Ông Tổng biên tập giương mục kỉnh nhìn tôi:
- Cậu thu xếp công việc đi công tác ở Phú Quốc một chuyến. Ngoài đảo đang rộ lên phong trào nuôi trai lấy ngọc. Có cả đối tác là người nước ngoài. Tôi cho cậu hai tuần ngoài đó. Ráng kiếm một mô hình nào thật tốt viết cho báo ta cái phóng sự hấp dẫn về ngọc trai… Và nộp bài cho sớm để nhà in kịp lên ma két…
Ừ ! Thì đi một chuyến thử xem sao. Tôi nghĩ thầm và mừng rơn trong bụng nhưng sợ nhất là cái khoản say sóng. Đề tài ngọc trai nầy tôi cũng đã nghe từ lâu ngoài Phú Quốc nay mới có dịp. Tôi không ngại phải lênh đênh trên tàu cả buổi mới đến được Phú Quốc, hòn đảo cách đất liền hàng trăm hải lý nhưng ngại nhất là không có nhiều thông tin về ngọc trai rồi lấy tư liệu đâu mà viết với lách… Không khéo lại phụ lòng mong mỏi của ông Tổng lúc nào cũng đăm đăm khó tính …
*
Chuyến tàu ra đảo hôm ấy đông nghịt khách. Tôi cố chen chân tìm một chỗ ngồi nhưng hoài công. Trên boong lại chứa đầy hàng hòa, bao bị lỉnh kỉnh. .. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan như vậy, một đứa bé chừng một tuổi trên tay người phụ nữ đứng cạnh tôi cứ khóc thét lên không tài nào dỗ nín. Tôi sốt ruột nghe giọng dỗ dành kiên nhẫn của người phụ nữ nọ :
- Nín đi con ! Đừng khóc nữa mà! Đừng khóc nữa…
Đứa bé lại càng khóc to hơn. Không khí trên tàu càng ngột ngạt, nặng nề không chịu nổi
- Chị cho nó uống tí nước. Chắc là nó đang khát. Một người đàn bà bên cạnh tôi lên tiếng.
Người phụ nữ quay mặt lại. Đến lúc nầy tôi mới nhìn rõ khuôn mặt của chị. Không! Gọi là cô thì đúng hơn vì cô còn rất trẻ, chừng hăm lăm, hăm sáu tuổi, không hơn. Gương mặt rất xinh với đôi mắt đen nhánh, cánh mũi thon thả, hàm răng trắng đều nhưng không giấu được nét bối rối và bất ổn trong nụ cười gượng với đôi mắt đẹp chỉ chục khóc vì nước mắt đã đọng quanh mi. Một cô gái với đứa con còn bé xíu đi đâu ra vùng đảo xa lơ, xa lắc như thế nầy mà bên cạnh không ai là người thân giúp đỡ ? Tôi bất giác tự hỏi và cũng bất giác bật cười ngay về cái suy nghĩ bất chợt ấy. Chuyện ấy đâu có liên can gì đến tôi, một tay nhà báo ba mươi tuổi chưa vợ chưa con, ăn chưa no, lo chưa tới, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng…
May mà lúc đó, tiếng còi tàu hụ lên và con tàu nặng nề rời bến.Tôi vừa cười thầm mình vừa vội đi tìm chỗ ngồi trên boong tàu chật ních. Mà có lạ không chứ, khi vừa kiếm được chỗ , quay mặt lại, tôi đã thấy cô gái bồng đứa con khi nãy đang ngồi sát cạnh mình.
… Không biết có định mệnh nào đó với tôi và cô ấy không, chuyện ấy tôi kể sau nhưng thật sự lúc bây giờ thì tôi đang bực bội. Làm sao tôi có thể ngồi yên được ngắm trời xanh biển rộng tuyệt đẹp như tranh vẽ đây khi đứa bé cứ mè nheo, lâu lâu lại khóc thét lên ngay bên tai tôi thế nầy. Chuyến đi chết tiệt! Tôi càu nhàu . Mặc ! Cô gái bên cạnh cứ dỗ dành và cậu bé thì …cứ khóc !
- Chị nên cho nó uống thuốc! Chắc cháu bị say sóng. Cuối cùng tôi cũng mở miệng sau khi hết chịu nổi cảnh… không cầu mà gặp nầy.
- Cảm ơn anh! Cô gái đáp lí nhí, giọng trầm buồn. Thật ra là nó đang bị sốt! Tôi không biết phải làm sao bây giờ…
- Trời đất! Tôi la lên. Con chị đang bệnh lại còn quá nhỏ, sao không dời lại chuyến đi nầy. Rồi chị phải làm sao khi nó trở bệnh nặng trên tàu. Đây đâu phải bệnh viện mà cấp cứu cho nó…
Một hồi lâu nhìn tôi, cô ta mới ấp úng :
- Cháu… Cháu không phải là con tôi… Đúng ra là tôi xin cháu từ một người mẹ đang tính bỏ con của mình trong bệnh viện. Tôi đã nghĩ sai. Giờ thì không biết phải làm sao?
Tôi bỗng tò mò vì câu chuyện của cô gái. Không biết thật giả thế nào nhưng nhìn gương mặt và đôi mắt cô, tôi đọc thấy sự hốt hoảng, lo âu thật sự.
- Cháu bé không phải là con chị? Chị xin nó ở bệnh viện? Và sao bây giờ nó lại ở đây, trên chuyến tàu ra đảo Phú Quốc? Thực ra câu chyện nầy là thế nào? Tôi buột miệng hỏi, đôi mắt nghi ngờ nhìn về phía cô gái.
Như không chú ý gì thái độ của tôi, cô gái trả lời:
- Chuyện là thế nầy, anh ạ! Tôi là dân đảo, cách đây một năm, sau khi tốt nghiệp tại trường sư phạm, bên giáo dục đưa tôi về dạy học ở đất liền. Trong một lần thăm cô bạn bị ốm ở bệnh viện, khi tôi ra về thì xảy ra cớ sự …
Ngưng lại một lát như để lấy bình tĩnh, cô gái nói tiếp:
- Vừa bước khỏi cổng bệnh viện, tôi đã thấy một đám đông đang vây quanh một người đàn bà còn trẻ. Bà ta, trên tay bồng đứa bé vừa khóc lóc vừa than thở với mọi người là bà bị một tay Sở Khanh nào đó lường gạt. Sau khi có bầu đứa bé, hắn đã cao chạy xa bay, bỏ lại bà cùng cái bào thai ngày càng lớn. Không thể phá thai, bà phải chờ đến ngày sinh nở trong tủi nhục, mọi người trong gia đình xa lánh. Bà ta sinh đứa bé được hai ngày thì trốn viện vì không có tiền đóng viện phí. Và bà nằn nỉ mọi người biếu đứa bé vì bà không nuôi nổi. Tôi lúc ấy cũng chẳng có ý định xin cháu nhưng không hiểu sao, khi nhìn mọi người từ từ tản đi nơi khác, thấy đứa bé còn đỏ hỏn tội nghiệp quá… Và thế là, như anh thấy đấy, tôi đã nhận cháu từ tay người đàn bà không quen biết để cả năm rồi tôi phải làm người mẹ bất đắc dĩ của cháu. Chuyện nầy tôi cũng giấu gia đình vì sợ ba mẹ lo lắng. Hôm nay đến kỳ nghỉ hè, tôi về thăm nhà. Gửi lại đứa bé không ai nhận giùm đành cắn răng bồng cháu theo để đến giờ, tôi không biết phải xoay sở cách nào…
Cô gái nói đến đây bỗng rơm rớm nước mắt. Bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp nhưng tôi thì giúp được gì. Tiếng khóc thét của bé lại vang lên. Cô gái vụng về dỗ mãi nhưng không sao làm cho cháu nín khóc. Tôi bảo:
- Hay là cô xức cho cháu một tí trên trán. Một tí thôi vì cháu hãy còn bé lắm!
Cô gái lột khăn che đứa bé. Đến lúc nầy tôi mới nhìn kỹ cháu. Một đứa bé trai khôi ngô có gương mặt như thiên thần… Không hiểu sao trên đời nầy lại có cha mẹ nào đành bỏ cháu. Vậy mà…
Con tàu vẫn băng băng lướt sóng. Tôi và cô gái cứ loay hoay tìm cách làm cho đứa bé nín khóc nhưng không thể. Thú thật là, tôi vẫn còn độc thân nên dốt đặc về chuyện chăm sóc con nít. May cho chúng tôi, một bà lão ngồi bên cạnh mách nước với cô gái:
- Cô nên giao con cho bố nó rồi đi xuống phía dưới tàu xem có người nào dư sữa xin cho cháu. Tội nghiệp, cháu nó đang khát sữa, còn cô, chắc đi tàu mệt nên không ra sữa cho cháu bú đâu…
Cả tôi và cô gái nghe bà lão nói đều thẹn chín người. Không lẽ cứ ngồi đó phân bua trong khi thằng bé cứ gào lên như thế, cô gái ấp úng mãi mới nói được:
Bà cụ nói đúng đấy, anh ạ! Hay là anh bế giúp đứa bé cho tôi một tí. Tôi xuống tàu xem có bà mẹ nào dư sữa mà xin cho thằng bé… Anh làm ơn…
Tôi không biết nói gì hơn là giang tay bế đứa bé giúp cô gái rồi bỗng bật cười. Nói dại nếu không may gặp ai quen trên tàu, thực tình là tôi không biết phải ăn nói làm sao trong tình thế dở khóc dở cười nầy. Trời ạ! Tôi đang trên đường ra đảo để viết bài về ngọc trai cho tờ báo kia mà…
Cô gái giao đứa bé cho tôi rồi hấp tấp bỏ đi. Tôi như gà mắc tóc, quay như con vụ mà vẫn không giữ nổi thằng bé. Nó cứ loay hoay, trồi sụt, đạp giãy làm tôi muốn điên người, suýt nữa thì vuột nó ra khỏi tay. Thời gian như dừng lại. Cô gái vẫn chưa thấy về. Năm phút rồi mười phút… Tôi bắt đầu nóng ruột…
Tôi đang làm cái quái quỉ gì đây, hở trời! Một tay ôm đứa bé, tay kia vỗ mông nó nhè nhẹ( vì cô gái dặn thế), gặp kiếng cận trễ xuống một bên mắt khiến tôi nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Hay là… Mới nghĩ đến đây tôi bất giác rùng mình nổi gai ốc. Thôi rồi, tôi đã bị cô gái cho đi tàu bay giấy, cô lừa tôi để giao thằng bé nầy rồi kiếm đường biệt dạng.
Tôi có điên khùng gì không cơ chứ! Ách giữa đàng lại quàng vô cổ. Đến lượt tôi, tôi biết phải làm gì bây giờ…
May cho tôi, đến lúc tôi nghĩ phải đi báo cho chủ tàu trường hợp quái quỷ nầy thì cô gái xuất hiện. Trên tay cầm một bọc ni lông đầy sữa, gương mặt hớn hở, cô tiến về phía thằng bé, xé một vạch nhỏ dưới đáy bọc rồi đưa vào miệng nó. Tôi định giao ngay đứa bé cho xong nợ nhưng rồi cô khoát tay:
- Anh cứ bế nó như thế !Nâng đầu nó lên một chút.. Đấy đấy! Được rồi..May mà em gặp được một bà đang có con nhỏ dưới tàu! Anh chờ sốt ruột lắm phải không?
Mặt tôi đang xù lên bỗng xìu xuống hẳn khi nghe tiếng xưng “ em” ngọt lịm của cô gái. Thằng bé khát sữa cứ chụt chụt cái miệng nhỏ xíu vào bọc nút lấy nút để. Cô gái tay vuốt ngực cho nó( trông cô ta mới giống mẹ nó làm sao). Còn tôi, trời ạ, trông cũng giống người đàn ông mà trẻ con thường gọi bằng bố lắm chứ!
Bú xong bịch sữa, cậu bé mới hết khóc và lim dim ngủ. Sức chịu đựng của tôi cũng đã cạn. Hai cánh tay tê rần, đầu gối muốn quị xuống. Tôi đưa cháu qua tay cô gái. Đúng lúc ấy, tôi cảm thấy ướt ướt phía dưới quần. Cái quái quỉ gì nữa đây? Thôi rồi! Cu cậu lại tè vào người tôi…Tôi chỉ kịp thấy cô gái đỏ mặt, miệng lí nhí câu gì không rõ rồi bật cười trong lúc tôi thộn mặt ra, mong có lỗ nào dưới chân mà chui xuống cho đỡ mắc cở…
*
Câu chuyện sau đó giữa tôi và cô gái diễn ra thân mật hơn. Cô giáo trẻ tỏ ra không hối tiếc về những gì mình đã làm nhưng cô sợ không biết gia đình có chấp nhận cho phép cô nuôi đứa bé nầy không? Và mọi người sẽ nghĩ như thế nào khi cô là cô giáo chưa chồng mà lại… có con. Cô băn khoăn:
- Nhận đứa bé rồi em mới thấy lo. Chẳng biết rồi em nuôi nó bằng cách nào? Rồi dư luận đơm đặt đủ thứ… Nhưng sợ nhất là ba em, ông cụ khó tính lắm. Nhưng hôm thấy đứa bé còn đỏ hỏn trên tay người đàn bà định bỏ con, em cầm lòng không được…
Tôi không biết nói gì để an ủi cô gái nhưng từ trong thâm tâm, tôi khâm phục cách xử sự của cô giáo trẻ. Trên đời nầy vẫn còn những tấm lòng nhân ái, đôn hậu, nhận về mình những thiệt thòi lẽ ra không phải có. Những khó khăn của cô không biết sẽ giải quyết ra sao? Cô có chịu đựng nổi trước cơn thịnh nộ của người cha, trước búa rìu dư luận… Gia đình cô, bà con, họ hàng và những mối quan hệ khác…Cô sẽ làm gì với tấm thân yếu ớt, mảnh mai kia?
Qua câu chuyện, tôi còn được biết cô là cô giáo cấp một với đồng lương giáo viên hết sức khiêm tốn. Rồi đây, khi đứa bé lớn lên cô sẽ nuôi nó bằng cách nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay trong đầu tôi như vậy.
*
Chiếc tàu cuối cùng cũng cập bến khi trời dần tối. Trước biển đêm, tự nhiên tôi chợt thấy mình nhỏ hẳn lại. Một câu hỏi bỗng bật ra trong đầu tôi. Và tôi nói ngay ý nghĩ ấy với cô gái trước lúc chia tay:
-Thế nầy cô giáo à! Giờ tôi phải đi làm công việc của tôi trên đảo. Nhưng nếu cô cho phép, vài ba hôm nữa, khi xong việc tôi sẽ ghé nhà thăm cô và cháu bé…
Cô gái chìa cho tôi địa chỉ viết vội trên tấm vé tàu. Ngước lên nhìn, tôi đọc thấy trong mắt cô nỗi lo âu, hốt hoảng thật sự. Gần về đến nhà, chắc cô sợ gặp phải người quen. Cô giải thích làm sao khi bồng bế trên tay một đứa bé con thế nầy. Không thể để cô gái đi một mình như thế nầy được. Tôi đổi ý định chia tay, khẩn khoản đề nghị:
- Hay là tôi đưa cô về nhà, cô nhé! Giờ trời đã tối mà cô thì lại một mình. Cô nên nghĩ đến đứa bé. Cô tin tôi đi. Tôi chỉ vào nhà cô một lát rồi đi…
Phải sau một hồi thuyết phục, cô gái mới chịu cho tôi cầm hộ túi xách. Chúng tôi đi qua những căn nhà thấp lè tè dọc theo bến cảng và sau đó là băng qua một vườn tiêu mới trồng, phía dưới chân là đất đỏ quạnh. Đến lúc nầy, tôi thật sự quên bén mất công việc của tòa soạn giao, kể cả ông Tổng biên tập khó đăm đăm của tôi. Ngọc trai với ngọc triếc ! Thôi cứ thư thả mà viết, giờ phải lo giúp cô gái trước đã, tôi nhủ trong bụng.
Nhà của cô gái nằm ở cuối xóm, mặt hướng ra biển. Vừa đi, tôi cứ khấn trời khấn đất cho cô không gặp rắc rối gì khi về đến nhà. May mà trên đường chúng tôi không gặp ai.
- Nhà em ở chỗ ánh đèn thật sáng đó, sao em thấy run quá, không biết ăn nói sao với ba mẹ đây…
Cô gái nói giọng lo âu.
- Không sao đâu! Tôi trấn an cô gái mà bụng cũng đâm hoảng. Tôi sẽ nói góp cho cô về chuyện cô xin đứa bé. Cô cứ kể thật hết với ba mẹ cô, chuyện nầy không nên giấu, sẽ không ai la rầy cô đâu…
Khi bước vào nhà cô gái, mọi người đăm đăm nhìn làm tôi càng khó xử. Không biết làm gì, tay chân tôi cuống cả lên, miệng lắp bắp như người mắc nghẹn. Lúc nầy đứa bé lại khóc thét lên, chắc nó đòi bú sữa. Tôi chỉ trông có lổ hổng nào dưới chân để độn thổ.
Người đàn ông, tôi đoán là ba cô gái với dáng hình to lớn, râu ria lồm xồm, chẳng úp mở, đôi mắt chiếu thẳng vào tôi, gằn giọng:
- Cậu nói thật đi. Cậu đã làm gì con gái tôi. Đứa bé nầy là thế nào với cậu. Nói dối tôi sẽ không tha cho cậu đâu…
Trời đất ơi, tôi gặp nạn rồi. Chắc ba cô gái nghĩ tôi là tác giả thật sự của đứa bé với con gái ông. Người tôi ướt đẫm mồ hôi…
- Dạ, cháu mới quen cô ấy trên tàu ra đảo. Dạ, bác cứ hỏi cô ấy. Còn đứa bé là… là …Tôi ấp úng chẳng nói thành câu.
- Tôi nói cho cậu biết, nhà tôi tuy nghèo nhưng gia giáo. Lúc trước tôi cũng đi dạy học nên dứt khoát không để xảy ra chuyện làm xấu hổ gia đình. Khôn hồn cậu cứ nói thật đi rồi tôi tính…
Cũng may cho tôi, đúng lúc ấy, mẹ cô gái trên tay bồng đứa bé, ghé tai nói nhỏ gì đó với ông chồng dữ tướng, vạm vỡ. Gương mặt ông bỗng chốc dịu lại, dãn ra, có lẽ ông đã hiểu được sự thật câu chuyện. .. Tôi thì cứ đứng như trời trồng, hai tay cứ xoa xoa vào nhau như thể chúng là vật gì lạ nhất trên đời…
Và sau đó, như đã kể, chuyến ra đảo viết bài ngọc trai là thiên định hay duyên nợ gì đó, tôi vui vẻ cưới cô gái ấy. Hiền, tên cô giáo dễ thương hôm gặp trên chuyến tàu định mệnh, bây giờ là vợ tôi. Chúng tôi đã có thêm một con nữa đủ đôi một trai một gái. Bé Phú Quốc, tôi đặt tên thằng bé vợ tôi xin được hôm đó như vậy để nhớ chuyến đi lịch sử của đời tôi, chuyến đi mà sau đó còn bao nhiêu khê rắc rối mà tôi không kể ra đây, mới lấy được vợ.
Tôi còn nhớ hôm đám cưới tôi tổ chức tại cơ quan, trong khi mọi người nâng ly chúc mừng hạnh phúc vợ chồng tôi, ông Tổng biên tập lại giương cặp mục kỉnh, cười cười hắng giọng:
Tôi bảo cậu ấy ra đảo viết cái phóng sự về ngọc trai. Bài viết hồi ấy cuối cùng phá sản nhưng được cái cậu cũng mang về tòa soạn một viên ngọc trai thứ thiệt … Khá lắm !!! ./.