Chưa bao giờ tôi dám bước chân vào mảnh vườn ấy. Mảnh vườn nằm cuối một con đường nhỏ kéo dài từ ngoài trục đường chính của làng. Con đường nằm yên phận từ bao giờ không biết. Ngày tôi còn bé, mỗi buổi trưa đi học ở đình phải qua chỗ quẹo, nhìn thẳng vào mảnh vườn cứ thấy chờn vờn lũ bướm ma có sải cánh màu đen sậm lao vào nhau lăn lộn trong một cái vòng xoáy không có đáy. Thỉnh thoảng một con rơi tõm vào giữa vòng xoáy đó, chới với trôi tuột xuống mặt ao xanh lét thứ rêu tù. Chỉ chờ có thế, một cái mõm từ thời hồng hoang nhô lên, nhanh và gọn hết mức.
Những đứa trẻ gan nhất trong xóm kháo nhau rằng chúng đã từng câu trộm những con quái vật mà ăn thịt lũ bướm ma trong cái ao tù nọ. Và chúng quả quyết rằng đó chỉ là những con cá chuối mà thôi. chỉ có điều con nào cũng có một hàm răng như răng người và trước khi bị giật tung lên trời hình như chúng phát ra một tiếng cười khanh khách. Tôi mang câu chuyện về kể với bà, mặt bà tái dần rồi không để tôi kịp định thần, bà vớ nhanh lấy cái cuống chổi quật tôi túi bụi. Tôi phải chạy thật nhanh mà vẫn không tránh được cái dép bà giật từ chân quăng theo. Khi ấy, khuôn mặt bà chảy xuống. Lớp da nhăn thứ đồi mồi mốc thếch xăn lại thành từng nhúm. Và bỗng dưng tôi thoáng rùng mình khi hình dung thấy một cái đầu cá chuối có hàm răng người và những chuỗi cười khanh khách rùng rợn. Tôi biết đừng bao giờ bén mảng đến cái ao ấy nếu còn muốn trở về nhà. Chính bà tôi đã cảnh báo như vậy.
Năm ấy, làng phát dịch lớn. Tất cả dân làng đều ốm quay ốm quắt. Căn bệnh quái lạ. Chỉ cần ngồi hoặc nằm nghỉ là toàn thân nóng ran, mồ hôi vã như tắm, miên man trong những cơn ác mộng về một bầy quỉ đầu trâu mặt ngựa tay dao tay thước kéo đến bắt người đốt nhà. Cứ đi làm hoặc cử động thì mới thấy thoải mái một chút. Vì thế, ban ngày người ta không thấy sợ gì hết. Quần quật ngoài đồng vẫn khỏe như vâm. Cứ khi mặt trời trôi dần, trôi dần và bị nuốt chửng trong một đám mây xám ở xa hút hắt bỏ lại những vũng đỏ như vũng máu loang nổ khắp đường làng thì ai lấy thoáng rùng mình một cái. Người họ rũ ra như tàu lá chuối héo. Những tiếng rên xiết âm ỉ, những thân hình bê bết bùn đất vật vờ lang thang trong đêm tối. Ở bất cứ nơi đâu, hang cùng ngõ hẻm nào giữa sương đêm lạnh lẽo bất chợt lùi lũi một cái bóng còm cõi đi ra rồi lại biến mất tức khắc. bao nhiêu thầy lang được mời đến lắc đầu bỏ đi. Bao nhiêu thày cúng vừa vào đến cổng làng đã vật ngã bỏ chạy đánh rơi hết đồ cúng. Cứ thế rồi họ cũng tuyệt vọng. Nhiều nhà khăn gói lôi nhau đi biệt tích ngã ở đâu chẳng rõ. Nhưng rồi những làng xung quanh cắt cử người canh gác cấm cửa xua đuổi họ. Vào những ngày cuối cùng đen tối nhất, khi căn bệnh lên đến đỉnh điểm và con người ta không còn sức mà lê bước nữa, họ phải tìm đến nằm bệt dọc những bờ ao để vốc nước uống cầm cự.
Và rồi dù không ai bảo ai, họ cứ lần lượt đến cái ao đó, vốc nước uống xong ngã vật xuống cho đến khi trương phềnh mới nổi lên. Dưới ao vần vũ những luồng xoáy mạnh ngày đêm. Duy chỉ có một ông thày cao số dám đến xem xét khúc ao mà phán nhanh rằng: “Ngài còn bắt, còn bắt. Làng chưa hết hạn…” rồi vội vã tay nải ra khỏi làng trước khi trời tối. Làng chết vãn người. Đêm đêm quạ về đậu ngọn tre ngóng xuống mặt ao tranh giành nhau những xác người mới nổi mà làng chưa kịp chôn. Những ai còn sống cũng phó mặc chờ ngày đến lượt mình. Rồi bầu không khí ảm đạm cũng qua đi. Những người còn lại khỏe dần. Cả làng mổ lợn cúng tế thần linh, những tiếng khóc than ầm trời từ những nhà có người chết. Cũng có những ngôi nhà, những khu vườn tĩnh lặng đến rùng rợn bởi tất cả gia đình họ đều đã chết hoặc bỏ đi biệt xứ. Và những ngôi vườn ấy sau này chỉ có những ông cán bộ của Đảng theo tinh thần chống mê tín dị đoan mới tiên phong đến ở.
Lại nói về chuyện dịch bệnh, sau ngày hết dịch, cán bộ y tế mới được điều xuống phun thuốc, rắc vôi bột và tìm xem còn ai bị bệnh không thì cứu chữa. Lãnh đạo huyện đã phê bình cán bộ thôn vì tội mê tín dị đoan. Vào những đêm trăng tròn, ai nấy vẫn nơm nớp giật mình. Làng đóng góp tiền bí mật cử người đi tìm thày cao số về cúng giải hạn. Ông thày cúng ngày xưa về cúng một ngày một đêm xong họp cả làng lại dặn rằng: “Ta đã làm hết sức mình rồi, cũng chỉ kìm giữ đươc thôi chứ không tiêu giải nổi. Mảnh ao nhiều người ngã xuống chính là lỗ thủng của cõi âm. Ở đó, âm khí nặng lắm. Làng nhất định phải cử một người ra ở đó để canh giữ cho thần linh và tịnh không bao giờ nên đến đó làm gì! Nếu không hậu quả tự gánh lấy. Khi nào người canh giữ cho thần linh chết tự dưng lỗ thủng sẽ biến mất”, nói rồi thày nằm vật bất động. Ba ngày sau thày tỉnh lại thì liệt tứ chi. Làng cử tám thanh niên đòn kiệu khiêng thày về và gom tất cả tiền của trong làng gửi người nhà chăm sóc thày giúp để tạ ơn.
Bà kể xong câu chuyện thì lom dom đứng dậy rút ba thẻ hương khấn vái xuýt xoa. Hai bả vai khẽ rùng mình một chặp. Khi bà quay mặt lại, tôi đã chạy ra đến tận mé đình. Và tôi chắc cũng như mọi lần, bà chỉ lắc đầu chứ chẳng buồn gọi. Mấy thằng bạn của tôi bảo chúng nó cũng phải nghe những câu chuyện như vậy. Ban đầu, trẻ con cả xóm sợ xanh mắt. Nhưng rồi chúng chỉ giả vờ sợ khi trước mặt những người già trong làng. Bởi chúng vừa phát hiện ra trong cái khu vườn nho nhỏ có hàng rào là những cây sắn dù đỏ tía nằm bên trên cái ao ma quái năm xưa có rất nhiều hoa quả.
Lũ bạn rủ tôi đi lấy trộm ổi trong khu vườn chỗ khúc quẹo nhìn vào. Tôi lưỡng lự khi tưởng tượng thấy sự thất kinh của bà nếu biết tôi bén mảng đến khu đó chứ chưa nói đến chuyện dám vào khu vườn thờ thần linh để vặt trộm ổi. Trông nom khu vườn ấy có một bà cụ đã già hom hem. Tôi cũng chưa từng nhìn rõ mặt bà cụ chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy cụ thấp thoáng qua những tàu lá sắn dù xẻ năm xẻ bảy. Bọn bạn tôi đã mấy lần lấy trộm được rất nhiều ổi trong khu vườn ấy. Chúng trút đầy vào cái mũ nan rồi ngồi xổm xung quanh bàn tán về khu vườn tuyệt vời. Tôi không ăn không hẳn vì sợ mà vì bà. Có lẽ trong cả bọn, tôi là người nghe lời bà nhất. Trong tất cả những thằng bạn của tôi, ông bà chúng đều răn đe nhưng thú thực chưa bao giờ tôi thấy chúng nó nghe lời cả.
Mùa roi đến, mới chỉ đứng ở chỗ quẹo đã nhìn thấy trong khu vườn hai cây roi lớn rung từng chùm quả như những chiếc đèn lồng. Những chùm roi mọng nước hấp dẫn quá. Tôi đi học qua lần nào cũng đứng lại một lúc ngẩn tò te. Bọn thằng Tưởng, thằng Hảo nháy nhau. Chúng rủ tôi buổi trưa sẽ đột nhập để tấn công hai cây roi. Ban đầu tôi không chịu. Nhưng sau chúng khích ghê quá, máu anh hùng nổi lên, tôi đồng ý.
Nắng rang bỏng từng viên sỏi cơm trên đường ngang ngõ tắt trong làng. Tôi khẽ khàng trốn ra điểm tập kích. Buổi trưa, không gian tịnh không một bóng người. Không khí ong ong oi ngột. Những búi tre tranh thủ vặn mình răng rắc. Ở thôn quê, khỏang thời gian đáng để người ta rởn da gà nhất không phải là đêm khuya mà có lẽ chính những buổi trưa thế này. Lần đầu tiên tôi theo mấy thằng bạn vượt quá khúc quặt. Dọc đoạn đường ngắn là dãy ao dài, hai bên bờ có những hang hốc chằng chịt như bị một loài nào đó gặm nham nhở. Những hàng cây bú bò vàng ối, những bông dành dành trắng muốt phất phơ. Và tôi giật thót mình khi trên những đốt thân tre dày đặc lũ bướm ma giương đôi mắt nhìn mình chằm chằm. Cuối cùng chúng tôi cũng ngồi chễm chệ trên ngọn cây roi cổ thụ. Manh liếp cửa nhà đóng kín. cả bọn cứ an tâm mà rung, mà vặt. Tôi nhét tấm áo vào trong quần và dồn đầy một bụng roi tuột xuống đầu tiên. Vừa chạm đất tôi ngã dúi, lộm cộm bò dậy thì đứng tim vì trong góc vườn gần đấy một bà cụ ngồi lọm khọm nhìn chằm chằm vào mình. Mái tóc của bà cụ trắng như cước nhưng xơ cứng, vướng găm cả trên mấy cành rào. Khi bà cụ bắt đầu nở một nụ cười để lộ một hàng lợi đỏ nước trầu thì tôt hét lên thất thanh lao qua cả hàng sắn chạy như ma đuổi. Roi bung ra rơi dọc đường. mấy thằng bạn của tôi thấy vậy lao xuống ngã lộn cổ mà vẫn nhoái nhoài bò chạy sạch. Khi tôi quay đầu lại thì thấy thoáng bóng bà cụ lom khom đi vào phía cửa. Tự nhiên lúc đó, tôi thấy mình có lỗi vô cùng và không hiểu sao thấy ám ảnh về bà cụ.
Tối đó, tôi ngủ với bà. Tôi đem hết câu chuyện ban trưa kể cho bà nghe. Tôi cứ tưởng mình sẽ ăn no đòn như mọi khi nhưng lần này, bà thở dài đánh thượt rồi im lặng một hồi lâu. Khổ thân bà cụ. Chắc lại nhớ con nhớ cháu quá lên mới rình xem chúng mày đấy mà. Ngày xưa, lúc mà không ai chịu nhận canh giữ mảnh vườn cho thần linh thì thằng con trai của bà ấy nghịch thế nào ngã xuống mảnh ao đó mà chết đuối. Thế là bà ấy dở điên dở dại rồi chả ai bảo cứ thế ra đó ở, luôn mồm bảo trông cho con trai ngủ. Bà vẫn lầm rầm kể, còn tôi đã ngủ từ khi nào.
Sáng hôm sau bà tôi đi chơi về, mang cho tôi một nắm roi chín bảo bà cụ trông coi khu vườn thần linh gửi cho tôi. Tôi sợ hãi nhất định không ăn. Bà giận bảo tiên sư bố mày rồi quẳng cả nắm roi ra vườn. Tôi giãy đành đạch ăn vạ. Bà vớ cuống chổi vụt tôi lia lịa. Trưa ấy, bà bỏ cơm.
Bà cụ trông coi khu vườn thờ thần linh ốm nặng. Ngày nào bà cũng túc trực ở đó. Thỉnh thoảng, bà mới chạy về một lúc xem cửa rả thế nào. Mặt bà buồn thiu làm tôi cũng thấy buồn theo. Bà chẳng có thời gian đánh tôi nữa, không dỗ tôi ăn cơm hay rửa chân tay cho tôi lúc chiều tối.
Ba tháng sau khi bà cụ trông coi khu vườn thần linh mất, bà tôi cũng qua đời. Tôi khóc vật vã cạn cả nước mắt. Lúc bà chuẩn bị nhắm mắt, bà gọi tôi vào bảo: “Cháu bà ngoan không đựơc khóc! Từ bây giờ cháu ra khu vườn thần linh chơi được rồi. Bà không cấm nữa. Bà phải xuống bầu bạn với bà cụ đây, kẻo bà cụ buồn lắm!”.
Chẳng bao lâu sau thì người ta cũng hạ mấy búi tre ở ven cái ao ấy xuống. Lũ bướm ma không còn chỗ ở bay ra rào rào đen cả một khoảng. Rồi người ta hút cạn cái ao. Những con cá chuối đen thui to bằng bắp đùi người lớn. Nhưng chẳng con nào có hàm răng như răng người cả. Tôi ngồi trên bờ xem bắt cá mà nhớ bà da diết. Những người già trong làng xung quanh ao gật gù cái gì đó luôn. Tôi thốt lên vì trong ấy có cả bà tôi. Đúng bà tôi mà. Bà tôi mặc cái áo cánh thâm và cười nói với những người già khác. Tôi lao đến, chơi vơi, chơi vơi. Tôi càng với tay bà càng lùi về phía xa cho đến khi bà lùi mất hút vào bóng tối và tôi nghe thấy những tiếng hét. Những tiếng hét kinh sợ và khiếp đảm. Đúng rồi, bà đã bảo đây là lỗ thủng của cõi âm. Tôi chạy, chạy miết nhưng hình như trong tiếng hét lẫn cả tiếng của bố tôi.
Khi tôi tỉnh dậy, bố ở bên giường, khuôn mặt buồn thảm. Bố hỏi sao khi mê sảng tôi cứ gọi bà. Vì bố bảo khi tôi vừa sinh bà đã mất rồi. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Không thể như thế được. Bố còn bảo đang giữa trưa tôi lao mình xuống cái ao làng làm gì. Không có mấy người đi giặt chiếu trưa thì tôi cũng chết rồi. Tôi lại há mồm kinh ngạc. Người tôi bắt đầu run lên. Tôi ngước nhìn bàn thờ. Tấm ảnh thờ của bà lạnh lẽo. Nhện giăng thoáng qua những chỗ phai.../.
(Hà Đông – 29/04/2008)