Vạ là một danh từ, nói về những tai hoạ bỗng dưng ập đến cuộc đời một người, một nhóm người, buộc họ phải gánh chịu một cách oan uổng. Cùng miêu tả điều oan trái đó, còn có danh từ "vạ vịt" và động từ "vạ lây". Đó đều là những tai hoạ không may, không do "đương sự" chủ ý gây ra. Nói một cách khác, đương sự không phải là kẻ "chủ mưu" hay "tác giả" của những sự việc, vấn đề... trực tiếp gây nên cái "vạ" đó. Có vạ nhỏ, nhưng cũng có vạ tày đình. Vạ nhỏ - chả nói làm chi: Con người ta vốn sớm nhận thức, "Đời là bể khổ" mà!. Vạ tày đình thì "gánh" chịu hết cuộc đời, có khi. Thày giáo, nhà văn Nguyễn Bản là một người như thế.
Nguyễn Bản sinh năm 1931, tại Bắc Ninh. Mười tám tuổi theo học trường Sư phạm Trung cấp Trung ương trên chiến khu Việt Bắc. Hai nhăm tuổi tốt nghiệp khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội, cùng khoá với nhiều người sau này trở thành những nhà văn, nhà giáo "tên tuổi"; được phân công về dạy ở trường cấp III Hàn Thuyên Bắc Ninh - tỉnh nhà. Là cán bộ kháng chiến, lại dạy giỏi, lại viết văn hay, lại "hào hoa phong nhã" nữa, nên Nguyễn Bản rất được đồng nghiệp, bạn bè và học sinh yêu mến, kính trọng. Và anh đã lọt mắt xanh một người con gái diễm kiều, để chỉ một thời gian ngắn sau, hai người nên duyên vợ chồng.
Hạnh phúc của họ chắc sẽ êm đềm trôi trong cõi mơ, nếu như đất nước không xẩy ra vụ "nhân văn giai phẩm"! Đấy là một vụ án văn chương - chính trị, mà những người chủ chốt sau một thời gian bị kết tội, bị treo bút, bị đầy ải,... đến nay hầu hết đã được "trả lại" danh dự, công việc, lương lậu,... Trong đó có nhiều người đã được trao tặng những giải thưởng cao quý! Còn kẻ bị vạ lây thì sao?
Nguyễn Bản là một kẻ bị vạ lây. Đó là điều hoàn toàn có thể khẳng định, bởi anh chưa bao giờ là thành viên của nhóm "nhân văn giai phẩm", cũng không hề có bài đăng trên các báo ấy. Anh chỉ mê một số bài viết của họ. Từ mê, anh lại muốn truyền cái cảm thụ đó của mình cho đám học sinh thân yêu. Thế là trong một lần cao hứng, sau khi giảng xong bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu, Nguyễn bản đã "ngoại khoá" cho các học trò của mình nghe bài thơ "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán. Ai đó đã tố cáo chuyện ấy lên trên. Thế là một bản án không thành văn giáng xuống đầu thầy giáo trẻ - "một cú đòn âm", như cách gọi của nhà văn Hoài Anh. Nguyễn Bản không chống cái gì và cũng không a dua theo ai để chống bất cứ một ai. Thấy bài thơ "Lời mẹ dặn" có tứ hay, thì anh thích và muốn truyền cái thích ấy cho mọi người, thế thôi. Ngay từng câu từng chữ trong "Lời mẹ dặn" cũng chả hề chứa chút nội dung "chống" nào cả, ngoài chống thói dối trá, thiên thẹo:
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Theo cách nói của dân gian, cái tội vạ lây ấy của Nguyễn Bản, là thứ vạ miệng - do cái miệng gây nên!
Sau đó, Nguyễn Bản vẫn được hành nghề dạy học, nhưng là dạy bổ túc cho cán bộ, rồi về "hưu non". Là sinh viên khoa văn khoá đầu, được đào tạo bài bản để trở thành người thầy cho các nhà văn, nhà báo sau này, Nguyễn Bản còn là người có năng khiếu văn chương và dịch thuật như ta biết; vậy mà cái "đòn âm" đã loại anh ra khỏi cả cái chân "hội viên" Hội văn nghệ địa phương! Người bạn đồng môn thân thiết thời nhỏ, tuy không được học hành đến nơi đến chốn, lúc ấy đang làm chức lãnh đạo cấp cao của tỉnh, nhưng đã không những không có được cái đức của Dương Lễ đối với Lưu Bình - Nguyễn bản, mà còn muốn bạn cũ "mở mắt" ra mà xem, đừng tưởng cứ có học vấn cao là muốn gì cũng được đâu! Rồi đến cái cứu cánh cuối cùng là hạnh phúc gia đình, cũng tiếp tục bị vạ lây: trước sức ép của đời sống quá khó khăn, sức ép của dư luận về tội ảnh hưởng "Nhân văn giai phẩm" của chồng, người vợ anh đã không chịu đựng nổi: Nàng đang là "đối tượng" phấn đấu về mặt chính trị, nàng lại không có được cái cốt cách quý báu của Bội Trâm, người vợ yêu của Phùng Quán, người đã hết lòng cùng chông gánh chịu mọi tai hoạ, mọi khó khăn - và có thể nói không quá rằng, không có Bội Trâm, chắc không thể có một Phùng Quán như chúng ta đã biết. Vợ Nguyễn Bản tỏ ra rất bất mãn với việc làm của chồng, liên tục dày vò, dằn vặt anh. Cuối cùng, để "giải thoát" cho nhau, sau nhiều ngày tự đấu tranh tư tưởng, Nguyễn Bản đã lặng lẽ chia tay vợ, đẻ lại cho chị và các con toàn bộ nhà cửa, tài sản, ra đi tay không! Tìm đến tá túc nhà bạn tại một ngõ hẻm suốt mấy chục năm trời, cho đến tận những năm chín mươi của thế kỉ trước, mới may mắn được cô con gái lớn thương tình, cố gắng gom góp, vay mượn mua cho bố mảnh đất mười mét vuông cạnh nhà mình và cất cho ông một gian nhà mà nhà thơ Nguyễn Khôi đặt tên là "Hộp diêm"! Khi ấy nhà văn của chúng ta đã bước qua tuổi sáu mươi! Vậy là từ ấy Nguyễn Bản được về sống bên con cái, được con cái chăm sóc, không còn cô quạnh trong túp lều ở nhờ bạn bè nữa. Cuộc đời ông như vậy, kể ra cũng là "có hậu"!
Đằng đẵng chịu cái gọi là "đòn âm" mấy chục năm trời , Nguyễn Bản vẫn không rời cây bút: Văn chưong như cái nghiệp chướng, quấn chặt cuộc đời anh. Anh là một "cây viết" truyện ngắn có cá tính, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nguyễn Khải nhận xét truyện "Ánh trăng" của anh như sau: "... được viết bởi cây bút lão luyện nên nó giản dị, nó thật, đọc lời thoại mà như sờ nắn thấy người". Nguyễn Khôi, nhà thơ đồng hương thì đánh giá: "Ở Nguyễn Bản, ta có cảm tưởng anh đang nối tiếp dòng của Thạch Lam với "Gió đầu mùa", chỗ khác của Nguyễn Bản là những cuộc tình thường éo le, trắc trở...."[1]. Một số truyện của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Nhưng Nguyễn Bản không chỉ sáng tác, mà còn dịch thuật. Anh từng tâm sự: " Tôi đã từng dịch thuê “tạp nham” đủ loại bằng tiếng Anh như: tài liệu kỹ thuật, những truyện trinh thám cho NXB Công An như Vụ giết người trên chiếc thuyền hoa, Những kẻ giết người bệnh hoạn, Trước toà pháp đình để kiếm tiền"[2]. Dù sáng tác hay dich, cây bút Nguyễn Bản cũng luôn thể hiện là một người tài hoa và có trách nhiệm; đau đáu với đời, hướng về những lớp người nghèo khó, lam lũ. "Vì sống khá lặng lẽ tại một ngõ nhỏ của Hà Nội nên văn của ông phảng phất cô đơn, tiềm ẩn xúc cảm số phận con người trong đường đời, đường tình"[3]. Cuộc đời đã tạo nên tính cách anh, với một tâm hồn vị tha và khép kín.
Những người trực tiếp làm báo "Nhân văn giai phẩm" giờ đã kẻ còn người mất, nhưng thảy đều đã được đắp đền bằng những giải thưởng này giải thưởng kia. Còn bao nhiêu kẻ vạ lây như Nguyễn Bản, vẫn cô đơn cầy cuốc trên mảnh vườn văn chương gập ghềnh sỏi đá. Giá như hồi ấy anh có một vài bài đăng trên báo Nhân văn hoặc tạp san Giai phẩm, chắc có khi anh cũng được xét tặng một cái gì đấy. Thậm chí còn được ai đó bỏ tiền ra, thuyết phục anh để họ được mua tác phẩm của anh như đã từng làm với Hữu Loan[4], chưa chừng!
Bây giờ đã là những tháng cuối của năm sát kề thập niên thứ hai thế kỷ hai mươi mốt. Không còn mấy thời gian nữa, Nguyễn Bản sẽ vào tuổi "bát thập". Sức viết, sức sáng tạo của anh vẫn rất tràn đầy, với rất nhiều dự định. Chúng ta sẽ còn được đọc từ anh nhiều tác phẩm mới, kể cả sáng tác lẫn dịch thuật. Đấy không chỉ đơn thuần là lời chúc, mà còn là sự trông đợi. Chắc chắn là như thế! ./.
9/2009
(NGANG QUA CUỘC CHƠI)