(Đọc “Người chậm” tiểu thuyết của J.M.Coetzee, Thanh Vân dịch. NXB Văn học và Công ty Bách Việt, 2008)
Sau khi được tặng giải thưởng Nobel văn học (2003) và tiểu thuyết “Ruồng bỏ” được dịch ra tiếng Việt, tên tuổi nhà văn Nam Phi J.M.Coetzee (sinh năm 1940) không còn xa lạ với bạn đọc yêu văn chương ở Việt Nam. Thú thật, có những tác giả tuy được Nobel, nhưng đọc không dễ hoặc “khó vào” (Cao Hành Kiện là một ví dụ). Với “Người chậm” (NC) thì khác; một lần nữa, chúng ta được thưởng thức một tác phẩm có sức cuốn hút nhờ tài nghệ của một cây bút tiểu thuyết bậc thầy. Cũng như “Ruồng bỏ” bắt đầu bằng chuyện vị giáo sư có “quan hệ” với một sinh viên bị hạ nhục trước Hội đồng kỷ luật, NC khởi đầu từ một “sự cố” có thể gọi là “vặt vãnh”: nhà nhiếp ảnh Rayment bị gãy chân trong một tai nạn giao thông, phải thuê nữ điều dưỡng viên Marijana chăm sóc… Gọi là “vặt vãnh” vì so với các đề-tài-lớn, bối-cảnh-lớn như “Chiến tranh và hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”… của Nga hay các tiểu thuyết nhiều tập “Cơn bão đã đến” của Nguyên Hồng, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu… mà không ít người, với một quan niệm “nào đó” về văn chương, thường tin rằng chỉ những đề tài lớn như thế mới làm nên tác phẩm lớn, thì đề tài của J.M.Coetzee nghe qua thật là tầm thường, thậm chí là “rẻ tiền”! Chuyện một anh chàng nhiếp ảnh què cụt mê mẩn, mơ ước được ôm ấp cô điều dưỡng viên xinh đẹp thì có khác chi loại chuyện các ông chủ sờ mó “ô-sin” thường được thêu dệt thêm bên vỉa hè sau giờ tan công sở!
Vậy mà J.M.Coetzee lại làm “nên chuyện”, khiến hàng triệu độc giả khắp thế giới tán thưởng. Chính vì J.M.Coetzee đã có biệt tài chọn được tình huống mà con người thời đại nào, dân tộc nào cũng có lúc phải trải qua: đó là bi kịch của con người khi phải sống cô đơn, do cách sống riêng không phù hợp với cộng đồng hay thời đại, do phải “di tản” hay do tuổi tác, bệnh tật… Nói cách khác, đó là bi kịch muôn đời của nhân loại, nên tác phẩm của J.M.Coetzee dễ dàng đến với mọi dân tộc. Trong NC, bi kịch của Rayment không chỉ vì gãy chân - nói cách khác, sự cố gãy chân chỉ là biểu hiện cụ thể của sự xung đột giữa hai lối sống: nhà nhiếp ảnh say mê sưu tầm những bức ảnh cổ ghi dấu những giai đoạn lịch sử bị bỏ quên, chỉ thích đi xe đạp trước những chàng trai khoái phóng xe với tốc độ cao. Tuy vậy, đặt nhân vật trong tình huống gãy chân quá đầu gối, không thể nối khớp mà lại không chịu lắp chân giả, được một nữ điều dưỡng viên - một “người đàn bà, người mẹ tuyệt vời” về mọi phương diện chăm sóc hàng ngày, con người có dịp suy ngẫm về mọi thứ và buộc phải bộc lộ những ham muốn đủ cung bậc về sinh lý và tinh thần. Với khả năng miêu tả tâm lý một cách sâu sắc và tinh tế, mặc dù tác giả không ngại “lột trần” các ý nghĩ thầm kín về bản năng nhục dục (“…có thể cảm thấy mắt ông dõi theo, chị chắc thế, cảm thấy hơi ấm từ ông mơn trớn đùi chị, ngực chị… Nếu nhờ phép mầu nào đó, ông có thể ôm ngay Marijana lúc này…”), nhưng điều đó không làm giảm vẻ đẹp tình yêu chân thật và trong trắng của ông - một tình yêu mà “ông không thể hình dung Chúa đằm thắm hơn ông yêu Marijana vào lúc này”. Cách thể hiện tình yêu trên cả hai mặt rất “người” và rất khéo léo của tác giả đã khiến cho trang sách thêm sức thuyết phục vì sự chân thật và tính nhân bản. Rayment ham muốn được yêu thương đến mức “như một người đàn bà chưa bao giờ sinh hạ một đứa con, đã quá già để làm việc ấy, nay đột nhiên ham muốn mãnh liệt và cấp bách được làm mẹ. Thèm muốn đến mức có thể ăn trộm con người khác, thèm muốn đến điên rồ” nhưng ông cũng tự biết “là không thể được. Như thế là vô liêm sỉ.” Một tình yêu có phần tội nghiệp mà lại đáng tôn trọng.
Sự “cô đơn” và lạc điệu với cộng đồng của gia đình Marijana cũng có tính phổ biến: đó là số phận của những người di tản, phải rời xa quê hương (Ở NC, là từ Croatia chuyển đến Australia). Cả hai vợ chồng đều phải đổi nghề, chịu phận thấp kém, nhưng là một phụ nữ có học, có văn hoá, Marijana đã chịu đựng và vượt qua những thử thách nhiều mặt, là một nhân vật đẹp mà không đơn giản. Chính vì thế mà Rayment, dù biết là không tưởng, vẫn thổ lộ tình yêu của mình, không vì “sắc đẹp” mà là vì sự “hoàn hảo”, “không giống sự thèm muốn” mà “là sự ngưỡng mộ” - những từ ngữ diễn tả thật tinh tế cảm xúc phức tạp của nhân vật.
Khác và “Ruồng bỏ” cái kết thúc khá là có hậu với sự kiện thằng con đam mê “tốc độ” của Marijana bí mật và bất ngờ chế tạo một chiếc xe chuyển động bằng tay quay tặng Rayment khiến chúng ta cảm động và tin rằng lòng tốt của con người vẫn bất chấp những điều phi lý, những nghịch cảnh trong cuộc sống hôm nay. Và có lẽ lòng tốt ấy đã nẩy mầm từ tình yêu chân thật và không vụ lợi của Rayment…/.