Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.147.980
 
Thơ của người hát rong
Nguyễn Lập Em

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KHÚC NHẠC BUỒN

 

1.

Tôi ca hát về nỗi buồn

Nước mắt chảy vào trong

Niềm đau nén lại

 

Điều đau khổ sao ngọt ngào đến vậy?

Tình yêu sao mà thi vị!

Niềm đau nén lại

Thành lời

Trong như ngọc

Nhẹ tựa mây bay

Dịu dàng hơn hương cỏ dại

 

Số phận nào ai giống ai

Sau cái chết còn bao câu hỏi

Hạnh phúc ồn ào nhỏ nhoi

Nỗi bất hạnh lặng thầm

Không sao biết hết

 

Cuộc đời

Muôn nghìn điệu nhạc

Có cả nỗi buồn tôi đã hát ca

 

2.

Ở đâu ta trốn được nỗi buồn

Mà nhân thế chừng như hẹp quá !

 

Đi qua

Đi qua

Nỗi buồn đi qua ta như máu

Mênh mông. Tràn đầy. Lênh láng

Ta trốn vào đâu, vào đâu ?

 

Không phải là ngày xưa mưa ngâu

Không phải là bâng quơ sầu

Nỗi buồn đeo đẳng theo từng số phận

Khéo mà phủ xuống

Khéo mà thoát ra

 

Đi qua

Đi qua

Ta đi qua thân phận người

Trái tim nồng say cuộc sống mang đầy thương tích

Không còn nước mắt nuối tiếc cho ngày vui đã mất

Chai lì niềm đau cho những lần vỡ vụn tin yêu

 

Ta, người hát rong khờ khạo

Ngợi ca tình yêu

Ta hát bằng trái tim rướm máu

 

Ta hát bằng niềm đau của ta đau

Xoa dịu nỗi đau đời

Chia sẻ với người

Chia sẻ với đời

Chỉ nỗi đau riêng mình không thể sẻ chia

 

Tôi là người hát rong

Ít tiền nhưng nhiều mơ mộng

Sự đểu giả dẫu đến vô cùng

Lòng lương thiện phải đâu hiếm có

 

Tôi, người hát rong, vẫn cứ làm thơ

Có đất cho mộng mơ

Đã là điều hạnh phúc

Thiên đường hay địa ngục

Đồng tiền lạnh tanh

Bán mua nhân phẩm con người?

 

Tôi, người hát rong, lúc khóc khi cười

Chỉ có tấm lòng, tình yêu, cuộc đời

Khản giọng rao mời

Ai bán!

Ai mua!

 

Ai trong cuộc đời không tính được thua

Nỗi mất mát cứ nghiêng về phía Thiện

Lòng tham lam, tham lam đến tận cùng ti tiện

Dẫn đến nhẫn tâm trước số phận con người

 

Tôi, người hát rong, lúc khóc khi cười

Đi tìm đất để gieo mầm mơ mộng

Sự đểu giả dẫu vô cùng trong cuộc sống

Đâu phải không còn có chỗ để tin  yêu

 

KHÚC HÁT RONG CHO BÔNG BÍ VÀNG

 

Ta lang thang trên đồng

Ta lang thang trong đời

Sắc hoa vàng giữ chân ta lại

Hoa rắc mùa vui đầy đất

Bông bí nở tràn. Sớm mai

 

Sớm mai

Sớm mai

Đời vui bông bí

Ta qua xuân thì

Mùa xanh tươi. Mùa đi

 

Gọi giấc mơ mùa màng đơm trái

Gọi nồng nàn cho người yêu nhau

Gọi niềm vui cho vơi mắt sầu

Gọi bình yên cho đời mai sau

 

Ta hát khúc hoan ca sắc màu

Cho tình yêu, tuổi trẻ

Cho buồn vui của người

Cho cây đời bất tử

 

Ta hát lời hoa nở

Bông bí nở rồi tàn

Để phấn hoa bay đi

Phấn hoa bay đi

Cho mùa sung mãn

Trái đậu liền dây

 

Khúc hát rong vào những sớm mai

Theo gió quyện bướm, ong tìm mật

Phù sa đem mỡ màu cho đất

Mùa xanh tươi

Ta nhặt niềm vui

Hát hoan ca

“ Bông bí vàng, ơi

Bông bí vàng !

 

 

NHỚ NGƯỜI ĐÀO KINH VĨNH TẾ

 

Trên dòng kinh đưa sông Hậu về biển cả

Gió đã từng qua

Lụt đã từng qua

 

Con kinh đào đẫm xương máu ông cha

Đẫm mồ hôi và nước mắt

Hằng trăm năm

Những lớp người mở đất

Lặng im nằm hòa hơi thở đất đai

 

Những hoàng hôn và những sớm mai

Trăm nghìn mét kinh đào

Chở phù sa lên đồng

Đưa nước phèn ra biển

Ý tưởng vụt qua trở thành miên viễn

Để lại cho đời

 

Chiều nay, ta chợt nhớ người

Tiền nhân

Hiện thân qua đất trời, sông núi

Kinh Vĩnh Tế, mỗi phút giây, đều mới

Gió , lụt ồn ào qua, hằng năm, vẫn mới

Chỉ núi Sam cổ xưa

Tiền nhân cổ xưa

Ta rồi cũng sẽ cổ xưa

 

Kinh Vĩnh Tế bao mùa cùng với nắng mưa

Muôn đời vẫn trẻ

Ta sắp thành cổ nhân chưa nghĩ điều mới mẻ

Nghiêng mình trước người năm xưa nghĩ chuyện đào kinh

 

 

Ở ÓC EO – VỌNG THÊ

 

1.

Tôi gặp nơi đây thành quách cũ

Đất Oc Eo xưa, Vọng Thê bây giờ

 

Oc Eo

Đồng vây quanh và những cánh cò

Lúa ngút ngàn xanh, tràm xanh và cỏ

 

Dấu vết nghìn năm in rõ

Biển lùi xa lưu lại bãi sò

Người xưa từng sống chết, đói no

Nơi đã từng phồn thịnh đền đài, thương cảng

 

2.

Nơi nào năm xưa người từng thênh thang

Mơ giấc mơ giàu sang

Mơ công hầu, khanh tướng ?

 

Nơi nào năm xưa thường dân mơ giấc mơ đời thường

Lo toan cơm áo, gạo tiền

Lo toan mùa màng, nắng mưa, lụt bão ?

 

Nơi nào năm xưa thương nhân đi dạo

Tàu neo đậu nơi nào

Mang những gì đến

Mang những gì đi ?

 

Có phải con đường đỉnh hương đã từng qua đây?

Gió có từng thơm?

Đất thơm?

Người thơm?

Thơ của người hát rong

nguyễn lập em

Nghìn năm

Gió thoảng về đâu hương quế, hương trầm ?

 

Nghìn năm

Thành quách, đền đài vùi lấp !

 

3.

Trên đất Vọng Thê, bây giờ, tôi gặp

“ Biển hóa cồn dâu ”

Tôi ngẩng nhìn trời cao.Trời vẫn cứ cao

Tôi cúi nhìn đất nâu.Thương cảng đâu ? Đền đài đâu ?

Di chỉ Oc Eo, còn đây thành quách đổ

 

Gió từ  ngàn xưa. Nghìn năm bụi phủ

Biển về bao la. Thành chìm xuống nơi này

Tôi ngỡ gặp người của nghìn năm cũ

Sương khói đi về theo gió, theo mây

 

 

HỎI CHUYỆN NGƯỜI NGHÌN NĂM

 

Người nghìn năm nói gì cùng tôi

Trăng sao lệch bên thành quách đổ

Gò Cây Thị-Oc Eo xưa, thời gian đóng mở

Tôi,  người thời nay, ngẫm chuyện người thiên cổ

Bâng khuâng

 

Không còn tàn y. Không còn tàn hương. Đâu người của nghìn năm?

Trơ gạch đá. Hoang tàn. Phế tích

Gió đã thổi về đâu. Mùa nghịch

Mùa thế gian

Mùa của những kiếp người

 

Người của nghìn năm nói gì cùng tôi ?

Ai hạnh phúc, đắng cay

Ai vui, buồn, thành, bại

Và ai nữa hiền lương, nhân ái

Ai gây chiến tranh, gieo thù, chuốc oán

Ai thương yêu ai

Và những ai chưa sống kịp đời mình ?

 

Đêm lại qua đêm. Bình minh lại bình minh

Chỉ những thời đại người rồi sẽ qua đi

Dẫu thế nào, rồi cũng thành tro bụi !

 

Tôi nghe từ lòng đất Oc Eo, người nghìn năm nhắn gửi

Ngẫm phận mình, đời có đến trăm năm ?!

 

KHÚC HÁT RONG TRÊN CÁNH ĐỒNG CHA

 

Trên cánh đồng cha tôi cày cuốc năm xưa

Tôi nuôi dưỡng ước mơ

Gieo trồng con chữ

 

Những con chữ nói lên nỗi niềm tôi

Tôi yêu. Tôi thương. Tôi hờn. Tôi giận

Trên cánh đồng cha tôi, ngày xưa, bất tận

Tôi còn cảm, còn nghe, còn buồn, còn xót

Chuyện tình đời nóng hổi buồn vui

 

“Tiền này dành cho sách vở con tôi

Tiền này dành đóng tiền trường cho con tôi

Ba muốn các con được học để biết những điều đời ba không biết được”

Tôi đã học

Bài học đầu đời cha dạy cho tôi

Trước khi tôi biết chữ

Là niềm khát khao rất Người

 

Khi tôi đi gần hết chặng đường đời

Nhận ra, để thương và hiểu cha tôi

Những gì một đời cha tôi có được

Trên cánh đồng, năm xưa, cha tôi cày cuốc

Không gì khác hơn

Giá trị của chính mình

Cha tôi để lại cho con

 

Tôi, người hát rong

Lời thơ là những khúc ca buồn

Trở về trên cánh đồng, năm xưa, của cha tôi

Chợt thấy mình có lỗi

 

 

Thơ của người hát rong

nguyễn lập em

Chắc rằng,

Cha tôi, ở trên trời, và cuộc đời

Cần tôi hát ca những nỗi niềm vui

 

KHÚC HÁT RONG CHO EM

 

Khúc hát rong này tôi hát cho em

Khúc hát rong này tôi hát cho tôi

Những cô gái một đời nông nổi

 

Đâu phải em lầm đường, lạc lối

Đâu phải em yêu cuồng, thương vội

Chỉ vì em mềm yếu. Mềm yếu là sẽ khổ !

Chỉ vì người ta không đủ lòng thương em tôi

 

Những người đàn ông ngỡ như có thể lấp biển, vá trời

Không gánh vác nỗi số phận người phụ nữ của mình

Không đủ lòng yêu . Không cả một đời yêu

 

Có thể trong đời em đã từng yêu

Say đắm thế! Nồng nàn lắm vậy!

Chẳng bao giờ em nghĩ cuộc chia ly

Chẳng bao giờ em biết trước được điều gì

 

Những bông hoa đang thì

Em như hoa lài nở trong vườn hương sắc, thoảng thơm sớm mai

Em như dã quỳ hoang dại, rực rỡ bên đường

Em kiêu sa như cẩm chướng, vẫn dịu dàng mùa yêu thương đôi lứa

Những bông hoa đang thì, em ơi, không lần lựa

Nông nổi chi, thời gian lướt qua đời

 

Tôi hát cho những phận người không nhiều lắm ngày vui

Nửa thế giới loài người mỏng manh, yếu đuối

Và em tôi không trọn một đời vui

Và em tôi cô đơn, phiêu bạt giữa đời

 

Chúng mình về nơi chốn của mình thôi

Tôi cũng như em

Lầm lủi đi suốt chặng đường còn lại

Biết yếu mềm là khổ, sao chúng mình  cứ mềm yếu mãi!?

Em tôi ơi, cứ khóc, cứ cười

Tôi thương em và tôi thương tôi

Nước mắt nào buồn? Nước mắt nào vui?

 

 

KHÚC HÁT RONG CHO NGƯỜI MẤT TRÍ

 

Người mất trí đi qua

Cười nụ cười ngây dại

Cơn đau đời nếm trải

Bóp nhừ trái tim

 

“ Hãy cho tôi phút giây lãng quên

Những vui buồn trần gian

Những thói đời lừa lọc

Kẻ bất nghĩa nói điều dung tục

Người bạc tình tính chuyện đẩy đưa

 

Cho tôi quên canh bạc đời được – thua

Đồng tiền

Lớn hơn tình người

Nặng hơn nhân phẩm

Sự xưng tụng thành lời ca cẩm

Danh vọng phù hoa

Được-mất, có-không

 

Cho tôi quên

Những mắt nhìn lạnh hơn mùa đông

Những trái tim vô cảm, đui mù, điếc lác

Đâu giá trị của điều Thiện-Ac

Trong tâm hồn tối đen?!

 

Hãy cho tôi chìm trong lãng quên

Những nghe thấy miệng đời ác độc

Lòng vị kỷ làm nên tủi nhục

Tâm địa xấu xa biết thánh thiện bao giờ?!”

 

Còn lại chút gì dành để mộng mơ

Trong trái tim người mất trí

Những mảnh đời thường không điều kỳ vĩ

Là tình người còn được dưỡng nuôi

 

 

KHÚC HÁT RONG Ở MỘT QUÁN CÀ PHÊ

 

Chỗ này có phải chỗ của ta,

Người hát rong lấm láp bụi bùn?

Ta cô đơn, lạc lỏng

Khúc nhạc của ta đang là nốt lặng

 

Quán bên đường, sáng nay, hào nhoáng

Bàn ghế. Cây cảnh. Người. Xe

Hương cà phê vô tư thơm

Đâu dành riêng cho ai, kẻ sang người hèn

Ai có tiền đều có được

 

Thế mà

Ta vẫn thấy nơi này không phải chỗ của ta

Cuộc tụ tập của những gương mặt người no nê, béo tốt

Cuộc tụ tập của các đề tài tiền, vàng, nhà, đất và đô la

Cuộc tụ tập của áo quần, giày dép, kính nón, xe cộ sang trọng

Cuộc tụ tập của những mắt nhìn, những nụ cười chứa đựng những tâm tình dường như khác xa ta, khác xa ta lắm!

 

Thế mà

Ta vẫn ở đây

Ngắm nhìn sự hào nhoáng diễn ra

Ngắm nhìn sự phô trương của cuộc đời

Từ một quán cà phê bên đường, buổi sáng

Ta ngắm nhìn những gương mặt , những ánh mắt đầy tự tin và hãnh diện

Người ta tự  tin vì đã có mặt ở nơi này

Người ta hãnh diện vì đã góp phần cho sự hào nhoáng nơi đây

 

Thế mà

Ta vẫn ở đây

Ngắm nhìn và ngẫm nghĩ

Hương cà phê vẫn thơm, vô tư

Dành cho tất cả, kẻ sang người hèn

Thơ của người hát rong

nguyễn lập em

Ta chợt nhớ

Ơ đâu đó trong đời

Những quán cà phê nghèo

Và bao mảnh đời bùn bụi, lầm than

 

Ta chẳng có gì để tự tin và hãnh diện

Vì đã có mặt nơi đây, quán cà phê hào nhoáng này

Hay ở bất kỳ nơi nào khác

 

Ta là người hát rong

Vỗ đàn mà hát

“ tính tang, tình tang

Cuộc đời hào nhoáng

Còn ta bụi bùn…

 

 

KHÚC HÁT RONG CHO TÊN GIẤU MẶT

 

Vì sao ngươi giấu mặt

Kẻ giả danh nhà thơ ?

 

Không giấu được trái tim lạnh lẽo

Không giấu được lời lẽ nhạt phèo

Ngươi nói về tình bạn

Ngươi nói về tình yêu

Ngươi nói về tình người

Giả

Giả

Giả

Không thể tin

Không tin được

Không tin

 

Ngươi nói gì chân thành trong thơ

Khi ngươi sống ở đời rặt mùi thủ đoạn?

Cảm xúc nào là thật

Ngươi đem vào thơ

Bằng những mối tình dối gian?

 

Ngươi nhân danh nhà thơ

Kiếm tìm thêm một chút cơ hội để chen lấn

Ngươi nhân danh nhà thơ

Lót đường lợi danh bằng lời thơm

Ngươi nhân danh nhà thơ

Rao giảng những điều hoa mỹ với cái tâm chứa đầy chất độc

 

Vì sao ngươi giấu mặt

Kẻ giả danh nhà thơ?

 

Ngươi đã tự phơi bày

Chiếc mặt nạ nghệ sĩ rớt xuống

Thơ không có chỗ cho những người lòng dạ tối đen

 

Thơ trong như gương

Sao ngươi có thể soi mặt mình

Khi ngươi không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào mắt một người lương thiện

Ơi hỡi, kẻ giả danh nhà thơ!

Phải chăng ngươi vừa hành xử đê hèn

Phải chăng ngươi vừa nghĩ những điều xấu xa?

 

Khúc hát rong của ta

Lẽ ra không dành chút gì cho ngươi

Kẻ giả danh ẩn nấp sau những điều tốt đẹp

Ngươi không có chỗ trong thơ ta

Ngươi không xứng vị trí nào trong cuộc đời này

Vì ngươi chưa bao giờ xứng danh

 

 

KHÚC HÁT RONG CHO VŨ HỘI HÓA TRANG

 

Có một vũ hội

Không phải ở vài nơi

Có một vũ hội

Ơ khắp mọi nơi

Trong đời

VŨ HỘI HÓA TRANG

 

Những chiếc mặt nạ

Người tự mang cho mình

Hoá trang. Đóng vai. Vũ hội

 

Ở đó, người vợ không còn nhận ra chồng mình

Ơ đó, người chồng không còn nhận ra vợ mình

Ơ đó, người ta không còn phân biệt được ai là người hiền, ai là kẻ ác

Ơ đó, người ta không thể phân biệt ai là bạn , ai là thù

Ơ đó, người ta che mặt tỏ tình

Ơ đó, người ta yêu nhau rất thật sau gương mặt giả tạo

 

Vũ hội hóa trang

Người ta hoá trang hùm beo nhưng không phải hùm beo

Người ta hoá trang nai tơ nhưng không phải nai tơ

Người ta hoá trang mèo và chuột nhắt nhưng mèo và chuột không hề đối nghịch

 

Vũ hội hoá trang

Vai hề không dễ đóng

Vai vua chưa chắc đã đường bệ

Người tô vẽ vụng về

Kẻ hoá trang cực khéo

 

Ta không tin vào mắt mình

Ta không tin vào tai mình

Ta nghi ngờ nhịp đập của trái tim mình

Biết đâu giả, chân!

Biết đâu vũ hội!

Biết đâu cuộc đời !

 

Ta không thể hiểu

Vì sao

Trong vũ hội hóa trang

Người ta cuồng nhiệt, hả hê

Đằng sau gương mặt không phải là mình ?

 

 

KHÚC CA HÀNH HƯƠNG

 

1.

Tôi  gửi đi bức thông điệp tình yêu

Bắt đầu cuộc hành hương

Khổ đau và hạnh phúc

 

Trên cao là trời

Dưới chân là đất

Trái tim tôi quả ngọt

Dành để hiến dâng

 

Đâu dễ gì làm cuộc phân thân

Nhận ra trong chính mình

Nửa phần Thiện- Ac

Nửa phần Chúng ta và Tôi

 

Một thoảng môi cười

Vạn nước mắt rơi

Làm nên hạnh phúc

Và bối rối, và lặng im, thảng thốt

Những tâm hồn không biết yêu thương

 

2.

Tôi đi như mơ về nơi hành hương

Niềm tin vô tận

Trái tim yêu của kiếp người lận đận

Dành để hiến dâng

 

Hãy cúi đầu ăn năn

Những bóng tối của tâm hồn lừa lọc

Những đêm dài của lòng ác độc

Những muộn phiền của sự  vô tâm

 

Hãy ấm lại những trái tim giá băng

Hãy cháy lên những ngọn đèn đã tắt

Hãy đem trả những cuộc đời đánh mất

Cho bạt ngàn  mầm sống sinh sôi

 

Tôi quỳ trước hào quang hạnh phúc

Hát thánh ca của tôi

Khấn nguyện cho tình người muôn thưở

 

Sẽ mênh mông tâm hồn giàu có

Sẽ vĩnh hằng trong chốn bình yên

 

Tôi hướng về đất thiêng

Hành hương

Như đi trong mơ

Về miền hạnh phúc

Xin được đến cùng trời cuối đất

Với trái tim nồng trọn vẹn yêu thương

 

 

CHƯƠNG II

 

KHÚC HÁT PHÙ SA

 

1.

Sông chảy xuôi từ đất đầu nguồn

Ta trôi giạt cùng bọt bèo sóng nước

Ngày xa

Ngày xa

 

Bến bờ nào sông qua

Chân cầu bám rong rêu mùa xưa cũ

Ta hát lời lữ thứ

Theo sông mà đi

Giang hồ

Giang hồ

 

Sông cái xuôi về. Ai đã từng mơ

Bắt cá lớn giữa dòng chảy xiết

Dân chài lặn khi nao mỏi mệt

Theo kình ngư

Tìm kình ngư

Kình ngư trú nơi nào?

 

Ngả ba sông Tiền, sông Hậu gặp nhau

Sông cái lớn gặp nhau, ầm ào

Mênh mông sóng bạc

Sóng và gió cùng ngân tiếng hát

Mênh mông trăng

Mênh mông nắng

Mênh mông phù sa

 

Để một ngày ta ngẫm lại ta

Thấy mình bé nhỏ

Chiếc hộp đen trong đầu cứ gõ

Ta, hạt bụi li ti, mơ vun đắp bãi bồi

 

Từ đầu nguồn mải miết sông trôi

Phù sa đắp nên miền châu thổ

Đất trầm thủy theo sông mà mở

Xanh và xanh trải đến bạt ngàn

 

Người viết hùng ca “ Đây Cửu long giang …”

Chín nhánh sông nối đôi dòng sông cái

Cá lội từng đàn theo sông mê mải

Phu sa theo nước cứ về xuôi

 

 

2.

Chín nhánh sông ra với ngàn khơi

Trùng dương gọi

Trùng dương bát ngát

 

Châu thổ nở vun đầy mùa cho hạt

Phù sa

Phù sa

 

Phù sa

Đâu chỉ lấp lánh đời cát

Đâu chỉ lấp lánh nắng mưa

Đâu chỉ có tràn đầy, no ấm

 

Phù sa

Điệp trùng số phận

Vô vàn tầng số sinh tồn

Nghèo, giàu, sang, hèn, sướng vui, đau khổ …

 

Phù sa

Ngất ngưỡng của vun bồi, màu mỡ

Tận cùng của phiêu du, trôi giạt

 

Châu thổ nở vun đầy mùa cho hạt

Sao cha đành bất lực nhìn cháu con không được học hành?

Sao mẹ vẫn khóc vì đói nghèo?

Sao em vẫn buồn vì áo rách?

 

Phù sa

Vẫn hát khúc ca xuôi về kinh rạch

Lặng lẽ bồi đắp

Lặng lẽ làm bùn

Cho mùa xanh hơn

Cho đời bớt buồn

Em thôi áo rách

Mẹ vơi sầu đau

 

Cha không ngừng khát vọng mùa sau

Sông cứ chảy đêm ngày về biển rộng

Cuộc sống chẳng bao giờ mỏi mệt

Trùng dương luôn đón nhận phù sa

 

3.

Hạt phù sa ở lại đồng bằng

Đời bùn lấm

Nồng nàn tình đất nước

Quê nghèo vậy! Bến bờ heo hút!

Mùa vẫn xanh góc khuất cuộc đời

 

Sông chảy đi

Dòng cứ xa khơi

Phù sa ở lại cùng người

Làm nên tên làng, tên đất

Phù sa mặn

Mô hôi và nước mắt

Cho đời vui và cuộc sống no đầy

 

Phù sa

Phù sa

Ơ lại với mùa con nước quay

Ơ lại với chơi vơi mùa lụt

Ơ lại với đồng khô, đất nứt

Ơ lại với nỗi buồn mông quạnh, bất trắc, gian lao

 

Phù sa

Phù sa

Giấc ngủ đẫm mùi bông lúa, cọng rau

Đêm mơ no lành chén cơm, manh áo

Niềm vui của cuộc đời tần tảo

Bừng như lửa rơm

Bữa cơm đời thường vẫn quyện mùi thơm

Giấc mơ đời thường nhẹ như gió thoảng

Phù sa ngọt ngào và cay đắng

Như chén rượu vơi, đầy

Cứ nồng, cứ say

 

Hạt phù sa ở lại nơi này

Thở hơi thở đồng bằng

Xôn xao mùa trúng, thất, được, thua

Bề bộn lo toan hạt gạo, củ khoai, con tôm, con cá

Ước mơ về những miền đất lạ

Vòng vo theo số phận đời người

 

Sông chảy đi

Dòng cứ xa khơi

Hạt phù sa ở lại cùng người

Vui đời bùn lấm

 

Phù sa

Phù sa

Hạnh phúc có một miền gởi gắm

Hạnh phúc có một đời chìm nổi với yêu thương

 

 

ĐẰNG SAU CỦA NGỌT NGÀO

 

Dưới cơn mưa mùa lụt dầm dề

Như thức dậy hương nghìn năm của đất

Mùi bùn ngấy, mùi lá khô mục nát

Mùi ẩm ương bao đời đã nuôi cây

 

Màu phèn vàng đóng thành dấu khoen tay

Cha nắm hạt gieo mầm cười hả hê hạnh phúc

Con đã thấy có lần mẹ khóc

Trên cánh đồng mùa gặt, mẹ mót từng bông lúa rơi

 

Chín nhánh sông hai mùa đầy vơi

Phương Nam hàng hàng rặng xanh

Điệp trùng nắng mưa, hạn lụt

Ai biết được bàn chân cha cả đời lấm đất

Mong cháu con mình ấm no

 

Am hưởng buồn của những câu ca

Bài vọng cổ cất lên từ đất nước

Da diết lắm nỗi lòng không giấu được

Chẳng ai đem rao bán cảnh đời buồn

 

Những đứa trẻ lớn lên sáng đẹp như gương

Vẫn biết quê mình triền miên ngập lụt và nắng nỏ

Những đứa trẻ cứ yêu đất đai, xứ sở

Mong đến mùa khô. Quen nắng và gió

Thương nhớ cả mùa nước nổi lênh đênh

 

Những đứa trẻ lớn khôn với bài học đầu tiên

Bài tập với nắng mưa, bùn đất

Bài tập bơi trên dòng sông bên nhà thân thuộc

Đi đâu cũng nhớ về

Giấc ngủ tràn chiêm bao nước nôi

 

Vẫn cứ ngọt ngào “ phương Nam quê tôi ”

Giọt nước mắt đói no ướt đầm những mảnh đời lận đận

Mùa vui qua mau, nỗi buồn đằng đẵng

Hạ lưu Mê- Kông, chìm nổi quê nghèo

 

Bao đời người bao số phận mang theo

Mênh mông đất trời, mênh mông  xanh

Năng hạn đồng khô, chơi vơi ngập lụt

Thành bại đời người, đắng cay và hạnh phúc

Trên mảnh đất này, phương Nam là máu thịt trong tôi

 

KHÚC CA XANH

TRÊN ĐỒNG TỨ GIÁC LONG XUYÊN

 

Đồng trải ra đến tận chân trời

Xanh như chẳng ở đâu từng xanh đến vậy !

 

Tôi, người hát rong, dõi cánh cò bay

Dõi theo ngút ngàn nắng mưa

Ngút ngàn phù sa

Ngút ngàn phèn chua, mồ hôi và nước mắt

Khúc ca xuân mặn chát

Tôi hát trên cánh đồng Tứ giác

Ngợi ca mùa vui

 

Để thương mùi khét nắng em tôi

Tóc cháy, da nâu thắm màu mật ngọt

Em không tô môi hồng đỏ chót

Chẳng quen lời đãi bôi

 

Để xót bàn tay chai sạn cha tôi

Lưỡi cày cắm lật từng thớ đất

Cha chẳng đắn đo những điều được, mất

Hạt đã gieo phải mọc lên mầm

 

Mékông tìm đường ra biển xa xăm

Sông Hậu chia nhánh lên đồng

Kinh, rạch dọc ngang nuôi màu xanh Tứ giác

Mẹ cười được mùa, vai phơi áo bạc

Gió bấc lao rao. Tết đến rộn ràng

 

Để thương mùa xanh, thương những mùa vàng

Chưa trọn niềm vui cho bao đời tần tảo

Nắng hạn và tháng dài lụt bão

Đói no và lận đận những hôm mai

 

Để thương bữa cơm nghèo mẹ cúng đất đai

Vẫn lời khấn quen cầu gió hòa, mưa thuận

Đòn bánh tét nuột dây mấy bận

Nhủ cháu con ăn nhín để dành

 

Tôi hát trên đồng Tứ giác

Ngợi ca màu xanh

Gió vi vút đưa cánh cò tít tắp

Nghe thương màu nâu của đất

Cả những mảnh đời dầu dãi nắng mưa.

 

 

VỀ TÂY PHÚ

 

Ta lại về Tây Phú

Đường cứ xa, vời xa

 

Chiều xưa mưa qua

Đường trơn bùn đất

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách   *

Người làng quê giữ bạn

Cầm chân nhau bữa rượu ly tràn

Đàn cá nhái kền mắc lưới không oan

Quà khô mọn dân miệt đồng biếu khách

Đêm không điện. Bếp lửa hồng tí tách

Bầu bạn tình thân hầu chuyện tàn canh

 

Ta lại về Tây Phú. Lúa ngời xanh

Đồng vẫn là đồng sâu

Chỉ rạch, xẻo, kinh, mương thôi ngoằn nghoèo uốn lượn

Lúa vụ ba, qua thời

Lão nông tính chuyện làm giàu từ chân ruộng

Rôm rả chuyện vui, câu chuyện đổi đời

 

Thời gian. Mùa màng. Kinh cạn. Lục bình trôi

Dòng không trong. Mùa khô. Xuồng ghe tấp nập

Bến nước vắng ngày xưa ta đã gặp

Thành bến lúa của mùa vui

 

Đồng vẫn sâu. Đường vẫn cứ xa xôi

Tây phú mới

Cầu dây nối hai bờ đường mới

Ta, lữ khách, thương cánh bèo trôi nổi

Chạnh nhớ một thời

Đò xuôi kinh Mớp Văn

 

  • Thơ cổ “ Mưa không xiềng xích lại giữ được khách ”

 

TRỞ LẠI TỊNH BIÊN

 

Trở lại  Tịnh Biên năm lụt kém

Vẫn mênh mang sóng, vẫn mưa nguồn

Rừng đợi chim về mùa xây tổ

Am cả tràm xanh, cả xóm thôn

 

Nước nổi đang lên triều đợt cuối

Cha đã bộn bề lo mùa sau

Dọn đất đồng bưng trồng nếp mới

Mẹ lựa Nam Thơm, giống đẹp đời

 

Trở lại Tịnh Biên chiều biên giới

Vĩnh Tế dòng trôi ngút chân trời

Tha La xả lụt tràn ra biển

Lẽ đời, nguồn chảy nước về xuôi

 

Xa trông mây trắng giăng đầu núi

Đường dốc trẩy về qua Thất Sơn

Ai hát hùng ca thời chinh chiến

Nghe chạnh lòng thương nẻo sơn trường

 

Trở lại Tịnh Biên thêm lần nữa

Gió reo như thể gió giao mùa

Đồng đợi mầm lên sau lụt kém

Về xa, người lại hẹn lần sau

 

 

CHIẾC CẦU TREO QUÊ LÚA

 

Những chiếc cầu treo bắc qua rạch, ngòi

Bắc qua kinh, mương

Bắc qua nhánh sông ngoằn nghoèo quê lúa

Đất này nổi tiếng Bảy Thưa

Cuộc kháng chiến lưu truyền sách sử

Nông dân xứ này mệnh danh Hai Lúa

Có người nghĩ chuyện làm ra những chiếc cầu treo

 

Đã qua thời cầu khỉ cheo leo

Thôi chờ đò ngang

Thôi bờ bên này í ới, ngóng bờ bên kia thăm hỏi

Đường đã băng đồng

Cháu qua cầu treo đến trường, nối đường sang nội ngoại

Niềm vui trẻ già sáng như ban mai

 

Những Hai Lúa xứ này

Nhát chuyện lên đài, không quen mặt báo

Chiếc cầu qua sông là chuyện lớn lao

Ước ao từ tấm bé

Chiếc cầu treo được vẽ

Bằng mơ ước đời người

Ai “ lắt lẻo cầu tre” cả đời

Lòng nào để cháu con mãi vậy?

 

Những chiếc cầu treo ra đời thế đấy

Xe mô tô ung dung qua đây

Ô long Vĩ, Cốc Ông Cậy, Thạnh mỹ Tây…

Bao làng xa nơi này

Không còn là vùng sâu nữa

 

Những chiếc cầu treo quê lúa

Cứ thế ra đời

 

 

Ở CỬA  KHẨU SÔNG TIỀN

 

Bờ đất như bờ thửa ruộng nhà

Cột mốc tám lăm ( 85 )

Biên giới

 

Bờ đất với hai đầu sóng nổi

Một dòng trôi chia hai khúc sông Tiền

Tĩnh lặng vô cùng, nào phải bình yên

Cửa khẩu, bao điều biến động

 

Gió vẫn thổi qua sông lồng lộng

Mây vẫn bay. Trưa vắng. Bóng xa mờ

Biên giới nơi này sông nước cứ nên thơ

Câu ca vẫn vang lừng đêm lễ hội

 

Bước dăm bước

Bờ đất là biên giới

Đồng quê hương thoang thoảng  lúa đang mùa

Trong  làng tiếng gà gáy ban trưa

Giấc ngủ cứ ngạt ngào hương của đất

 

Bình dị đàn ong bầu lấy mật

Thân thương màu lá cỏ quê nhà

Biên giới nơi này người lính tuần tra

Đây cột mốc!

Trái tim nói lời đất nước

 

Trời cứ một màu xanh suốt

Đất nồng nàn hơi thở phù sa

 

Vẫn bờ  như bờ thửa ruộng nhà

Cột mốc tám lăm ( 85 ) biên giới

Vẫn bờ  nối hai đầu sóng nổi

Hai khúc sông Tiền, cửa khẩu, một dòng trôi

 

 

RỪNG Ở TỨ GIÁC LONG XUYÊN

 

Rừng mới ta trồng trên nền rừng xưa

Mầm lên xanh hơn

Gọi đất nghìn năm thức dậy

 

Bài học thiên nhiên đã dạy

Con người phải biết sống chung

Người sống cùng nhau

Người với đất trời

 

Thời gian thăm thẳm trôi

Bao đời người gieo neo

Những mùa lụt bơi, những năm nước kém

 

Đồng trủng đón mùa lụt đến

Phù sa theo nước về xuôi

Nền cũ Oc Eo bồi thêm đất mới

Nuôi rừng mới

Xanh cả nghìn sau

Xanh cả đời người

 

Ta trồng rừng mới

Trái đất giảm phần nóng hơn

Buồng phổi cuộc đời nở lớn

Để trái tim người bao dung

 

Những vạt rừng

Tứ giác Long Xuyên

Đất thấp, phèn chua

Cho đời những điều ngon ngọt

Khúc ca từ niềm đau xót

Cất lên lời bao la

 

 

Ở CUỐI DÒNG SÔNG HẬU

 

Nơi cuối dòng sông Hậu chảy qua

Ngan ngát một miền bến bãi

Đượm mật mía đường theo sông nước chảy

Bến Có, Hàm Giang, Bến Bạ, Bến Chùa

 

Làng cá Định An tấp nập bán mua

Vàm Basac, tàu và người đậm đà hương vị biển

Đi quá nữa, cuối dòng sông Hậu đến

Bao la nước, trời cửa biển Đại An

 

Yên lành đất rừng và những chú cò lang thang

Đồng láng mùa trăng bàng bạc

Con rươi ánh sắc màu trôi giạt

Con tép đất búng đầy khoang xuồng

Cho người đầy niềm vui

 

Trà Cú đón dòng sông Hậu về xuôi

Khúc ruột nối bến bờ gần lại

Hạt theo dòng về xuôi đi mãi

Gieo những cánh đồng tít tắp ở bờ xa

 

Nơi cuối dòng sông Hậu chảy qua

Cù lao một màu tươi mướt

Chằng chịt rạch kinh, con đò, bến nước

Mùi vị thân quen con mắm cá quê nhà

 

Vẫn cứ là những khúc dân ca

Mẹ từng hát ru con, giờ đây em hát

Gió chướng thổi tràn qua giồng cát

Câu hát dặt dìu “ sông Hậu phù sa … ”

 

 

VIẾT BÊN BỜ CỔ CHIÊN

 

Tôi tìm nơi cá ông gởi xương năm xưa

Bỗng lạc giữa bạt ngàn rừng bần, rừng lá

Bước nữa là biển cả

Biển xa khơi

Nơi này cù lao Long Hòa xanh

 

Đàn chim vầy tổ báo tin đất lành

Cá ông lụy dạt vào cuối bãi

Làng ven biển giữ những gì còn lại

Thờ cá ông như thờ thành hoàng

 

Dân nghèo mơ đặt tên đất Bãi Vàng

Con nước lớn ròng

Dòng Cổ Chiên nơi này mỗi năm hai mùa mặn, ngọt

Bãi vàng có thật

Từ biển và sông

 

Mặn ngọt hai mùa rừng bần, rừng lá mênh mông

Ruộng lúa cấy, vuông tôm càng, tôm sú

Những đứa trẻ phải được no và học chữ

Điện lưới vượt sông để cù lao không còn hoang sơ

 

Đò ngang qua xa lắc bến bờ

Bao la lắm nơi này sông cái

Chưa đủ rộng, Cổ Chiên chia đôi dòng chảy

Om cù lao mở thêm cửa Cung Hầu

 

Ai hỏi Cổ Chiên đưa nước ngọt về đâu

Cổ Chiên nối sông Tiền xuôi dòng ra biển

Khi biển cả và triều cường lên tiếng

Cổ Chiên tràn rừng ngập mặn cù lao

 

Muôn thửơ câu hò “ nước chảy sông sâu …”

Cứ vậy,  dòng Cổ Chiên bát ngát

Từ nơi thờ cá ông, cù lao Long Hòa giáp mặt

Hai cửa sông Tiền ra biển bao la *

 

*( cửa Cổ Chiên và cửaCungHầu)

 

 

ĐI  QUA  MÙA  NẮNG HẠN

 

Nắng ồn ào cháy bỏng

Đất nóng như lửa nung

Lòng ta rát rạt

Hạn về! Buồn ơi!

 

Đâu cứ là lụt mới chơi vơi

Đồng khát nước còn chơi vơi hơn nữa

Cây lúa nghẹn, bông không ngậm sữa

Hạt khô hong chịu lép lúc đang thì

 

Gió ngỡ làm dịu mát, cứ qua đi

Mây cứ trắng bồng bềnh trôi, xa vậy!

Ta nát tiếng, lời hát rong gọi mãi

Mưa ơi!

Sông ơi!

Nước ơi!

Mùa ơi!

 

Bỗng giật mình nghe tiếng lá khô rơi

Bỗng tha thiết yêu đời

Yêu cuộc sống

Đêm mơ tiếng suối nguồn vang vọng

Mơ tiếng sông

Mơ cả tiếng sương rơi

 

Đâu chỉ  là biển rộng mới  chơi vơi

Mầm bé bỏng ở bên bờ sống chết

Lừng lững đến, dữ dội nào ai biết

Nắng hạn qua miền khô khát ruộng đồng

 

Vẫn dọc dài chín nhánh Cửu Long

Vẫn chằng chịt rạch, kinh

Không thỏa cho màu xanh

Chưa chắc đã yên lành

Mong manh, mùa vui sao mong manh đến vậy?

 

Ta đi giữa đồng sâu, mong mùa xanh mãi

Lang thang trong nắng

Đợi cơn mưa đầu mùa

 

Có lúc trong đời khát một cơn mưa

Mưa ào đến, rồi qua

Cơn mưa rào làm buồn thêm. Mưa không thấm đất

Gió vẫn lặng. Trời cứ xanh ngằn ngặt

Đất cứng, chân mềm, nóng hổi bóng chiều qua

 

Mây trắng bồng bềnh, vẫn cứ mây xa

Trời nắng hạn, niềm vui  chừng nông nổi

Đời cứ vậy, sao  ta vẫn hỏi

Ngày qua mau nên thơ cứ buồn

Ta, người hát rong, cứ mãi sầu thương!

 

 

NẾU MIỀN TÂY KHÔNG LỤT

 

Khi tôi được sinh ra

Miền Tây chẳng có năm nào không lụt

Năm nào nước cũng nổi lêu bêu

 

Chợt hiểu vì sao câu vọng cổ buồn hiu

Cả đời người bị ngập lụt, liêu xiêu

Từ  xưa vẫn vậy

 

Những điệp khúc miền Tây

Mùa nước nổi dâng. Đồng chìm

Mặt đất tràn sóng bạc

Cảnh đời xao xác

Lòng người mênh mang

Điệu lý cứ buồn như tiếng thở than

 

Nhưng nếu miền Tây có năm không lụt

Đồng sẽ nhớ màu phù sa

Cá chẳng có nhiều đến dư làm khô, ủ mắm

Trái kém ngọt ngào, vườn chẳng đầy hoa

 

Miền Tây nếu không có mùa lụt qua

Đồng bằng như cô gái không biết yêu, hụt hẫng

Đằng sau yên lành biết đâu lận đận

Trái tim phập phồng

Vừa mong vừa sợ, vừa mừng vừa lo

 

Họa phước đất trời dành cho

Miền Tây là miền sông nước

Sẽ không buồn vui có được

Nếu thiếu những  mùa lụt qua

 

 

KHÚC HÁT RONG TRÊN ĐỒNG NƯỚC NỔI

 

1.

Gió ơi! Đừng dậy sóng lên

Cho xuồng bớt nỗi lênh đênh nước trời

Đồng bằng nào phải biển khơi

Mà xuồng nhỏ bé tựa đời bèo dâu!

Đã đành xa cách đất nâu

Mong trong nước lụt thắm màu phù sa

Đêm nằm nghe vạc bay qua

Thương con vật biết gởi nhà nơi đâu

Hôm qua đồng cạn, đồng sâu

Giờ tìm không thấy vườn rau sau hè

 

Buồn trông phơ phất ngọn tre

Xót cây lúa, cứ thấy se nỗi lòng

Nước từ trăm suối, nghìn sông

Chờ mưa tháng bảy lên đồng gặp nhau

Lúa ơi! Lúa vượt lên mau

Mặc cho lụt đuổi theo sau cả đời

Bao giờ lụt hạ thì thôi

Ở trong ngọn lúa nghìn lời ấm no

Chập chờn đêm ngủ hay mơ

Từng đàn chim đến đợi chờ mùa vui

 

2.

Lắng nghe tiếng nước bùi ngùi

Xuồng con trôi nổi, nhớ vùi mái tranh

Gió đưa nhịp sóng chòng chành

Làm sao quên được yên lành đất đai

Vắng xa dù chỉ một ngày

Đã nghe thương nỗi dạn dày nắng mưa

Đâu nơi đi sớm, về trưa

Mà xuồng cứ nhỏ không vừa bước chân

Thơ của người hát rong

nguyễn lập em

Trông trời, trông nước bâng khuâng

Một đêm thức giấc mấy lần đếm tay

Tính ngày, ngày cứ thêm dài

Tính đêm, đêm cứ sáng hoài trăng sao

Trên đầu lồng lộng trời cao

Tựa lưng vào sóng biết đâu bến bờ

Chỉ con nước lụt thờ ơ

Đã quen tính nết đơn sơ đi về

Đâu hay trăm mối ủ ê

Dồn vào một nỗi bộn bề lo toan

Nghĩ suy đã giận, càng thương

Cả năm khó nhọc nay buồn thiếu ăn

Trót mang lấy tiếng nông dân

Lẽ nào bồ lúa nên chăng vơi đầy?!

 

3.

Chim bay về núi. Chim bay

Người không bỏ được nơi này, người ơi!

Dù cho sóng gió chơi vơi

Còn đồng, còn lúa, còn lời nước sông

Nghìn xưa người sống với đồng

Lụt qua như nước lớn ròng hằng năm

Làm quen cùng với gian nan

Từ trong đất nước bạt ngàn mà ra

 

Lên xuồng nhưng chẳng đi xa

Đôi bờ sông ấy lại, qua cắm sào

Lụt lớn tránh chốn đồng sâu

Nước giựt đồng cạn giăng câu, đặt lờ

Đồng vô tư tựa trẻ thơ

Chẳng e lụt lớn, chẳng chờ nước rong

Mặc cho dòng đục, dòng trong

Mặc cho cá lội lên đồng, ra sông

Mênh mông đồng cứ mênh mông

Gieo neo xuồng cứ bềnh bồng gieo neo

Thơ của người hát rong

Đôi tay thuần với nhịp chèo

Đùa bao nhiêu nỗi hiểm nghèo đằng sau

 

4.

Nhớ gì như nhớ đất nâu

Mấy mùa hôm sớm đồng sâu tìm về

Đường xưa qua lối chân đê

Lòng quen nơi chốn đi về cùng nhau

 

Nghe thơm lá cỏ ngọn rau

Nghe say sắc nắng ngọt ngào hương hoa

Nghe thương một cánh cò xa

Nghe hờn những lúc chiều qua vội vàng

Sức người tạo dựng mùa màng

Nắm trong tay ấm bạt ngàn màu xanh

Gieo mùa, mùa cứ lên nhanh

Gieo đời, đời hãy yên lành nghìn năm

Giấu trong bé nhỏ hạt mầm

Bao la sự sống âm thầm dậy lên

 

Nhịp mùa đâu dễ lãng quên

Mùa đi như đã làm nên nhịp đời

Nhớ sao như thể nhớ người

Đêm nằm trăn trở với lời đất đai!

 

 

KHÚC HÁT GIEO MÙA

 

Ngày đi qua

Tháng đi qua

Đến mùa điên điển trổ hoa

Lụt tìm lối đổ về với biển

Đồng âm thầm cùng sông đưa tiễn

Chọn hoa vàng báo hiệu cuộc chia ly

Chút ân tình trong những bước đi

Lụt để lại mỡ màu cho đất

 

Tất bật với những mùa cấy gặt

Xóm nhỏ ven sông rộn rã ngày về

Cũng bắt đầu như thể chuyến đi

Từ sóng gió xuống bình yên mặt đất

 

Còn sự sống đã là niềm hạnh phúc

Biết mùa màng chờ đợi ở đôi tay

Mùa lụt đi qua tựa giấc mơ dài

Tiếng cười nói lại ấm từng mái lá

Riêng lũ trẻ bỗng thấy mình như đã

Lớn lên rồi khi mùa nước nổi đi qua

 

Chú bé ra đồng gieo hạt cùng cha

Bàn tay nhỏ biết buông tròn nắm lúa

Lúc nhóm lửa đã biết tìm hướng gió

Bữa cơm trên đồng vắng mẹ vẫn thơm ngon

 

Để lại nơi này dấu chân bé con

Bước kề cận cùng chân cha vững chắc

Cả hai đã cùng gieo vào đất

Hạt giống nằm đằm thắm đợi lên xanh

 

 

CHƯƠNG III

 

NGỤ NGÔN

 

NGỤ NGÔN NGÀY VÀ ĐÊM 1

 

Đêm

Không thể thiếu trăng sao

Không thể không có sương lạnh

Không thể không nhập nhòa bóng tối

 

Đêm

Không thể khác tên gọi

Không thể khác hơn vốn có

Không thể khác đêm

 

Ta làm nên đêm sâu

Ta cảm thấy đêm dài

Ta khiến đêm có nhiều ý nghĩa

 

Giống như liều thuốc bổ trợ tư duy

Bóng đêm góp sức cho tĩnh lặng và sâu lắng

Ta giác ngộ nhiều điều, khai sáng tâm linh

 

Ta với miền tâm linh ta thao thức

Nỗi ám ảnh về thân phận người

Niềm hân hoan về sinh sôi

Những lo toan cho cuộc sống đời thường

Sự muộn phiền về bệnh tật, già nua, chết chóc

 

Và ngày

Và đêm

Và tươi xanh

Và meo mốc

Những cuộc đời trầm luân dưới đôi vầng nhật nguyệt

Những cuộc đời như lá đậu trên cây

 

NGỤ NGÔN NGÀY VÀ ĐÊM 2

 

Những người yếu đuối đừng đi ra ngoài

Những người khờ dại đừng đi ra ngoài

Những người hiền lương đừng đi ra ngoài

 

Đêm

Bóng tối

Am mưu và tội ác

 

Nỗi bất hạnh thường lớn hơn hạnh phúc

Am mưu lớn hơn bóng tối

Cái ác luôn mạnh và lớn hơn cái thiện

Ta dẫu đầy tự tin vẫn khó thoát khỏi kẻ rình rập, ác tâm

 

Ta của một ngày dài

Ta của một đêm sâu

Không bằng khoảnh khắc đứng bên bờ vực thẳm của sự hụt hẫng

Không bằng sát na giữa thực tại và hư vô

Không bằng ranh giới của sự sống và cái chết

 

Tội ác vẫn cứ diễn ra

Bởi lòng thù hận

Bởi sự ghen tị

Bởi lòng tham

Bởi mù quáng

Bởi tất cả những gì có thể trong cuộc đời này

 

Chỉ con người run rẩy như lá đậu trên cây

Chỉ nước mắt chảy bất luận đêm ngày

Chỉ nỗi buồn bao trùm và mãi mãi

 

Xin cho ta một chút niềm tin

Xin cho ta vơi bớt ưu phiền

Xin cho ta không sợ đêm dài và bóng tối

 

Ta dại khờ, yếu đuối

Trông mong vào sự lương thiện của chính mình

Tồn tại hay không tồn tại ?

Đời ơi !

 

 

NGỤ NGÔN NGÀY VÀ ĐÊM 3

 

Bóng tối của nỗi buồn

Những số phận hẩm hiu

Không gì bù đắp được

 

Bóng tối của nỗi buồn

Ngỡ xoá được bằng tiền. Tiền cứ lạnh tanh

Ngỡ xoá được bằng vàng. Vàng sắc hơn dao

Mua lấy những cuộc vui. Càng mua càng buồn

 

Ta là nô lệ của tham vọng

Ta là nô lệ của định kiến

Ta là nô lệ của những quan niệm

Ta là nô lệ của lề thói

Ta là nô lệ của vật chất

Ta là nô lệ của chính mình

 

Bóng tối của nỗi buồn

Sự dày vò bản thân

Hơn cả cuộc đời nô lệ

 

Bóng tối của nỗi buồn

Ngập tràn trong nuối tiếc

Những gì ta đã không sống hết

Những gì ta đắn đo

Những gì ta bỏ qua đằng sau lương tâm

Những gì ta đã chẳng thể, nếu như…

 

Nếu như ta đừng tính thiệt hơn

Tình người thêm ấm áp

Tình yêu thêm dịu dàng

Đêm sẽ ngập tràn ánh sáng

Bóng tối nỗi buồn rồi sẽ tan đi

 

Nếu một ngày ta chẳng thể yêu vì

Bóng tối sẽ trùm lên

Ta sẽ khóc và gần hơn tuyệt vọng

 

Mãi rực rỡ tình yêu cuộc sống

Ngày của tình người, nâng bước qua đêm

 

 

NGỤ NGÔN NGÀY VÀ ĐÊM 4

 

Ta nhận vào ta mất mát

Là đã cho người

Ta giữ lấy nỗi buồn

Là nhường người niềm vui

 

Ta trong đời

Thuyền lá nổi trôi

Con sóng giạt, đêm ngày

Bến bờ xa tay với

 

Ngày cũ qua đêm

Đêm qua ngày mới

Ta của mai này

Ta của hôm qua

 

Chiếc thuyền lá đời người đưa ta đi qua

Chở đầy trăng sao

Chở đầy mặt trời

Chở đầy nợ ân tình

Thêm một ngày đầy thêm

Thêm một đêm đầy thêm

Thuyền lá mong manh

Ta của ngày thường

 

Đêm rồi sẽ dài hơn

Ngày rồi sẽ dài hơn

Nỗi buồn sâu rộng hơn đêm thâu

Lá xao xuyến lay

Gió ơi, thổi khẽ

Vịn cây đời cho lá đừng bay!

 

NGỤ NGÔN NƯỚC 1

 

*

Đó là mây, mù, mưa và lũ lụt

Người đón nhận

Mặc tình buồn, vui

Cái gì đã gieo thì phải gặt

 

*

Giông bão bất thường

Con người bất thường hơn thế

Thế giới luôn biến động

Bão giông đến mùa

 

*

Biển mênh mông

Lòng người vô cùng

Biển động, mặt lặng ngắt

Người đau khổ tột cùng, gục xuống lặng im

 

*

Miếng ăn

Ai cũng phải kiếm

Có thể nhịn ăn vẫn sống

Không thể thiếu nước mà sống

Thanh cao và thấp hèn

Trọng, khinh do cách kiếm tìm

 

*

Có thể lặn xuống đáy đại dương

Có thể thấy lòng sông sâu, cạn

Lòng tham không đáy

Biển đời mênh mông

 

*

Sông chảy xuôi

Nước mắt chảy xuôi

Tháng năm rồi đến tháng mười

Đừng chỉ biết có hiện tại

Sẽ không ngừng trong dòng chảy thời gian

 

*

Người mù nhìn thấy bằng trái tim

Người điếc nghe thấy bằng cảm giác

Người vô cảm hanh hao, khô khát

Suối cạn nguồn

 

*

Cá cần nước

Cây cần đất

Người cần không khí

Tất cả là cuộc sống

Chưa chắc người ta biết tôn trọng thứ đang cần

 

Sông suối ô nhiễm

Mạch ngầm ô nhiễm

Không khí ô nhiễm

Tất cả là thảm họa

 

*

Nước chảy đá mòn

Người hằn nếp nghĩ

Nước là nước chảy đi

Đá là đá trơ lì

Người tự trói buộc mình bằng những lề thói đặt ra

 

 

NGỤ NGÔN NƯỚC 2

 

Đất và nước

Nước và đất

Đất nước

 

Người thuộc về đất nước

An ở, cười nói, đi đứng, vui chơi …

Rặt ri

Chốn lọt lòng

 

Nước và đất

Đất và nước

Nhại tiếng? Giả danh? Thay hình, đổi dạng?

Họa chăng chết? Còn gốc tích !

 

NGỤ NGÔN NƯỚC 3

 

Chảy

Như sông

Như suối

Như thác

 

Đổ xuống, dòng nghĩ – ý thức và vô thức

Liên tục đổ xuống, chảy đi

 

Không thể cầm giữ

Không thể trốn tránh

Không thể

Không thể

 

Chiếc bình đầy tràn

Ý nghĩ chảy, như nước

Chảy đi

Chảy đi

Chảy

 

Ta, chiếc bình chứa

Cạn kiệt phút cuối cùng

 

NGỤ NGÔN NƯỚC 4

 

Không chỉ ngọt ngào

Không chỉ thơm tho

Không chỉ đẹp nhất

Người đàn bà và bầu vú

Linh vật, quà tặng thượng đế ban cho trần gian

 

Người đàn bà tỏa sáng

Nguồn tinh huyết dành cho con trẻ

Người đàn bà tỏa sáng

Dòng sữa được tạo ra từ máu mình

Người đàn bà tỏa sáng và hạnh phúc

Nhìn con trẻ lớn khôn

 

Tinh huyết

Tinh huyết

Bầu vú nuôi thế giới loài người

Người đàn bà yếu đuối, nhỏ nhoi

 

Khao khát

Đam mê

Cuồng vọng

Nổi loạn

Chiến tranh và hòa bình

Người đàn bà che đậy sự quyến rũ

Chạy trốn chính mình

 

Tinh huyết tỏa sáng

Người đàn bà và bầu vú tỏa sáng

Anh sáng linh vật

Đẹp nhất trần  gian

 

 

NGỤ NGÔN NƯỚC 5

 

*

Nước là nước của trùng khơi

Ta là ta của cõi đời trần ai

Nhân tình mặn, ngọt, chua, cay

Đắng, nồng như rượu ta say nỗi buồn

 

*

Nước là nước của suối nguồn

Ta là ta của sầu thương kiếp người

Dẫu là nước mắt khóc, cười

Tan vào trong máu một trời lặng câm

 

*

Dễ đâu đời quá trăm năm

Buồn, vui rồi cũng âm thầm về xuôi

Nhẹ tênh tựa áng mây trời

Còn làm nên nỗi mưa rơi để sầu

 

*

Sóng cồn hoan lạc về đâu

Cơn mơ trần thế ta đau phận người

Trùng dương còn lúc đầy, vơi

Ta tràn ta với cả đời đa đoan

 

*

Nước là nước của chứa chan

Đâu bằng ta giữa hàng hàng bể dâu

Đò ngang còn biết nông, sâu

Lòng người ta chẳng lường đâu bến bờ

 

*

Ta là ta của dại khờ

Cứ yêu như chẳng bao giờ được yêu

Dẫu đời suối cạn liêu xiêu

Ta đầy như chẳng đâu nhiều hơn ta

 

*

Nước là nước của bao la

Ta là ta của bông hoa muộn phiền

Đời thơ là kiếp truân chuyên

Vẫn hoài như nước về miền xa khơi

 

 

NGỤ NGÔN LỬA 1

 

Cuộc tự thiêu âm thầm, bền bỉ

Mầm mống của chiến tranh

 

Nỗi hoài nghi, đố kỵ

Sự cố chấp, thù hằn

Con sâu đục khoét trong lòng, từng phút, từng giây

 

Những nhát cắn nóng hơn lửa bỏng

Cắn, nóng

Cắn, nóng

Cắn, nóng

 

Lửa cháy rồi sẽ tắt

Nỗi hoài nghi âm thầm, bền bỉ

Lòng đố kỵ âm thầm, bền bỉ

Sự cố chấp âm thầm, bền bỉ

Lòng thù hận âm thầm, bền bỉ

 

Tuyên ngôn của chiến tranh

Tất cả dấy đao binh

Ta đang tự đốt cháy mình

 

NGỤ NGÔN LỬA 2

 

Ta khát khao hoàn thiện chính mình

Ngọn lửa đam mê bùng cháy

 

Cháy lên

Cháy lên

Rực rỡ và mãi mãi

Những ước mơ đời hướng đến tương lai

 

Giấu trong bóng tối sự an phận và ỉ lại

Giấu trong bóng tối sự lười biếng, ù lì

Giấu trong bóng tối sự nhàm chán, sáo mòn

Giấu trong bóng tối sự hoang tưởng và huyễn hoặc

 

Người nông dân mùa gặt

Gặt những gì đã trồng

Ta thu hoạch chính ta

Những gì đã sống

 

Con rối không biết rung động

Nụ cười không cảm xúc

Gương mặt lạnh tanh, ánh mắt vô hồn

 

Ta chỉ sợ một ngày mất lửa

Ta sẽ không còn là ta

Không biết khóc, không biết buồn

Không biết ta là ai, thế nào, tồn tại hay là sống

 

Ngọn lửa đêm ngày cháy bỏng

Ngọn lửa đam mê

Cháy lên trong ta

Bùng lên trong ta

Niềm khát khao hoàn thiện chính mình

 

NGỤ NGÔN LỬA 3

 

Trong đêm tối đen là lòng ác độc

Trong đêm tối đen là lời phỉ báng

Trong đêm tối đen là sự vô tâm

Trái nổ được châm ngòi.Tàn lửa ném đi

Cánh rừng bốc cháy

Đám cháy và chiến tranh

 

Dừng tay!

Dừng tay!

Còn dừng tay được thì hãy dừng tay!

Xin đừng đùa với lửa!

 

Sẽ không có chỗ để sám hối

Sẽ không cứu vãn được bằng nuối tiếc

Nước mắt không dập tắt được đám cháy

 

Cùng với cánh rừng bị thiêu rụi

Cùng với đổ nát của chiến tranh

Là lương tri. Là niềm tin . Là tâm hồn vụn vỡ

 

Chỉ còn lại tàn tro

Chỉ còn lại mất mát

Đâu màu xanh của rừng?!

Đâu sắc hồng cuộc sống?!

Kẻ châm ngòi chiến tranh- ngọn lửa

Hủy diệt đối phương

Tự đánh mất mình

 

NGỤ NGÔN LỬA 4

 

Có trong lòng ta một ánh sao xanh

Anh sáng của niềm mơ ước

 

Ta mãi về phía trước

Xa

Ngút ngàn

Vô tận

Có thể ta không bao giờ đặt chân

Có thể ta không bao giờ với tới

 

Xa khơi

Xa khơi

 

Trong mịt mù xa khơi

Trong mịt mù thiên hà

Trong mịt mù quanh ta

Điều không biết được là vô cùng

Thứ chạm đến có giới hạn

Sẽ chẳng ai thỏa mãn

Những gì có được trong tầm tay

 

Cuộc kiếm tìm tương lai

Không mệt mỏi

Trong cánh rừng tri thức

Anh sao xanh của những niềm mơ ước

Lấp lánh không ngừng

 

Ta của hành tinh này

Một của muôn loài trên mặt đất

Có niềm mơ ước xa khơi

 

 

NGỤ NGÔN LỬA 5

 

Có thể một ngày ta buồn vì sông cạn

Sông cạn đi vẫn có thể khơi nguồn

Không thể biết khi ta buồn mất lửa

Lửa tắt rồi chờ thắp đến bao lâu

 

Có thể một ngày ta không còn bên nhau

Rồi sẽ thấy ngày dài hơn. Trống vắng

Chợt nuối tiếc từng phút giây thinh lặng

Từng phút giây ta trò chuyện không đâu

 

Có thể một ngày ta, quá khứ lùi sâu

Ai nhớ ta xưa, ở một vùng đã khuất

Khi tro bụi nói bao điều còn mất

Vẫn bao điều ta lặng lẽ mang theo ./.

Nguyễn Lập Em
Số lần đọc: 2184
Ngày đăng: 11.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quán đời - Trần Ngọc Tuấn
Đếm sóng - Tô Hằng Thanh
Em chỉ muốn nhìn anh - Chiêu Anh Nguyễn
Lệ - Võ Công Liêm
Lạc - Jalau Anuk
Ở ngã sáu - Trần Dzạ Lữ
Thơ Trần Văn Lợi - Trần Văn Lợi
Nguyễn Tam Phù Sa , thơ - Nguyễn Tam Phù Sa
Chùm lục bát - Nguyễn Minh Quang
Chùm Thơ Nhàn Đàm III - Đổ Hướng