Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.153.236
 
Chuyện Quê tôi
Phan Thế Hải

(Tặng bà conYên Thành)

 

1- Chu văn Ích

Cạnh nhà tôi có cậu Ích, sở dĩ gọi bằng cậu là vì ông cùng họ Chu với mẹ tôi. Ở quê vẫn vậy, giây mơ rễ má thế nào cũng có họ. Nếu là họ nội thì gọi bằng chú, bằng bác. Nếu là họ ngoại thì gọi bằng cậu. Tính theo huyết thống thì phải bắn vài tầm đại bác mới tới, nhưng cứ gọi thế cho nó gần. Cậu hơn tôi khoảng 16 hay 17 tuổi gì đó.

Khi tôi lên 4 thì cậu đã đi bộ đội. Mà là bộ đội không quân hẳn hoi. Hồi đó, cậu đang học cấp 3, người ta về tận trường tuyển dụng. Trong số hàng trăm học sinh tham gia thi tuyển, chỉ trúng có vài người. Tin cậu trúng tuyển không quân được dân làng kể đi kể lại hàng chục năm sau vẫn chưa hết nóng hổi. Hình ảnh cậu chiếm một khoảng lớn trong ký ức tuổi thơ của tôi.

Theo lời mẹ tôi kể, tôi sinh ngày 28 tháng 11, năm Mậu Tuất, vào lúc chạng vạng chiều. Sau này biết lịch trăm năm, tra theo ngày dương đúng vào ngày 7 tháng 1 năm 1959. Các cụ nhớ là vậy, chớ ghi chép theo văn tự thì không. Sau này đi học, khai theo ngẫu nhiên là ngày 10 tháng 7 năm 1959. Tôi kém anh cả tôi đúng 1 tuổi rưỡi. Hai anh em sát liền nhau, đi đâu cũng có nhau, nhưng tính cách thì dường như núi với biển. Có lẽ đó là do cách đặt tên của cha tôi, anh cả tôi tên Sơn, còn tôi tên Hải.

Anh tôi khỏe mạnh, siêng năng, hiếu động, còn tôi thì dặt dẹo, ốm yếu hay suy tư. Duy chỉ có điều giống nhau là chúng tôi đều dễ nuôi, ăn gì cũng được, tuổi thơ thường có cảm giác đói triền miên. Phải chăng do hoàn cảnh lúc đó, ăn ngày hai bữa đủ no là ước mơ cháy bỏng của mỗi người dân xứ Nghệ. Với gia đình tôi, do còn đàn, việc lo đủ ăn lại càng là chuyện đại sự.

Cũng may, vào thời đó, khi mà cuộc chiến tranh chống Mỹ bắt đầu, nghèo đói được coi là một tiêu chí của đạo đức, tiêu chí của sự trong sạch, tiêu chí của niềm kiêu hãnh. Giai cấp vô sản mà! Đó là giai cấp tiên phong, giai cấp lãnh đạo xã hội, giai cấp tiên tiến nhất.

Nếu ai đó lỡ bị quy kết là trung nông hay địa chủ là một sự hổ thẹn. Không hài lòng với nhau, ghét nhau hay thù hận nhau, chỉ cần khép vào tội “địa chủ” hay “bóc lột” là một sự xúc phạm lớn có thể dẫn đến đánh nhau to, cạch mặt nhau ba đời không thèm nhìn. Tôn thờ cái nghèo vậy thôi nhưng nếu ai đó được một bữa ăn no thì hạnh phúc lắm. Đó là chưa nói đến miếng ăn ngon, thậm chí chỉ là lạ thôi cũng là câu chuyện kể đi kể lại hàng chục lần không chán.

Một lần cậu Ích được về phép, cả xóm như có hội. Nhất là đám trẻ con như bọn tôi. Cậu mặc bộ đồ xanh Tô châu sáng quoắc. Dáng cậu cao lớn, mũi cao, thanh tú như một chàng hoàng tử mà tôi đã có lần xem trong phim ảnh.

Điều đáng nhớ nhất là khi đám trẻ con chạy theo cậu về nhà. Đặt ba lô xuống, cậu lục dưới đáy ra lấy gói kẹo có túi bóng và những hàng chữ Trung quốc. Cậu bóc ra, chia cho đám trẻ nhỏ. Cùng với bọn con Dung, con Anh (con ông Thành, anh trai cậu Ích) anh em chúng tôi cũng được mỗi người một chiếc.

Anh em tôi hý hửng mang về mà chưa chịu ăn. Cầm chiếc kẹo lên ngắm nghía như ngắm một kiệt tác nghệ thuật. Đến chiều, sau nhiều lần kiềm chế không nổi, chúng tôi mới chịu bóc ra. Thoạt đầu chỉ mút rồi nuốt cái ực, rồi sau đó mới bỏ cả vào miệng. Chao ôi đó là lần đầu tiên trong đời, tôi mới được biết đến vị ngọt của đường, vị ngậy của sữa, vị thơm của hương liệu.

Đã không ít lần, mỗi khi nhớ đến ký ức tuổi thơ, tôi vẫn không thể quên được cảm giác được thưởng thức món kẹo lúc ấy. Đó là cảm giác mà hằng đêm, trong mỗi giấc mơ tôi đều thấy nó hiện về như một sự ban tặng của thượng đế với một đứa trẻ sinh ra vào thời điểm khốn khó của đất nước.

 

2- Chu văn Ích2

Sau một thời gian huấn luyện không quân, sắp sửa tốt nghiệp thì ông cố Thành ốm nặng, cậu Ích phải về chăm ông. Cố thành bị tai biến, phải mổ. Hồi đó cố chưa đầy 60, để cứu sống phải tiếp máu, cậu Ích là người cho máu. Lần đó, dẫu được tiếp máu nhưng cố Thành không qua nổi, còn cậu Ích trở lại đơn vị sức khỏe suy sụp trông thấy.

Vì lý do đó, đợt kiểm tra cuối cùng trước khi vào nghề bay, cậu Ích bị loại.

Sau đó cậu được chuyển sang binh chủng thiết giáp, làm giáo viên ở trường 500 tận Vĩnh Yên. Năm 1975, anh Sơn nhập ngũ, thành lính tăng, được học ở trường 500, trở thành học trò của cậu. Hè năm 1978, từ trường Hàng hải về Hà Nội, tôi lên trên đó thăm anh Sơn, gặp cậu Ích, lúc đó cậu hỏi han tình hình rồi pha cho tôi một cốc sữa bột, loại sữa nhập từ Liên Xô, sau khi pha với nước sôi để nguội vẫn còn vón thành cục như bột mì, vừa uống sữa vừa nhai nhưng vẫn sướng.

Giờ đây, khi trên sạp của các cửa hàng tạp hóa xuất hiện hàng trăm loại sữa, nội ngoại đủ cả, thậm chí với một đứa trẻ con bình dân vẫn có quyền chọn loại sữa nào, mùi vị gì thì mới dùng, còn hồi đó, việc được mua sữa bột của Liên Xô đã chứng minh một thang bậc quan trọng của ngạch sỹ quan. Sau lần đó tôi phục cậu sát đất và vẫn coi cậu là thần tượng.

Cậu Ích làm giáo viên, tham gia giảng dạy, tham gia viết bài cho các tạp chí quân sự, nhưng vợ con thì vẫn ở Vinh. Ở Vĩnh Yên một thời gian, cậu xin chuyển về Vinh, hình như thuộc Quân khu 4. Khoảng năm 2000 gì đó, cậu về hưu với quân hàm đại tá, đây là cấp bậc cao nhất ở quân đội mà chưa có người Yên Thành nào vượt qua được. Tôi là hàng xóm của cậu, lại gắn với những kỷ niệm khó quên thời ấu thơ nhưng từ hồi đó đến giờ, tôi chỉ gặp cậu có vài ba lần gì đó, lần nào cũng chỉ gặp qua, chào hỏi dăm ba câu rồi ai bận việc người nấy.

Khác với cậu Ích, cậu Lâm, em ruột cậu Ích, tuy ích kỷ niệm thời ấu thơ hơn, nhưng tôi lại có dịp gặp thường xuyên hơn. Học hết phổ thông, cậu Lâm được đi du học ở Trung Quốc, sang đó được 1 năm thì các đồng chí bên đó phát động đại cách mạng văn hóa, cùng với các lưu học sinh khác, cậu Lâm về nước học Đại học Thủy Lợi, tốt nghiệp, cậu được phân công vào Nam, đi hết công trường nọ, công trường kia rồi về làm ở Công ty xây dựng thủy lợi 24. Năm 1994, cậu trở thành giám đốc của công ty này.

Thỉnh thoảng có việc vào Vinh công tác, tôi có dịp tạt qua đó, vừa thăm hỏi cậu, vừa lấy thông tin cho tác nghiệp của mình. Mỗi lần như thế đều được cậu tiếp đón ân cần, ra về còn cho quà. Sau 15 năm làm giám đốc, năm 2008 cậu chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cũng nhờ uy tín của cậu, bà con hàng xóm người Yên Thành vào đó đều được cậu giúp đỡ hoặc việc này việc nọ. Có người là việc làm, việc học hành, có người chỉ là những lời khuyên… nhưng quan trọng hơn, họ thấy ở cậu là một tấm gương về sự vươn lên để rồi có cơ hội giúp đỡ người khác.

Cùng anh em ở chỗ ông Thành còn có ông Hoạch, ông Hoạch là chú họ của ông Ích, ông Hoạch con nhà nghèo, học hết lớp 7, ông thoát ly, làm công nhân rồi tham gia bình dân học vụ, học tiếp đại học tại chức rồi trở thành giám đốc một công ty trong ngành hóa chất. Năm 1977, khi tôi đi thi đại học trở về, cậu sang nhà hỏi tôi: bài vở mần ra răng? tôi nói về các bài thi ba môn toán, lý, hóa, nghe xong, cậu bảo: độ, độ, rứa là độ… Tôi nghe vậy nhưng cũng không chú tâm lắm, quả đúng như cậu nói, năm đó tôi đỗ vào ĐH Hàng hải, một trường vào loại danh giá nhất thời bấy giờ.

Con gái lớn của ông Thành là con Dung, lấy anh Nguyễn Thế Trung, hồi đầu anh Trung là cán bộ ở trạm giống, có cơ sở ươm giống ở Hoa Thành. Hồi đó, người ta thấy anh Trung cũng xắn quần lội ruộng, cũng nhổ mạ, cũng bón phân chẳng khác nào nông dân như chúng tôi. Sau đó anh lên huyện, lên tỉnh rồi sau này trở thành ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy.

Giờ đây, được gặp bà tỉnh trưởng, nghĩ thấy choáng nhưng thực ra, thời thơ ấu, bọn con Dung con Anh đều giống tôi, chúng tôi đều đi chân đất, đi vặt ổi xanh và đã từng được cậu Ích cho mỗi đứa một cái kẹo Trung Quốc như là một kiệt tác ẩm thực đầu đời mà bọn tôi được thưởng thức./.

Phan Thế Hải
Số lần đọc: 2077
Ngày đăng: 22.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
4 truyện ngăn ngắn - Nguyễn Tam Phù Sa
Giọt máu đào - Nodar Dumbadze
Người Đàn Bà, Chuột & Mèo - Trương Lệ Hằng
Một câu chuyện về hạnh phúc - Vasily Grossman
Nhận giải thưởng - Khôi Vũ
Giữa bọn buôn người - Phan Đức Nam
Người hành nghề đao phủ - Đỗ Ngọc Thạch
Những người già trong làng - Nguyễn Anh Thế
Hoa cỏ may - Huỳnh Văn Úc
Chiếc bóng trên tường - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Chuyện Quê tôi (truyện ngắn)
Củ khoai Hồng Lục (truyện ngắn)
6- Hồng Quang1 (truyện ngắn)
16- Phan Sỹ Minh 2 (truyện ngắn)