Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.242
123.154.535
 
Pháp trường lừng danh
Ngữ Yên

Vào cuối năm, trời rét căm căm trên chuyến xe từ Bắc Kạn về Hà Nội, khi xe dừng tại phủ Đa Phúc tình cờ Ký Thân thấy hai người khách ăn mặc sang trọng tuổi trạc ngoài ngũ tuần, họ cũng lên xe về Hà Nội. Trên đường đi, qua hỏi thăm hành khách Ký Thân mới biết đây là vợ chồng ông phủ Đa Phúc rất quyền thế ở vùng nầy.

 

Khi tới Hà Nội họ ngụ tại khách sạn ga, Ký Thân cũng ngụ ở đó. Buổi sáng ngồi điểm tâm anh chợt thấy bà phủ ngồi bàn bên cạnh nên lịch sự chào, bà mỉm cười chào xã giao lại đột nhiên bà hỏi :

- Xin lỗi ông là bác sỹ, tham biện hay thú y sỹ?

 

Bà hỏi một hồi dài không đợi Ký Thân trả lời, hôm ấy trời rất lạnh nên anh khoác áo măng tô đội mũ dạ vai đeo súng trường,bên hông thêm khẩu súng lục lủng lẳng nên có lẽ làm bà thắc mắc chăng?

Thưa tôi không phải là công chức chỉ là người thầu khoán

Sao ông dùng cả hai thứ súng trường và súng lục?

Ký Thân mỉm cười đáp :

- Công việc làm ăn của tôi trên miền sơn cước với cả ngàn công nhân ô hợp  nên phải có thứ nầy để hộ thân bà ạ!

Dường như bà không để ý câu nói của  anh lại nói tiếp :

- Qua báo chí gần đây có nhiều chuyện quan trọng ông có chú ý không?

 

Kí Thân bắt đầu ngạc nhiên về bà,đây là một câu hỏi có hàm ý gì chăng? không ngờ trong giới quan lại cũng có người phụ nữ lưu tâm đến thời cuộc như bà, anh càng nghĩ càng lo ngại nên dè dặt :

- Tôi bận công chuyện làm ăn nên không mấy để ý đến thời cuộc thưa bà…

 

Nghe nói thế bà trở nên nghiêm nghị gay gắt :

- Người đàn ông mà không biết đến thời cuộc thì thật tôi chẳng dám tiếp chuyện nữa…

Kí Thân vội đỡ lời để đánh tan thắc mắc trong lòng bà:

- Nghe bà nói chuyện nãy giờ tôi lãnh hội những điều hay, nhưng thực tình không rõ bà thuộc thành phần nào?

-  Khi nãy ông nói là người Phú Thọ vậy có nghe tiếng ông Khôi tức Thanh Giang không?

-  Có tôi có nghe tiếng nhưng chưa gặp lần nào.

-  Vậy muốn biết tôi ông cố tìm gặp ông Khôi và nói đã gặp  bà phủ Đa Phúc chắc chúng ta sẽ hiểu nhau.

 

Câu chuyện đến đây thì  ông phủ cũng vừa về tới ,bà chào anh và theo chồng về phòng, còn Ký Thân thì ngồi tư lự mãi bên ly café nguội lạnh hồi nào không hay.

 

*

Một chiều Ký Thân đang ngồi uống trà ngoài hàng hiên nhà chợt thấy có người đàn ông lạ mặt ,chít khăn lượt áo dài đen vẻ mặt vuông vắn độ ngoài  ba mươi tuổi đến tự xưng là Thanh Giang. À! thì ra người đàn ông tên tuổi năm  xưa mà người đàn bà phủ Đa Phúc nhắc tới là đây. Anh vừa mừng rỡ vừa hồi hộp không biết chuyện lành hay dữ ? Vội vã ăn mặc chỉnh tề ra đón khách. Thoáng gặp nhau trông cử chỉ lời nói đã có cảm tình, qua vài lời xã giao  ông Giang đi thẳng vào vấn đề:

- Gần đây có ba anh em chúng tôi đến thăm đều bị ông từ chối nay tôi vâng lời anh Học đến thăm ông cũng là để chuyển lời anh Học giải tỏa những mối thắc mắc của ông.

 

Câu chuyện qua lại làm Ký Thân nghiêng ngã trước tay thuyết khách nầy ,những lí luận của ông Khôi đã thuyếr phục được anh,  Ký Thân mơ một ngày tham gia cứu nước, mơ được gặp đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Trước khi về ông Giang nói :

- Ông Học muốn gặp ông trong thời gian rất gần.À, tôi quên nói  cho ông rõ bà phủ Đa Phúc chính là đồng chí Bích Liên chung tổ  với chị Giang, có ngày ông sẽ gặp lại.

 

*

Trời cuối năm se lạnh, cái lạnh rét run của núi rừng Bắc Việt , đoàn người  đi co ro trong cơn lạnh ,đi hồi hộp qua các đồn binh của Tây đóng .Vài tiếng sau trời tối hẳn  Ký Thân không biết  đây là đâu , đến khá khuya người dẫn đường nói ta ghé vào làng Võng La nghỉ chân,  cả bọn vào một căn nhà khá lớn nhưng u ám ẩm thấp nghỉ ngơi và ăn uống .

 

Đang ăn thì từ  phía nhà sau một em nhỏ bưng cây đèn dầu  đi ra  theo sau có một ông cố đạo người Pháp bước tới làm Ký Thân bàng hoàng. Ôâng từ tốn ngồi xuống bộ phản bên cạnh anh , Ký Thân liếc sang thấy dáng người rắn rỏi râu quai nón mặt vuông, anh đang lành lạnh vì cái nhìn của ông ,linh tính cho anh biết  đây không phải là người Pháp, bỗng anh Giang chợt nói phá tan bầu không khí yên tịnh :

Đây là đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

 

Ký Thân giật mình liền quỳ sụp xuống không nói nên lời. Ông Học đỡ dậy và nói :

-Tôi nghe tiếng anh rất lâu nay gặp thật muôn vàn hạnh phúc, anh gia nhập Quốc dân đảng sẽ phát triển mạnh hơn nữa, đồng bào ở đây nghe tiếng anh, nay anh gia nhập vào họ càng tin tưởng Đảng nhiều hơn nữa.

 

Càng nói anh Học càng toát ra một hấp lực huyền hoặc cuốn hút người nghe , ai nhìn cũng nể nang phong thái  của vị chỉ huy uy nghiêm chững chạc.

 

Đang nói chuyện thì có cô gái khoảng đôi mươi nước da bánh mật ra chào ,anh Học giới thiệu:

- Đây là nữ đồng chí.

 

Ký Thân chợt hỏi :

- Có phải là chị Giang không?

- Sao anh biết?

- Tôi đã gặp bà phủ Đa Phúc rồi , thưa anh Học.

- À ra vậy , cùng chung chí hướng cả.

Đêm đó Kí Thân ngủ luôn trong làng và hai người trò chuyện bàn luận quốc sự đến gà đầu xóm gáy canh năm hồi nào không hay.

 

*

Làng Võng La nằm ven sông Đà giưã một vùng đồng ruộng bao la, vào một sáng tháng giêng không khí tết vẫn còn vương vấn trong mỗi nhà, hương hoa đào còn lan tỏa đâu đây. Kí Thân đi ven theo bờ sông len lỏi qua những khóm lau sậy sình lầy, đến một chòi lá của người chài lưới ,bỗng có một chiếc xuồng nhỏ lao tới trên xuồng một cô gái ra dấu, anh vội vàng lên xuồng qua bờ bên vào sâu trong làng.

 

Trong căn nhà gỗ chữ đinh khá lớn Ký Thân thấy mọi người tề tựu đông đủ đang xì xào bàn tán bỗng im lặng khi anh Học bước vào anh đứng phía trên một hồi rồi nói chậm giọng rất rõ:

Chúng ta đang ở thời kì khá quan trọng sau vụ ám sát Bazin, vụ đội Dương phản Đảng bọn mật thám Pháp truy lùng  khắp nơi, số cơ sở  ta  bị bại lộ thực dân đàn áp các tổ chức của Đảng nếu không có đường lối đối phó rất thì gay go…anh em mỗi người cho một ý kiến.

 

Cả phòng họp im lặng nặng nề hơn, bổng anh Thanh Giang đứng lên nói : - Bọn Pháp đã đẩy chúng ta vào thế chân tường, ta chỉ còn chọn một trong  hai  con đường thôi các đồng chí : một là võ trang khởi nghĩa hai âm thầm chờ thời cơ tới đâu tính tới đó. Nhưng con đường thứ hai là con đường dễ tan rã vì khó bảo toàn lực lượng trong tình hình gay gắt như hiện nay?

 

Mọi người khí thế bừng bừng ai cũng muốn đứng lên giết bọn Pháp giành lại mảnh đất Việt thân yêu, một người nói lớn:

- Chúng ta đã vào thế cỡi lưng cọp, tôi nghĩ phải đến lúc hạ lệnh tổng khởi nghĩa.Chần chờ có nghĩa là tự sát.

 

Trong không khí ào ào bàn luận ,chợt anh Học đứng lên nhìn xung quanh,mọi người im lặng như biết chuyện hệ trọng đã tới ,anh nói chầm chậm từng tiếng một như đánh vào lòng người :

-Thay mặt Đảng tôi tuyên bố tổng khởi nghĩa, chúng ta không thành công thì thành nhân không có gì ngần ngại.

 

Trên đường về Ký Thân lòng hoang mang nửa lo âu nửa vui mừng chờ ngày khởi nghĩa, anh đi cuống quýt như người chạy trốn…

 

*

 

Yên Bái : cảnh vật về khuya lờ mờ trông rờn rợn , không khí lặng ngắt một đoàn người lầm lũi đi….

Trong trại lính Pháp còn nằm tĩnh mịch giữa màng sương ,bổng có tiếng nổ “đoàn” xé tan màng đêm.

 

Tiếp theo là những âm thanh reo hò hỗn tạp… lửa chớp sáng súng nổ liên hồi….

Tên quan ba trưởng trại Jourdain choàng tỉnh giấc ,đang lớ ngớ chưa biết chuyện gì xãy ra thì cửa phòng đổ ầm xuống , một bóng đen xông vào, tên quan loạng choạng định rút súng chống cự, nhanh như cắt Cai Hoằng bắn một tiếng chát chúa hắn ngã vật xuống như một cây chuối đổ, đến gần sáng Yên Bái lọt vào tay quân cách mạng ….dân chúng ào ra đường chào đón đoàn quân cách mạng, cờ xí và tiếng reo hò ầm vang…

 

Nhưng niềm vui chiến thắng không bao lâu thì máy bay Pháp đến oanh tạc hỏa lực rất nặng, sau một thời gian chống chọi anh em bàn cách rút lui để bảo toàn lực lượng.

 

Kí Thân nhìn quanh thấy quang cảnh hổn loạn khiến anh Hoằng, anh Thuyết cũng đành bó tay ,tình hình mỗi lúc càng nguy kịch khi nghe tin bọn Pháp đem quân tăng viện .

 

Cả nhóm xé lẻ ra mỗi người  rút mỗi ngã, Ký Thân vào rừng định lên Đồng Đăng sang Tàu, sau hai ngày trèo non vượt suối  dưới sự che chở của đồng bào thiểu số nhưng không thể đi xa được vì bọn Pháp và tay sai  đã chận tất cả mọi nẽo đường…

 

*

… Viên chánh thẩm của Hội đồng đề hình Pháp chậm rãi lật từng trang hồ sơ, bên ngoài phòng xử là mấy chục tên lính Tây đen lăm lăm cầm súng lưỡi lê sáng quắc.

 

Chợt viên chánh thẩm ngước lên ra dấu cho viên lục sự ,tên nầy đứng dậy cầm một mảnh giấy hô to:

- Nguyễn Thái Học

- Có mặt đây

Tiếng trả lời kiêu hùng làm phòng xử im lặng, anh Học đứng phắt dậy tiến ra phía trước mặt tên chánh thẩm,tiếng còng nơi chân tay anh phát ra loảng xoảng nghe âm vang sắc lạnh buốt nhói…

- Làm nghề gì ? viên chánh thẩm hỏi.

anh Học gằn giọng đanh thép :

- Làm nghề cách mạng, nghề giết quân xâm lược.

Cả bọn chúng đều ngẩn ngơ có tiếng rì rào không ngớt, mọi người nín thở chờ xem nhưng chúng không làm gì anh.

- Nguyễn Thị Bắc - tiếng gọi lạnh lùng của viên lục sự.

- Có ta đây.

Một phụ nữ dáng nhỏ người thanh thoát nhưng vẻ chắc chắn hiên ngang bước ra, chúng hỏi :

- Muốn nói gì không?

Chị  nói như hét lên vang vang cả phòng:

-  Ta muốn bảo các người hãy về đạp đổ tượng Jeanne D’arc đi rồi hãy sang đây xử ta.

Chị vừa nói xong mọi người ồn ào làm  tên chánh thẩm lật đật gõ chuông liên hồi giải tán phòng xử.

 

*

Vào một tối khi các tù nhân còn nói chuyện nhảm chưa đi ngủ thì bỗng một chiếc xe hơi đỗ ầm trước cửa Hỏa Lò, tiếng giầy đinh xào xạt trên mặt đá sỏi ngoài cửa khám, tiếng lách cách  ổ khóa dồn dập ,cánh cửa sắt mở nặng nề nghe ren rét ghê rợn,ánh đèn pin quét liên tục…

 

Bọn lính Tây đi lục lạo từng phòng xem xét ,sau đó dẫn ra  nhóm người còng vào một dây giữa sân. Anh em xào xáo biết chuyện hệ trọng hỏi thăm nhưng bọn lính đánh đập ngăn cản .Anh Liên người trẻ tuổi nhất bị còng trong nhóm hét lên:

- Các người đem ta đi chém đây hãy để anh em ta bắt tay từ giã nhau.

Thấy đôi mắt rực lửa long lanh của anh trong đêm bọn lính chửng lại, được dịp anh em trong phòng ồ ra ôm nhau không nói nên lời, có tiếng ai nghẹn ngào:

- Vĩnh biệt các anh…

 

Trong đoàn người  bị dẫn đi đêm ấy Ký Thân đếm gồm  mười ba  người ,anh thoáng thấy vẻ hiên ngang của Nguyễn Thái Học đi đầu nhóm bước thẳng lên xe…

 

Chúng đưa mười ba vị anh hùng trở về Yên Bái để xử tử ,nơi mà họ đã lập chiến công vang lừng cho tổ quốc cách đây không lâu , chúng cử một linh mục đi theo để làm lễ rữa tội nhưng không ai chấp nhận anh Liên nói thẳng: - Chúng tôi không có tội gì để mà rữa , có chăng là bọn xâm lược Pháp ông nên rữa tội chúng nó.

 

… Mười  ba con người bất khuất lần lượt lên máy chém người cuối cùng là Đảng trưởng Nguyễn Thái Học dáng đi khí thế  hiên ngang khi lên đoạn đầu đài  ông  nằm ngữa mặt ngang nhiên nhìn lưỡi chém và hô to vang vọng cả pháp trường:

Việt Nam vạn tuế,vạn tuế.

 

Trong phút chốc bãi hành hình  vắng lặng chỉ còn một người con gái đứng thẩn thờ trong tiếng gió rít  gào liên hồi ghê rợn …. Người ấy chính là chị Nguyễn Thị Giang, một đồng chí thân thương lúc nào cũng có mặt bên cạnh Đảng trưởng Nguyễn Thái Học./.

Ngữ Yên
Số lần đọc: 2244
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vợ người - Nguyễn Anh Thế
Gã lang thang tóc trắng - Trương Văn Dân
Viên đạn cuối cùng - Mai Tú Ân
Người tìm thuốc trường sinh - Hiếu Tân
Biển - Khôi Vũ
Hồ sơ của một phiên tòa - Sâm Thương
Bóng chiều - Phan Đức Nam
Kên kên - Minh Diện
Chiếc áo dị kỳ - Trương Văn Dân
Chuyện Quê tôi - Phan Thế Hải