Minh Quân tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi, sinh ngày 28 tháng 10 năm 1928 tại Nha Trang. Quê nội : Huế . Quê ngoại: Đà Nẵng. Ngoài bút hiệu thường dùng là Minh Quân, chị còn có các bút danh khác là : Lan Vinh, Chi Lan, Minh Tuấn, Minh Tâm, Minh Thủy, Việt Thường, Bửu Lợi, Mặc Lan, Mặc Tâm, Nhiệt Hà. Bài thơ đầu tiên của chị được đăng trên tuần báo Dân chủ vào năm 1951. Lần lượt là những truyện ngắn, thơ đăng rải rác ở Nhân Loại, Thần Chung, Nữ Lưu, Tuổi Hoa, Phổ Thông; cộng tác viên báo Phụ Nữ Việt Nam ở trang Giáo dục, Văn Nghệ, Xã Luận; viết cho các báo, tạp chí tại thành phố: Sài Gòn Giải phóng, Văn, Văn Nghệ TP, Người Lao Động, Kiến Thức Ngày Nay… Chị hiện là hội viên Hội Nhà Văn T.P.
Trong gần nửa thế kỷ cầm bút, chị đã cho xuất bản hơn 30 tác phẩm là tập truyện, truyện dài, truyện dịch, truyện thiếu nhi, du ký… Tác phẩm của chị được tái bản nhiều lần, có cuốn được tái bản đến lần thứ 5. Thi phẩm “Đơn Sơ” là tập thơ duy nhất của chị được giới thiệu (Nhà XB Đồng Nai – 1996) – trong 21 bài thơ tập hợp sáng tác từ năm 1949 – 1964 ; có hai bài thơ tiêu biểu nói về “Lòng Mẹ và Tình Con” thắm đượm sâu sắc tình người, tình Đạo mà tôi xin được trích giới thiệu sau đây:
Lòng Mẹ bao la. Tình Mẹ tha thiết. Người ta đã ví tình cảm thiêng liêng cao quý ấy như “biển Thái Bình”, như “nước trong nguồn” ngọt ngào, bất tận. Trong bài “Mẹ Con” (tr.28) Minh Quân đã không nói thế, không có một lời nào hoa mỹ, mà người đọc cứ cảm thấy bị cuốn hút, se thắt, quặn đau; và đạt tới niềm cảm thông cao nhất với Mẹ ; khi người khẩn thiết nguyện cầu: “Nếu đấng quyền năng ban phép nhiệm mầu; con xin chịu đớn đau thay trẻ dại”:
“Từng đêm trắng mắt mờ, mi hoen lệ
Mẹ nguyện cầu thay trẻ nhận ốm đau
Từng trải hiểm nguy, không ngại gian lao
Nhưng run sợ Mẹ nhìn con – bất lực…
Từng ngày qua mệt nhoài,
Từng đêm trường thao thức…”
Có người Mẹ nào đã không từng nuôi con với những niềm âu lo, đau đớn như thế? Con là lẽ sống của Mẹ. Là niềm vui. Là ước mơ. Là hy vọng. Bởi vậy, từng nỗi buồn vui, từng đổi thay của con, luôn gắn liền với lòng Mẹ :
… “cho đến khi con bình phục nhoẻn cười.
Mặt sáng ngời, môi thắm sắc hồng tươi
Cũng là lúc Mẹ rã rời, mệt mỏi…
Song ánh mắt con là ngọn đèn soi lối
Là muôn hoa nở hội giữa bình minh
Mẹ nhìn con mà Mẹ tưởng như mình
Vừa uống cạn tách trà thơm bốc khói”…
Và có vị linh dược nào nhiệm mầu hơn Tình Yêu Thương, để đem lại cho Mẹ sự bình phục, sự yên vui, sự hy vọng bằng đứa con của Mẹ?
… “Sinh lực Mẹ phục hồi
Theo giọng cười, tiếng nói
Sức mạnh dường tăng
Cùng vóc dáng trẻ thơ
Niềm vui dâng lên
Tựa sóng triều dâng rạt rào vỗ vào bờ
Như mây trắng trên nền trời ngọc bích”
Làm mẹ là một thiên chức, mà cũng là niềm hạnh phúc lớn lao dành cho phái nữ. Bởi vì, nếu không vậy, thì nỗi buồn đau, cô độc của Mẹ, ai sẽ là người sẻ chia, an ủi?
… “Thú làm Mẹ nhiệm mầu và tuyệt đích
Hạnh phúc đây ! Cần phải với chí xa?
Nụ cười con làm mờ cả muôn hoa
Và tiếng nói dễ thường hơn tiếng nhạc.
Lòng thanh thản Mẹ cất cao tiếng hát
Con ngây thơ cũng uốn giọng hát theo
(Mẹ khổ buồn tủi nhục vốn đã nhiều
Trong một thoáng hờn đau dường rũ sạch)”
Cũng giống như lòng Mẹ dành trọn cho con, Tình con cũng không bao giờ xa cách mẹ. Đây là một sự đồng cảm thiêng liêng, một chất kẹo đời nối kết hai cuộc sống; để hoàn thiện nên một con Người đúng nghĩa: “Bài Thơ Gửi Mẹ” (tr.36) của Minh Quân đã bày tỏ khá trọn vẹn tấm chân tình, lòng hiếu thảo, sự biết ơn, nhớ tưởng đã dành cho Mẹ:
“Mẹ đừng khóc! Con giờ xa Mẹ quá
Khóc làm gì con khổ lắm Mẹ ơi!
Đọc trong thơ: “Tóc Mẹ bạc lắm rồi”
Con ước được lập tức về quỳ bên Mẹ…”
… “Thanh đạm chén cơm rau,dịu dàng câu kinh kệ
Lòng lâng lâng nhìn Mẹ khẽ mỉm cười
(Mẹ con ta hôm sớm thế mà vui,
Con đâu muốn thân vùi nơi đô thị…”
Xa Mẹ, có nghĩa là xa bóng mát chở che, xa suối nguồn yêu thương, xa điểm tựa của bao nỗi cô đơn trong cuộc sống. Bởi thế :
… “Con ở đây bốn mùa đều vô vị
Mặc Xuân, Thu nào có nghĩa gì đâu?
Vắng Mẹ hiền thơ làm khó trọn câu
Sách dù thích chẳng ai người chia sẻ”.
… “Chuyện vui , không có Mẹ vui gì mà con kể?
Trong nỗi buồn biết gục khóc cùng ai?”
“Nhớ mênh mang trời rộng, nước sông dài
Nhớ trăng sáng những đêm rằm năm cũ…
Trang giấy hẹp nói sao? Sao nói đủ
Cho nơi xa Mẹ hiểu rõ lòng con?
Rằng nhớ thương, rằng chờ đợi mỏi mòn…
Ôi! Hình bóng Mẹ những chiều bên bậc cửa!”
Sự xa cách, nhớ nhung làm lòng người dễ quay về với hoài niệm, với quá khứ; để tìm chút vỗ về an ủi cho chính sự trống trải, cô độc, khổ đau đang nếm trải. Hình bóng Mẹ bấy giờ như ngời sáng, nhiệm mầu hơn, để sưởi ấm tấm lòng con đang tha thiết nhớ về:
… “Nhớ giọng Mẹ ngâm thơ hừng ấm như ngọn lửa
Sưởi hồn con những giá rét chiều đông!
Nhớ giọng Mẹ niệm kinh trầm nhẹ lâng lâng
(Mà Mẹ từng nói với con rằng
Trong lúc ấy Mẹ quên dần cõi tục)
Nhớ đôi mắt Mẹ hiền không vẩn đục
Nhớ làn môi tươi hẳn, lúc Mẹ cười,
Nhớ khi cao giọng hát, ấy: Mẹ vui!
Nhớ khi giận mắng con rồi Mẹ khóc…
Nhớ cả từng bài thơ con làm cho Mẹ đọc
Được khen hay con bỗng thấy yêu đời
Cả trong mơ con cũng nhớ, Mẹ ơi!
Từng nét bút đến những lời Mẹ dặn
Mẹ thường nói: “Mẹ sống vì bổn phận”
(…)
Vâng, cả trong mơ con cũng nhớ, Mẹ ơi!
Dù bây giờ con Mẹ quá xa xôi…”
Thơ của Minh Quân không mượt mà, bóng bẩy; chị làm thơ như để tâm sự, để dàn trải tấm lòng, để nói lên điều tha thiết muốn nói… “Tôi chỉ biết nghĩ sao là viết vậy” (Xin Thú Thật, trang 30); bởi thế, đã phản ánh rõ nét con người chị, tâm hồn chị: Đó là một người Mẹ mẫu mực, tha thiết yêu thương, hy sinh vì con. Đó là một người con trọn đời hiếu thảo, luôn tưởng nhớ Mẹ– “Cả trong mơ con cũng nhớ, Mẹ ơi!” :
… “Chợt bên trong tiếng chuông mõ cao dần.
Hòa theo gió tiếng niệm kinh của Mẹ!
Con không khóc mà mắt mờ đẫm lệ…
Lệ ngọt ngào, xúc cảm, lệ mừng vui…
Tiếng niệm kinh của Mẹ? Quá lâu rồi
Nay con mới trở về và nghe lại…”
Hình ảnh “Đêm Trăng Quê Mẹ” (trang 60) của một lần trở về thuở nào, đã là đêm trăng soi suốt cuộc đời còn lại của con – để cho “Lòng Mẹ và Tình Con” hòa chung nhịp sống…/.