Ghi chép
Một đêm, sau cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 64 năm thành lập Trường Thanh Niên Tiền Tuyến Huế (2/7/1945-2/72009), anh Phan Tân Hội, con trai luật sư Phan Anh - người đã cùng GS. Tạ Quang Bửu thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (TTNTTH) bỗng gọi điện cho tôi, giọng vui vẻ:
- …Có một sự trùng hợp kỳ lạ anh ạ. Anh đã đọc cuốn về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa xuất bản chưa?... Ngày mai anh xuống đây, em đưa anh xem…
Sáng hôm sau, tôi đến chỗ Hội khi anh đang tập thể dục. Đáp lại sự sốt sắng của tôi, chẳng kể chi đang bận áo may-ô, quần xà lỏn, Hội vừa mở sách, trải một số ảnh và tư liệu khác, vừa sổi nổi nói:
- Anh thấy có kỳ lạ không? TTNTTH và “Thanh niên tiền phong” không chỉ có một sự trùng hợp là đều do các trí thức Tây học sáng lập trước Cách mạng Tháng Tám. Anh xem đây…
Hội đưa cho tôi cuốn “Bác sĩ-Anh hùng Phạm Ngọc Thạch và sự tiếp nối” do Nhà Xuất bản Văn hoá thông tin và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (PNT) xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh PNT (1909-2009). Quả là kỳ lạ và thú vị, vì giữa hai tổ chức, hai “hiện tượng lịch sử” này, tuy cách xa cả ngàn ki-lô-mét, nhưng lại có nhiều sự trùng hợp - trong đó, có điểm trùng khít đến chi tiết. Trong khi ở Huế, ngày 2/7/1945 luật sư Phan Anh tuyên bố khai giảng TTNTTH tại một ngôi nhà khiêm tốn trước cửa Ngọ Môn Huế (nay là Trung tâm Công viên Cây xanh) thì cũng đúng ngày đó, tại vườn hoa Tao Đàn ở Sài Gòn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đại diện phong trào Thanh niên Tiền phong (TNTP) đọc lời tuyên thệ trước hàng vạn đồng bào: “Từ Hùng Vương đến Nguyễn Thái học, trải qua Bà Trưng, Lê Lợi, anh em Tây Sơn, máu đỏ anh hùng nhuộm màu đất giang san, chỉ có 2 mục đích: giải phóng dân tộc Việt Nam và tìm kiếm chỗ sống dưới bầu trời cho một dân tộc sinh tồn và lao động…Ta nên cúi đầu trước bóng người xưa, mà lãnh lại ngày nay một sứ mạng chiến đấu mới để khỏi thẹn với non sông…”
Một sự trùng hợp đến “chi tiết” nữa là TTNTTH và TNTP Sài Gòn đều sử dụng 2 bài hành khúc : "Lên Đàng" và "Tiếng gọi Thanh Niên" để cổ vũ tinh thần hăng hái cứu nước của thanh niên. Trong bài hồi ký “Thanh niên tiền phong”, bác sĩ PNT đã kể lại thời kỳ sôi nổi ấy: “…Khắp nẻo đường, khắp đồng ruộng, tiếng hát “Này thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi”, những bài ca “Nào anh em ta cùng nhau xông pha…” vang lên, đầy hy vọng của dân tộc, đầy tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc.” ( Tập hồi ký “Những ngày Tháng Tám” – NXB Văn học, 1961)
Chưa hết! Một trong những chiến công đầu của hai lực lượng thanh niên này cũng giống nhau: Cuối tháng 8/1945, trong khi một số học viên TTNTTH do Nguyễn Thế Lương (sau này trở thành GS. Thiếu tướng Cao Pha) chỉ huy, bắt sống toán quân Pháp nhảy dù do “quan tư” Castella cầm đầu tại gần ga Hiền Sĩ (phía Bắc Huế 20 ki-lô-mét) thì TNTP tại Sài Gòn cũng bắt sống các toán quân nhảy dù của Pháp, trong đó có tên “quan năm” Xê-đi, đại diện Đờ Gôn; bọn chúng đều có âm mưu nấp bóng quân Đồng Minh, hòng móc nối với các lực lượng tại chỗ, tính chuyện cai trị nước ta một lần nữa.
Hơn sáu chục năm trước, mọi đường dây liên lạc đâu có dễ dàng như hôm nay - internet, điện thoại di động chưa có, muốn có “điện tín” thường phải ra trạm bưu điện, xe tàu cách trở - vậy mà 2 tổ chức thanh niên ở Huế và Sài Gòn lại “khéo” hẹn nhau “rập ràng” như thế kể cũng là kỳ lạ. Hai nhà “trí thức Tây học” thủ lĩnh hai tổ chức thanh niên nói trên thì nay đều đã lên “cõi tiên”; mà nếu các “Cụ” có “thông tin” bằng cách nào đó cho nhau thì hẳn đã có hồi ký nói đến; lại còn một số “nhân chứng” cùng thời đang sống; vậy thì chỉ còn “đường dây” linh giác đã đưa hai “Cụ” gặp nhau. Không biết đã có nhà khoa học nào nhìn “thấy” linh giác ra sao chưa, còn trong trường hợp đặc biệt này, tôi ngẫm ra linh giác là những gì tinh tuý nhất, nhạy cảm nhất của con người gắn với hồn thiêng sông núi. “Linh giác” của hai “Cụ” đã cùng cảm nhận được “vận nước đã đến rồi”, cơ hội “ngàn năm có một” đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ đã đến. Hai “Cụ” không chỉ học trường “Tây” trong nước mà còn “Tây du” - bác sĩ PNT lại sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng “danh gia vọng tộc” (ông nội là quan Án sát, mẹ là cháu nội Tuy Lý Vương) rồi lấy vợ “đầm”, nhưng trong huyết quản luôn cuộn chảy giòng máu Lạc Hồng, nên sau khi học thành tài đều về nước. Bác sĩ PNT mở bệnh viện tư, đến với cách mạng sớm hơn, nhưng luật sư Phan Anh làm ở Toà Thượng thẩm Hà Nội, đã tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ Việt Minh. Ông đã có lần bộc bạch: “Làm thầy cãi mà có lẽ là duy nhất cãi cho nhiều người yêu nước chống Pháp, tôi biết nhiều chuyện về phong trào Việt Minh. Tôi rất khâm phục tinh thần hiên ngang bất khuất trước quân thù của họ, nên đã cố gắng làm nhiều điều bênh vực những con người chân chính đó.” Như vậy, chắc chắn là ông đã được đọc “Thư gửi đồng bào” ngày 6/6/1941 của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc: “…Hơn hai mươi triệu con Hồng cháu Lạc, quyết không chịu làm nô lệ cho người mãi thế… Tinh thần anh dũng của các bậc tiền bối Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến, vẫn đây…Mấy trăm năm trước, nước ta gặp nguy lớn vì quân Nguyên xâm lấn bờ cõi, các cha ông đời Trần đã hăng hái kêu gọi con em cả nước nhất tề giết giặc, và cuối cùng đã cứu dân ta khỏi bước nguy nan, để danh thơm muôn thuở…Thời cơ đã đến!... Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai chúng ta! Máu nóng anh dũng của các bậc tiên liệt đang sôi sục trong tim chúng ta!...” Tinh thần “Lời Tuyên thệ” của TNTP mà PNT đọc tại Sài Gòn 4 năm sau cũng nêu các tấm gương chống ngoại xâm của cha ông, cũng nói đến dòng máu anh hùng của đất Việt, rõ ràng là hùng khí của “Thư gửi đồng bào” đã thấm vào nhà trí thức thủ lĩnh TNTP và tất cả đều bắt nguồn từ lòng yêu nước của một dân tộc đã được trui rèn qua bao phen chống giặc ngoại xâm.
Như thế, cũng có thể nói sự trùng hợp giữa TTNTTH và TNTP là sự trùng hợp “tất yếu”. Cũng vì thế mà có sự trùng hợp nữa là cả hai cùng “tương kế tựu kế”, lấy “gậy ông đập lưng ông”, tuy hai thủ lĩnh chịu sự tác động khác nhau của “tổ chức”. Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, trong cuốn sách về bác sĩ PNT, đã kể lại:
“…Nhật làm đảo chánh 9/3 lật đổ Pháp. Hai ách còn một. Và Nhật ở Nam bất ngờ yêu cầu PNT đứng ra tập hợp thanh niên giống như ở Trung Bắc nó nhờ Phan Anh vậy…Thạch không muốn diễn cái trò nguy hiểm này, nhưng Hà Huy Giáp, tôi, và lãnh đạo Xứ cho rằng có thể và cần phải nắm cơ hội để gây một phong trào thanh niên công khai, rộng lớn, đẩy nhanh cuộc vận động cách mạng tới trước… Bác sĩ PNT là thủ lãnh có uy tín của TNTP…”
Với luật sư Phan Anh thì khác. Bà Hoàng Kim Oanh, vợ cố giáo sư Tạ Quang Bửu, trong cuốn sách về TTNTTH đã viết:
“…Về danh nghĩa, TTNTTH là một trường của chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng thực chất theo ý đồ và những ấp ủ của anh Phan Anh và anh Bửu, thì trường sẽ hướng vào đào tạo các sĩ quan quân đội cho tương lai và truyền bá chủ nghĩa yêu nước… Có lẽ không phải ngẫu nhiên anh Bửu gặp cơ hội này mới nảy sinh ý đồ xây dựng một cơ sở giáo dục lòng yêu nước, một cơ sở huấn luyện quân sự bài bản cho quân đội. Tuy chưa hiểu rõ thế nào là Đảng Cộng sản, là Việt Minh, nhưng do từ bé đã được sống trong tình yêu thương của o Thanh, cậu Cả Khơm (Khiêm), những người bạn thân của bố mẹ anh Bửu, được biết Nguyễn Ái Quốc, người em út của hai người, là lãnh tụ cách mạng mà anh luôn lấy làm hình tượng của người anh hùng dân tộc, nên anh đã mong mỏi tổ chức một trường như vậy…”
Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, cũng đã viết trong cuốn sách về TTNTTH: “…Chính Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh đã khẳ9ng định mục đích là “vận động một phong trào thanh niên rộng lớn nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên của chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: cùng theo đuổi một mục đích như nhau mà!” Đã vậy, ngay từ đầu, tổ chức Việt Minh đã được thành lập trong trường… Đồng chí Nguyễn Thế Lâm - sau này là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - một trong những học viên của TTNTTH, trong hồi ký của mình đã nói: “Đây có thể nói là anh em chúng tôi đã “Việt Minh hoá” được TTNTTH”…”
Như vậy, thật ra, hai tổ chức thanh niên có nhiều hoạt động trùng hợp này không đồng nhất: TNTP là một phong trào do Xứ uỷ Nam Kỳ khởi xướng gồm hàng chục vạn người, còn TTNTTH sinh thành từ lòng yêu nước của những trí thức tên tuổi, tuy học trường Tây nhưng vẫn nặng lòng với Tổ quốc, nên đã dễ dàng “Việt Minh hoá”. Ngẫm ra, chính sự khác nhau này lại rất có ý nghĩa: Phong trào TNTP là một minh chứng rằng khi “Ý Đảng” hợp “Lòng Dân” thì chỉ trong một thời gian ngắn, một đốm lửa sẽ thành đám cháy lớn có sức thiêu huỷ chế độ phong kiến và thực dân ngự trị hàng trăm năm trên đất nước ta nhờ đàn áp và bạo lực; TTNTH lại chứng tỏ “Lòng Dân” - trước hết là tầng lớp trí thức chân chính, luôn hướng về cách mạng, về Đảng, khi họ biết người lãnh đạo thật sự vì đại nghĩa, chí công vô tư, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc và Tổ Quốc. Cũng trong “Thư gửi đồng bào”, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã viết: “…tôi nguyện mang hết sức của tuổi già đi theo các vị, dầu cho thịt nát xương tan cũng không tiếc.”
Do “nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội” chính đại quang minh, lại có “thủ lãnh” là những con người có nhân cách và trí tuệ lớn, hai tổ chức thanh niên được thành lập từ đêm trước Cách mạng Mùa Thu 1945, tuy không đồng nhất, nhưng đều đã quy tụ được hàng loạt những thanh niên ưu tú, về sau trở thành những nhân tài của đất nước - những cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, nhà ngoại giao, nhà khoa học… tên tuổi, trong đó hai “thủ lãnh” Phan Anh và Phạm Ngọc Thạch cùng GS. Tạ Quang Bửu đều được mời giữ chức Bộ Trưởng trong Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Lại thêm một sự trùng hợp nữa! Và cũng có thể nói đó là sự trùng hợp tất yếu, như kinh nghiệm sống ở đời mà tiền nhân đã truyền lại là phải biết “chọn mặt gửi vàng”.) Trong số 43 học viên TTNTTH, có đến 8 người về sau mang hàm cấp tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam như Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng, các thiếu tướng Đoàn Huyên (Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân), Cao Pha (Phó Tư lệnh Đặc công), Nguyễn Thế Lâm (Tư lệnh Thiết Giáp)…Còn quanh “thủ lãnh” PNT là những tên tuổi còn sáng mãi trong lịch sử đất nước: Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Thiều, Thái Văn Lung… Trong bài đã dẫn, sau khi nhắc đến những gương mặt hàng đầu của phong trào TNTP, GS. Trần Văn Giàu đã viết: “Cho hay, giao phó phần lớn trí vận cho bản thân trí thức có uy tín lớn là phương hướng rất đúng, đem lại kết quả mong đợi.”
TTNTTH và phong trào TNTP Sài Gòn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Mùa thu tháng Tám 1945 - một trong những thời kỳ đẹp nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời đã để lại những mẫu mực đẹp đẽ về sự kết hợp giữa “Ý Đảng” và “Lòng Dân”, giữa “Lãnh Tụ” và “Trí Thức”. Hơn sáu chục năm đã qua, những tấm ảnh tư liệu về hoạt động ngoại giao và các đại lễ của đất nước - ở đó, bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mặt hai “thủ lãnh” thanh niên thời “45” Phạm Ngọc Thạch và Phan Anh - mà Phan Tân Hội cho tôi xem, nay không còn rõ nét nữa, nhưng mẫu mực về sự kết hợp đẹp đẽ đó vẫn ghi đậm dấu ấn trong lịch sử và trong ký ức những người con đất Việt đã làm nên Cách mạng Mùa Thu. Có lẽ đó cũng là bài học còn nóng hổi tính thời sự./.
Trường An-Huế, Tháng 7-8/2009