Hôm đứa con trai út sắp thi vào đại học, quan ông cùng với nó vào thăm Văn Miếu. Sau khi đứa con trai xoa đầu các cụ rùa cầu may, hai bố con ghé vào thắp hương ở gian điện thờ Văn Trinh Công Chu An, người đời vẫn gọi là Chu Văn An, nơi đặt bức tượng Ngài ngồi trên ghế, đầu chít khăn, bàn tay trái đặt trên đầu gối, bàn tay phải đặt lên Thất trảm sớ phía dưới đốc kiếm. Đôi câu đối thờ Ngài chữ thếp vàng trên nền đỏ thấp thoáng trong khói hương bay:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
(Cuối đời Trần đó là thời nào, ngâm vịnh rong chơi đâu phải thú vui hiền giả
Núi Phượng còn dấu vết ở ẩn, non sông mãi mãi ngưỡng mộ phong thái triết nhân )
Bức tượng để lại trong tâm trí quan ông một ấn tượng mạnh mẽ đến mức thỉnh thoảng trong những giấc mơ lão thấy Chu Văn An tuy là quan văn-Ngài là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thầy dạy Thái tử-nhưng lại rời ghế ngồi, tay trái cầm Thất trảm sớ, tay phải vung lên đi mấy đường kiếm sáng loà.
Đêm đã muộn, dịu dàng và yên tĩnh. Căn phòng làm việc của quan ông ở tầng hai ngôi biệt thự vẫn sáng đèn. Mùi hoa quỳnh nhẹ nhàng thanh tao nhưng không kém phần nồng nàn quyến rũ toả ngát khắp căn phòng khiến lão đưa mắt nhìn ra bậu cửa sổ nơi đặt chậu hoa, ở đó có mấy bông đang nở, hoa có dạng hình chiếc kèn, cánh hoa mỏng như lụa, bề mặt như phủ sáp nhưng lại rất mềm mại trong sắc trắng với nhị vàng đẹp lộng lẫy, cuống hoa một màu đỏ cam. Rời mắt khỏi chậu hoa, quan ông nhìn đống tài liệu đặt trên bàn làm việc, một Giấy phép đầu tư sân gôn của Công ty Hoà Hưng đang chờ chữ ký, bên cạnh là các bản vẽ phụ lục kèm theo. Chữ ký của quan ông chưa phải là chữ ký cuối cùng nhưng là một chữ ký có sức nặng vì lão là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Bản vẽ sân gôn 18 lỗ với những phần Tee-box, Fairway và Green trùm lên mấy chục hecta đất hai thôn Thượng và Hạ của làng Vân. Tee-box là nơi người chơi gôn cầm gậy đánh cú đầu tiên, sau cú đánh này bóng vào được vùng Green càng tốt, nếu không cũng phải cố rơi vào vùng Fairway. Từ vùng Fairway người chơi đánh bóng hướng tới vùng Green và đẩy bóng vào lỗ.
Quan ông phân vân lắm, cầm bút lên rồi lại đặt xuống. Chỉ cần lão đặt bút ký, theo thoả thuận ngầm với Tổng giám đốc Công ty Hoà Hưng, trong tài khoản của lão sẽ có thêm tiền tỉ. Nhưng chữ ký của lão sẽ khiến hơn 120 hộ dân phải di dời, trong số đó có một ngôi chùa nhỏ do một sư nữ trụ trì. Trước năm 1945, một nhà cách mạng đã xuống tóc vào chùa này tu để dễ bề hoạt động. Rồi những bờ xôi ruộng mật là nguồn sống của biết bao nhiêu con người sẽ biến thành nơi trồng cỏ Bermuda xanh mượt, loại cỏ quý tộc đòi hỏi phải được tưới tắm và phun thuốc theo một quy trình nghiêm ngặt. Mất ruộng đất, tiêu hết số tiền đền bù rồi người dân sẽ làm gì để sống?
Mãi suy nghĩ và phân vân, quan ông thiếp đi lúc nào không biết. Khi đôi mắt quan ông vừa khép lại thì cũng là lúc lão thấy quan Tư nghiệp Chu Văn An hiển hiện trước mắt với thanh bảo kiếm sáng loà trong tay. Giọng Ngài sang sảng:
- Ngươi làm quan mà không nhớ câu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Các ngươi đang tâm đền bù cho người dân mất đất với giá bốn, năm chục nghìn đồng một mét vuông vì là đất canh tác nông nghiệp, thử hỏi khi đất ấy vào tay các ngươi thì giá sẽ là bao nhiêu tiền một mét vuông. Các ngươi lấy cớ xây nhà nghỉ cho khách chơi gôn nhưng ai cũng hiểu rằng đó là các chung cư cao cấp có giá mặt sàn lên đến hai ba chục triệu đồng/mét vuông. Riêng việc ấy lòng dân đã không yên vì người ta cảm thấy bị cướp bóc một cách trắng trợn. Mất ruộng rồi người dân sẽ làm gì để sống ? Các ngươi hứa sẽ đào tạo nghề cho con em người ta nhưng đó là nghề gì? Nhặt bóng chăng? Tưới cỏ chăng ? Liệu có bao nhiêu người được tuyển dụng vào những chân ấy? Chẳng qua các ngươi đưa ra những cái bánh vẽ cốt để xoa dịu nỗi bức xúc của dân mà thôi…
Ngừng lại một lúc để hắng giọng, Ngài nói tiếp:
- Ta còn chưa nói đến chuyện ân nghĩa. Nhà sư đã tu ở chùa thôn Thượng trước năm 1945 là người như thế nào? Trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân hai thôn Thượng và Hạ của làng Vân thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Ngày chiến thắng có bao nhiêu người không trở về hay trở về với thương tật trên người? Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, gia đình ngươi sơ tán về thôn Thượng, có còn nhớ những gia đình nào đã cưu mang che chở cho vợ con nhà ngươi không? Đang tâm quên tất cả những điều đó thì chẳng những nhà ngươi là quân bội bạc mà ngươi còn tự xếp mình vào hàng ngũ giặc nội xâm. Mà đã là giặc thì ta chẳng cần phải viết sớ, thanh bảo kiếm này sẽ nói chuyện với nhà ngươi…
Thanh bảo kiếm trong tay Chu Văn An vung lên sáng loà. Quan ông hết cả vía, hét to lên một tiếng rồi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầm đìa. Đêm đã khuya, quan bà và đứa con gái từ phòng ngủ giật mình tỉnh dậy, vội vàng chạy đến phòng làm việc:
- Ông ơi! Ông làm sao thế? ./.
Hà Nội, tháng 9 năm 2009