Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.147.355
 
Lời Bàn tác phẩm Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện
Trần Hinh

Quen biết Vũ Đình Ninh cũng đã mười năm. Vũ Đình Ninh nhỏ hơn tôi 17 tuổi, có biết chút ít chữ Hán nên tôi gọi Vũ Đình Ninh là Vũ đệ – một cách gọi thân mật pha chút dí dỏm của tôi. Vũ Đình Ninh là con người thích đùa, hay trêu chọc bạn bè bằng những tiểu phẩm ứng tác tại chỗ. Văn thơ Vũ Đình Ninh đã viết gồm cả truyện ngắn, truyện dài và thơ viết ở nhiều thể loại có cả thơ Đường luật, nhưng nhiều nhất là thơ tự do với nhiều bài rất hay ca ngợi cỏ cây hoa lá, ong bướm gió trăng. Âu đó cũng là thơ ca ngợi thiên nhiên cả đấy thôi. Thực ra con người hay một bộ phận nào đấy của con người cũng đều là một vi thể cấu thành thiên nhiên. Nguyễn Du chẳng đã từng hiểu như vậy đó sao:        

 

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.

 

Thơ Vũ Đình Ninh đậm đặc tính thiên nhiên ấy.

Văn và thơ của Vũ Đình Ninh đã viết cũng không ít và viết để đọc cho bạn bè nghe chơi, không bao giờ nghĩ đến việc in thơ in văn thành tập này tập nọ. Đùng một cái Vũ Đình Ninh cho ra mắt độc giả tập truyện dài đến 3.256 câu thơ lục bát mang tên “Tây Sơn ai tư vãn truyện” có phụ đề là “Đoạn trường vi thanh” được viết chỉ trong 45 ngày. Đành rằng sau đó cũng có tu sửa một số từ ngữ chứ không phải tu sửa cốt truyện. Tôi là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự ra đời của tập truyện thơ này. Khi Vũ Đình Ninh viết đoạn đầu đã đọc qua điện thoại cho tôi nghe 720 câu. Một vài lần sau đó Vũ Đình Ninh lại đọc cho tôi nghe những đoạn mà Vũ Đình Ninh đắc ý. Nhưng nghe thì nghe, chứ chưa bao giờ tôi khen hoặc chê một cách vội vàng ngoài một lời khuyên: Ninh hãy tiếp tục viết đi. Với một tập thơ dày như thế làm sao tránh khỏi những câu thơ còn mỏng. Nhưng ở đây tôi không bàn đến việc dày hay mỏng của từng câu thơ và điều đó còn phải chờ sự đánh giá của độc giả. Riêng tôi chỉ xin nói đến sự kỳ lạ đã thôi thúc Vũ Đình Ninh cho ra đời tập “Tây Sơn ai tư vãn truyện” được viết từ sau những giấc mơ.

 

Số là, ngày 20 tháng 3 vừa rồi Vũ Đình Ninh đến dự sinh nhật tôi, có kể cho tôi nghe giấc mơ của Vũ Đình Ninh từ hai ngày trước đó, tức ngày 18 tháng 3 nhằm bữa thứ tư ngày nhâm tuất 22 tháng 02 năm Kỷ Sửu 2009. Rằng, tự nhiên sáng sớm hôm đó cao hứng thế nào không biết mà một mình một xe Vũ Đình Ninh phóng thẳng đến một nơi mà mình chưa từng đến. Nơi đó chính là Núi Bà có chùa Linh Phong – nơi danh nhân Đào Tấn đã đến gửi thân sau khi giũ áo từ quan và cũng là nơi được nhân dân sùng kính. Đến nơi, Vũ Đình Ninh dựng xe ở chân núi, rồi lững thững một mình leo lên núi ngắm nhìn non nước trời mây mà không hề hay biết ở tầng núi cao hơn có chùa Linh Phong. Chưa dạo núi được bao nhiêu, mới hơn 9 giờ sáng mà Vũ Đình Ninh đã thấy mệt phải dựa lưng vào một gốc cây để tạm nghỉ thì giấc ngủ ập đến lúc nào không biết. Khi thức dậy đã 19 giờ kém 15 phút, màn đêm đã phủ kín Núi Bà. Vũ Đình Ninh hoảng hốt gọi điện thoại đến Khổng Vĩnh Nguyên hỏi chừng lối ra khỏi núi. Vũ Đình Ninh ra về mà lòng thấy bàng hoàng, lâng lâng và nhớ như in giấc mơ kéo dài hơn 9 tiếng đồng hồ tại gốc cây.

 

Giấc mơ rằng: Vũ Đình Ninh đang ngồi có một người đàn bà xinh đẹp tuổi chưa tới bốn mươi, đến vỗ vai nói rằng: “Ông là Vũ Văn Nhậm sao lại ngồi đây”. Vũ Đình Ninh cãi lại: “Tôi là Vũ Đình Ninh chứ không phải Vũ Văn Nhậm”, thế rồi bà ta biến mất. Lại một ông tuổi chừng hơn bốn mươi dáng người cao, gầy đến dắt Vũ Đình Ninh đi như bay đến nhiều nơi, gặp rất nhiều người. Giấc mơ đã gieo vào tâm thức Vũ Đình Ninh rằng những nơi đã đến là địa danh ghi dấu những chiến công hiển hách của triều đại Tây Sơn, những người đã gặp trông rất oai phong lẫm liệt hình như đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và những danh tướng thời Tây Sơn. Sau giấc mơ, Vũ Đình Ninh vẫn còn thấy những hình ảnh trong mơ cứ chờn vờn trước mặt như một lời mách bảo, khuyên nhũ Vũ Đình Ninh hãy viết nhanh bản trường ca về những sự tích bi hùng của triều đại Tây Sơn.

 

Ngày 21 tháng 3 tức ngày 25 tháng 02 âm lịch ngày giỗ thân phụ Vũ Đình Ninh. Sáng ngày 22 tháng 3, Vũ Đình Ninh đến nhà bạn là Vũ Đình Huy kể chuyện giấc mơ ở Núi Bà, Huy nghe chẳng nói gì, lại hết lời ca ngợi tập thơ “Đoạn trường vô thanh” của Phạm Thiên Thư mà Huy vừa mới đem về từ thành phố Hồ Chí Minh. Như có được sự gợi ý vô hình nào đó, Vũ Đình Ninh buộc miệng nói với Huy rằng mình sẽ viết “Đoạn trường vi thanh” hàng trăm trang cho mà coi. Vũ Đình Ninh ra về thì chiều đó cụ Bảo Hồ đến chơi và sẵn lòng cho Vũ Đình Ninh mượn tất cả sách sử nói về triều đại Tây Sơn, trong đó có quyển: “Tây Sơn bi hùng truyện”. Nghe nói quyền sách này của Hồ Hữu Tường (đã qua đời) mà sách được in lại đứng tên tác giả Lê Đình Danh. Thôi thì tên tác giả là ai xin gác lại một bên. Vấn đề là quyển sách ấy có nhiều cứ liệu xưa nay hiếm mà Vũ Đình Ninh đã tham khảo cộng với những gì đã thấy trong giấc mơ cùng với những hiểu biết vốn có về nhà Tây Sơn mà Vũ Đình Ninh đã viết nên tập “Tây Sơn ai tư vãn truyện” bắt đầu từ ngày 27 tháng 3 năm 2009 sau giấc mơ ở Núi Bà chín ngày. Trước máy vi tính, Vũ Đình Ninh viết như tuôn trào, câu trước gọi câu sau ra ngay không gì có thể cản ngăn được. Ngay cả người vợ đêm đêm cũng để cho Vũ Đình Ninh ngồi bên máy vi tính chứ không phải để đi ngủ sớm với mình như thường lệ. Vũ Đình Ninh viết một mạch bốn mươi bốn ngày liền thì bị khựng lại, ngồi ngoẹo đầu trên ghế thiêm thiếp ngủ thì mơ thấy một thiếu phụ xinh đẹp tóc rối bời và dài đến ngang lưng, đập đầu vào ngục máu chảy ràng rụa mà vẫn vương vương một nụ cười kiêu hãnh cho đến khi tắc thở. Vũ Đình Ninh cho rằng đó là cái chết của Ngọc Hân công chúa trong ngục thất, chứ không phải bà đã tìm đường trốn về bắc sống cuộc đời lầm lũi và chết ở tuổi già như có sách đã nói. Giấc mơ này đã giúp Vũ Đình Ninh viết trôi chảy ở đoạn kết thúc tập truyện chỉ trong một ngày sau đó – ngày thứ bốn mươi lăm.

 

Kỳ lạ thay, như có ai đã xuôi Vũ Đình Ninh một mình một xe từ sáng sớm đi thẳng đến một nơi mà mình chưa biết. Rồi ai đã khiến Vũ Đình Ninh đến tựa lưng vào một gốc cây như tạm gửi xác ở đấy. Đúng là chỉ có thể gửi xác vào một nơi hoang vắng như thế, thì phần xác mới được yên không bị quấy rầy khi phần hồn chu du trong hơn chín tiếng đồng hồ để nhận biết những hình ảnh của quá khứ thuộc không gian và thời gian tồn tại của nhà Tây Sơn.

 

Kỳ lạ thay, như có ai đó đã xuôi bạn bè tự khai báo những quyển sử sách của mình có và sẵn lòng cho Vũ Đình Ninh mượn. Vì vậy mà Vũ Đình Ninh không hề mất thời gian để sưu tầm tài liệu tham khảo trước khi viết.

Cũng khó mà giải thích tại sao trong suốt bốn mươi lăm ngày Vũ Đình Ninh ngồi viết thì bà con, bạn bà không một ai đến thăm hỏi hay vui chơi với Vũ Đình Ninh. Điều đó đã tạo được một không gian yên tĩnh, không bị phân tâm để suy nghĩ, để cảm xúc được liền mạch khi viết. Điều có thực đó là sự may mắn ngẫu nhiên hay do một quyền năng vô hình đã sắp đặt như vậy. Thật có trời mà biết.

 

Trong tập truyện có nhiều hư cấu rất hay không thể trích dẫn hết được. Tôi chỉ xin trích dẫn một hư cấu nói về cái chết của Vũ Văn Nhậm được suy diễn từ câu nói của người đàn bà trong mơ: “Ông là Vũ Văn Nhậm sao lại ngồi đây”. Vũ Đình Ninh nghĩ rằng mình không thể giống một danh tướng tài ba lừng lẫy được. Vả chăng có giống nhau là giống ở tính hiếu sắc. Ừ, mà xưa nay những bậc tài hoa yên hùng chẳng ai lại không hiếu sắc và Vũ Văn Nhậm chắc chắn là một con người như thế. Từ suy diễn đó, Vũ Đình Ninh hư cấu một Vũ Văn Nhậm trong khi tạm lắng việc binh đao, lại sống xa vợ, đã nhiều lúc rời tổng hành dinh dang díu với đám kỹ nữ, bỏ bê việc quân binh đã gây nên những điều tiếng không hay ho gì cho một vị tư lệnh tối cao của Tây Sơn ở đất Bắc Hà. Biết Vũ Văn Nhậm sa đà đến mức ấy, Nguyễn Huệ lập tức ra Bắc Hà xử trảm Vũ Văn Nhậm. Chuyện hư cấu này nói rõ một điều là Vũ Văn Nhậm đã chết vì hoa thơm cỏ lạ chứ không phải chết vì tội bất trung như Nguyễn Hữu Chỉnh. Và hư cấu này còn nói lên rằng Nguyễn Huệ vì phải giữ nghiêm quân pháp chứ không phải vì ganh ghét tài năng mà giết Vũ Văn Nhậm như sách sử đã nói oan cho Nguyễn Huệ.

 

Lịch sử nhà Tây Sơn là lịch sử của những sự tích anh hùng và cũng có không ít những chuyện bi thương. Việc trả thù rất dã man và hèn hạ của Gia Long bày ra ở Phú Xuân, không thấy có ai trong khi bị hành quyết lại xin đầu hàng hay tỏ ra khiếp sợ trước cảnh đầu rơi máu chảy, thịt nát xương tan và nỗi đau thương đến ngút trời. Đó chính là đỉnh điểm của tính hùng và tính bi của từng người bị hành quyết cũng như của triều đại Tây Sơn ở giờ phút cuối cùng. Cái hùng và cái bi như ăn ở với nhau trong suốt lịch sử triều đại Tây Sơn. Và dường như cái bi đọng lại lâu hơn, đọng lại âm ỉ như lấn át cái hùng. Có phải vì như vậy chăng, mà tựa đề của tác phẩm chỉ gồm những ngôn từ nói lên cái bi: “Ai tư vãn” trong tựa đề “Tây Sơn ai tư vãn truyện” và còn nhấn mạnh thêm tính bi ở phụ đề “Đoạn trường vi thanh” là nỗi đau kết thành chuỗi gồm toàn những từ ngữ nói lên cái bi.

 

Trong tác phẩm “Tây Sơn ai tư vãn truyện” có rất nhiều chuyện hư cấu.Những chuyện gọi là hư cấu đó xem ra cũng có tính hợp lý khó mà bài bác. Và biết đâu khi chúng ta coi đó là chuyện hư mà lại là chuyện thực ở cõi hư – cái cõi từng có thực đã lùi xa chúng ta từ hơn hai thế kỷ. Nếu như Nguyễn Du nói đúng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” thì giấc mơ của Vũ Đình Ninh là do phần “TINH ANH” tức linh hồn của những người có liên quan mật thiết với nhà Tây Sơn lúc bấy giờ đã báo mộng cho Vũ Đình Ninh. Hoặc nói một cách khác, Vũ Đình Ninh được thế giới tâm linh sử dụng như một trạm thu phát tín hiệu và chỉ có một số người nào đó mới được sử dụng làm trạm thu một khi có khả năng phát lại tín hiệu thu được đó thành ngôn ngữ của cõi đời. Trạm thu phát tín hiệu Vũ Đình Ninh đã thu tín hiệu phát từ không gian trong hơn chín giờ và đã phát lại tín hiệu đó liên tục trong bốn mươi lăm ngày tạo thành tác phẩm “Tây Sơn ai tư vãn truyện”.

 

“Tây Sơn ai tư vãn truyện” là một tác phẩm văn học nói về lịch sử triều đại Tây Sơn được diễn đạt bằng thơ lục bát, đã có những đoạn thơ hay, nhiều câu thơ hay. Nhưng vì dùng thơ để nói sử nên tính sử thi đã bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Điều đó thật đáng quý biết bao.

 ./.

Trần Hinh
Số lần đọc: 2243
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long - Quỳnh
“Thế giới song song” và tính chất đa thanh trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” - Nguyễn Khắc Phê
Nhận xét truyện dài: Một mối tình ngụ cư của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai - Vũ Ngọc Tiến
Lòng tốt nẩy mầm từ tình yêu trong trắng - Nguyễn Khắc Phê
Đọc Miền Đất Ven Sông thử Tìm Hiểu Tiểu Thuyết Sử Thi của Hoàng Văn Bổn - Bùi Công Thuấn
Nhân nghe CD Kiều Ba Miền của Lệ Ba - Nguyễn Ước
Chất trữ tình tuổi già trong thơ Xuân Sách - Nguyễn Hồng Nhung
Để có những trang viết tươi ròng sự sống - Lê Khánh Mai
William Carlos Williams: Thơ cài trên tủ lạnh - Nguyễn Đức Tùng