Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.115
123.144.841
 
Nguyễn Thái Học "Chết vì tổ quốc, chết vinh quang"
Lê Ngọc Trác

Mourir pour sa patrie

C'est le sort le plus beau

Le plus digne...

d'en vie...

(Chết vì tổ quốc

Chết vinh quang

Lòng ta sung sướng

Trí ta nhẹ nhàng...)

 

Bốn câu thơ bằng tiếng Pháp trên là của Nguyễn Thái Học đọc tại pháp trường trước khi bị Pháp xử chém vào ngày 17 tháng 6 năm 1930. Nội dung bài thơ nói lên lòng tự hào được vinh dự làm người cống hiến, hy sinh cho đất nước và dân tộc, thể hiện thần thái của người tử tù hiên ngang đón nhận cái chết trước mặt kẻ thù.

 

Nguyễn Thái Học sinh năm 1901 tại làng Phổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Lúc còn trẻ, Nguyễn Thái Học theo học trường cao đẳng sư phạm và cao đẳng thương mại Đông Dương ở Hà Nội. Nguyễn Thái Học là một trong những người thành lập đảng Quốc Dân Đảng Việt Nam. Trong những năm 20 của thế kỷ 20, trên đất nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức chính trị với mục tiêu là chống Pháp, giải phóng dân tộc. Việt Nam Quốc Dân Đảng là một trong những tổ chức chính trị tiêu biểu theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Tiền thân của đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng là nhóm Nam Đồng Thư xã do Phạm Tuấn Tài thành lập tại Hà Nội. Nam Đồng Thư xã là cơ quan xuất bản những sách báo yêu nước thời bấy giờ, nhằm khích lệ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc trong nhân dân. Đây cũng là nơi gặp gỡ của lớp thanh niên trí thức yêu nước có tinh thần chống Pháp, giải phóng dân tộc. Ngày 25 tháng 12 năm 1927 thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và Nguyễn Thái Học được cử làm đảng trưởng. Khi mới thành lập, Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa đề ra được một đường lối chính trị rõ ràng. Trong hơn 3 năm thành lập, đảng này đã thay đổi nhiều lần chính cương và điều lệ. Khi mới thành lập, đảng đề ra mục đích: "Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới". Đến tháng 7 năm 1928, Quốc Dân Đảng xác định tôn chỉ là: "Chủ nghĩa xã hội dân chủ". Đến năm 1929, thay bằng ba nguyên tắc tư tưởng giống như cuộc cách mạng tư sản Pháp: "Tự do, bình đẳng, bác ái". Đến năm 1930, lại mô phỏng theo cương lĩnh của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, lấy chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên làm cương lĩnh mục đích chính trị. Thành phần tham gia chủ yếu của Việt Nam Quốc Dân Đảng là trí thức, viên chức, học sinh, thân hào nhân sĩ và binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Sau một thời gian tổ chức bí mật, đến đầu năm 1929, Quốc Dân Đảng đề ra chủ trương ám sát, khủng bố để kích động phong trào cách mạng. Sau khi Bazin - một trùm mộ phu người Pháp bị ám sát, thực dân Pháp tập trung triển khai kế hoạch khủng bố, bắt cầm tù những người yêu nước. Hàng loạt đảng viên và quần chúng có cảm tình với đảng bị bắt. Nhiều cơ sở tổ chức của đảng hầu như bị phá vỡ. Việt Nam Quốc Dân Đảng đang bị Pháp truy lùng ráo riết. Trước tình thế nguy cấp, ngày 17 tháng 09 năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng mở hội nghị tại Lạc Đạo (Hải Dương) vội vàng chủ trương khởi nghĩa vào ngày 10 tháng 02 năm 1930 bằng cách tấn công vào các trại lính và cơ sở quân sự của Pháp ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Hải Dương, Kiến An... Nhưng do Pháp kiểm soát gắt gao, thời điểm khởi nghĩa của các địa phương không thể nổ ra cùng một lúc. Nguyễn Khắc Nhu chỉ đạo khởi nghĩa ở Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái... Nguyễn Thái Học chỉ đạo khởi nghĩa ở Hải Phòng, Hải Dương, Kiến An. Đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, khởi nghĩa tại Yên Bái. Nhưng đến sáng ngày 10 tháng 02 năm 1930, Pháp tập trung lực lượng phản công. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Trong vòng một tuần lễ, cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác cũng bị thất bại nặng nề.

 

Ngày 20 tháng 02 năm 1930, Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí của ông bị Pháp bắt tại làng Cổ Vịt, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Khi Nguyễn Thái Học bị bắt, tổng đốc Hoàng Trọng Phu (con của Hoàng Cao Khải), tay sai khét tiếng của Pháp đã mỉa mai hỏi Nguyễn Thái Học: "Sao lúc ở Cổ Vịt, thầy sẵn khí giới trong tay, thầy không giết bọn tuần phiên mà lại chịu bị bắt?". Nguyễn Thái Học đã thẳng thắn trả lời tên tay sai của thực dân Pháp: "Khí giới trong tay tôi là để giết bọn tham quan ô lại, bán nước hại dân, nỡ nào tôi lại giết những người vô tội?".

 

 

 

Trước sự thất bại cay đắng của cuộc khởi nghĩa, nhiều nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Quốc Dân đảng bị giặc bắt, chuẩn bị nhận bản án tử hình, Nguyễn Thái Học vẫn bình thản phát biểu thể hiện chí hướng của mình: "Không thành công thì cũng thành nhân".

 

Ngày 17 tháng 06 năm 1930, mười ba yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng gồm: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Đào Văn Nhật, Nguyễn Văn Tiềm, Hà Văn Lao, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Ngô Văn Du và Đỗ Văn Tú đều bị Pháp xử chém tại Yên Bái. Nguyễn Thái Học là người bị xử chém cuối cùng.

 

Khi nói đến nhân vật lịch sử Nguyễn Thái Học, người đời thường nhắc đến Nguyễn Thị Giang, người đồng chí và vị hôn thê của Nguyễn Thái Học. Nguyễn Thị Giang – người đời thường gọi là Cô Giang, bà sinh vào khoảng năm 1903 (?), quê tại Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Nguyễn Thị Giang là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng thuộc chi bộ Bắc Giang. Cô Giang còn có hai người em là Nguyễn Thị Bắc (Cô Bắc) và Nguyễn Tĩnh đều tham gia Quốc Dân đảng. Năm 1929, cô gặp Nguyễn Thái Học rồi hai người yêu nhau, trở thành người thân tín của Nguyễn Thái Học. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông bị Pháp giết tại Yên Bái. Cô Giang đã đến tận pháp trường để chứng kiến cái chết anh dũng của hôn phu và các đồng chí của mình. Ngay sau khi Nguyễn Thái Học lên máy chém, Cô Giang về nhà trọ, viết hai bức thư gởi cho song thân và gởi cho hương hồn Nguyễn Thái Học. Bức thư gởi hương hồn Nguyễn Thái Học, Cô Giang viết: "Anh đã là người yêu nước, không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy linh hồn cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh rèn súng đánh đuổi quân thù... Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống phải phấn đấu thay anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ...".

 

Khởi nghĩa thất bại. Trước nguy cơ tan rã, phân hóa trong nội bộ đảng, cộng với nỗi đau mất người yêu, người đồng chí thân thương, Nguyễn Thị Giang chỉ muốn tìm đến cái chết thể hiện tấm lòng chung thủy của mình đối với Nguyễn Thái Học, Cô Giang trở về làng Đông Vệ, một làng nằm giáp làng Thổ Tang, quê hương của Nguyễn Thái Học, dùng súng lục tự tử. Trước khi chết, Cô Giang để lại bài thơ tuyệt mệnh:

 

Thân không giúp ích cho đời

Thù không trả được cho người tình chung

Dẫu rằng đương độ trẻ trung

Quyết vì dân chúng thề lòng hi sinh

Con đường tiến bộ mênh mông

Éo le hoàn cảnh buộc mình biết bao?

Bây giờ hết kiếp thơ đào,

Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây

Dẫu rằng chút phận thơ ngây,

Số đồng chí đã có ngày ghi tên

Chết đi dạ những buồn phiền,

Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình

Quốc kì phấp phới trên thành

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ

Cực lòng lỡ bước sa cơ

Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa

Thế ru? Đời thế ru mà?

Đời mà ai biết, người mà ai hay...

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc Dân đảng tổ chức. Sự kiện lịch sử này trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho các tổ chức chính trị trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi ách ngoại xâm sau này. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Việt Nam Quốc Dân đảng thực hiện vào năm 1930 thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta. Sự hy sinh to lớn và dũng cảm của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang cùng mười hai yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân đảng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái là tấm gương sáng về lòng yêu nước, sống mãi cùng lịch sử đất nước và dân tộc ta./.

 

Tài liệu tham khảo & trích dẫn:

- Tân Việt Cách Mạng đảng của Nhượng Tống (1945)

- Tiến trình lịch sử Việt Nam – Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (2006)

- Từ điển nhân vật lịch sử Việt NamNguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (1999)

 

Lê Ngọc Trác
Số lần đọc: 4896
Ngày đăng: 25.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bản đồ "đường lưỡi bò" trên biển Đông: Bất chấp sự thật lịch sử và pháp lý quốc tế! - Nguyễn Nhã
Tổng hợp sơ bộ nghiên cứu về Biển Đông - Đinh Kim Phúc
Hoàng Diệu : Ngàn năm sáng ngời chính khí - Lê Ngọc Trác
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872 : Những vấn đề tồn nghi (Tiếp Theo) - Đinh Kim Phúc
Về cuộc kháng chiến chống quân Minh : Thực lục về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm dưới thời quân Minh cai trị - Hồ Bạch Thảo
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872-Những vấn đề tồn nghi - Đinh Kim Phúc
Đàn Xã tắc thờ ai ? - Hà văn Thùy
Tấm Lòng của Phan Đình Phùng Rạng ngời như trăng sao - Lê Ngọc Trác
Mối quan hệ bất cân xứng - Lê Hải*
Trung Quốc có dám ....không? - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả