Nguyễn Chính, tên thật là Nguyễn Văn Chính sinh năm Tân Mão (1951) tại Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ, thuộc vùng trung du phía Bắc, hiện đang sống và làm việc tại thành phố biển Nha Trang. Anh cầm bút : viết báo, viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc. Ở lĩnh vực nào anh cũng dốc hết mình, tận lực hết lòng, với tâm niệm để dưỡng tâm, để được chia sẻ…
Sau mấy chục năm lăn lộn với nghề, về báo chí bạn đọc nhớ đến anh ở các thể loại phóng sự và chính luận (đoản văn). Nhiều phóng sự của anh được chọn in trong tập “Thập kỷ bài báo hay” (Nhà Xuất bản Thanh niên -1999). Đặc biệt, phóng sự “ Hành trình giải oan” đã được nhận giải A báo chí Toàn Quốc năm 1994, sau đó chuyển thành truyện ký “Ông Sáu Bia” trong tập truyện ký Hoa cỏ dại – NXB Văn học 2006. Nguyễn Chính còn thể hiện sở trường chính luận, khi viết nhiều đoản văn sắc sảo đề cập đến những vấn đề xã hội nóng bỏng. Anh đã khẳng định được “thương hiệu” ở thể loại đoản văn chính luận này trong mục “Sinh Hoạt tư tưởng”; “ Nói thẳng nói thật” v.v… trên nhiều tờ báo trong cả nước những năm 1987 – 1991 và hiện nay trên các báo mạng như : Bauxite Việt Nam; diendan.org v.v…
Ở mảng văn học, Nguyễn Chính đã có “Giọt nắng” (tập thơ –NXB Hội Nhà Văn- 2005) ; “Hoa cỏ dại” (tập truyện ký - NXB Văn học – 2006); “Đôi mắt rồng” (tập truyện ngắn- truyện trào phúng và đoản bút - NXB Văn học – 2008 ). Trong thế giới ảo intenet, các truyện ngắn của anh như : Lão Biền làng Ốc; Pho sách gia truyền ; Lão Dậu tò he … đã chiếm được nhiều cảm tình của bạn đọc trên các trang báo mạng. Nguyễn Chính có lối viết cô đọng, chắc khỏe, giàu hình ảnh liên tưởng, ảnh hưởng rất rõ của ngôn ngữ báo chí, đồng thời cũng thể hiện bản tính bộc trực của con người anh. Có thể nói, với Nguyễn Chính, văn, thơ, báo, nhạc chính là người. Còn nhớ vào năm 1988, khi giới thiệu thơ Nguyễn Chính trên Tạp chí Cánh én, tôi đã có đôi dòng như sau : “ Từ một kỹ sư nông nghiệp, làm báo, anh trở thành người làm thơ. Anh đến với thơ trước hết như một nhu cầu giãi bày, tâm sự, đấu tranh cho chân lý, cho niềm tin của mình ( Sự thật cao hơn tất cả; Truyện cổ tích có từ bao giờ v.v… ). Có lẽ chính vì vậy mà thơ anh mang dáng dấp riêng : mạnh mẽ, sôi nổi, bùng nổ… đồng thời cũng còn dấu vết của sự vội vã, thiếu sâu lắng. Trong sự chuyển mình của văn học hiện nay, Nguyễn Chính đã góp vào một tiếng nói trẻ trung, tự tin đáng quý…” …
Từng có thời gian tham gia công tác văn nghệ thuộc Bộ đội Trường Sơn, Nguyễn Chính coi sáng tác ca khúc như một không gian yên tĩnh, sau những giờ phút lao động nghề nghiệp căng thẳng. Với bút danh Nguyễn Văn Chính, hầu hết gần một trăm ca khúc của anh đều đậm đà âm hưởng dân ca, cùng phần ca từ giàu hình ảnh, triết lý sâu sắc, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, con người … Nhiều người nhận xét, có lẽ vì cũng có làm thơ, nên khi phổ thơ, anh đã “lấy” ra được nhạc tính của bài thơ đó. Vì thế, các nhà thơ sau khi nghe bài thơ của mình được “hát” lên, đã rất thú vị khi cảm nhận được sự đồng điệu giữa thơ và nhạc. Có thể kể ra các ca khúc : Bên dòng Đakbla ; Ru anh (thơ Trương Vĩnh Tuấn); Đẹp buồn và trong suốt như sương ( Thơ Lê Khánh Mai); Giữa Sài Gòn tìm bạn ( thơ Giang Nam); Tình ca hát một mình ; Ru mình (thơ Trần Chấn Uy); Lời thề bến xưa ; Hoa muống biển (thơ Kim Tuấn) Làng Bậm ơi! (thơ Nguyễn Văn Minh); Năm người đàn bà và tôi (thơ Bùi Đức Tú) ; Thương về quê mẹ đồng chiêm (thơ Xuân Tuynh); Nợ (thơ Trần Thị Nương); Ú tim, trốn tìm (thơ Phạm Dạ Thủy); Ngày không có thật (thơ Lê Nga)v.v… Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù đã lấy bản quyền, nhưng ngoài Bài ca Hoàng Sa – Trường Sa đã được dàn dựng thành hợp xướng, các ca khúc khác của Nguyễn Văn Chính chưa phổ biến được, vì lý do anh cho biết là “không có tiền” (?).
Hiện nay, ngoài công việc khá bận rộn làm phóng viên thường trú của báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn Việt Nam) tại các tỉnh nam Trung Bộ, Nguyễn Chính đã hoàn tất bản thảo tập thơ thứ hai “ Khoảng trời em” và hai tập ca khúc “Dấu xưa” ; “Quê mình lắt lẻo cầu tre”. Anh cũng đang chậm chạp hoàn thành tập truyện ký “Gió từ miền vô cảm” và tiểu thuyết “Bão thế kỷ và làng Tề bé nhỏ”. Mới nghe đã thấy ngay “gió” và “bão” rồi. Thôi thì cứ cầu mong cho anh được chân cứng đá mềm./.