Chương 1
Một thực thể quá kiêu ngạo, khi xé xác phơi bày gan ruột bản chất mình ra.
Một lối tự vệ của bản chất kiêu ngạo.
Để làm gì?
Vì quá nhiều khát vọng
Và không đủ thời gian kiểm chứng khát vọng ấy của chính mình hay vay mượn từ người khác.
Có thể cái thời đại nhân vật sống, cho phép người ta tiếp cận sự hiện hữu của mình, bằng những kinh nghiệm đọc hoặc tiêu hóa tinh thần đến mức hoàn hảo.
Tốt thôi. Nhào nặn lại thành một tiến hóa khác. Chỉ có điều: không dấu được nỗi kiêu ngạo tự yêu bản thân quá đỗi.
Chương 2
Vẫn cái thực thể kiêu ngạo đấy, nhưng nguyên nhân nỗi đau hé mở : nó không có cảm giác được sở hữu bất kỳ cái gì, kể cả bản thân mình.
Vì nếu có cảm giác sở hữu bản thân, ít nhất lòng kiêu hãnh xuất hiện.
Nguyên nhân sâu xa có thể là đây: con cá xa lạ với chính bầu nước nó đang sống trong đó. Cho dù bầu nước này chẳng hề bận lòng, nhưng con cá không thể bình yên, nó nhận ra sự thua thiệt của mình: thiếu hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc tự thân ngay khi sinh ra đời, hay nói cách khác: lòng yêu thương với kẻ bên cạnh.
Bởi niềm hạnh phúc được sự kiêu ngạo rất trí tuệ này định nghĩa:
Hạnh phúc như có điều gì không nắm bắt được. Cứ mãi mãi phải chinh phục, sáng tạo. Ngay lúc nó hiện thực nó liền tan biến trong khoảng trống lạ lùng xâm chiếm xác thể khi ham muốn đã rút đi. Niềm hạnh phúc trọn vẹn luôn luôn có dư vị chết chóc. Sa lầy trong hạnh phúc, người sung sướng ao ước nỗi thèm khát thăm thẳm mà nó không là nữa. Người đau khổ dường như sở hữu nỗi đau của mình như tấm gương tự tại.
Thực thể kiêu ngạo này đã tìm ra bản chất của cuộc đời, từ định nghĩa về hạnh phúc: một quá trình khổ đau sống không mệt mỏi, tìm cho được phút nghỉ ngơi hài lòng, trước khi hình hài vật chất biến mất - Thành tích sống thu được: cháy hết mình như một que diêm
Chương 3
Nhân vật kiêu ngạo này đã hé lộ một khao khát: được nắm bắt một cái gì đó, ngay từ thời thơ ấu.
Thay cho một vật cụ thể, chỉ nắm bắt được một cảm giác, cảm giác ghê tởm sự bình thản của sự vật và người đời quanh mình.
Cảm giác này lớn đến mức, trở thành nỗi suy xét cho tất cả những gì xung quanh, có liên quan đến mình và mình cần đến, kể cả những nhu cầu thiết yếu.
Đấy là kết quả của nỗi mong đợi Ý NGHĨA của sự sống, với một góc độ nhìn phải nói là dã man: lạnh lùng, không khoan nhượng mà mổ xẻ đến tận chân tơ kẽ tóc.
Để làm gì?
Nếu hiện tại soi sáng quá khứ và tương lai tạo cớ cho hiện tại, nếu người đời mãi mãi vô thức lướt trên im lặng không đo đếm được và qua đó tạo thời gian một cuộc sống, thì lúc tương lai đã chết ngay trước khi hiện sinh, hiện tại chỉ là hố phập phồng này trong lồng ngực nó, nỗi thèm la hét lạ lùng này, sự tan rã sống của chính mình.
Ý nghĩa của sự sống này chỉ có trong sáng tạo : lặp lại ngay sự sống mà nhân vật đang đau đớn vì nó. Đây là kết quả đối nghịch của sự gắn bó lớn nhất với đời.
Chương 4
Nỗi bí ẩn hé mở tiếp : tuổi thơ chính là những biến động thời thế, gộp với cá tính trời sinh, tạo thành một khoảng trống mất mát không bao giờ được bồi đắp, con mắt trẻ thơ bị thay thế ngay từ khi chưa mở hết cỡ, và để lại ham muốn dập vùi tất cả, mà trước tiên là dập vùi bản thân mình, vì lý do duy nhất: không thể nhìn hiện thực đẹp hơn bản thân nó.
Đây là một đặc thù cá tính của những tính cách có chất anh hùng ca, kiểu gì cũng cần tìm đến sự hy sinh như một khả năng hành động, cho dù có hai hướng thoát: hoặc thành nạn nhân, hoặc trở thành kẻ sáng tạo trong cái tái tạo cá nhân anh hùng.
Chương 5
Có lẽ từ đầu câu chuyện đến chương này mới hiện ra cái cụ thể, cái có thực, nhưng đồng thời không hề thực, vì nó chỉ thực ở kiếp sống thân xác.
Linh hồn con người vẫn bị đầy đọa y nguyên như thế.
Đáng lẽ thể xác sinh ra, để linh hồn có công cụ thực hiện mơ ước của nó, vậy mà ngược lại, cuộc đời trần tục lôi cả thể xác lẫn linh hồn xuống bùn.
Giá phải trả cho một kiếp người chăng?
Không đúng, vì không có giá của một sự bất hạnh, chỉ có thể là giá trả cho sự tiến hóa tiếp tục của linh hồn, trong vòng quay trọn vẹn cùng vũ trụ, vì:
Người ta chỉ có thể nhại nỗi đau của người khác, không bao giờ sẻ chia được.
Chương 6
Một chương logic của sự sống.
Nếu con người vừa ra đời đã mau chóng hiểu hết tất cả mọi ý nghĩa việc làm của mình, họ sẽ trở thành các vị thánh.
Chỉ nguyên việc: con người vừa rón rén, vừa sầu não, vừa ân hận, vừa tò mò, vừa háo hứng sống, không cần biết ngày mai sẽ ra sao, trong nguyên việc đó, lòng dũng cảm của họ đã ngang bằng với các vị thánh
Vì thánh chỉ hơn người ở một điểm, cuối cùng đời vui hay buồn, sẽ có một ngày ta giơ tay vẫy vẫy chào vĩnh biệt đời, nhưng thánh vẫn còn lại sừng sững…
Nhân vật của cuốn truyện tất yếu phải hy sinh, như bản chất anh hùng ca nào đấy trong tính cách con người, chính vì sự kiêu ngạo, nhưng thật lạ, sự kiêu ngạo này của y, đồng thời là một biểu hiện khác của nỗi vô tư với đời.
Chương 7
Linh hồn cô đơn của một cá nhân duy nhất, không giống bất kỳ ai trong vũ trụ đòi được rỉ máu.
Ai cấm ?
Nhưng hình hài con người, nhắc nhở linh hồn vũ trụ đến với thân phận con người để hy sinh.
Hãy hy sinh đi, chưa đủ đâu!
Để một ngày trước khi tan rã, chính cái hình hài một thuở ấy sẽ nói: tha lỗi cho tôi, linh hồn, tôi đã quá ích kỷ, linh hồn ơi, hãy bay lên không gian cao vút và giải thoát đi!
Chương 8
Vào một ngày vũ trụ sẽ cho ta biết: mi là ai, vào hình hài con người để làm gì?
Với một điều kiện duy nhất, ta vẫn còn có khả năng nhận biết và nghe thấy âm thanh của vũ trụ.
Dường như nhân vật kiêu ngạo của câu chuyện này chỉ không kiêu ngạo khi nhắc đến từ: Yêu
Chương 9
Nhân vật của câu chuyện tỉnh táo nhất khi chính nó ghê tởm sự tỉnh táo ấy.
Tại sao vậy?
Quẫy đạp, tàn phá, dãy dụa.
Và điều cơ bản: một mình.
Bởi vậy hết tỉnh thế nào được?
Chương 10
Đây là một cá tính hết sức đặc thù,
có lẽ bởi sự trộn lẫn của các nền văn hóa quá sâu đậm, cùng sự chân thành nguyên thủy của nhân vật, tạo nên những tư tưởng chắc chắn chẳng ”giống ai”-
nhưng biết đâu, đấy chính là điểm thiếu hụt, của một nhân cách không được xã hội hóa theo nghĩa thông thường nhất: có thể sống trộn lẫn với đời.
Dù sao, bàn tay của tạo hóa bao giờ cũng rất „thiêng”: không thể có logic diễn biến khác, cách này hoặc cách nọ, con người vẫn phải tự bộc lộ mình ra.
Đến chương này ta có thể nhận ra: một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất nhưng cũng là điều ưu ái lớn nhất của nhân vật : trung thành với chính bản thân mình.
Chương 11- 12
Hai chương này có lẽ toát lên nhiều nhất tính chất „sinh vật xã hội” của nhân vật : cho dù cá nhân có thông thái, quyết đoán đến đâu, ảnh hưởng của môi trường sống vẫn quyết định nó:
chỉ khi ta hạnh phúc và mạnh mẽ ta mới có khả năng bỏ những người ta yêu.
Khi CHẾT RỒI ta sẽ mạnh mẽ và hạnh phúc!
Dường như để bù lại những triết lý ”hiện sinh” lạnh lùng (ví dụ : quan niệm về tình yêu) cốt lõi bản chất của nhân vật bỗng đột ngột hé mở:
Em cần cho tất cả, tất tật.
Một nỗi đau vô hình, len lỏi vào tim người đọc ngay từ những trang đầu của cuốn truyện, bất chấp sự ngạo mạn che dấu tính cách của nhân vật, đến đây bắt đầu được giải mã.
Con người bị dồn đến chân tường của sự trốn chạy, bất chợt dừng lại và vuốt ve cái lồng sắt nhốt, thít chặt y vào trong đó: Em cần cho tất cả, tất tật.
Không còn con đường nào khác.
Âm hưởng của cuốn truyện bỗng dịu xuống, vì nỗi đau thông hiểu của người đọc khiến họ bắt đầu hòa nhập với tâm trạng nhân vật.
Chương 13
Giọt nước mắt mặn nhất sẽ là giọt nước mắt rỏ xuống xác của người mình yêu.
Chương sách này giống những giọt nước mắt cứ chực trào ra trên khóe mắt, rồi lại lăn vào trong tim.
Con người biết mình không thể làm khác ngoài việc: can đảm sống, quyết đoán để giữ vững mình là mình.
Cho dù quá khứ, hiện tại, cùng tương lai, đều chỉ là những suy tưởng thật sự trong tâm thức, cuộc sống bên ngoài với các cá nhân khác, chỉ là môi trường thử thách thứ tâm thức trời sinh mà thôi.
Chương 14
Cái gì cứu vớt nhân vật của chúng ta?
sáng tạo cái mới trong sự lặp đi lặp lại cũ mèm của đời sống hàng ngày.
Nhân vật sống sót vì niềm vui tìm thấy trong khám phá công việc, niềm vui tìm thấy nỗi an ủi tự thân :
Và khi ta đọc lại định trình của chính ta, đúng là ta nói chuyện với chính mình, đúng là ta tìm lại chính mình, nguyên vẹn, tinh khiết, không thể biến dạng méo mó, đúng như ta tự hiện thân khi chữ nghĩa tạc tượng ta.
Nhưng có thật đây là cấu trúc chân chính cho một mô hình sống có tên gọi: NGƯỜI hay không?
Không,
Nhân vật EM trong cuốn truyện này, vừa là nỗi mồ côi bẩm sinh, là thiếu vắng nửa phần tồn tại, là một trong những nguyên nhân đau của nhân vật: tình yêu ; vừa là bản thân cái môi trường sống khiến nhân vật căm thù, ghê tởm và thèm khát chinh phục.
Bởi khát vọng duy nhất khiến nhân vật đau và làm đau luôn cả người đọc: khát vọng hòa nhập.
Hòa nhập với sự sống sinh ra mình và mình có nghĩa vụ trả ơn nó.
Bằng cách nào?
Phải Yêu.
Chương 15
Đọc chương này, người ta sẽ tự hỏi: đức tin của nhân vật ở đâu? Phải có và nhìn thấy ở đâu đó chứ?
Chỉ ở bản thân nhân vật với chính nó.
Chua chát thật!
Thân phận và thời đại tạo nên chăng?
Thân phận dân Việt và thời đại của nó là những cuộc chiến tranh liên miên.
Chương 16 - 17
Trong hai chương sách này, nhân vật bất chợt làm người đọc cảm thấy vui vui - niềm vui đầu tiên hiện ra sau ngần ấy trang sách nghẹn thở đau buồn tuyệt vọng ngơ ngác.
Niềm vui gì thế?
Con người - dù giãy giụa, khổ sở, thảm hại đến mức nào vẫn cứ là một thực thể sống động, vẫn cứ là một mảnh vỡ của thiên nhiên…
Bởi vậy đôi khi từ nó bừng lên sự duyên dáng, sức quyến rũ, nét trẻ thơ, nỗi đáng yêu không tài nào dấu nổi: đấy chính là sức sống của một đời người. Nhân vật đột nhiên thể hiện những nét đáng yêu bất ngờ của cá tính trẻ trung, hài hước dấu sau sự tự chế giễu không thương xót bản thân, thói quen ngắm nghía, phát hiện vẻ đẹp của thiên nhiên trong những so sánh duyên dáng bẩm sinh...
Bởi vậy vô ích cảm nhận mình cô đơn, là kẻ di dân cô độc, là kẻ thiếu vắng tình yêu,
nhân vật đột nhiên làm người đọc nhận ra, cùng chia xẻ một niềm vui tự tại duy nhất, bỗng hiển hiện từ con người y: niềm vui tự do-
kết quả cuối cùng, từ từ định hình từ một cuộc đời cô đơn.
Niềm vui tự do của một kẻ, cuối cùng không chỉ ý thức, mà còn hiểu thấu đáo, và đủ khả năng sống cho ra hồn một cách nào đấy, mẩu đời sống của mình.
Ngôn ngữ đôi khi bất lực trước việc diễn tả một nhận thức, để tất cả mọi người có thể hiểu như nhau điều nó định diễn tả.
Bởi có thể chỉ với tôi, một trong nhiều người đọc cuốn truyện này, có thể chỉ tôi nhận ra từ chương sách này, niềm vui tự tại đang xuất hiện của nhân vật chính, thông qua mọi diễn biến logic nội tâm của nhân vật.
Một kết thúc có hậu hay chỉ là tất yếu? Tùy bạn đọc cảm nhận.
Truyện dài Một mối tình ngụ cư của Phan Huy Đường giống như một thứ quả lạ. Vì tò mò người ta thưởng thức, sau đó vì sự khác lạ mùi vị của nó, người ta bắt buộc trầm ngâm suy tư, nghiền ngẫm, rồi bất chợt, người ta nhận ra, mình đã tiêu hóa nó tự lúc nào.
Bởi đời sống con người gồm vô tận những khả năng sống, chỉ con người mới hiểu, chấp nhận và tiêu hóa nổi những khả năng sống đó, một cách vô thức hay ý thức. Nhiệm vụ của nhà văn, là khám phá ra nguồn khả năng sống vô tận này, như những ưu đãi khác biệt của vũ trụ dành cho loài người.
Cuốn truyện hấp dẫn người đọc bởi văn phong đặc biệt chân thực của một cá tính chân thực, tạo ra sức cuốn hút tự nhiên vào những nỗi đau rất người, vào những vui buồn, chua chát đời thường, và đặc biệt làm người đọc trân trọng tầm trí tuệ sâu rộng của người viết, khi đánh giá sự vật, con người, xã hội cùng các mối quan hệ của nó từ các góc độ khác nhau. /.
(2009-08-12)