Tôi nằm bệp xuống nền nhà, gác mõm lên hai chân trước, nghĩ ngợi. Cái đá đít lúc nãy của ông chủ Khánh làm tôi vẫn còn hơi tự ái. Chẳng qua vì theo thói quen cảnh giác của họ nhà chó chúng tôi, liếc thấy hai gã ngồi nói chuyện với ông có vẻ khả nghi, tôi gầm gừ báo hiệu. Âý thế là ăn luôn một phát vào mông:
- Mích! Biến!
Biến thì biến! Tôi cần quái gì nghe những chuyện rối rắm của các người. Tôi lủi nhanh ra góc hiên nằm, vờ nhắm mắt.
Trong nhà, câu chuyện kết thúc. Khi hai gã đàn ông kia đứng dậy, ông Khánh dặn dò thêm:
- Các cậu làm đúng thoả thuận nhé. Tôi vay vốn cơ quan, lại chủ vận đơn, sơ sảy ra chuyện gì, chết giở đấy.
Gã mặc áo xám bắt tay ông Khánh:
- Yên tâm đi! Vốn chung, bọn em cũng phải cẩn trọng chứ. Anh em làm ăn với nhau, còn về lâu về dài...
Gã kia chêm vào:
- Hàng toàn gỗ tạp, có dấu búa kiểm lâm hẳn hoi. Trạm A, X, Z... là người nhà, lo gì. Tối nay, ông anh cứ kê đầu cao lên mà ngủ cho khoẻ.
Chết thật! Tôi không thể hiểu tại sao, một người như ông Khánh lại nhúng tay vào việc buôn gỗ kia chứ? Cái bao tử của ông to bằng chừng nào? Mỗi ngày ông ăn bao nhiêu bữa mà phải khốn khổ thế?
Âý, loài khuyển, mã chúng tôi thì chỉ biết nghĩ thô thiển đến miếng ăn, miếng uống, chứ loài người ấy à, phức tạp lắm. Họ có trăm nghìn lí do để làm cho cuộc sống rắc rối thêm, sau đó lại kêu giời kêu đất cho mà xem.
Với thâm niên ba năm trong nghề “vệ sĩ”, tôi hiểu rằng, sự trung thành với chủ là đức tính hàng đầu cần phải có đối với một con chó lai nửa mùa như tôi. Không vì một vài cái đá đít mà mang lòng oán giận. Vả lại, thần kinh loài người bây giờ rất bất ổn, lơ tơ mơ là họ nhà tôi biến thành cầy tơ bẩy món liền! Tôi sợ bị đổi chủ lắm. Được cái, ông chủ Khánh quý tôi, tuy đôi lúc có nóng nảy một chút. Tôi không thể không lo cho ông về cái vụ buôn bán gỗ lạt này.
Hay là công việc ở công ty đổ bể?
Hay là...Thôi chết!... Để tôi lần hồi nhớ từ đầu, xem lại mọi sự việc có đúng không nhé.
Cách đây hai năm, tôi được ông Khánh đem theo vào miền Trung công tác. Tôi nhớ, ngày đầu tiên đến nơi ở mới, ông gọi tôi đến ngồi bên cạnh, dưới bàn ăn. Tôi nghếch mõm lên, ông chủ đang gặm cái tỏi gà, nhìn tôi, trò chuyện:
- Mích! Từ nay, chỉ có tao với mày làm bạn với nhau thôi!... Mày biết không, chúng nó lùa tao vào xứ chết tiệt này, để rộng chỗ mà xâu xé nhau cái chức phó tổng giám đốc Tổng công ty...
Ôi dào! Tổng với tểnh! Vứt cục xương xuống! Tôi ngước nhìn ông chủ, che giấu sự lúng túng bằng cách ve vẩy đuôi. Khổ lắm, tuy gần gũi loài người, nhưng nhiều khi, tôi cũng chẳng hiểu tiếng của họ. Sao lại “lùa”? sao lại “xâu xé”? Tôi tưởng chỉ loài súc vật chúng tôi mới có những từ ấy thôi chứ? Bởi chúng tôi không bày vẽ lắm thứ luật như người, mà chỉ có một thứ luật – ấy là luật răng nanh! Cái cục xương của tôi kia chẳng hạn, đố thằng nào dám vo ve đến gần!
Rốp! Sật! Sật! Sật! Tôi nhai rau ráu. Mặc kệ ông chủ vẫn lầm bầm những lời khó hiểu. Hết cục xương, tôi lại ngẩng lên chờ đợi, quên khuấy việc phải ngoáy đuôi nịnh nọt. Ông chủ tợp một hớp rượu rõ to rồi kể lể: Hai con trai tao chết tai nạn giao thông thảm khốc. Vợ tao sinh chứng lẩm cẩm, suốt ngày ngồi tụng kinh, gõ mõ. Mụ bảo tao rằng: hai thằng con chết là tại tao, tao mắng chúng nên chúng giận, lấy xe máy phóng đi bụi. Mụ vợ cũng coi tao như chết rồi... Buồn lắm Mích ơi!...
Ông gục đầu xuống bàn. Một giọt nước mắt rơi chúng cái mõm đen sì của tôi. Thì ra ông đang đau khổ. Khi con người ta rơi nước mắt là họ đau khổ. Ông chủ ơi! Biết làm sao được, số phận mà. Tôi gác mõm lên đùi ông, tha thiết an ủi. Ông xoa xoa cái đầu bù xù của tôi, bê cả đĩa thịt xuống cho tôi chén.
Ngày ngày, ông bận lo công việc, nhốt tôi sau cánh cổng. Tôi quanh quẩn ở nhà, rình bắt những tên chuột thập thò trong kho hàng. Ông chủ tôi nguyên là trưởng phòng của một Tổng công ty trực thuộc Trung ương ngoài Bắc, vào trong này, được thăng chức giám đốc chi nhánh, phụ trách việc tiêu thụ sản phẩm của công ty khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hình như công việc không được trôi chảy lắm. Ông đi liên miên, về nhà lại ngồi bên internet đến khuya. Ông quát tháo ầm ầm trên điện thoại:
- Các “bố” vào đây mà thực mục sở thị... Những loại ấy bây giờ tràn ngập thị trường. ở đâu ấy à? Hỏi thế mà cũng gọi là hỏi... Có cắm mô tơ vào đít tôi cũng không thể chạy hết hai vạn sản phẩm năm nay! Tây Nguyên à, đi rồi... Biết gì mà nói...
Ông cụp máy cái rụp, mặt đỏ gay. Loài người khổ thật. Suốt ngày phải lo toan, tính toán. Lo gần rồi lại lo xa. Lo cho mình rồi lại lo cả cho con, cho cháu, cho chắt, chút, chít, chụt, chịt...
Bỗng, oắng!...oắng!...o...ắ...ng...Tôi giật bắn người bởi tiếng kêu la thảm thiết của đồng loại ở nhà bên kia đường. Chỉ có bị đánh đau lắm tiếng kêu mới kinh hoàng như thế. Thật khốn nạn! Loài người cho rằng, họ là chúa tể muôn loài nên có quyền hành hạ, tàn sát chúng tôi bất kể lúc nào chăng? Hãy đợi đấy! Các ngươi sẽ được quả báo! Trái đất đang nóng dần lên rồi, chỉ một cú nổ big bang, tất cả sẽ chỉ còn là một đám mây bụi! Lúc ấy xem còn ai làm chủ trái đất?
Ô hay! Sao tôi lại mắc chứng vẩn vơ thế này nhỉ! Đang lo nghĩ về việc vì sao ông chủ đi buôn gỗ kia mà?
Xịt!... Tôi buồn mũi hắt hơi. Dứt khoát không phải do làm ăn rồi. Gỉa sử làm ăn có đổ bể chăng nữa thì cũng chẳng ngu gì ông phải liều mình đi cứu vớt công ty theo cái kiểu này.
Có lẽ mọi sự bắt đầu từ cái ngày đẹp trời phải gió ấy. Ông chủ tôi đi làm về, mặt tươi chẳng kém gì bó hoa đang cầm trên tay. Ông vỗ vỗ cái đầu xù của tôi mà nói rằng: (Gớm, sao hôm nay giọng ngọt thế!)
- Mích! Tối nay có khách! Cô Mùi đến!
Tôi dựng hết cả lông gáy lên. “Cô Mùi!” Đàn bà! Chết cha! Ông chủ tôi dính đòn rồi. Kiểu gì thì kiểu, cuối cùng, đàn ông cũng thua đàn bà. Đàn ông chỉ có bảy vía, còn đàn bà những chín vía. Tôi dẩu mõm, kêu ầm lên:
- Gâu! Gâu! Stop ngay! Ngu lắm!
Nhưng ông hiểu lầm tiếng chó, cười hì hì:
- Mày cũng vui hả? Cái đồ mũi đen bóng này!
Chán quá! Tôi lủng lỉnh ra xó nằm. Kệ xác lão già đang hí hửng cắm hoa, dọn dẹp căn phòng, tắm giặt và chải tóc trước gương. Cũng phải công nhận ông chủ của tôi đẹp giai (à, đẹp lão chứ, vì năm nay ông đã ngoài năm mươi). Khuôn mặt quắc thước, dáng cao, tóc quăn tự nhiên, bồng bềnh lượn sóng và đôi mắt nhìn biểu cảm. Chao ơi! Con người dũng khí đầy mình kia sắp sửa sa vào chốn mê cung rồi. Cứ tủm tỉm đi! Rồi có ngày khóc cho mà xem.
Cô Mùi đến. Chiếc xe Jupiter đã cũ nhưng được cái sạch sẽ. Cô mặc bộ sườn xám có hàng cúc tím óng ánh. Khuôn mặt trang điểm nhẹ, không giấu được một vết sẹo trắng bên má trái.( Về sau, tôi được biết vết sẹo ấy là do thằng chồng say rượu ném con dao gọt hoa quả vào cô - Thì ra con người cũng có lúc ác hơn cả chó!). Bù lại, cô có nước da trắng hồng, nụ cười xinh, giọng trong trẻo:
- Ồ ! Con chó trông hay quá anh nhỉ! Tên nó là gì?
Tôi lùi lại đề phòng. Không biết đâu với miệng lưỡi đàn bà! Họ giả bộ giản dị, giả bộ làm nai, giả bộ quan tâm này nọ để dương bẫy đàn ông đấy. Khi bẫy sập, đàn ông chỉ còn nước lúc cúc tuân theo những hiệu lệnh ma quái của các ả mà thôi. Tôi phốc ra sau, đuổi mấy thằng nhái bén đâu đâu ngơ ngẩn lạc vào, mặc kệ hai kẻ đang cười nói huyên thuyên trong nhà.
Từ hôm đó, ông Khánh trở thành người khác hẳn. Ngày nào ông cũng dậy sớm tập thể dục, tưới tắm cây cảnh, vừa làm vừa nhọn mỏ huýt sáo. Hoa tươi lúc nào cũng nở rộ trong bình. Trước khi bước ra cửa, bao giờ ông cũng liếc qua chiếc gương một tí. Và hình như công việc của ông có vẻ trôi chảy hơn. Vẻ mặt ông thư thái. Ông không quát tháo om sòm trong điện thoại nữa. Tối, đi làm về, ông cắm cơm điện. Cô Mùi đến, đem theo thức ăn do cô nấu. Hai người ăn uống xì xụp. Cô Mùi khuyên ông không nên quán xá nhiều, đảm bảo sức khoẻ. Ông chủ gật đầu lia lịa. Những ngày đó, bao giờ tôi cũng được no phĩnh rốn. Tôi nghiệm ra rằng, có cô, cuộc sống của chúng tôi khấm khá hẳn lên. Hà cớ gì mà tôi phải ghét cô? Mất gì mà chả vẫy đuôi tít thò lò mừng rỡ mỗi khi cô đến? Cô yêu ông chủ, tất nhiên sẽ quý cả cận vệ của ông chứ! Và trong nhà này, tôi là kẻ lợi lộc nhất.
Nhưng rồi, có lúc, hai người cãi nhau. Giọng ông chủ bức xúc:
- Đàn bà thật lạ lùng. Nếu đàn ông không li hôn vợ cũ thì bảo bắt cá hai tay. Nếu li hôn thì lại bảo bất nhân, thất đức. Vậy bây giờ anh phải làm gì hở cái con quỷ con kia?
Cô Mùi cười khanh khách, ánh mắt vẻ ma quái:
- Anh đi mà hỏi ông trời! Em về đây! Chúc ngủ ngon! Bái bai!
Ông Khánh ngây thộn mặt ra nhìn theo. Đêm ấy, tôi thấy ông luôn trở mình, thở dài thườn thượt.
Nào, sướng chưa? Móng vuốt đàn bà bắt đầu thò ra rồi. Đây nữa, có lần, cô Mùi lim dim đôi mắt huyền mơ mộng:
- Người ta thường có ba điều ước. Em thì chỉ có mỗi một điều: Căn nhà nhỏ xinh dưới những tán lá cây xanh mát. Hai bên cổng vào, em sẽ trồng hai hàng hoa tóc tiên lấm tấm nụ đỏ. Lối đi rải sỏi lạo xạo dưới chân. Mảnh sân nhỏ xanh um giàn hoa thiên lí. Chiếc ghế xích đu bên bờ ao rợp bóng cau. Hoa hồng thơm ngát trước nhà... Vợ hái rau trong vườn, chồng câu cá dưới ao... Ôi! Sống thế mới gọi là sống chứ!
Trời ơi! Cô ta vòi vẹt! “Căn nhà nhỏ xinh!” Tôi vẫn nghe nói trong thời buổi @ này, các đại gia, các giám đốc, những kẻ thừa tiền thường trả giá cho những cuộc tình già nhân ngãi, non vợ chồng bằng những căn hộ, hoặc cao hơn là những biệt thự xinh đẹp mà cả tam đại người lao động lương thiện không bao giờ dám mơ. Ông chủ tôi đâu có nhiều tiền như cô ta tưởng. Sống với ông từ ngoài Bắc, tôi biết hoàn cảnh gia đình ông rất rõ. Ông có một cơ ngơi khá khang trang ở ngoại thành nhưng cũng không thể gọi là giầu có được. Nhưng đàn ông là giống sĩ diện. Thể nào lão ta cũng to ve cái tỏ vẻ cho mà xem! Y như rằng, ông chủ tôi nhìn cô Mùi bằng ánh mắt của bậc thánh nhân đối với kẻ ăn mày:
- Em sống ở cái tổ chim tầng bốn ấy bao lâu rồi?
- Hai mươi năm, trong đó, mười lăm năm ông chồng liệt giường vì tai biến mạch máu não.
Ông Khánh lẩm bẩm: Cũng đáng đời cho thằng hay đánh vợ, giời cũng có mắt. Mười lăm năm, từ khi em mới có hai mươi sáu tuổi... đến núi cũng phải mòn...
Tôi ngớ người. Hoá ra cô cũng hoàn cảnh nhỉ. Nhưng người đàn bà nào khi muốn đẽo gọt đàn ông mà chả vẽ ra một sự đáng thương nào đấy. Nếu như tất cả các hoàn cảnh đáng thương trên đất nước cần được cứư giúp thì phải có hàng núi vàng mới xuể. Tôi sợ nhất con người ta vì tình thương, dẫn tới chỗ làm liều. Hậu quả càng thê thảm hơn. Tôi linh cảm điều này vì ông Khánh hấp tấp nắm tay cô Mùi, giọng chắc nịch:
- Khó gì điều ấy. Anh sẽ mua cho em một mảnh đất dưới chân núi, tha hồ trồng rau, trồng hoa...
Cô Mùi giãy ra:
- Núi nào? Cách thành phố mấy chục ki lô mét à? Em còn phải đi làm chứ. Thằng Chính mới học đại học năm thứ nhất. Còn tiền thuốc thang cho chồng, may mà em có chỗ làm lương cao đấy. – Cô lại cười khanh khách - Vào núi, anh không sợ em bị rắn cắn hổ vồ à?
Ông Khánh cũng cười:
- Ừ nhỉ ! Mua đất ở thành phố mắc lắm, để anh tính...
Cô Mùi búng mũi ông:
- Là em nói chuyện trong mộng thôi, anh đừng tính quẩn.
Uí giời! Làm sao ông có thể ăn ngon, ngủ yên được khi giấc mộng của người đẹp không thành. Tôi dám cá một trăm khúc xương rằng: Gía như cô Mùi bảo ông trèo lên đỉnh núi kia, hái sao, hái trăng trên trời xuống thì ông cũng cứ trèo!
Nghĩ đến đây, ruột gan tôi như có lửa đốt. Tôi rên ư ử: Ông Khánh ơi! Dừng ngay vụ gỗ lạt này đi! Nào ông có hiểu tôi nói gì. Tình yêu khiến con người ta trở nên đui mù. Sau khi hai gã lục lâm kia ra về, ông vồ lấy điện thoại rối rít:
- A lô! Em yêu! Nếu bây giờ anh úm ba la một cái, ngôi nhà xinh của em hiện ra, em có cho anh ở chung không?
Cô nàng cười như nắc nẻ:
- Anh có nhớ câu chuyện Cáo muốn trú chân ở nhà Thỏ không? Em sẽ cho anh để nhờ một chân. Nếu anh thò nốt chân kia vào thì không phải là Cáo mẹ mà Cáo con sẽ vác rìu chặt đứt chân đấy!
Ông Khánh vứt bộp điện thoại xuống giường:
- Lúc nào cũng đem chồng, đem con ra doạ. Chán thế! Cái thằng chồng suốt ngày phải đóng bỉm ấy, làm khổ một đời nàng.
*
Ba hôm sau.
Tôi mừng quýnh khi thấy bóng ông từ xa. Ông đi đâu biệt tăm tích mấy hôm nay làm tôi và cô Mùi mong đến mờ mắt. Tôi chồm lên người ông rít ầm ĩ. Thế mà ông chẳng thèm nhìn. Đi thẳng vào nhà, ông ngã vật ra giường. Tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, mắt ông đỏ ngầu như mắt cá chày.
Cô Mùi oà khóc:
- Anh Khánh! Có chuyện gì thế? Mấy hôm anh ngắt máy, em chẳng hiểu ra sao cả...
Cái nhìn của ông chủ sao mà buồn thê thảm:
- Mất trắng rồi em ạ! Anh bị bắt vì buôn bán, vận chuyển gỗ pơ-mu, loại gỗ quốc cấm. Sự thực, anh chỉ dám buôn gỗ tạp và đứng tên vận đơn. Hai thằng mất dạy kia đã làm trò bịp bợm, tự ý tuồn thêm vào mấy trăm hộp pơ-mu, tưởng có người quen sẽ thoát. Chúng bỏ của chạy lấy người rồi. Anh đã trình bày đúng hiện thực với cảnh sát và báo cáo với tổng công ty. Họ cho anh về để giải quyết hậu quả...
Dừng một lát, ông nuốt nước bọt, nén nỗi uất ức xuống ngực:
- Trong một tháng, nếu anh không trả hết nợ cho Tổng công ty thì sẽ bị truy tố trước pháp luật về tội cố ý sử dụng trái phép công quỹ của nhà nước vào mục đích cá nhân, đó chính là tội tham ô tài sản của nhà nước...
- Vậy bây giờ, anh còn nợ bao nhiêu?
- Một tỉ hai!
- Trời ơi!
Cô Mùi sây sẩm mặt mày, tay run bần bật, bám chặt vào thành giường. Nước mắt cô rơi lã chã làm ông chủ tôi cũng không thể cầm lòng. Những giọt đau khổ của họ làm tôi lúng túng như gà mắc tóc. Trời cao đất dày ơi! Con người ta sống kiểu gì thế này? Vừa mới hôm nọ cười như ma làm, hôm nay đã khóc như cha chết rồi! Nhưng giờ đây, tôi không còn lòng dạ nào mà chê bôi họ được nữa. Nhìn vẻ mặt bơ phờ, đau đớn của ông chủ, tôi xót cả ruột.
Cô Mùi vừa nức nở, vừa thu xếp va li cho ông Khánh bay ra Bắc ngay hôm nay. Ông Khánh lấy chai rượu, rót ra hai li, cười như mếu:
- Nào! Ta chia tay! Cám ơn em đã lo lắng cho cái thằng bất tài này. Em đừng khóc nữa! Nghe anh hát đây:
Đàn bà buồn, gục vào vai đàn ông,
Đàn ông buồn, gục đầu vào chai rượu,
Chai rượu buồn, ngã xuống đất lăn quay,
Mảnh chai buồn, cứa nát trái tim say...
Cái giọng não nề, khàn đục của ông nghe đến rụng con tim. Cô Mùi gạt nước mắt, cầm tay ông chủ. Tôi vô cùng biết ơn người đàn bà bé nhỏ ấy đã động viên ông chủ rất đúng lúc:
- Anh Khánh, chúng mình là những mảnh đời kém may mắn gặp nhau. Song, các cụ đã dạy: sông có khúc, người có lúc. Chúng mình đã có những bước đi sai lầm trên đường đời. Nhưng đâu đã phải đến ngày tận thế. Anh hãy về, thu xếp tiền nong bằng mọi giá. Nếu thiếu, anh thông báo ngay cho em. Đừng sợ! Rồi mọi việc cũng sẽ qua thôi mà...
Mặt ông Khánh bừng sáng. Ông đứng thẳng dậy, hít một hơi dài. Ông gọi tắc xi. Bắt tay tôi, ông lắc lắc mấy cái:
- Mích ở lại phải nghe lời cô chủ nhé! Dù sống chết thế nào, tao cũng quay lại.
Ông hôn lên mái tóc cô Mùi, ra sân bay. Tôi gào lên định lao theo nhưng cô Mùi đã cài cổng.
Hai mươi chín ngày nữa trôi qua.
Ngày cuối cùng ông Khánh phải trả hết nợ đã đến.
Tôi nghe tiếng cô Mùi gấp gáp trên máy:
- Alô!...Còn thiếu bao nhiêu? Hai trăm triệu hả? Em sẽ gửi ngay... đọc số tài khoản đi...được rồi!
Cô Mùi đã bán nốt cả căn hộ tít trên tầng bốn, được đúng hai trăm triệu. Cô đưa người chồng bệnh tật của cô về nhà mẹ đẻ ở. Và nội chiến nổ ra vô cùng khủng khiếp.
Ông bố:
- Sao tôi lại có cô con gái tốt duyên đến thế! Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Mày đã dám bán cả nhà lấy tiền cho giai thì đi theo nó luôn, vác mặt về nhà này làm gì?
- Con lạy bố... Nhà con đang đau yếu...
- Mày mang nó đi đâu thì đi! Nhà này không có chỗ chứa cho con điên với thằng chồng bạc ác, thối tha...- Bà mẹ rít lên, hàm răng nghiến kèn kẹt.
Cậu em trai xếch ngược đôi mắt:
- Tôi sắp cưới vợ, bà định lôi của nợ của bà về ở nhà này chắc. Đã có gan ăn cắp thì phải có gan chịu đòn...
Cô im lặng, lầm lũi đưa người chồng bệnh tật xuồng gầm cầu thang khu tập thể để ở. Được vài ngày, chồng cô qua đời. Cô phải tất tả nhờ hàng xóm, bạn bè lo đám tang vào một ngày trời mưa tầm tã. Trong những ngày thê lương này, những giọt nước mắt của cô ướt cả gáy tôi. Tôi thương cô quá, ngày nào cũng ngóng trông ông chủ trở về. Và tất nhiên, chúng tôi không hề thất vọng.
*
Ba năm sau.
Tôi đã già. Người ta nói, mười ba năm tuổi chó bằng tám mươi năm tuổi người. Tính ra tôi đã sáu mươi tuổi.
Sau khi hết nợ, ông Khánh lại ra Bắc, bán nốt nhà cửa, đem theo bà vợ đã trở nên ngơ ngẩn vào Đà Lạt. Ông mua hai căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Một cho vợ chồng ông, một cho cô Mùi. Cả hai đều xin nghỉ hưu. Ông thuê hẳn một người trông nom bà vợ. Suốt ngày tôi thấy ông cũng như cô Mùi ở ngoài vườn. Vườn của họ chẳng thiếu thứ gì: Bơ, xoài, đu đủ, thanh long... Những luống rau xà lách xanh nõn, to xoè. Bí đỏ bò loằng ngoằng dưới những cây ngô nếp lất phất trổ cờ. Từ ngày vào đây ở, ai cũng khoẻ ra. Thời tiết cao nguyên nhuộm đôi má cô Mùi đỏ au. Ông Khánh đang đào ao thả cá. Bắp tay rám nắng nổi cuồn cuộn như thanh niên.
Chiều nay, như thường lệ, ba chúng tôi đi dạo. Tôi chạy loăng quăng, lúc trước, lúc sau, sục sạo chán cũng chỉ vớ được mấy tên côn trùng tí hin hoặc mẩu gỗ mục vớ vẩn. Chúng tôi ngồi nghỉ trên tảng đá quen thuộc, ngắm chân trời. ở xứ này, mỗi ngày tập hợp đủ bốn mùa: Sáng, xuân. Trưa, hè. Chiều, thu. Và tối, đông. Xa xa, mặt trời mùa thu to như cái mâm vàng đang từ từ lặn xuống sau dãy núi tím mờ. Cả hai im lặng, chứng kiến thời khắc đẹp nhất của một ngày: Ngày sắp hết, nhưng chưa chấm dứt ; Đêm sắp đến, nhưng chưa xuất hiện. ở giữa hai giao điểm ấy, mọi vật tạo nên đều huyền ảo, diệu kỳ. Cô Mùi ngả đầu vào vai ông Khánh. ánh chiều tà nhuộm vàng rực rỡ trên hai mái tóc bồng bềnh, đẹp mê hồn. Ông Khánh dang cả hai tay ôm cô Mùi, mắt trong mắt, đam mê, đắm đuối. Nụ cười của ông vẫn còn trẻ lắm:
- Anh rất thích giây phút này, khi mà tia nắng cuối cùng dọi thẳng vào mắt em, đôi mắt của thiên thần...
Nàng cười giòn tan. Vẫn điệu cười xưa nhưng sao giờ đây, tôi thích nghe đến thế. Nó như tiếng suối róc rách reo vui trong khe đá, nó xua tan những âm u, cô tịch giữa chốn đại ngàn xa xăm. Tiếng cười gieo vào lòng ta bao yêu thương và trìu mến. Cô ngửa cổ ra phía sau, nhắm tịt mắt lại:
- Thế khi em nhắm mắt lại thì sao? Có giống con quỷ con không? Quỷ con này đang thèm bánh ngô đây! Ăn đi cho nóng, anh! Hôm nay em làm hơi nhiều!
Cô sục tay vào hai túi áo măng tô của ông chủ. A! Bánh! Tôi khoái trí nhảy lại gần, hỉnh mũi lên. Cả hai nhìn tôi, cười phá:
- Mích! Mày già rồi, chỏm tóc trước trán bạc rồi kìa!
Gâu! Gâu! Tôi nhún chân, ngoảy cổ. Các người thì trẻ! Chả thế mà thỉnh thoảng lại rủ nhau đi chơi những mấy ngày! Bỏ lại tôi trông nom căn nhà nhỏ xinh có lối đi rải sỏi và hai hàng hoa tóc tiên lấm tấm nụ đỏ, rung rinh trong nắng cao nguyên./.
Hải Phòng năm/ 2009