Trong xí nghiệp cơ khí này, chú Tư là người có thâm niên cao nhất. Chú đã có mặt từ khi Nhà nước mình tiếp quản cơ sở cũ của chủ tư nhân bỏ đi nước ngoài với tư cách một người trong Ban điều hành. Thế mà hai mươi mấy năm qua đi, trong khi những nguời đồng trang lứa khác bét nhất cũng đã là giám đốc một công ty, xí nghiệp; thì chú Tư vẫn chỉ là một ông trưởng phòng hành chính cho tới lúc này.
Hôm nay, phòng hành chính làm tiệc tiễn chú Tư. Theo giấy tờ thì đến đầu năm sau chú Tư mới chính thức nhận lương hưu ở địa phương, nhưng trong thực tế, xí nghiệp giải quyết cho chú Tư nghỉ sớm sáu tháng vẫn có lương theo yêu cầu của chú. Cũng theo yêu cầu của chú Tư, vì là tiệc nội bộ nên phòng không mời khách, kể cả giám đốc xí nghiệp. Lúc nghe chú Tư nói vậy, trưởng phòng Ngoan - một cán bộ trẻ mới được đề bạt kế nhiệm - vẻ ngần ngại nói:
- Cháu thấy là mình không mời ai cũng được, nhưng không mời ban giám đốc thì... hơi kỳ, chú Tư ạ.
- Mày sợ họ trách phải không? Yên tâm đi, để tao lo cho.
Rồi chính chú Tư lên gặp giám đốc. Sau đó, cô Xinh - thư ký giám đốc - kể cho mọi người biết: "Chú Tư nói với giám đốc thế này: phòng hành chính tụi nó làm tiệc tiễn tôi, tôi có yêu cầu không mời khách, kể cả ban giám đốc. Thằng Ngoan lấy chuyện đó làm điều áy náy. Bởi vậy tôi nói cho anh hay, sau này đừng có trách nó mà tội nghiệp nó".
Nghe kể, tân trưởng phòng Ngoan mới yên tâm mà tổ chức bữa tiệc vào chiều thứ sáu, sau giờ công nhân tan ca. được thuận lợi một cái là những người làm việc ở phòng hành chính đều có xe gắn máy nên không ai bị lệ thuộc vào xe đưa rước công nhân.
Khi chiếc xe ca cuối cùng rời khỏi xí nghiệp, cả khu vực rộng lớn với mấy nhà xưởng, khu văn phòng, từng khoảng sân phủ bóng những cây bàng, cây điệp vàng... trở nên vắng lặng, hiu quạnh. Chỉ còn nhóm trực của tổ bảo vệ chia nhau người ở cổng xí nghiệp, người đi tuần tra. Chú Tư từng ví von khoảng thời gian công nhân không làm việc, xí nghiệp như cảnh sân khấu về khuya, như cảnh chợ chiều. Còn lúc này, khi ngồi uống trà với trưởng phòng Ngoan chờ bàn tiệc được dọn, chú Tư nói:
-... giống như cảnh về hưu của tao vậy!
Trưởng phòng nhìn quanh:
- Chú Tư đừng nói vậy kẻo có người hiểu lầm hoặc xuyên tạc...
Chú Tư cười mũi:
- Hiểu lầm thì sao? Xuyên tạc thì sao? Chẳng lẽ vì vậy mà tao bị cắt lương hưu?
- Đó là cháu nói phòng hờ vậy thôi mà...
- Cũng phải! Mày còn cả một tương lai phía trước... Có lẽ không nên ăn nói như tao chút nào...
*
Chú Tư có cách nói dễ khiến người ta chạnh lòng và ngầm bực bội.
Nhớ thời bao cấp, hầu hết cán bộ công nhân viên đều sử dụng phương tiện là xe đạp để đi lại. Tới những năm bắt đầu đổi mới qua cơ chế thị trường, một số người có điều kiện liền xoay qua mua xe máy để đi. ảó là cái thời của xe Hon-đa đam, Hon-đa 67 bốn thì, của xe Suzuki hai thì... nhập vào miền Nam từ trước bảy lăm, giá trên dưới một cây vàng, lâu nay nằm "trùm mền" trong những gia đình dân do không có phiếu xăng, do sử dụng dễ bị phiền hà, tới lúc được "tốc mền" lên, trở thành mặt hàng thời thượng. ảó cũng là thời của xe Tiệp dành cho phụ nữ giá dăm ba chỉ vàng, có mặt trên thị trường nhưng chưa quen thuộc với bà con miền Nam. Ở xí nghiệp cũng có vài người "đổi đời", trong số ấy có Nhanh, cậu phó phòng vật tư, nguyên là bảo vệ của một cán bộ có cỡ của tỉnh thời còn trong chiến khu. Ai cũng biết Nhanh khôn khéo tranh thủ khi làm nhiệm vụ của mình, đã kiếm được khá bộn nhưng chưa bị tố giác, phát hiện. Khi ấy chú Tư đã là phó phòng hành chính kiêm phó thư ký công đoàn. Một hôm Nhanh đi chiếc 67 rà theo chú Tư trên chiếc xe đạp cũ song song với một cô công nhân chung xóm trên đường về nhà. Cậu phó phòng vật tư nói:
- Chú Tư ơi! Chú kiếm một chiếc xe như của cháu mà đi cho khỏe... Phó phòng như chú, một chiếc xe máy thì dư sức qua cầu...
Chú Tư sa sầm nét mặt nhưng vẫn chưa nói gì. Cậu Nhanh tưởng chú đồng tình, nói thêm:
- Khi nào chú Tư cần, cháu sẽ giới thiệu cho chú một chỗ bán xe với giá hữu nghị...
Chú Tư quay qua hỏi cô công nhân:
- Nè, cháu thấy chú ngồi xe đạp so với cậu Nhanh ngồi xe máy thì ai cao hơn?
Không để cho cô gái trả lời, chú nói luôn:
- Chú cao hơn phải không? Nói cho đúng ra, tuy ngồi xe đạp nhưng chú cao hơn cậu ta cả một cái đầu, có phải vậy không cháu?
Cậu Nhanh thấm ý nhưng vẫn cố giả lả:
- Chú Tư bao giờ mà chẳng hơn tụi cháu...
Rồi cậu ta chào, rú ga lủi mất.
Dĩ nhiên, từ cô công nhân mà câu chuyện được loang ra cả xí nghiệp, tới nỗi câu nói "cao hơn cả một cái đầu" được nhiều người ứng dụng ở nhiều nơi, nhiều lúc. Có điều, cậu Nhanh ngày ấy tuy "thấp hơn chú Tư một cái đầu" nhưng lại tiến thân lên những vị trí cao gấp bội chú. Sau khi lên được trưởng phòng vật tư một năm, cậu ta bất ngờ được chuyển qua một công ty cấp tỉnh nhận nhiệm vụ phó giám đốc và hiện nay đã thay thế vị trí giám đốc ở đó. Chiếc 67 của Nhanh đã biến khỏi cuộc đời của cậu phó phòng vật tư ngày ấy, thay vào đó, giám đốc Nhanh ngày nay đi làm bằng xe hơi riêng tự lái!
Anh chị em trong xí nghiệp còn truyền miệng nhau chuyện chú Tư nói trong một cuộc họp có lãnh đạo cấp trên về xí nghiệp cùng tham dự. Là người chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ngồi, chú Tư là người cuối cùng ngồi vào ghế của mình. Tình cờ sao cái ghế còn lại của chú lại là một cái ghế đẩu. Vừa ngồi xuống, chú vừa nói với giọng vui vẻ:
- Thiệt, cái số của tôi! Có được cái ghế ngồi thì ghế lại không có chỗ dựa.
Có người vỗ đùi đánh đét, khen "Hay!"; nhưng cũng có nhiều người cau mày cho là chú Tư nói xỏ nói xiên...
Sau này, có ai nhắc lại chuyện ấy, chú Tư còn "biến tấu" thêm: "Ở đời, mình cố tìm một chỗ đứng cho chắc ăn. Chỉ bằng vào đôi chân của mình, khỏi phải dựa dẫm ai".
*
Bữa tiệc tiễn đưa bắt đầu bằng lời khai mạc đầy văn vẻ và kín kẽ của tân trưởng phòng. Ngồi nghe xong, chú Tư đứng lên cùng nụ cười mỉm:
- Cám ơn cậu Ngoan nhiều lắm. Nhưng mà cho tôi đề nghị điều này trước khi nhập tiệc coi có được không. Anh em biết rồi đó, trong thời gian công tác, chúng ta đã phải dự nhiều cuộc họp quá rồi. Ở đó, khi người ta muốn vui vẻ, có hòa khí thì người ta nói cho vừa lòng cấp trên, nói cho vừa lòng nhau, nghĩa là nói dối hoặc không nói thật. Còn khi người ta nói thật những gì biết về nhau, nghĩ về nhau thì lại là lúc người ta đấu đá, moi móc lỗi lầm của nhau. Bữa nay, mình thử vừa nói thật, vừa vui vẻ một lần coi có được không? Anh em đồng ý chớ?
Mọi người đều vỗ tay hoan nghênh, kể cả trưởng phòng Ngoan với nét mặt hơi ngượng. Cô Nghĩa, tân phó phòng bước về một góc phòng lấy bức sơn mài được bao giấy kiếng cẩn thận tiến đến bên trưởng phòng Ngoan. Trưởng phòng nói với chú Tư:
- Thưa chú Tư, tiễn chú Tư về nghỉ hưu, phòng hành chính có món quà này xin kính biếu chú Tư để chú Tư treo trong phòng, khi nào nhìn nó thì nhớ tới anh em...
- Cám ơn. Cho tôi mở ra coi liền có được không?
Trong những tiếng lao nhao của mọi người, chú Tư mở lớp giấy kiếng và nâng bức sơn mài bằng hai tay, đưa ra xa phía trước mặt để mọi người cùng coi. Chú gật gù:
- Có ý nghĩa đây: một ông lão nhàn hạ ngồi câu cá bên bờ ao giữa khung cảnh một khu vườn cây trái... đích thị là già Tư này rồi phải không ?
Tiệc bắt đầu với một vòng rượu mà theo đề nghị của chú Tư, mọi người đều cạn chén, kể cả mấy người phụ nữ. Bắt đầu cầm đũa, chú Tư mới nói:
- Cái bức tranh sơn mài nhiều ý nghĩa lắm, nhưng coi bộ không hợp với già Tư này. Người ta nói về hưu cũng là về vườn. Nhưng chú làm gì có mảnh vườn nào mà về, mà ngồi câu cá. Hai cha con cu ky với nhau bấy nhiêu năm nay, thằng Thắng đã đi làm rồi mà cha con vẫn ở chung với nhau trong căn hộ của cư xá tập thể...
Cô Nghĩa phó phòng rụt rè hỏi:
- Cháu nghe nói có hồi xí nghiệp phân chia quỹ đất tập thể cho cán bộ công nhân viên, chú Tư thuộc diện ưu tiên, sao chú Tư không nhận một phần?
- Đúng! Chú thuộc diện ưu tiên. Nhưng hồi đó chú nghĩ: có được cấp đất, mình cũng không có tiền để làm nhà, chi bằng nhường cho người khác, rồi mai mốt khi nào có điều kiện, mình sẽ xin sau. Ai ngờ đâu sau đó chẳng còn chuyện cấp đất nữa. Trở ngược chuyện hồi đó, sau này mới biết nhiều người cũng không có tiền làm nhà như mình nhưng họ vẫn nhận đất rồi sang nhượng, lấy tiền tích cóp kiếm nhà mà mua...
- Vậy, chú Tư có thấy hối tiếc không?
Chú Tư đáp liền theo kiểu của chú:
- Tiếc thì có nhưng hối thì không, cô gái ạ!
Trưởng phòng Ngoan lên tiếng:
- Đề nghị cô Nghĩa không có giao ban riêng mà trả chú Tư lại cho anh em...
Chú Tư đứng dậy, nương ngay câu nói của Ngoan:
- Chí phải! Không nên giữ khư khư cái gì đó cho riêng mình, mà phải biết chia cho mọi người mỗi người một ít, có vậy thì làm ăn mới lâu dài được! Nào! Tiền hối lộ thì không có ở đây. Tiền biếu xén cũng chẳng có. Tiền ăn chặn ăn bớt cũng không. Chỉ có bình rượu này là chúng ta có thể chia nhau. Hôm nay chia tay, cả phòng uống với tôi ly rượu nữa nào...
Nếu người nào để ý, sẽ thấy có vài gương mặt trong bữa tiệc khó chịu về câu nói của chú Tư. Nhưng tất cả đều đứng lên, chạm ly với ông già khó chịu cùng lời chúc tụng, nụ cười không biết đâu là thật, đâu là giả...
*
Một tháng sau khi chú Tư về hưu, cô Nghĩa đến tìm chú ở khu cư xá tập thể có chút việc thì mới biết chú đã nhận làm bảo vệ cho một công ty kinh doanh. Cô quành xe đến đó và dễ dàng gặp ngay chú Tư ngồi trong căn phòng bảo vệ ngay cổng vào. Chú vui vẻ hỏi:
- Có chuyện liên hệ với công ty này hả Nghĩa? Cứ vô đi cháu! Chạy thẳng thì tới khu văn phòng. Mọi người ở xí nghiệp vẫn khỏe chớ?
- Dạ! Nhưng là cháu cần gặp chú...
- Vậy à? Thì dựng xe rồi vô đây... Bổ sung giấy tờ gì phải không?
Cô Nghĩa bước vào phòng bảo vệ, nhìn thấy trên bàn có tờ báo Nhân Dân, chai nước lọc và duy nhất một cái ly. Chú Tư rót nước vào ly mời cô:
- Uống đi Nghĩa! Đừng có ngại. Coi bộ cháu dang nắng không quen, mặt đỏ như uống rượu vậy. Đâu? Giấy tờ gì hướng dẫn chú làm coi...
Cô Nghĩa uống nước rồi nhìn chú Tư:
- Chuyện giấy tờ đơn giản thôi chú Tư à... Lát nữa làm vài phút là xong. Chú Tư cho cháu hỏi thăm công việc của chú ở đây có được không?
- À! Cũng đơn giản thôi! Chú chỉ có việc ngồi ở cái phòng bảo vệ này mỗi ngày từ sáu giờ sáng tới sáu giờ chiều thì giao cho ca đêm. Nghĩ cũng lạ. Mình quen làm việc rồi, ở không được một tháng, chú muốn điên lên. May tìm được chỗ này làm hợp đồng. Cũng chẳng ưng ý gì đâu. Ngồi đây, bảo vệ cho một bọn sâu dân mọt nước trong đó, làm thì dở mà ăn cực hay. Cái công ty này không biết phá sản lúc nào nhưng nhà của mấy đứa trong ban giám đốc thì cứ cao lên từng năm... Mà thôi! Ai lại ăn cơm của người ta lại đi chửi người ta...
- Cháu nói thật lòng nghe chú Tư. Hay là chú Tư về lại xí nghiệp, hợp đồng làm một việc gì đó, đồng thời cố vấn cho tụi cháu...
- Nghe hay! Nhưng thôi, cứ để đó từ từ tính. Bây giờ, đưa giấy tờ đây coi...
*
Chú Tư xin nghỉ việc ở cái công ty làm dở ăn hay kia sau hai tháng làm ở đó, nhưng chú cũng không trở lại xí nghiệp như lời đề nghị của cô Nghĩa. Anh Thắng, con của chú được mua một miếng đất làm nhà. Hai cha con chú dốc hết tiền dành dụm ra quyết xây một căn nhà nho nhỏ có ba phòng: một phòng khách và hai phòng ở, một cho chú Tư, một cho anh Thắng. Đích thân chú Tư đứng coi thợ xây nhà để tiết kiệm chi phí và cho chắc ăn.
Cô Nghĩa đến thăm và nói lại ý định ngày nào. Chú Tư cười cười nói:
- Chú nghĩ kỹ rồi! Chú thuộc dạng người không biết nói cho vừa lòng người khác, cũng không biết nói dối mà thói thường bây giờ, người ta lại đang sống với nhau theo kiểu đối phó. Vì vậy sự có mặt của mình làm cho mọi chuyện đâm ra "lạc quẻ" ráo trọi. Tốt nhất là mình về vườn. Cháu coi đó, chú đang quyết làm cho bức sơn mài hôm nọ thành hiện thực. Chú dành hẳn một khoảnh đất phía trước nhà để làm cái vườn bông nho nhỏ để tìm thú vui...
- Cháu nghe nói chú Tư có chuyện gì với công ty kia phải không?
Chú Tư cười gật đầu, kể:
- Có đấy! Chuyện là thế này. Trong một cuộc họp toàn thể công ty, ông giám đốc có nói đến chuyện giúp địa phương tổ chức lớp "xóa mù". Chú nói vui vọng lên: "Xóa mù chữ thì giám đốc cứ nói cho đủ là xóa mù chữ. Chớ đã mù đui thì làm sao xóa được!". Mọi người đều cười kể cả ông giám đốc. Tưởng chỉ là chuyện đùa vui qua đi, nào ngờ một hôm chú được mời lên phòng tổ chức để nghe nhắc nhở cần rút kinh nghiệm không làm mất mặt thủ trưởng trước đám đông. Chú hiểu là mình khó ở lại lâu dài nên ngay hôm sau đưa đơn xin chấm dứt hợp đồng.
Cô Nghĩa lắc đầu:
- Chú cứ vậy, biểu chi người ta không ghét!
- Cái tính nết mình nó thế, không sửa được cháu à...
Chú Tư dừng một chút rồi bất ngờ hỏi cô Nghĩa:
- ...nhưng cháu thấy chú có cần sửa cái tính nết đó không?
Cô Nghĩa thực sự bối rối trước câu hỏi của ông già về hưu. May cho cô là đúng lúc ấy thì Thắng về tới./.