1- Ông là giáo viên dạy Văn cấp THCS đã nghỉ hưu, lương độ hơn triệu bảy một tháng. Đi bộ, đánh cờ, đọc báo, làm thơ. Về quê tảo mộ, ông đi trên những lối mòn lách qua những vạt cỏ may khô cằn, tiếng gió nỉ non vi vút thổi qua các hàng mộ chí khiến lòng ông cảm thấy bâng khuâng man mác. Đặt chân về đến nhà cũng là lúc cảm hứng tràn về, ông viết bài thơ Hoa cỏ may đọc lên nghe cũng thấy hình như có vần:
Hoa cỏ may một chiều gió lộng
Nghiêng nghiêng để vướng chân ai
Ở nơi đây trời cao đất rộng
Bạn tâm giao chỉ có cỏ may.
Viếng người xưa ta về chốn cũ
Chút bâng khuâng lắng đọng lòng ai
Để chập chờn trong cơn mơ ngủ
Vẫn đung đưa trước gió cỏ may.
Ông đưa cho bà đọc, bà bỉu môi: “ Thơ thẩn gì đúng có một mẩu con con!”. Bị chạm tự ái, ông thấy cần phải giảng giải cho bà cái hay, cái đẹp của một bài thơ không phụ thuộc vào độ dài của nó. Chả cứ là ngắn hay dài thơ là tiếng nói của lòng và trào dâng theo cảm xúc. Bà không thấy trong bài thơ của tôi một tí cảm xúc nào sao? Thơ của tôi quê mùa mộc mạc dzậy đó nhưng đọc nghe còn lọt tai hơn mấy cái đề tài như cuộc đấu giá đồ lót của cô đào Holywood hay chuyện tình duyên đứt đứt nối nối của nàng Chương Tử Di…nhan nhản trên các báo. Bà nghe ông nói dzậy thì biết dzậy, tuy trong bụng vẫn nghĩ rằng cái cảm xúc mà ông tuỳ tiện viết ra thoáng nghe có vẻ du dương nhưng nội dung phù phiếm, vô nghĩa và lăng nhăng lắm!
Một hôm ông đem bài thơ khoe với người bạn chơi cờ. “Ông chép bài thơ này từ báo nào ?”. Ông nở nụ cười: “Tôi viết đấy!”. Mắt người bạn hơi mở to: " Được đấy! Đọc vào lắm. Ông có biết cái Thi san Thơ Đất Việt ra hàng tháng không?”. Người bạn dừng lại một tí để ngắm nghia ông như thể đã lâu chưa gặp lại. “Chụp cho tôi ảnh chân dung cỡ 4x6, nhớ đừng cười 100% bởi vì răng ông xỉn lắm, vả lại răng cửa hàm dưới bên trái khuyết mất một chiếc ông chưa khắc phục, vậy thì ông chỉ nên cười độ 15% thôi, chụp xong đưa cho tôi kèm theo bài thơ chép tay cũng được...". Ông nghe lời đi chụp ảnh, tính cẩn thận ông chỉ dám cười 10%, cười tủm một cái thôi mà, may ra những nếp nhăn ở trán và vết chân chim ở khoé mắt dãn ra được tí nào chăng, rồi chép tay bài thơ, lấy bút danh là Vũ Doanh, cả 3 tấm ảnh và thơ cho vào phong bì, dán tem đề địa chỉ kèm theo số điện thoại rồi đưa cho ông bạn.
Tháng ngày trôi đi thấm thoắt thoi đưa, thế rồi gần hai tuần trôi qua bỗng một hôm ông nhận được điện thoại của Toà soạn Thi san Thơ Đất Việt báo rằng thơ của ông được đăng trong số ra vừa rồi, họ lại còn khuyên ông nên bỏ ra 50.000Đ mua một số về làm kỷ niệm. So với lương hưu khiêm tốn của mình, sau một hồi đắn đo ngần ngừ ông tặc lưỡi: " Thì cũng chỉ bằng một nửa cái phong bì đi ăn cơm bụi giá cao, sá gì! ", rồi quả quyết đếm tiền giắt lưng, leo lên xe đạp đến toà soạn. Cầm tập thi san dày dặn trên tay, điểm qua mục lục, lật vội đến trang có đăng bài thơ của ông kèm theo ảnh chân dung, địa chỉ và số điện thoại cuả tác giả, tuy nó chỉ chiếm nửa trang vì bài thơ quá ngắn, nhưng dẫu sao cũng là lưu danh sử sách, cũng đáng đồng tiền bát gạo mà ông đã chi ra.
2- Chàng là nhạc sĩ, được đào tạo chính quy ở một trường trung cấp về văn hoá của một tỉnh lẻ, họ Nguyễn, tên Trọng Đức, ký tên dưới tác phẩm là Trọng Đức, nhạc sĩ Trọng Đức. Nghĩ rằng ở tỉnh lẻ không có nhiều cơ hội, chàng quyết tâm về thủ đô, kể cả khi không viết nhạc thì chấp nhận ra chợ người làm anh cửu vạn kiếm việc nuôi thân, lần hồi rồi cũng sắm được điện thoại di động để tiện việc giao tiếp, còn việc đi lại thì vẫn cuốc bộ và đi xe buýt. May cho chàng, thời gian gần đây tối thứ bảy hàng tuần chàng được thuê chơi guitar bass trong dàn nhạc sống của một quán cà phê, tiền công cũng không đến nỗi nào. Những lúc rảnh việc, kể cả khi ngồi co ro ở cầu Trung Tự hay cầu Mai Động chờ việc, cảm xúc dâng trào, nốt nhạc ngân nga trong tim trong óc, chàng lại rút giấy bút ra ghi lại đôi dòng. Biết đâu đấy! Rồi những giai điệu tài hoa của chàng một ngày đẹp trời bằng cách nào đó sẽ đến được với công chúng yêu nhạc.
Chàng là người đứng đắn nên trong sáng tác của chàng ta sẽ không tìm thấy dấu vết giai điệu, tiết tấu của những Boys Band, Girl Band bên Anh, bên Mỹ; trong lời ca chàng sẽ không rên rỉ nếu mai anh chết em có buồn không hay kêu gào yêu đi, hôn nhau đi, yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra …Không! Một trăm lần không! Ngược lại, ca từ của chàng sẽ là những câu thơ thả bay cho gió cuốn, chúng bay rải rác rồi chợt xếp lại thành những bức tranh lạ lùng, huyền ảo.
Chàng là người yêu quê hương nên trong những bản nhạc của chàng sẽ không bao giờ thiếu vắng làng quê với cây đa, giếng nước, sân đình, bóng con trâu chậm rãi bước trên đê khi hoàng hôn buông xuống, cánh đồng quê đẹp lạ lùng với đủ âm thanh hương sắc song cũng quằn quại vì cái lam lũ, cái nhọc nhằn vẫn lẵng nhẵng đeo bám người dân quê cho đến tận hôm nay. Những nhạc phẩm đầy tính nhân văn như thế của chàng sẽ có sức sống tính bằng thế kỷ. Đứng chờ việc nhưng tâm hồn chàng thả bay trên mây trên gió với những nhịp điệu allegretto dồn dập, những bản sonate mượt mà và nhẹ nhàng, những bản nhạc dance rộn ràng và quyến rũ nên đã bao nhiêu lần có người đến thuê nhưng những người nhanh chân hơn đã tranh mất phần.
Hết mơ màng đến nhạc không lời, thiết thực hơn, tâm hồn chàng thả theo nét nhạc hai câu đầu của Ngậm ngùi:
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu...
Cái ông Phạm Duy thánh thật, sao ông ấy lại có thể tài hoa đến thế khi phổ nhạc bài thơ của Huy Cận. Mà tại sao mình lại không đi theo cái hướng này trong sáng tác nhỉ? Phổ nhạc các bài thơ ấy mà! Không hiểu chàng tìm đâu ra một số của thi san Thơ Đất Việt , thấy những ông bà có ảnh trong các trang thơ cũng đôn hậu và dễ thương. Một số bài thơ trong thi san cũng giàu nhạc điệu và có tứ thơ làm chàng cảm động rồi đem phổ nhạc. Được bài nào, lần theo số điện thoại của tác giả chàng tìm đến nhà các thi sĩ, hát cho họ nghe tác phẩm của mình rồi tặng cho họ. Nhiều người cảm động và tự hào lắm, chẳng gì thì thơ của mình cũng được một nhạc sĩ phổ nhạc đàng hoàng. Và cuối buổi gặp gỡ của thi nhân và nhạc sĩ, chàng thường ra về với số tiền dăm bảy chục (ngàn) gọi là khuyến khích động viên một tài năng âm nhạc chưa gặp thời.
3- Chưa lần nào chàng thấy xương như lần này! Lần theo số điện thoại của tác giả bài thơ Hoa cỏ may, trong lòng tràn đầy tự tin và hy vọng, một lần đổi tuyến xe buýt, lại một lần nhẩy xe ôm, chàng tìm đến tư gia của nhà thơ:
- Thưa bác, bác có phải là nhà thơ Vũ Doanh tác giả bài thơ Hoa cỏ may ?
- Đúng rồi!
- Dạ thưa bác, bài thơ của bác đã được nhạc sĩ Trọng Đức phổ nhạc và nay đích thân nhạc sĩ có nhã ý tặng bác bản nhạc Hoa cỏ may, lời Vũ Doanh, nhạc Trọng Đức để làm kỷ niệm.
Nhà thơ cầm lấy bài thơ đã được phổ nhạc, một tờ giấy khổ A4 dày dặn, những nốt nhạc hình trái xoan với những móc đơn, móc kép nhảy nhót trên năm dòng kẻ- khoản này thì ông mù tịt - nhưng lời bài hát ghi phía dưới thì đích thị là thơ của ông rồi. Ông nhìn liếc qua rồi rót nước mời khách, sự cảm động làm cho nước sóng sánh chao qua chao lại trong cái chén ông cầm trong tay. Ông ân cần hỏi đôi ba câu về thân thế nhạc sĩ. Đáp lại sự quan tâm đó, nhạc sĩ nói qua về giai điệu, ý đồ sáng tác, sự thăng hoa của cảm xúc, rằng thì là tứ thơ tuyệt vời đã dẫn dắt âm điệu phát triển như thế nào, rồi thì e hèm... bằng chất giọng không mấy êm ái nhạc sĩ hát minh hoạ cho bài hát. Đến cái đoạn kết chàng hơi sáng tạo cải biên hai câu cuối của bài thơ để cho tình cảm của bài hát đi vào cao trào:
Để chập chờn trong cơn mơ ngủ
Hoa cỏ may ơi.. ới, hoa cỏ may ơi... ời...
Vẫn đung đưa trước gió cỏ... ó...ò... ma...ay.
Giọng chàng chùng xuống, cái âm thanh cuối cùng bàng bạc, lơ lửng, nhỏ dần lẫn trong tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc treo tường. Cả nhà thơ và nhạc sĩ cùng lặng đi một lúc, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.
Cuộc đàm đạo giữa thơ và nhạc nghe chừng cũng đã lâu mà nhạc sĩ chưa thấy nhà thơ rút ví đưa tiền bồi dưỡng (theo thông lệ của những lần gặp gỡ tương tự), nhạc sĩ bèn chuyển đề tài, nói về tính chất thị trường của âm nhạc hiện nay: thuê phổ nhạc một bài thơ giá hiện nay là bao nhiêu, nếu lại muốn đem bài thơ đã được phổ nhạc đi biểu diễn thì tiền thuê dàn nhạc, người hoà âm phối khí, thuê ca sĩ lên đến bao nhiêu tiền. Nói dông nói dài rồi nói sát sàn sạt rằng đối với bản nhạc mà nhà thơ đang cầm trên tay, nhạc sĩ chỉ muốn có năm chục, một trăm (ngàn) để làm kỷ niệm...Nhà thơ hơi bất ngờ vì câu chuyện lại xoay ra dính dáng đến tiền nong nghiêm trọng như thế, thở dài một cái, rồi lẳng lặng gửi trả lại tác phẩm cho nhạc sĩ. Cầm lại tác phẩm của mình, nhạc sĩ cay đắng lòng tự bảo lòng:
- Chỉ tại cái tội học đòi ông Phạm Duy! Mất toi vô ích mấy cái vé xe buýt và một cuốc xe ôm! ./.
Hà Nội 2008