1. Một tấm gương muôn mặt
Với tôi, văn chương nghệ thuật như một tấm gương muôn mặt. Nó là tình đời của nhà văn.
Mỗi độc giả tự soi mình trong tấm gương đó.
Và bình luận văn chương là chia sẻ với người đời một cuộc gặp gỡ giữa riêng mình với tác giả. Làm điều ấy, người bình luận ắt phải ít nhiều cho chính mình cho nhà văn và độc giả của mình. Ai dám nhận gì thì nhận.
Ngoài ra chỉ còn chuyện khoe khoang kiến thức hão hay gà đá vặt thôi.
(2009-08-12.PHD)
2. Dị đoan
Tôi không tin dị đoan. Nhưng tôi chưa hề coi thường ai tin nó vì tôi đành chấp nhận điều sau.
Xưa nay, loài người chỉ sáng tạo ra ba kiểu suy luận thôi : « lôgích duy lý hình thức », « lôgích biện chứng hình thức » và « lôgích duy vật biện chứng ». Cả ba, ngay trên cơ sở lý luận của chính mình, đều không phủ nhận được niềm tin bói toán, dị đoan et tutti quanti của người đời.
Lôgích duy lý hình thức thông thường khẳng định : mọi sự đều có nguyên nhân « khách quan » máy móc hay xác suất, có thể hiểu được, chí ít xử lý được. Về lý thuyết, điều gì không sẵn có trong những nguyên lý nền tảng của nó, nó không có khả năng phủ nhận. Nếu có điều gì có thật mà nó chưa hiểu được thì là vì những nguyên lý làm nền tảng cho nó sai hay thiếu hụt, thế thôi. Nó chỉ cần sửa đổi những nguyên lý ấy, nó sẽ hiểu hết. Chính vì thế nó không thèm và cũng không có khả năng bàn tới niềm tin dị đoan của người đời : nó không có khả năng phủ nhận niềm tin ấy.
Hai kiểu suy luận sau, hiện nay, mung lung tới mức ta không biết nó có… dị đoan không ! Miễn bàn.
( 2009-03-03.PHD)
3. Kiêu ngạo
Tôi không khinh những kiến thức người đời đã dạy cho tôi. Ngược lại. Tôi quý trọng nhiều điều. Và tôi đã sống thuỷ chung với những điều hợp với tôi, ngay khi thiên hạ bĩu môi coi thường. Marx và Sartre chẳng hạn.
Nhưng tôi chưa hề dùng chúng để lòe đời.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, tôi chỉ khao khát viết chính mình thôi. Dù kém cỏi, thô sơ đến mấy, đó là một thoáng nhân cách trong cuộc phiêu lưu làm người của mọi người.
Đành vậy.
(2009-08-12.PHD)
4. Khinh mình và yêu người
Nhờ biết khinh chính mình mà ta biết yêu người đời một cách trung thực với… chính ta.
( 2009-08-18.PHD)
5. Khinh
Dường như kẻ ưa khinh người thường là kẻ hận thù chính mình.
Phải chăng vì vậy mà kẻ mải mê hận thù người khác ắt có ngày khinh chính mình ?
( 2009-08-12.PHD)
6. Giấc mơ cuối cùng của nhà văn ?
Thuở xa xưa, đây đó, có nhà văn đeo đuổi giấc mơ khổng lồ : tìm hiểu, thậm chí giải thích thế giới.
Ở PhuLăngXa, thế kỷ 19, nhiều đại văn hào khiêm tốn hơn : mô tả thế giới, coi tác phẩm của mình như một tấm gương phản ánh thế giới.
Thế kỷ 20, lại có nhà văn kiên quyết dùng ngòi bút của mình góp phần thay đổi thế giới.
Có lẽ đã đến lúc nhà văn phải khiêm tốn hơn nữa để đeo đuổi một giấc mơ cao đẹp hơn : duy trì, phát triển và sáng tạo nhân-giới. Đó là thế giới đặc thù của nhà văn vì con người cảm nhận và tư duy thế giới bằng… ngôn ngữ, chất liệu duy nhất hay cơ bản nhất của nghệ thuật hành-văn.
Chẳng dễ tí nào.
( 2009-08-18.PHD)
7. Nhớ bố
Ở nửa đầu thế kỷ 20, bố tôi là dược sư Tây và là nhà thơ Ta.
Bố tôi đã dạy cho tôi hai điều : phải biết quý trọng kiến thức khoa học, phải dám làm người tự do.
Có thể giá trị đời tôi, nếu có, cũng nhờ điều dạy bảo ấy.
( 2009-08-28.PHD)