(VietNamNet) - Trong dòng chảy thường nhật của sân khấu kịch, sẽ thật bất ngờ nếu bỗng gặp một vở diễn có nhiều điều mới lạ...
"Chi nhánh" của sân khấu kịch IDECAF, TP.HCM ở số 7 Trần Cao Vân, lâu nay không chỉ là một điểm diễn ăn nên làm ra, mà thi thoảng còn tạo nên những đột biến nho nhỏ được công chúng ghi nhận. Dù đang là mùa mưa, địa chỉ nhỏ này vẫn đỏ đèn, tự tin chuẩn bị cho vở Hãy khóc đi em ra mắt vào 25/8 tới.
Nữ đạo diễn Ái Như bảo, từ số phận của một nhân vật trong vở kịch mà chị đã đi tìm ca khúc làm nền. Không còn bài nào hợp hơn Hãy khóc đi em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhân vật là một người đàn bà bất hạnh tên Hạnh (Thanh Thủy), không thể sinh cho chồng mình (ông Phương - NSƯT Thành Lộc) một đứa con. Không có tiếng khóc than, trách ông trời trao cho cái số nghiệt ngã, không có sự cam chịu nếu người chồng đi kiếm con nối dõi, mà ngược lại, người vợ ấy sốt sắng kiếm cho chồng một mối... đẻ thuê (Thắm - Cát Phượng).
Vậy có gì để khóc? Bà không khóc, cho đến ngày biết được màn cuối của vở kịch hoàn hảo ngoài sức tưởng tượng mà ông chồng dày công dựng nên. Nhưng cho đến lúc ấy, bà vẫn cố nén chặt nỗi đau vào trong, may thay có được người đàn ông là bạn từ thuở thiếu thời (Hướng - Thành Hội) đến bên, bà mới trở lại đúng với con người mình: bà đã biết khóc.
Thắt nút rồi mở nút thật khác thường! Nút thắt của vở kịch dường như không có, nên đã dẫn dụ khán giả đi theo một đường dây "vô hại". Người xem tinh ý vẫn nhận ra cái nút thắt đó nhưng hoàn toàn bất ngờ khi ở những mảng miếng về cuối vở, đã lộ ra liên tiếp những cú ngoặt của câu chuyện. Cô gái đẻ thuê không phải do bà vợ kiếm được, ông chồng thì lộ nguyên hình là một đại kịch sĩ bất lương với chính người đàn bà mà mình đã chung sống bao nhiêu năm...
"Thức lâu mới biết đêm dài, không thể một sớm một chiều có thể hiểu được lòng dạ con người ta. Nhưng một tiếng rưỡi đồng hồ để nhận ra chân tướng ông Phương đâu có phải là dài" - nữ đạo diễn Ái Như cười nhẹ giải thích cho "cú lừa" dài hơn một giờ đồng hồ của mình - "Tôi cũng chỉ mong có vậy, rằng khán giả sẽ không nhận ra cho đến cuối vở". Một kiểu dàn dựng bản lĩnh, không theo lối thông thường - thỉnh thoảng lại tiết lộ một ít hoặc thắt - mở nút liên tục.
Hãy khóc đi em có những mảng miếng ân ái, đánh nhau khá mạnh bạo. Điều này cũng ít gặp trên sân khấu kịch vốn có tính ước lệ. Màn ân ái đầy cưỡng bức của ông Phương với bà Hạnh và ngay sau đó là với cô gái đẻ thuê đã tạo nên một không gian hết sức ngột ngạt trong một mảng của vở diễn. Rồi đến cảnh ông Phương với tình địch Hướng thay phiên đánh nhau dữ dội. Đạo diễn Ái Như thản nhiên: "Tôi chẳng có gì để gửi gắm qua những miếng diễn này cả, bởi vì tình huống nó bắt buộc phải thế".
Ngược lại với những diễn biến kịch mạnh mẽ, Hãy khóc đi em còn khai thác những mảng, miếng không lời. Nếu ở chi tiết bà Thu (Mai Hoa) "nhép môi" với ông Phương chỉ dừng lại ở chỗ gây tò mò cho khán giả rằng không hiểu bà Thu nhiều chuyện tiết lộ điều gì với ông chủ nhiệm hợp tác xã; thì chi tiết ông Hướng, bà Hạnh và bà Thu chỉ diễn bằng các động tác trong căn nhà âm u lạnh lẽo của bà Hạnh (khi ông Phương lộ dã tâm) đã đẩy tính kịch của câu chuyện lên đến mức... không còn ngôn từ nào để diễn tả!
"Tôi yêu tất cả các nhân vật của mình, nhưng là phụ nữ, tôi yêu Hạnh nhất", đạo diễn Ái Như tâm sự. Vở diễn chỉ có sáu nhân vật, hầu hết do các tên tuổi của sân khấu kịch phía Nam thể hiện. Chỉ thêm một nhân vật Hướng so với truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng (Trần Thùy Mai), song đạo diễn Ái Như cùng tác giả kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc đã dụng công rất nhiều trong dàn dựng để có một vở diễn nặng ký cho sân khấu IDECAF mùa mưa năm nay.
VT