còn phải bỏ qua hai con hẻm nhỏ khác, lại rẽ trái xuống một cái dốc gập ghềnh mới tới. Anh ngỡ ngàng chính vì dáng dấp căn nhà hoàn toàn không nằm trong dự đoán của mình. Nó chẳng hề xứng chút nào với tầm vóc hiện nay của anh Tám Kế.
Đó là một ngôi nhà biệt lập. Mừng cho anh Tám Kế có một khoảng đất nhỏ có sẵn ít cây ăn trái để cải thiện, dẫu rằng chúng phải chen chúc nhau chẳng khác gì hành khách trên chiếc xe dù mà Thân đón đi tới đây. Trong khoảng vườn nhỏ xíu của nhà anh Tám Kế, Thân thấy có một gốc dừa đã cao quá tầm với, rất có thể chùm trái trên cây là lứa trái mới bói, coi tơ mởn quá chừng. Hai gốc mít có hai sợi xich quấn ngang gốc cách mặt đất chừng non thước, chắc chắn là hai cái trụ để mắc võng. Một bụi chuối già lùn hai gốc cùng trổ quầy một lúc oằn trĩu như hai đứa nhỏ phải vác nặng. Tuốt trong cùng là một gốc mận đang trổ bông, nhụy rơi phủ trắng phau cả một khoảng vườn. Bên cạnh bờ giếng, như là anh Tám Kế trồng một cây chanh (hay cam hay bưởi gì đó mà Thân chịu không thể đoán ra vì nó mới chỉ cao chừng hai gang tay đầy). Có tiếng ủn ỉn trong một cái chái thấp gie ra hông sau nhà, chung quanh bịt kín nào bao tải rách, nào tấm ni lông và cả tàu lá chuối gài xen nữa. Căn nhà thì vách gỗ, lợp tôn, cửa sổ không có một nước sơn làm dáng. Vậy mà anh Tám Kế thì lại đương quyền Trưởng phòng hành chánh một xí nghiệp lớn có tới hơn bốn trăm công nhân!
Thân nhớ tới đôi đoạn trong lá thư anh Tám Kế gởi tới anh thật bất ngờ:
"... Tình cờ đọc trên báo thấy có viết về cậu, lại đăng cả hình nữa, mình mới biết là cậu đang công tác không xa mình là bao. Mừng cậu đã học xong ở nước ngoài về và được giữ nhiệm dụ quan trọng...
... Mình muốn đi thăm cậu lắm, ngặc mấy đứa nhỏ đã bay nhảy hết, đứa bộ đội, đứa thanh niên xung phong, đứa đi làm xa thỉnh thoảng mới về, còn bà Tám thì nai ốm mai đao, mình khó mà rời đi được. Hay là cậu xem có tiện, tìm tới mình, anh em chuyện trò tâm sự chắc là thú vị lắm".
Thân tần ngần đứng trước cửa. Cánh cửa bịt tôn kín mít trên có mấy dòng chữ viết bằng phấn có lẽ của bọn con nít tinh nghịch trong xóm. Anh đọc:
"Đây là nhà ông Tám Kế. Cấm dzô"
"Ăn trộm coi chừng bà Tám nằm phục kích trong nhà"
"Tới mùa mận, chun rào vô hái mận ăn chơi. Mận ông Tám ngon hết chê".
Nét chữ trẻ con nguệch ngoạc "leo dốc, xuống đồi" làm Thân nhớ tới những dòng chữ anh Tám Kế viết tới anh trong thư. Anh Tám không được học hành là bao, chữ nghĩa cũng như gà bới; lá thư viết cho Thân có nhiều nhặn gì đâu mà anh Tám cũng phải dùng hết hai trang giấy học trò, có lẽ cũng nắn nót lắm chữ mới nhỏ đi chỉ còn cỡ hạt đậu.
Trong nhà có tiếng ho húng hắng. Cái giọng thanh, nhẹ của phụ nữ. Thân gõ cửa. Im lặng. Thân lại gõ cửa lần thứ hai. Vẫn im lặng. Không có tiếng ai trả lời mà cả tiếng ho cũng không còn. Trí tưởng tượng của Thân bay bổng tới những câu chuyện trinh thám ly kỳ khiến anh thấy rờn rợn sống lưng. Rõ ràng là trong nhà có người mà cớ sao lại im bặt đi như vậy. Thân hắng giọng:
- Có ai trong nhà không?
Đến bây giờ mới nghe lại tiếng ho húng hắng. Rồi một giọng phụ nữ, đúng như Thân nghĩ, từ trong nhà hỏi vọng ra:
- Ai đó?
Thân run lên. Đã hơn chục năm mà giọng nói của chị Tám Kế vẫn không có gì thay đổi. Vẫn trong trẻo ngọt ngào như tiếng nói của cô văn công Bảy Lụa đã một thời làm Thân si mê tới nỗi tưởng như không được làm vợ chồng với cô, anh sẽ phải chết đi trong nỗi đau khổ của một trái tim mang mối hận tình muôn thuở! Thân đáp:
- Thân đây! Hoàng Thân đây. Chị... Bảy đó phải không?
Thân nói mà như mê đi. Lâu lắm rồi anh mới tự xưng lại mình là Hoàng Thân và anh không gọi Bảy Lụa bằng... chị Tám! Anh có lỗi với anh Tám Kế không? Kỷ niệm là những hình ảnh diệu kỳ, nó chìm lỉm mất tăm đâu đó có khi cả mấy năm, cả chục năm bỗng nhiên lại trỗi dậy sừng sững trước mắt người ta như nó đang có thực, rất thực vậy. Hồi đó, Thân chỉ là một anh du kích bảo vệ, còn Bảy Lụa đã là diễn viên chính của Đoàn văn công. Bảy Lụa sắm vai nào cũng thành công, đặc biệt là những vai đào thương. Anh Tám Kế khi đó là anh nuôi của Đoàn, biết Thân để ý Bảy Lụa, đã thẳng thắn nói với anh: "Cậu nhỏ hơn người ta tới ba, bốn tuổi, lại chẳng có tài năng gì đặc biệt. Ai mà thèm ngó tới cậu! Cậu nghe lời mình đi. Tụi mình vốn phận cá kèo, trèo đèo chi để lòng heo hắt sầu. Mình nói thiệt đó, cậu đừng buồn, đừng giận. Bảy Lụa mà có ghé mắt xanh tới cậu là khi cậu chẳng phải cậu Thân du kích, mà lột xác biến thành một cậu... Hoàng Thân quốc thích nào đó kìa !". Cũng từ đó, anh Tám Kế lấy cái tên Hoàng Thân để trêu ghẹo Thân. Lúc đầu anh có bực mình, sau riết rồi cũng quen đi và còn ưng dạ nữa chớ. Thời gian cứ qua đi, Thân và anh Tám Kế phải chia tay nhau vì nhiệm vụ. Ở chiến trường, Thân vẫn thường được nghe chuyện kể về Đoàn văn công. Nghe nói có lần Bảy Lụa lên cơn sốt rét nặng, tưởng không qua khỏi, may có anh Tám Kế chăm lo cơm cháo thuốc thang hết sức chu đáo cho tới khi chị lành bệnh. Bảy Lụa cho là anh Tám Kế đã cứu sống chị, tựa như sinh ra chị lần thứ hai, chị chẳng suy bì hơn thiệt chi khi anh Tám tỏ tình. Rồi họ thành vợ thành chồng.
Cánh cửa bịt tôn mở ra. Chị Tám Kế vịn tay bên khung cửa. Chị nhìn sững Thân hồi lâu mới thốt nên lời:
- Trời! Cậu... cậu Thân đây thiệt sao?
Thân nén xúc động đáp:
- Chính tôi đây chớ còn ai. Chị ở trong nhà mà để tôi gõ cửa tới hai lần, sau đó phải lên tiếng nữa mới chịu ra mở...
- Cậu thông cảm - Chị Tám ho mấy tiếng - Ở đây, vợ chồng tui bị tụi nhỏ phá hoài. Tụi nó gõ cửa, mình ra mở là tụi nó chạy biến núp vô góc nào đó mà cười ngặt nghẽo. Cậu tới bất ngờ quá. Ông Tám chạy ra chợ mua đồ ăn, chắc cũng sắp về tới rồi...
Thân theo chị Tám vào nhà. Một cảm giác bâng khuâng ùa vào lòng anh khi anh ngồi xuống chiếc ghế đan ni lông có cái lỗ rách được vá chụm bằng dây gai, chờ chị Tám đi pha nước. Tất nhiên, nơi Thân ngồi là phòng khách, nếu có thể gọi được như thế. Một cái tủ trà chưng nhiều thứ trong ngăn. Một cái giá sách có mấy cuốn cũ rích, phía trên là cái ti vi nhỏ. Bộ bàn ghế thấp bằng ni lông. Bộ ván nhỏ ở một góc. Có lẽ đó là hầu hết đồ vật quý giá của vợ chồng anh Tám Kế.
Thân không phải đợi lâu. Chưa hết một ly trà và mới thăm hỏi chị Tám được dăm ba câu, anh Tám Kế đã về tới. Anh bỏ chiếc xe đạp lủng lẳng bó rau dền nơi ghi đông, phía bên kia là cái giỏ đựng đồ ăn, dựa vào góc nhà. Rồi anh nhào tới ôm lấy Thân mừng mừng tủi tủi:
- Cậu Thân! Bao nhiêu năm rồi mới gặp lại nhau! Trời còn có mắt mà. Coi cậu có da có thịt khác hẳn hồi đó, mình mừng, mừng quá. Nè, tới với mình rồi, cậu phải ở lại vài bữa mới được về đó nghe.
Thân nắm chặt hai tay anh Tám Kế trong đôi tay còn run rẩy của mình mà đáp:
- Tôi chỉ có thể ở lại với anh đêm nay thôi. Sáng mai tôi phải về sớm vì công tác lu bu quá, bỏ đi lâu ngày không được.
Anh Tám Kế hơi sững một chút rồi gật gật đầu:
- Thì... đành vậy chớ biết sao! Việc chung mà. Thôi được, ta sẽ liệu cơm gắp mắm... Nồi đầy ta bới ăn no, nồi lưng chia sẻ đong đo đồng đều...
Thân cười, anh Tám Kế cười, chị Tám Kế cũng cười:
- Cậu coi đó. Thơ với thẩn! Lúc nào ổng cũng nói lục bát được. Người ngoài không biết, cứ tưởng ổng giỏi giang hay chữ lắm!
- Thì cũng phải cho tôi lên mặt với đời một chút chớ bà!
Anh Tám Kế nói rồi bước tới xe đạp gỡ bó rau dền, lấy cái giỏ trút đồ ăn trong đó lên bộ ván. Xong, anh khoác giỏ trở lại ghi đông xe, tay xách gọn bâng chiếc xe đạp quay đầu ra ngoài cửa:
- Cậu ở nhà chơi, đợi mình một lát. Có cậu tới, mình phải mua thêm cái gì đó để hai anh em đưa cay mới xong. Ậy, cậu đừng có can mình. Chẳng phải khách khứa gì đâu. Nhưng mấy cái món ăn kia, cậu coi có món nào đưa cay được đâu ? Ở nhà nói chuyện với bà Tám, mình đi một lát thôi mà...
Câu chuyện về anh Tám Kế được bắt đầu giữa Thân và chị Tám:
- Cậu đừng bận tâm chuyện ổng hào phóng. Nghe ổng khoe mới lĩnh tiền thưởng, bữa qua mới đi mua cái đèn để bàn đặng làm việc buổi tối, có lẽ cũng còn dư chút đỉnh...
- Ủa! Ảnh nhận thêm việc về làm đêm hả?
- Đâu có! Toàn là công việc của cơ quan! Cậu không biết chớ. Ổng thì lu bù chuyện. Rồi lại còn học hành...
Thân nghe bùi ngùi. Thiệt thương anh Tám Kế. Biết trình độ văn hóa mình kém, anh đăng ký học bổ túc văn hóa và theo lớp rất chăm. Nhưng tiếc là sự minh mẫn của tuổi già không còn được mười phần như trước nữa. Mọi cố gắng của anh chỉ đem tới những kết quả khiêm tốn nhất. Mấy niên khóa liền, anh phải đeo hai năm mới lên được một lớp và hiện nay đang rị mọ chương trình lớp sáu. Còn công việc cũng không phải đơn giản như Thân tưởng. Anh Tám Kế vừa là Trưởng phòng hành chính vừa là Thư ký công đoàn cơ sở. Anh vốn chăm, lại quá cẩn thận, trình độ thì như thế, hỏi sao không cực, sao không phải đem công việc về nhà làm thêm!
Anh Tám Kế trở lại. Chị Tám giành xuống làm bếp để hai người đàn ông được tự do hàn huyên, Thân vô đề liền:
- Anh ôm chi đủ thứ chuyện trên đời vậy anh Tám? Nào công tác chính quyền, nào công tác đoàn thể...
Anh Tám Kế cười. Lúc này Thân mới để ý đến những nếp nhăn hằn rõ trên cái trán phẳng của anh. Mái tóc người bạn xưa đã nhuốm bạc gần hết. Làn da đen bóng nhãy khỏe khoắn đã biến thành một màu xám chì ủ dột.
- Chẳng phải là thiếu người đâu - Anh Tám Kế nói - Nhưng mà người mình có thể tin tưởng được thì lại thiếu...
- Anh thí dụ coi nào?
- Ồ, thì... Thí dụ như công tác hành chánh. Mình cần thảo một cái công văn chẳng hạn. Tụi nhỏ trong phòng, đứa tệ nhất cũng hết lớp chín, nhưng không đứa nào thảo mà mình ưng bụng cả. Bọn trẻ bây giờ kỳ lạ lắm. Cần nói gì, nó cứ vô thẳng nội dung đó mà bỏ qua hết những câu rào đón trước sau. Cái mửng làm việc này dễ nguy lắm, ở tù dễ như chơi. Mình ớn... Cho nên, thôi tự mình làm lấy là chắc ăn nhất. Mình viết nháp rồi đưa lại tụi nó sửa giùm ba cái lỗi chính tả.
- Còn công tác công đoàn? Chẳng lẽ anh cũng xông vô trực tiếp?
- Chớ không thì làm sao yên tâm được hả cậu? Họp hành ư? Còn ai ngoài mình ra, phải đứng chủ trì. Học tập này nọ trên Liên đoàn cấp trên ư? Cũng lại mình.
- Trời! Vậy Phó thư ký của anh đâu?
- Có đó chớ cậu! Nhưng cô Phó thư ký thì còn trẻ quá, đi hội họp biết có tiếp thu được gì không?
Thân thở dài. Biết phải nói với anh Tám Kế thế nào đây để anh chịu chấp nhận rằng thời buổi làm ăn kinh tế xây dựng đất nước hiện nay, tác phong công nghiệp nhanh, gọn, đầy đủ, hiệu quả cao là cần thiết hơn mọi sự rào đón, thủ thế đã lỗi thời. Còn chẳng lẽ lại giải thích cho anh hiểu, anh là Thư ký Công đoàn nghĩa là người chỉ đạo chớ không phải là người trực tiếp thực hiện mọi việc ? Sự cần mẫn, cẩn trọng, chăm chút là rất quý ở một người anh nuôi, nhưng nó sẽ biến thành lời đàm tiếu chê bai do hiểu lầm anh tham việc và biết đâu còn nảy sinh nghi ngờ anh có vấn đề nọ kia về kinh tế! Anh đâu còn là một người anh nuôi như thời kháng chiến xưa. Anh đã là một Trưởng phòng hành chính.
Thân định bắt đầu với anh Tám Kế bằng ý đó. Nhưng anh Tám đã bắt qua chuyện khác:
- Anh em lâu ngày mới gặp nhau, thiếu gì chuyện để nói. Hơi đâu ta để mất thời giờ với ba cái chuyện lặt vặt đó, cậu. Hãy dẹp nó qua một bên nghe cậu. Nào ! Kể cho mình nghe coi. Chuyện vợ con của cậu ra sao? Đường đường một đấng anh hào, ấm êm hạnh phúc ra vào vui tươi. Hay là nay ỉ mai ôi. Sống chung mà chẳng khác đời cô đơn? Hả cậu Thân?
Thân không nín cười được trước câu hỏi của anh Tám Kế. Lạ lùng thiệt. Sao cái con người lù đù, chậm chạp ấy lại được trời phú cho cái tài ứng khẩu thơ lục bát giỏi tới mức ấy. Thân bắt chước anh Tám Kế, nặn óc được một câu lục và mấy chữ của câu sau:
- Nay đà một vợ hai con, một trai một gái a...a...
Anh Tám Kế tiếp liền:
- ... vừa tròn chỉ tiêu.
Cả hai người đàn ông cùng cười lớn tiếng. Dưới bếp có tiếng xào nấu xèo xèo. Tiếp theo là tiếng ho của chị Tám.
*
Bẵng đi gần nửa năm, Thân chưa có dịp trở lại thăm vợ chồng Tám Kế. Đè nặng trong lòng anh là câu chuyện anh Tám tâm sự trong đêm hai người nằm chung mùng rù rì tới gần sáng.
- Mình hết sức ân hận, cậu Thân à - Anh Tám Kế đã rù rì như thế - Mình biết mình dốt nên rất chịu khó học hành cho nó sáng ra. Chính nhờ đó mà mình hiểu được nhiều điều trong công tác quản lý kinh tế phức tạp. Bữa nọ mình khám phá ra vụ đánh tráo vật tư sản xuất. Nội vụ được xử lý thích đáng. Rồi một bữa nữa mình lại phát hiện có gian dối trong khâu mua văn phòng phẩm giá ngoài. Lại xử lý đúng mức. Dăm ba vụ như vậy, tự nhiên mình nổi tiếng là người dũng cảm chống tiêu cực của xí nghiệp. Có kẻ hăm dọa mình đó chớ, nhưng mình đâu có sợ. Cậu nghĩ, bọn mình vào sinh ra tử bao phen trong kháng chiến, đạn bom tụi Mỹ không xơi tái được mình thì chẳng lẽ bây giờ bọn xấu có thể làm thịt mình dễ dàng? Cái mạng Tám Kế rất cao, đứa nào đụng vào không chết cũng bị thương... mà!
Nhưng đáng buồn thay, anh Tám Kế cần mẫn, dũng cảm của Thân khi ấy đang theo dõi một vụ động trời trong xí nghiệp thì lại bị mắc bẫy một cách đau đớn không ngờ. Qua dư luận xì xào rồi qua âm thầm tìm hiểu xác minh, anh Tám đã nắm bắt gần hết những tình tiết tiêu cực của tay Phó giám đốc. Tay này được bổ nhiệm chức vụ mới vài tháng thì bắt đầu đổi chiếc Honđa cũ lấy chiếc đời mới nhất. Có một thời người ta giải thích sự giàu có của mình bằng cái cớ nuôi heo, rồi tới cớ nuôi cá trê phi, bây giờ thì cái mốt thịnh hành là trúng số! Tay Phó giám đốc cũng đã khoe với mọi người là mình trúng số. Thực ra, anh ta đã móc nối với một số con buôn để bán hóa giá số vật tư thiết bị cũ của xí nghiệp. Chênh lệch giữa giá thỏa thuận và giá trên hợp đồng chính là số tiền mà anh ta đã nói là trúng số!
Anh Tám Kế muốn chui vô hang cọp mà bắt cọp con. Anh lân la gợi chuyện gã lái xe tải mà anh nghi là đàn em thân tín của tay Phó giám đốc. Trong một chuyến đi hàng qua tỉnh bạn, gã lái xe năn nỉ xin Tám Kế cho kết hợp chở hàng cho con buôn lấy chút đỉnh cải thiện! Tám Kế đang muốn lấy lòng gã để khai thác điều muốn biết, liền gật đầu. Khi về, gã lái xe biếu Tám Kế một ít. Tám Kế có phân vân. Nhằm đúng lúc này chị Tám bị bệnh nặng cần tiền thuốc thang. Vậy là anh Tám nhận.
Một bữa nọ, Giám đốc gọi anh Tám Kế lên, vẻ mặt giận dữ:
- Anh Tám! Anh nói thực cho tôi biết coi. Anh lái xe này nói thiệt hay là vu cáo cho anh?
Tám Kế chết sững khi thấy gã lái xe đã ngồi ở một góc văn phòng Giám đốc với tờ tự kiểm trên tay. Giám đốc giằng lấy tờ giấy ấn vào tay anh Tám:
- Đó! Anh coi đi. Chính đồng chí Phó giám đốc tình cờ nghe anh lái xe này tuyên bố với bạn bè ở căng tin là anh ta có thể chở hàng kết hợp kiếm thêm một cách thoải mái khỏi sợ ai vì có người đỡ đầu. Mỗi lần anh ta chỉ việc chia cho người ấy nửa số tiền kiếm được. Anh Tám! Anh cứ đọc đi. Đọc kỹ đi vì trong bản tự kiểm anh ta đã ghi rõ người đỡ đầu đó chính là... anh! Thực không ai ngờ! Thì ra bấy lâu nay mọi người đã lầm anh.
Cái giọng đọc thơ lục bát rì rầm của anh Tám Kế như lại đang rì rầm bên tai Thân, ảo não đến nỗi sự phiền muộn đã bật ra dưới một hình thức trái ngược lại. Một tiếng cười đau đớn.
"Tam thập lục kế còn thua, huống chi Tám Kế quê mùa khờ trân. Gần hết đời là anh hùng, bỗng nhơ nhuốc tiếng mánh mung giả đời!"
Mới đây, Thân có nhận được thư của anh Tám Kế báo tin là vụ của anh đã xử xong. Anh đã tự kiểm điểm trước chi bộ và các đồng chí trong chi bộ đã quyết định cảnh cáo ghi lý lịch. Anh tâm sự đã không thể nói hết mọi sự thật ra vì còn cần có điều kiện thuận lợi cho việc điều tra. Thôi thôi đành ngậm bồ hòn, lấy đắng làm ngọt cho tròn việc chung. Chỉ lo tài kém sức mòn, thua phường gian trá héo hon tấc lòng.
... Cậu văn thư đưa bức điện tới vừa lúc Thân xách cặp hồ sơ chuẩn bị ra xe dự một hội nghị chuyên ngành quan trọng trong ba ngày. Thân đọc vội bức điện. Anh tưởng như mình là Từ Hải chết đứng.
"Bà Tám mới mất sau một cơn thổ huyết. Tin cậu hay. Tám Kế".
*
Vẫn là cái biển số 325/16/40 treo phía trên cánh cửa bịt tôn. Bụi chuối bây giờ là ba cây tơ mơn mởn. Mận thì đã hết mùa, lá xanh rậm rì. Anh Tám Kế nằm đong đưa trên cái võng mắc giữa hai thân cây mít. Thấy Thân, anh nhổm dậy, lật đật xỏ chân vô đôi dép râu rồi chạy vòng cửa sau lên mở cửa trước.
- Cậu Thân. Mình mong cậu ghê gớm.
- Anh Tám tha lỗi cho tôi - Thân nắm lấy tay anh Tám - Nhận được điện tôi rất muốn xuống ngay để phụ anh cùng lo cho chị. Nhưng tôi lại không thể vắng mặt cái hội nghị ba ngày. Bữa nay, họp hành vừa xong là tôi xuống anh liền.
- À! Chuyện đó hả? - Anh Tám Kế hơi ngẩn ra một chút rồi cười xòa - Cậu tưởng mình trách cậu không xuống đám tang bà Tám hả? Cậu hiểu lầm rồi. Việc ma chay đã có anh em trong xí nghiệp lo cho chu đáo. Mình nói mong cậu là mong chuyện khác kìa. Vô đây, hay là cùng theo mình xuống bếp chụm lửa đun nước pha trà uống chơi. Mình tranh thủ kể luôn. Bà Tám mất đi, ba thằng con trai thì chỉ có thằng Út về được, nó mới đi hồi sáng này thì cậu tới. Từ nay mình cu ki có một thân. Chắc là buồn lắm cậu ơi. Con chim lẻ bạn con người mất đôi.
Ngọn lửa bùng lên. Thân nhìn đăm đăm theo mọi động tác của anh Tám Kế. Bao năm rồi, anh Tám vẫn xếp củi đúng kỹ thuật mà còn có mỹ thuật nữa. Củi nhỏ anh chất phía dưới vừa đủ sức chịu củi lớn phía trên, lại vừa thoáng đủ cho không khí ùa vô. Thổi một hơi dài qua cái ống thổi bằng nhôm cho ngọn lửa bốc bùng, anh Tám lấy tay dụi mắt. Rồi trong cái chớp chớp của đôi mắt già có mấy sợi gân màu đỏ, anh kể:
- Thằng Phó giám đốc làm bậy bị vạch mặt rồi. Không phải chỉ cái vụ mình khui ra mà sau đó thanh tra người ta còn phát hiện ra mấy vụ làm ăn lớn hơn của nó. Giờ nó đang nằm trong trại tạm giam chờ ngày toà xét xử.
Thân lây nỗi vui mừng:
- Chính anh Tám đã lột mặt nạ nó phải không?
- Chớ còn ai nhảy vô đây, đừng tưởng Tám Kế cứ ngây thơ hoài.
- Rồi... còn vụ của anh?
- Ờ... vụ đó thì... - Anh Tám Kế thở dài - Mình cũng chưa nói thêm điều gì với các đồng chí trong chi bộ cả. Mình còn đang phân vân. Nói ra để các đồng chí hiểu thì tốt thôi. Nhưng muốn sao thì mình cũng đã phạm tội kia mà...
Khi trở lên nhà trên, Thân xin phép được thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất. Cái ảnh chân dung phóng lớn của chị Tám Kế chụp từ hồi chị còn trẻ làm Thân không thể không nhớ tới Bảy Lụa. Anh nghĩ tới tình cảm của mình ngày nào với cô văn công đáng tuổi chị mà vừa bùi ngùi, vừa mắc cỡ.
Quay lại, Thân gặp đôi mắt đỏ của anh Tám Kế. Thân ngồi xuống rót trà ra ly, cố làm vẻ bình thản. Anh Tám Kể:
- Trước lúc ra đi, bà Tám có trăng trối với mình là bằng cách nào cũng phải nói với cậu điều bả muốn nói. Bà Tám thú thiệt hồi xưa cũng có cảm tình với cậu. Nếu như cậu không đổi qua đơn vị khác thì chưa chắc gì bả đã thương và nhận lời lấy mình...
Thân lắp bắp định nói, nhưng Tám Kế đã tiếp:
- Không. Cậu đừng nghĩ là mình sẽ buồn vì ghen. Bọn mình già hết rồi. Điều nói thiệt với nhau là điều đáng quý phải không cậu? Vả lại, mình với bà Tám, mình còn mang một món nợ không bao giờ trả được thì làm sao mình dám trách buồn bả (Anh hít một hơi rất dài rồi thở ra). Mình ân hận quá. Cho tới lúc bà Tám nhắm mắt, mình vẫn không có đủ can đảm nói thiệt với bả chuyện mình ăn tiền của thằng lái xe. Bà Tám đã ra đi với bao nhiêu ý nghĩ tốt về mình...
Thân nhấp một ngụm trà.
Trên chiếc ghế ni lông vá, anh Tám Kế đang ngửa đầu trên hai cánh tay khoanh sau ót làm gối, lại nói thơ lục bát.../.