Nói theo kiểu Từ điển Việt Nam, Viện Ngôn ngữ hoc, NXB Đà Nẵng 2005, lang bạt : “sống nay đây mai đó, ở những nơi xa lạ. Cuộc đời lang bạt, đi lang bạt để kiếm ăn; còn lang bạt kỳ hồ như lang bạt, nhưng nghĩa mạnh hơn”. Vậy là, suy diễn rộng dài ra, hoặc là tưởng tượng mông lung miên viễn , thì cố xứ của ta lúc bấy giờ, hiện trạng lúc đua chen là viễn vông, viễn tượng, viễn ảnh, không nơi chốn của tâm thức vượn người; cái tự ngã của ta biến mất ?
Nói theo kiểu cố thi sĩ, trung niên thi sĩ kì dị, đa đoan Bùi Giáng (thì tôi cứ tưởng vậy, xem như vậy, vơ vào vậy ! ) là: “ cỏ hoa hồn du mục/ nghe trời đổ lộn nguyên khê/tiếng vang rụng rớt gieo về động xanh/ gót chân khơi rộng bóng cành/ nhịp vang dầu núi vọng thành luỹ xiêu/ thời gian chắn bước bên chiều/ khóc sông bến lạ mưa nhiều sớm xuân/ cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng/ hồndu mục cũ xa gần hử em”. Tức là nghe trong trời dất một sự đổ vỡ liên miên,liên tục, vắt dòng, xuống nhịp trèo non. Tất thảy nói lên rằng, tất thảy dường như vô thường trường cửu biến dịch, không chịu nổi cái cũ kỹ buồn thỉu buồn thiu, mà phải, ắt phải dấn thân vào chốn mơn mởn đìu hiu, xanh biếc cô liêu ?. Ngủ yên bến lá cỏ chiều/ quên cây bóng xế quên triều biển ru/ duỗi thân thể muối sương mù/ dung nhan sầu khổ bây giờ bỏ đi/ niềm chung với nỗi riêng gì/ linh hồn xiêm mỏng không vì mây bay (ngủ yên- Bùi Giáng).
Nói theo kiểu cố Nhạc sĩ thiên tài bất định Trịnh Công Sơn là: “ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về/ gọi hồn liễu rũ lê thê/ gọi bờ cát trắng đêm khuya/ ngày mai em đi/ đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/ sởi đá trông em từng giờ/ nghe buồn nhịp chân bơ vơ/ ngày mai em đi/ biển nhớ em quay về nguồn/ gọi trùng dương gió ngập hồn/ bàn tay chắn gió mưa sang/ ngày mai em đi/ thành phố mắt đêm đèn mờ/ hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn/ nghe ngoài biển động buồn hơn”. Thấy gì thấy gì một cuộc ra đi đơn thương độc mã .Ra đi đi xa những cũ mềm luyến nhớ để trở về tao phùng với dằn vặt quằn quại tử biệt sinh ly. Tiếng nhạc não nùng chăng ? thê thiết chăng ? tin yêu chăng ? hy vọng chăng ? để hồi âm ngơ ngẩn ngẩn ngơ. Tiếng nhạc buông chùng lơi lả lả lơi để đôi chân rắn rỏi theo tiếng vọng của tâm tưởng mơ hồ phiêu hốt ?
Nói theo kiểu điên dại của tôi, dại khờ ngu ngơ ngớ ngẩn, đó là : Kỳ hồ lang lạt, thưa em/ lại thêm lang bạt lại thêm kỳ hồ/ năm này tết nhứt rồi sao ?/ năm nào tết đến năm nào tết đi ?/ tuổi mình tính rỉ tính ri/ tuổi rồng tuổi rắn tuổi dì tuổi cô/ hỏi ra lang bạt kỳ hồ/ lại thêm lang bạt kỳ hồ lại thêm/ chân dài tóc bụi hoa niên/ ngó ra xuân đã kề bên chân tường/ cánh cò dõi bóng quê hương/ trời xanh ai nhắn mùa màng thắm sâu/ hỏi sương ;bạn cũ năm nào ?/ chỉ nghe nước chảy giá cầu tương tư. căn bệnh trầm kha của họ “Thi” với những mảnh vụn của kí ức, thời gian và bất chợt tương tư thức muộn. Trường sinh ly còn lẫn quất đó đây trong lục bát lang bạt tái tê. Rồi có hạnh ngộ được chăng với biển đời mà trăm sông dòm ngó. mặc kệ đi chăng ? u sầu thế ? yếu đuối thê ? hãy nhìn xem, hãy nghe ra : “ Xuân khứ bách hoa lạc/ xuân đáo bách hoa khai/ sư trục nhãn tiền quá/ lão tùng đầu thượng lai/ mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Mãn Giác Thiền sư) (Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười/ trước mắt việc đi mãi/ trên đầu già đến rồi/ chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ đêm qua sân trước một cành mai)./.