Tôi cho xe tấp sát lề đường rồi xuống mở cánh cửa bên phải, một hành động mà nàng luôn cảm thấy tự hào mỗi khi tôi đến đón nàng. "Anh xin lỗi. Ðường đông quá". Nàng cười tít mắt, kéo phécmơtuya áo trễ xuống ngực "Không sao. Em cũng chỉ vừa mới họp xong. Tối nay đền bù là được". Tôi lúng túng, sẵn sàng đón nhận một cơn lôi đình "Thế này nhé. Em chờ anh ngoài xe. Không lâu đâu". Tôi cảm tưởng nếu cửa xe không chốt chặt thì nàng đã nhoài ra ngoài mà lao đầu vào một chiếc xe khác đằng sau "Tôi cho rằng đây là lần cuối cùng...". Tôi nhăn nhó, còn thấy khó khăn hơn chủ trì cuộc họp thường niên cuối năm "Anh đâu muốn thế, nhưng lần đấu thầu này rất quan trọng. Anh phải đi đêm trước. Nếu thành công, anh hứa...". Nàng trườn người qua trái "Anh còn nhớ hợp đồng trước anh cũng hứa khi nào tiền chuyển khoản sang ngân hàng anh sẽ mua cho em một chiếc O2 không". Chiếc phécmơtuya áo của nàng tụt thêm một chút nữa, nàng cố gắng di chuyển toàn bộ những phần nào có thể trong một không gian chật hẹp và vịn vào cánh tay phải của tôi. Nếu là lúc khác thì tôi đã quặt vô lăng theo hướng ngược lại, về phía con đường dẫn tới căn hộ rộng 200 mét vuông nằm chót vót trên tầng 18. Sẽ để nàng biểu diễn màn rắc quần áo, giày, mũ và khăn quàng cổ từ cửa cho đến bồn tắm, khu bếp, bàn vi tính hay bất cứ nơi nào nàng cho là mới lạ. Nhưng trước mỗi cuộc làm ăn, tôi chịu không nghĩ được việc gì thêm. Tôi gạt mồ hôi trán kiên quyết "Thôi nhé. Ngồi chờ anh. Lát nữa mình ăn ở nhà hàng Mêhicô". Tôi dừng xe trước một căn nhà bốn tầng. Cuộc đàm phán hoá ra gọn hơn tôi tưởng. Gã trưởng phòng môi mỏng dính, lúc nói hai hàm răng xít lại, lúc cười đôi mắt đảo như rang lạc. "Thôi ta vào việc nhé. Phía hai nhà thầu kia đồng ý hai mươi phần trăm nên nếu cậu muốn trúng thầu thì hai lăm. Việc này cũng chả riêng mình tôi đâu, còn phải cám ơn nhiều cửa lắm". Tôi húp vội chén nước trà cho đỡ đắng họng "Dạ, mọi việc nhờ anh cả. Em đã chuẩn bị hết rồi". Nàng cũng không ngờ tôi ra nhanh như vậy, cười toét miệng "Nhìn mặt tươi thế kia là biết...". Ðôi chân trần màu sáp ong của nàng tựa vào thành xe đầy khiêu khích. "Thằng cu Ghẻ đấy hả?". Tôi đang dợm bước về phía nàng thì chợt giật mình vì một bóng đen chắn ngang trước mặt. Dường như nàng cũng vừa nhận thấy cái hình nhân nghều ngoào dưới nắng quái chập choạng nên há hốc mồm kinh hãi. "Có phải thằng cu Ghẻ con bà Thành đấy không?". Cả hai cái tên quen thuộc khiến tôi chựng lại. Chiếc kính mờ hơi nước do mồ hôi túa ra từ lúc còn ngồi húp nước trà trong nhà gã trưởng phòng. Tôi vội vàng rút kính lau vội vào vạt áo và ngay tức thì buột miệng "Cô Thuý". Người đàn bà trước mặt cười đắc ý, khuôn mặt nhúm lại như phù thuỷ, cả quầng mắt và bờ má thâm đen khiến lớp son phấn loang lổ cũng không che giấu nổi. Mái tóc xơ xác vàng ươm nhuộm bằng thứ thuốc rẻ tiền cắt cao tận gáy làm trơ khấc cổ xương xẩu. Chiếc túi da màu mận chít vắt vẻo trên cái khuỷu tay gân guốc bận áo đen lấp lánh kim tuyến nhũ vàng. Cô Thúy giơ tay định chạm vào người tôi khiến tôi chùng lại một bước theo phản xạ "Bà Thành dạo này có khoẻ không?"...
*
Ðã lâu lắm tôi mới nghe thấy có người gọi mẹ tôi bằng này. Hồi ấy gia đình tôi còn sống trong cái xóm diện KT2, nghĩa là khu nhà không giấy tờ của những người dân ngụ cư. Xóm lao động nghèo nên trong một con ngõ dài chưa đầy hai chục mét có tới hơn chục hộ dân. Dân trong xóm, trừ gia đình tôi, đều không phải người Hà Nội gốc nên nghiễm nhiên bố mẹ tôi, một cô giáo tiểu học và ông kiến trúc sư trở thành gia đình kiểu mẫu. Bố tôi tên Thành nên cả xóm gọi mẹ tôi là chị Thành. Phía đầu ngõ, ngay dưới gốc xoan là ngôi nhà "ma ám" do cửa đóng then cài suốt cả ngày nên lũ trẻ trong xóm sợ lắm. Ngôi nhà đổi chủ liên tục và thi thoảng có người đàn bà mặt rỗ hoa đến ở, tóc dài thườn thượt, mỗi lần ra vào đều đóng kín cửa ngay lập tức khiến chúng tôi chết khiếp. Trong xóm nhà nào nhà nấy mở cửa thông thống suốt đêm ngày. Nhà tôi cũng chỉ lấy tạm một cánh cửa rụng bản lề để mỗi lần đi đâu thì bê ra che chiếu lệ. Cánh cửa hụt trên hở hông hốc, lại nghiêng ngả do mặt đất không bằng phẳng, thế nhưng chẳng nhà nào mất cái gì bởi đâu có mấy của nả, xóm lại nhung nhúc người, bên này thở dài bên kia cũng nghe thấy tiếng. Ngay giữa ngõ là nhà ông ấm. Cả gia đình ông làm nghề thổi thuỷ tinh nên mới sáng sớm đã ầm ầm kéo nhau đi làm ở một xưởng gần đấy, rồi nhà ông Chang đóng móng bò, ông Thuỵ thợ mộc, bà Huê đồng nát. Nhà tôi tận cuối ngõ, phía sau là cả ruộng rau rộng mênh mông và ngay sát vách là nhà bà Thường. Ông Thường làm nghề hàn dép nhựa. Mỗi sáng xách giỏ đồ nghề đi hàn rong đến tối mịt mới về. Ðồ nghề của ông là cả kho báu vật đối với lũ trẻ trong xóm, khi ông có một chiếc que sắt hơ lửa rồi chỉ cần gí vào vết nhựa rách, chiếc dép sẽ lành lặn như cũ. Ông Thường hiền lành, cả ngày chả nói một câu, trái ngược hẳn với tính bà Thường. Bà bán cháo rong, thứ cháo hoa loãng ăn với cà muối và đậu phụ rim. Hè đến thì bà đổi hướng kinh doanh bằng cách bán cơm nắm với muối vừng. Bà cũng chỉ bán cho khách lạ chứ người trong xóm thì không ai dám ăn vì có lần chính mắt cô Loan con ông Thuỵ thợ mộc nhìn thấy bà nắm cơm bằng manh quần lót màu cháo lòng của bà. Chiếc quần vải phin rộng thùng thình được cắt làm đôi rồi tận dụng để một nửa làm giẻ lau bát, một nửa nắm cơm. Cô Loan rỉ tai với khắp xóm nên kể từ đó người ta cứ cảnh giác nhìn những nắm cơm trắng nõn của bà. Gia đình bà Thường ồn ào nhất xóm vì những trận khẩu chiến không hồi kết. Bốn người con đầu của bà đều đã có gia đình nhưng đi đâu không rõ, thỉnh thoảng mới kéo về ở dăm bữa nửa tháng, bổ sung tiếng ồn vào căn nhà lợp giấy dầu rộng hơn hai chục mét vuông mà vật trang trí duy nhất là bức tranh màu nước quăn bốn góc, vẽ một ngôi nhà màu trắng trông ra biển, tấm rèm đăng ten bay phất phơ khẽ chạm vào chiếc bàn ăn trên bày một đĩa hoa quả đủ loại. Năm này qua năm khác ông Thường treo bức tranh lên vị trí trang trọng nhất trong nhà và dặn thằng Văn không được nghịch vào. Thằng Văn, con út của bà Thường hơn tôi một tuổi, trên nó là chị Hải, béo ục ịch và răng hơi hô nhưng đã có lần được ông Thường dắt đi thi tuyển lớp vũ ba lê, anh Viên, bộ đội giải ngũ và gần như ngày nào cũng cãi nhau với bà Thường bằng điệp khúc duy nhất "Ai bảo đẻ ra. Ðẻ ra thì phải nuôi chứ". Trên anh Viên là cô Thuý, hoa khôi của xóm. Khuôn mặt cô Thuý, mái tóc cô Thuý như chẳng ăn nhập gì với cái xóm lao động nghèo xác xơ. Cô Thuý quãng ngoài hai mươi, tóc cắt kiểu bumbê ôm lấy khuôn mặt thon gọn, hợp với sống mũi thanh tú và làn da mỏng manh. Dáng người cô tròn lẳn. Trong khi mẹ tôi và đàn bà con gái trong xóm thường chỉ bận quần phăng đen, áo sơ mi phin hoa thì cô mặc quần âu trắng, áo phông sáng màu phô chiếc cổ xinh xắn có ba vòng ngấn đầy đặn. Cô chỉ có hai ba bộ quần áo xong lúc nào cũng chải chuốt và sạch sẽ, khác hẳn với vẻ lam lũ của bà Thường và dáng người thô kệch của chị Hải. Có lần tôi nghe thấy mẹ nói với bố tôi sau khi ông buột miệng khen cô Thuý "Bà Thường trông thế mà khéo đẻ. Con bé còn xinh hơn cả diễn viên điện ảnh".- "Xinh thì có xinh nhưng cái mắt ướt rượt, phá tướng hết cả. Cái mắt ấy chỉ có đi làm...". Mẹ tôi bỏ lửng câu nói và quay sang mắng tôi "Tao cấm thằng Vinh mò sang bên kia chơi đấy nhá. Nghe tao thì mày có ăn có học tử tế, không chỉ có đi làm phu hồ thôi con ạ". Tôi òa khóc vì lần đầu tiên mẹ xưng mày tao với tôi. Lúc ấy tôi không hiểu sao mẹ tôi và các cô trong xóm ghét cô Thuý đến thế. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi thì cô là thần tượng. Cứ mỗi đận gió heo may đưa đẩy tán xoan đầu ngõ thì y như rằng đám trẻ nhà ông Thuỵ, ông Chang, bà Huê tụ tập đông đủ trong nhà cô Thuý. Chúng tôi chẳng đứa nào được đi nhà trẻ, cả ngày cứ tha thẩn mỗi nhà một tí và cái kho của cô Thuý chính là thiên đường. Trong căn nhà nền đất chật chội, cô Thuý được cất riêng một gác xép thấp lè tè to bằng cái chiếu đôi, chỉ ngồi mà không đứng được. Cô có một chiếc làn đựng đủ thứ của nả mà lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng muốn xán vào ngắm nghía. Lúc này, thằng Văn và chị Hải huênh hoang lắm, ngồi trấn giữ ngay chân cầu thang gỗ để xét duyệt xem đứa nào đủ tiêu chuẩn. Tôi luôn được đặc cách vì cô Thuý quý tôi nhất xóm. Cô bày lên sàn gỗ những vụn len đủ màu sắc, nối chúng lại với nhau rồi nhoay nhoáy đôi que đan. Chiếc áo cứ dài dần rồi cho đến một sáng, khi chúng tôi ngủ dậy đã thấy chiếc chăn được đắp sẵn trên người thì cũng là lúc cô Thuý bận áo mới. Cô Loan ngấm nguýt "Ðúng là đồ giẻ rách. Tha được ở đâu đống len đồng nát về đắp lên người trông đến kệch cỡm". Chỉ có lũ chúng tôi là trầm trồ khi thấy cô Thuý như khoác cả vườn hoa với trăm ngàn màu sắc. Tôi thấy cô tài hoa lắm. Mấy đứa con gái còn mê mẩn cô Thuý ở chỗ cô là người duy nhất trong xóm có thỏi son gió màu xanh mà mỗi lần thoa lên môi lại biến thành màu hồng. Chúng tôi có thể ngắm cô hàng giờ trong lúc cô tô vẽ khuôn mặt qua một chiếc gương tròn con tí. Lúc ấy tôi chưa thấy người nào xinh đẹp bằng cô Thuý. Tôi ngưỡng mộ cô.
Một lần mẹ tôi có người bạn đến chơi. Bà ta nhấc tôi lên lòng rồi gí sát miệng vào tai mà nói oang oang "Cu Vinh đẹp trai quá nhỉ. Sau này có thích cưới vợ cô gả bạn Hồng Vân cho." Tôi chưa biết Hồng Vân là đứa nào xong khó chịu tụt xuống nói rành rọt "Cháu không thích cưới bạn Hồng Vân. Lớn lên cháu sẽ cưới cô Thuý làm vợ". Mẹ tôi đét tôi một cái rõ đau rồi quát ?"Thằng này càng lớn càng mất dạy. Ra ngoài kia cho người lớn nói chuyện". Bà bạn mẹ tôi tròn mắt ngạc nhiên "Cô Thuý là ai?". Mẹ tôi xua tay "Thôi con nít, chị nói chuyện nhảm nhí ấy làm gì". Bị đòn oan, tôi càng ức, đứng giữa nhà hét to "Sau này con sẽ cưới cô Thuý làm vợ". Tôi cũng không hiểu sao cô Thuý là người duy nhất trong nhà không bị bà Thường nhiếc là đồ ăn hại. Bà Thường gầy như que củi khô, răng nhuộm đen cái ra cái vào khấp khểnh. Ðôi lúc rỗi rãi, mà thường là lúc trời chuyển mùa, bà Thường lấy chiếc lược bí ra ngồi trên vệ cửa, chải lũ chấy vào lòng chiếc nón rách. Chúng tôi tha hồ giành nhau những con chấy to để nghiến vào móng tay cho nổ đôm đốp. Bà Thường vừa chải chấy vừa kể lại câu chuyện muôn thuở hồi đi đắp đê cho Tây. Lúc khát nước cả đám cu li lội xuống mả lùa lấy lưng nón nước uống lấy uống để. Chúng tôi há hốc mồm "Thế rồi có bị làm sao không hả bà?". Bà Thường lấy vạt áo nâu bạc phếch chùi cái lược bí rồi quẩy vào nhà "Chả có làm sao sất. Tao vẫn cứ sống nhăn ra đây". Ðấy là những hôm mát trời, còn thường thì bà gào lên cái điệp khúc "Ông khổ quá rồi. Chỉ muốn cái quả đất này nổ tung lên. Thử cho chúng bay nhịn đói một hôm thôi xem có vàng mắt ra không". Những lúc ấy anh Viên lại khuyệnh khoạng đi ra đầu hè, mồm lẩm bẩm "Ai bảo đẻ ra...".
Năm lên sáu tuổi thì tôi bị mắc ghẻ. Mới đầu cụm ghẻ chụm trên hai mu bàn tay sau lan từng đám rồi chi chít khắp mình. Tôi gãi sồn sột suốt ngày, bỏ cả cơm, đêm không ngủ được vì ngứa. Mẹ tôi hỏi ai đó bài thuốc nam đã đắp vài nắm lá đen đen lên người tôi nhưng không ăn thua. Cả xóm từ đấy gọi tôi là cu Ghẻ, gọi riết thành quen đến nỗi sau này tôi hết ghẻ vẫn bị coi là cu Ghẻ. Mẹ không cho tôi ra ngoài vì lo hàng xóm chê cười, vả lại tôi cũng không có người chơi do bị bố mẹ lũ trẻ trong xóm sợ lây nên cấm cửa. Suốt ngày tôi tha thẩn trong nhà. Một trưa nọ, tôi nghe có tiếng cô Thuý ngoài cửa "Thằng cu Ghẻ đâu chị?". Mẹ tôi đã sẵn ghét cô Thuý lại thấy cô ngang nhiên gọi tôi là cu Ghẻ nên lạnh lùng "Bố nó cho đi xuống nội từ sáng rồi. Cô có việc gì cần không?" - "À không, em hỏi thế thôi mà". Chờ cho mẹ tôi vào giường ngủ, tôi rón rén mò sang nhà cô Thuý. Nhìn thấy tôi cô reo lên "A thằng cu Ghẻ. Về rồi đấy à. Cái thuốc mẹ cháu bôi không khỏi đâu. Ngồi xuống đây cô chữa cho". Nhìn thấy cô lăm lăm cây kim trong tay, tôi sợ chết khiếp. Cô kéo tay tôi bảo gối lên đùi rồi giảng giải "Con cái ghẻ nó đào thành rãnh lên da cháu. Giờ cô lấy kim khêu nó ra cho nó chừa làm cháu ngứa". Cô vừa nói vừa chích một mũi kim lên da tôi. Tôi thấy nhói một cái nhưng sau đó cái chỗ mà tôi ngứa phát điên đó dịu hẳn lại. Cô nhể đến đâu, tôi như được trút cơn ngứa đến đấy. Nghĩ đến cảnh lũ cái ghẻ làm hại tôi suốt một tuần nay đang bị cây kim của cô Thuý lôi ra xử tội, tôi lim dim mắt sung sướng "Có phải xe tăng bọc thép đang tấn công hầm trú ẩn của địch không cô?". Cô Thuý cười khanh khách "Cậu chỉ được cái ví von. Thế tôi chữa cho cậu hết ngứa sau này cậu học giỏi rồi đi Liên Xô, cậu trả ơn cho tôi cái gì đây?". Cơn gió hiu hiu lúc trưa hè thổi qua ruộng rau muống sau nhà ươm lên da thịt tôi mát lạnh, tôi gối lên đùi cô Thúy êm ái, cảm thấy thoải mái hơn bất kỳ chiếc gối nào trên đời, mắt tôi díu lại "Cháu đi Liên Xô về mua cho cô cái quạt con cóc để cô đỡ phải quạt tay". Cô Thuý lại cười, đầu tôi gối trên đùi cô cũng rung theo "Cha bố cậu. Chờ được cái quạt con cóc của cậu thì khéo tôi ngỏm rồi". Rồi cô Thuý kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe, giọng cô đều đều như thể đang nói với chính mình. Cơn ngứa dần bay biến khỏi da thịt và tôi chìm dần vào giấc ngủ. Trong tâm trí mộng mị, tôi vẫn nhận thức được rằng chưa bao giờ và chưa ở đâu tôi cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc đến như thế.
Từ bận đó, cứ buổi trưa là tôi trốn sang nhà cô Thuý để được gối lên đùi cô và khêu cái ghẻ. Trước lúc về cô đưa cho tôi một túi lá dặn "Lá chè tươi. Bảo mẹ cháu đun lấy nước tắm thì cái ghẻ nó mới không đẻ trứng tiếp được". Mẹ tôi tặc lưỡi định vứt đi, sau nghĩ thế nào cũng đun lên cho tôi tắm. Quả nhiên, sau vài ngày da thịt tôi nhẵn nhụi không còn một con cái ghẻ nào. Hồi ấy bố tôi vắng nhà luôn luôn. Sau mỗi lần vào Nam, ông lại xách ra vài sọt nho, hàng tá khăn bông bay, dăm bánh xà phòng và chục chiếc áo phông trẻ con. Mẹ tôi xếp từng món đồ vào túi rồi đem đi đâu không rõ, những thứ còn lại mẹ gọi vài người quen đến bán. Hết vài lần vắng nhà của ông thì gia đình tôi sắm được chiếc tivi đen trắng, thỉnh thoảng nó tắt phụt, lấy tay đập đập lại lên hình. Từ đó tối nào nhà tôi cũng tấp nập người đến xem nhờ vì đó là chiếc vô tuyến duy nhất trong xóm. Tôi thấy oai ghê lắm vì hàng xóm đến nhà ai cũng nịnh tôi. Nhưng mẹ tôi thì tỏ ra khó chịu. Có lần bà bảo với bố tôi "Thôi đồ đạc để tính sau. Mình lo chuyển nhà đi chỗ khác cho nhẹ đầu". Tôi ngỡ mình sắp phải xa cô Thuý nên càng quanh quẩn bên cô. Tuy nhiên bất cứ khi nào mẹ tôi phát hiện là tôi lại bị vài cán quạt. Một tối nọ, mẹ cho tôi lên hè hóng mát. Không biết từ đâu có gã thanh niên dắt xe đạp chờ tới, ngó vào trong ngõ, miệng tủm tỉm hỏi mẹ tôi "Trong này có lò phải không chị?". Mẹ tôi ngơ ngác "Lò gì? Lò bánh mỳ á?". Gã kia cười nham nhở "Lò ấy mà". Mẹ tôi đỏ dừ mặt gằn giọng "Ðồ mất dạy. Ði mà tìm chỗ khác", rồi bà vội vã xua tôi vào nhà. Tối hôm đó, tôi nghe thấy bố mẹ bàn bạc với nhau "Tôi đã hỏi được căn nhà cạnh xưởng gỗ, hướng đẹp lắm. Ông lo dồn tiền đi chứ ở đây ô uế lắm, rồi con cái mình cũng hư hỏng theo". Tôi đem chuyện này kể với cô Thuý. Cô im lặng hồi lâu rồi cắp nón đi ra ngoài. Cô tránh mặt tôi dễ đến tháng trời, mãi cho đến một hôm. Tôi pha cốc nước đường to bự rồi ngênh ngang đi lại trong ngõ. Lũ trẻ con và cả người lớn nữa nhìn tôi ghen tị. Cô Loan vừa ngó cốc nước đường trên tay tôi vừa bĩu môi với bà Huê "Ðúng là con nhà giàu có khác, người thì bé cốc nước đường thì to, không biết sau này có làm nên cơm cháo gì không". Ðúng lúc đó thằng Văn ở đâu chạy đến nhìn hau háu vào cốc nước đường của tôi "Cho tao xin một ngụm". Tôi vênh mặt lên "Không". Tức thì thằng Văn xông vào đổ ụp cốc nước của tôi xuống đất. Tôi húc đầu vào bụng thằng Văn. Chúng tôi lăn lộn dưới đất. Cô Loan cười ha há "Ðúng rồi. Văn cho nó đo ván đi. Cậy nhà có tiền hách dịch hả". Vừa lúc thằng Văn cưỡi được lên người tôi và chuẩn bị thoi nắm đấm vào giữa mặt tôi thì một bàn tay lôi nó ra. Tiếng cô Thuý đanh lại "Tao cấm mày. Ðói cho sạch rách cho thơm". Cô xốc lại áo cho tôi rồi lấy cổ tay chậm vết máu dính lẫn đất cát trên má tôi. Cô Loan ngửa mặt lên trời nói bâng quơ "Úi giào ôi. Ðói cho sạch rách cho thơm gớm nhỉ". Cô Thuý sững lại. Những giọt nước tròn xoe thi nhau trườn khỏi đôi mắt đen láy như lúc nào cũng phủ sẵn một lớp nước. Cô đi vụt vào trong nhà, bỏ mặc tôi và thằng Văn đứng ngơ ngác.
Ít lâu sau, tôi thấy nhà bà Thường hay có khách, khách của cô Thuý. Ðấy là một người đàn ông có khuôn mặt trắng trẻo, đôi môi đỏ như môi con gái và lông mày thì lưa thưa như trẻ con. Cô Thuý vui lắm, cười nói suốt ngày. Người đàn ông lần nào đến cũng cho thằng Văn túi kẹo hoặc cái kẹp tóc cho chị Hải, túi thuốc lào cho anh Viên nên được cả nhà bà Thường tiếp đãi như khách quý. Tôi đoán rằng đấy là lý do mà cô Thuý lạnh nhạt với tôi vì có lẽ cô có người bạn mới rồi. Tôi khó chịu ra mặt và giận cô thực sự. Có bận cô gọi tôi sang để cho phong bánh khảo mà tôi không thèm trả lời. Rồi một lần nọ, cô làm lành bằng cách rủ tôi đi mua cà. Ðấy là một cám dỗ mà tôi không thể từ chối. Ði sang quầy hàng khô nhà bà Vui phía bên kia đường luôn là điều mong mỏi đối với lũ trẻ trong xóm vì ở đó chúng tôi được ngắm đủ thứ hàng hóa lạ mắt. Vừa nhảy nhót trước mặt cô Thúy, tôi vừa vặn vẹo "Sao cô không muối cà giống nhà cháu ấy, thì đỡ phải đi mua". Cô Thuý giơ cao bát cà sang một bên sợ tôi đánh đổ mất "Ðể mà chúng nó ăn vã cà à, rồi thì đến bữa lấy gì ăn cơm". - "Thế sao cô không muối một vại cà bán giống nhà bà Vui, xóm mình đỡ phải đi xa mua cà." - "Nhưng cô không có tiền làm vốn" - "Cô muối một vại cà nhỏ thôi. Bao giờ có lãi thì cô muối hai vại cà, có lãi nữa thì ba vại cà". Cô Thuý cười đến nỗi bát cà sóng sánh suýt rơi ra ngoài "Anh này có máu kinh doanh đây. Sau này lớn lên làm ông chủ, xây nhà to mua xe đạp rồi mời cô Thuý đến ở nhé". Không ngờ sau bữa đó, cô Thuý muối cà bán thật. Cô bày ra đầu hè dưới gốc cây xoan. Hàng xóm túc tắc có người đến mua, rồi cả những ngõ trên cũng sang. Họ nói cà cô muối ngon hơn bà Vui. Hễ có khách đến là cô lại khoe "ý tưởng của anh cu Ghẻ đấy". Mẹ tôi nhỡ bữa cũng sai tôi ra mua dăm hào cà. Cô Loan mới đầu còn nguýt "Gớm, được ba bảy hai mốt ngày", sau cũng vác bát ra mua nốt. Người đàn ông môi đỏ vẫn đến chỗ cô đều đặn và còn bán cà giúp cô. Cả hai vừa múc cà vừa cười ríu rít. Cho đến một buổi trưa nọ. Giữa không gian tĩnh lặng của xóm thị nghèo, thảng hoặc có tiếng ve đầu mùa ran lên một hồi dài rền rĩ. Tôi trốn ngủ trưa và ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh vại cà của cô Thuý. Người đàn ông môi đỏ ngồi sát cô, hai người ngắt những bông phượng đan vào nhau thành một vòng tròn và xếp lên đùi tôi. Tôi thích chí định quàng nó lên tóc cô Thuý giống nhân vật trong bộ phim tối hôm trước thì một bàn tay phũ phàng đã túm lấy mớ tóc mềm mại, vò nát cả những bông phượng mà tôi công phu cài lên tóc cô. "Hôm nay tao mới bắt được quả tang thằng Ngô con đĩ. Tao cho chúng mày chết". Vừa chửi người đàn bà to béo vừa tát túi bụi vào mặt cô. Người đàn ông môi đỏ mặt tái mét lùi lại đằng sau. Hàng xóm kéo đến đông nghịt. Người đàn bà vừa giúi đầu cô vào gốc xoan vừa chì chiết "Nó lại còn bày đặt bán cà nữa các ông các bà ạ. Thứ người như nó thì cái gì cũng bán". Vại cà rơi xuống vỡ tan, những quả cà vàng ươm lăn tung toé, lấm lem vết đất. Mụ ta bốc một nắm cà nhét vào miệng cô Thuý "Ðánh đĩ mười phương phải để một phương lấy chồng. Hôm nay bà thương mày nên mới xử mày để mày còn có một phương đấy nhé". Mãi sau cô Thuý mới được thả ra, tả tơi, ê chề, suy sụp. Trong trí nhớ non nớt của tôi lúc ấy, tôi chỉ muốn mình có thể ôm cô vào lòng, như cô đã từng che chở cho tôi vậy.
Sau bữa ấy, bố mẹ tôi quyết định chuyển nhà. Trước khi đi tôi không chào được cô Thuý vì nghe cô Loan nói cô đã về quê để tránh đòn thù. Gia đình tôi còn chuyển nhà mấy đận nữa và sau thời kỳ đổi mới, cái xóm lao động ấy cũng đã bị bay đi để người ta mở đường và xây chung cư. Tôi cũng nghe phong thanh nhà bà Thường được đền bù nhiều nhất vì cách tính suất đất theo nhân khẩu. Tuy nhiên cái nghề hàn dép nhựa và bán cơm nắm của ông bà Thường đã chẳng còn phù hợp với cái thời đại đi xe hơi và ăn nhà hàng này. Các con bà vẫn thất nghiệp và bà Thường cứ thế bán đất đi mà ăn dần. Ngót ba mươi năm qua tôi không gặp lại cô Thuý.
*
Cô Thuý lại cười khanh khách. Những vết chân chim dúm lại quanh mắt như thể ông Trời đã túm cả nắm thời gian để ném vào đấy. Ðôi mắt cô đục lờ, đờ đẫn. Hàm răng ám khói đen xỉ phô ra khi cười. "Cu Vinh hả. Cậu đi du học về có khác. Thành ông chủ lớn rồi hẳn. Giỏi thật". Cô lại định giơ tay chạm vào người tôi nhưng lần này thì tôi giật nảy mình lùi hẳn lại một bước. Cô Thuý như chợt nhận ra điều gì, ngơ ngác nhìn chiếc đồng hồ vàng chói trên tay tôi, chiếc xe lấp lánh biểu tượng hình ngôi sao ba cánh và nhất là cô người yêu sực nức mùi nước hoa của tôi đang khinh khỉnh tựa vào thành xe vẻ sốt ruột. Nụ cười của cô Thuý tắt dần. Cô gượng gạo "À cho tôi hỏi thăm ông bà Thành nhé". Nói đoạn cô vội vã quay đi hướng về gốc si già xù xì trong ánh chiều nhập nhoạng. Dáng cô liêu xiêu theo tiếng ho gằn không dứt. Nàng ngúng nguẩy chui vào xe "Anh quen hạng người ấy à". Tôi nhấn ga "Không" "Sao biết tên anh?" "Chịu" "Sao biết anh đi du học về". Tôi gắt "Sao hôm nay em hỏi lắm thế. Thôi về. Anh mệt rồi". Cho đến tận lúc đưa nàng về tôi cũng không nhớ nổi thái độ của nàng thế nào nữa. Có vẻ như cuộc đàm phán lúc chiều làm tôi kiệt sức. Tôi hướng thẳng xe về nhà và nằm vật trên đi văng. Căn hộ đầy tiện nghi được tôi mua bằng suất quan hệ sau vài lần trúng thầu. Bố mẹ tôi vẫn ở cùng thành phố song tôi những muốn được đi về tự do sau mỗi lần làm việc quá giờ, sau những chầu nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng và đặc biệt là thoải mái đưa nàng về nhà vào ngày nghỉ cuối tuần mà không có ai làm phiền. Ngọn đèn chùm trên trần nhoà đi và lập loà trước mắt tôi là cánh cửa không bản lề dựng tạm, căn nhà lợp giấy dầu có bức tranh vẽ ngôi biệt thự ven biển, gốc xoan văng tung toé những quả cà muối và đôi mắt cô Thúy lúc nào cũng long lanh nước. Cô là người đầu tiên phát hiện ra khả năng kinh doanh thiên bẩm của tôi, còn tôi, có lẽ cũng là người đầu tiên khuyên cô nên kiếm tiền bằng cách muối một vại cà.
Một tháng sau, hợp đồng kếch sù của tôi được ký kết do có gã trưởng phòng môi mỏng dính làm tay trong. Tôi thiết lập thêm mối quan hệ thân tình bằng cách mời gã và đám lâu nhâu đi Ðồ Sơn hóng gió. Chúng tôi úm trong các phòng nhậu và phòng karaoke thiếu khí trời từ lúc đến cho tới lúc về. Các cô gái tóc vàng, tóc đỏ nhìn thấy tôi mừng như phiên chợ tàn gặp khách sộp "Anh Vinh. Mấy tháng nay đi đâu mà chẳng ghé qua tụi em". Gã trưởng phòng thích chí lắm. Sau vài lon bia, gã vỗ vai tôi lè nhè "Thằng em, chơi được, chơi được lắm." Những cánh tay trần móng đỏ chót nguều ngoào rót bia huơ trước mặt tôi, mắt cô nào cô nấy đen lay láy ướt rượt. Tôi chợt nhớ ra điều gì đó chưa làm được nên sốt ruột nhìn những lon bia cứ tuôn như suối. Lúc về tôi mời gã trưởng phòng "Anh lên xe em, em đưa về tận nhà cho đỡ mệt". Hai tiếng từ Ðồ Sơn về ngôi nhà bốn tầng của gã trưởng phòng, tôi nhìn đồng hồ liên tục, chỉ lo muộn. Lúc gã vào nhà, tôi đỗ xe xế sang một góc rồi rảo về phía bà cụ bán nước. Tôi mua một bao thuốc "Cụ có biết cô Thuý hay đứng chỗ nào không ạ?" "Cậu hỏi Thúy nào, Thuý khói, Thuý tay ga hay Thuý cút?".
Tôi lúng túng. Ðôi mắt cô Thuý đen lay láy lẫn vào bóng đêm, khuôn mặt gọn trong mái tóc bumbê xinh xắn. "Cô Thuý tóc cắt ngắn, dáng người..." "Thuý héo." Bà lão ngước đôi mắt nghi ngờ nhìn tôi "Chết rồi. Chết cách đây ba hôm. Bị viêm phổi. Cái con người số khổ, ngần ấy tuổi đầu rồi còn đứng cho đến ngày cuối cùng. Mà làm gì có ma nào thèm ngó". Tôi rút vội một tờ bạc bất kỳ trong túi trả bà cụ rồi đi như ma đuổi về phía cửa xe. Không khí bên ngoài oi nồng và ngột ngạt như bị ép lại từ một chiếc máy nén khổng lồ. Ráng trời phía đằng đông đỏ rực báo hiệu một cơn bão sắp càn tới. Radio điểm tin một giờ sáng. Những cô gái gầy guộc với điếu thuốc cháy đỏ trên môi mở to mắt khi chiếc xe của tôi chầm chậm lăn qua. Phía đầu đường đằng kia đèn cao áp sáng quắc rộng thênh thang. Chẳng mấy chốc người ta cũng sẽ đốn hết mấy gốc si già ở đoạn này để làm đường, những ngôi nhà lụp xụp kia sẽ được giải tỏa và ngôi nhà bốn tầng của gã trưởng phòng càng trở nên có giá. Hơi mát trong xe bắt đầu lan toả xua đi cái nóng hầm hập của bầu trời trước bão. Tôi nhớ đến cái quạt con cóc đã hứa với cô Thuý. Tôi không chắc nếu không đưa gã trưởng phòng về nhà liệu tôi có quay lại đây không. Ðột nhiên một cơn ngứa dội lên khiến tôi đỗ hẳn xe lại để gãi. Cơn ngứa lan toả khắp người làm tôi gãi sồn sột. Do bữa bia lúc tối hay khí trời nóng bức đây? Hay con cái ghẻ ngày nào hãy còn sót lại để bắt đầu đào rãnh trên da thịt tôi?
2005