Gió thổi từ con nước lớn thoảng mùi mằn mặn. Mùa khô ngấp nghé phía cửa Vàm. Bọn cá lóc đã theo dòng nước ngọt muộn chạy mất tăm, thằng lóc da mốc xì nầy chắc tham ăn, tiếc đàn kiến vàng nên bị lọt hố bẫy. Nó quẫy văng khỏi tay tôi, rớt xuống bãi sình còn chút nước đục nhan nhản những đôi mắt đen li ti tuyệt vọng của bọn tép bạc chen chúc giành giật nhau sự sống cuối cùng. Chỉ ngày mai thôi nước sẽ bay hơi nốt, bãi sình thành mồ chôn hàng ngàn sinh mạng nhỏ bé.
Sự chậm chạp của thằng cá lóc lại trở thành cái hên của tôi. Thằng Giàu nói nếu kiếm được mồi cá lóc nướng trui bây giờ, bắt nó gọi tôi bằng tía nó cũng gọi. Tưởng thoát khỏi tay tôi, thằng lóc lủi tuốt xuống dưới bãi sình, đội cả đám tép bạc lên búng tanh tách trên lưng nó. Tôi nhảy xuống mò túm lấy mang thằng lóc. Nó lại quẫy tung làm sình văng tùm lum lên người. Ném cá cho thằng Giàu, tôi ra hiệu nó đốt lửa lên, rồi nhảy xuống sông tắm gội. Nước sông xanh bợt, mằn mặn. “Được rồi tía! Tui xử thằng này gọn hơ à!”. Thằng Giàu cười nhăn nhở, bẻ cành so đũa bằng ngón tay cắm sột vào miệng cá lóc cắm ngược xuống đất. Tôi ngụp đầu, còn kịp nhìn cái đuôi bằng bàn tay con nít quẫy quẫy đau đớn. Tôi trồi lên mặt nước, ngọn lửa từ đám lá dừa khô đang ngun ngút cháy, lại cái đuôi thằng lóc quằn quại trong lửa một lát rồi cong về một bên, như dấu hỏi.
Thằng Giàu mặt lem luốc tro than, hăm hở banh con cá cháy đen đặt trên tàu dừa nước. Phía trong lớp da sần sùi là những thớ thịt cá trắng hồng, thơm phức. Nó đút ngón tay vô miệng mút mát. “Mùa nầy cá lóc khô keng. Thôi nhậu đỡ hả?” Một túm đậu rồng héo quắt. Gói muối ớt đâm đỏ tươi. Thằng Giàu lật đật mở nắp chai rượu tưới chút xuống đất. “Mời ông địa! Tụi tui cực khổ trần ai mới kiếm được con lóc nầy. Ông nhắp chút đi cho con cháu làm tới.” Cái chai nhựa 1 lít 25 từng chứa nước khoáng Lave giờ đùng đục thứ nước cay nồng, chuyển từ miệng thằng Giàu qua miệng tôi, rồi ngược lại. Một lát, miệng chai đen nhẻm bụi tro và dính thêm ba cái vây cá cháy dở.
- Hỏi thiệt, hồi hôm mày mần ăn được gì chưa?
Tôi biết thằng Giàu hỏi về vụ con Lụa.
- Chưa! Mới cởi được cái nút áo ngực nó thì mấy thằng ở đâu nhào vô…
- Mày ngu như bò! Hẹn ở đâu không hẹn lại kéo con nhỏ vô ngồi trước hiên nhà văn hoá ấp. Chỗ đó kẻ qua, người lại, có tán tỉnh được thì cũng kẹt, làm sao mần thịt con Lụa?
- Tao chưa tính tới vụ đó. Mà sao mày tới hay quá vậy? Vừa lúc bọn kia chơi “hội đồng” với tao thì thấy mày…
- Má nó! Là tao cũng đi …rình con Lụa chớ bộ. Tại nó đã hẹn tao đi coi hát trên Tầm Vông mà lại bỏ ngang xương đi với mày. Tức ói máu.
Hèn gì hồi hôm Lụa trách móc tôi vô tình, vô nghĩa. Thấy người ta thương mà giả bộ làm ngơ. Chảnh. Có người hẹn tui mà tui hổng thèm đó. Con nhỏ nầy dạn dĩ quá trời quá đất. Tụi thanh niên trong xã đồn đãi quả không sai. Nó xinh gì đâu mà cũng lẳng gì đâu.
- Anh Hai biết hông? Em mến mộ anh từ lâu lắm rồi đó. Hổng phải anh đặt thơ hay nhứt trường An Thạnh đâu nha, cũng hổng phải anh có tài bắt cá lóc. Nói thiệt bộ vó anh Hai …ngon lành dễ sợ, con gái đứa nào nhìn cũng mê.
Lụa mới 18 tuổi, vừa học xong lớp 12, con nhà khá giả. Nó hết muốn học lên nữa, chỉ ao ước được đi học may hoặc lấy chồng, mà chồng phải ngon lành như Hai Cá Lóc tôi. Trời! Hai mươi tuổi mà vợ con gì ta? Tôi ngồi ngậm miệng nghe con nhỏ tía lia chuyện trời đất, cảm thấy mình nhè nhẹ xích ra thì nó nhè nhẹ lấn tới. Một hồi Lụa cầm tay tôi đặt lên ngực nó, ngực bên nào tôi không nhớ nữa.
- Anh Hai coi tim em nhảy nhót dữ hông?
Tôi chỉ thấy mềm mềm, ấm nóng, thấy con gì nhảy nhót đâu. Lụa cười khúc khích, cúi xuống nhằn nhằn bên vai tôi. Tôi liều làm tới, lén mở cái nút áo ngực con nhỏ, nó bật ra thật dễ dàng. Bàn tay tôi vừa lùa vô trong thì có tiếng chân huỳnh huỵch, rồi ba bốn bóng đen nhào tới, nhè người tôi mà đấm đạp. Tôi nghe con Lụa ré lên:
- Anh Hai cứu em!
Tôi cố vùng vẫy hòng thoát ra nhưng không được, một nắm đấm dộng giữa mặt làm tôi choáng váng, tá hoả tam tinh. Rồi có tiếng hét lớn. Rồi người tôi được giải phóng khỏi mấy khối thịt nặng trịch.
- Đ…má! Lần sau còn chơi hội đồng kiểu nầy, tao cho tụi bay ói cơm láng địa hết.
Đó là tiếng thằng Giàu. Nó ra tay làm Lục Vân Tiên xong, phủi quần đi một hơi không thèm nói gì hết trơn. Chắc thằng chả sợ tôi mắc cỡ.
Bữa nay tôi mới biết thằng Giàu bỏ đi vì giận con Lụa.
- Thôi tao trả con Lụa cho mày đó! Rồi mầy giới thiệu tao với ông thầy dạy võ người Miên của mầy đi. Tao muốn học võ.
Tôi gạ gẫm. Thằng Giàu cười hê hê.
- Biết nhục rồi phải hông con? Hồi kêu đi học võ thì nói khùng sao đi học võ? Thầy tao ổng về bên Miên rồi, chưa biết chừng nào qua?
Tôi cầm con cá lóc nướng giơ lên ngắm nghía. Ngộ à nha. Còn có cái đầu thô lố hai hốc mắt và bộ xương cắm phía sau giống cái mũi tên hông? Tao đi bộ đội Giàu à. Chừng nào về phép tao bắt cá lóc đãi mầy nhậu mệt nghỉ. Nó nhìn tôi với hai con mắt cá lóc.
- Bộ mầy khùng hả? Hết việc sao mà xin nghĩa vụ?
- Thì nghĩa vụ mừ! Có hai năm đi cho rồi.
- Ngu!
- Sao nói tao ngu!
- Đi nghĩa vụ về, rồi lại đi học nghề, lại đi kiếm công việc làm. Tới hồi mầy về, không chừng tao là tỉ phú, cưới con Lụa rồi. Ai thèm ăn cá lóc nướng trui của mầy.
Ba má tôi là giáo viên tiểu học. Hai người đều muốn tôi theo nghề sư phạm, nhưng tôi nhắm sức học khó thi đậu đại học. Tôi muốn vô lính, rèn luyện con người mấy năm cho cứng cáp, xong nghĩa vụ rồi thì đi học nghề. Nghe thằng Hiếu trên thị trấn nói, anh nó đi bộ đội về còn được mười mấy triệu lận. Có số tiền đó, tôi sẽ mở một tiệm sửa xe máy.
Giờ thằng Giàu kêu tôi ngu. Kệ nó đi! Ai cũng có hoài bão riêng mà. Tôi hỏi nó rồi sẽ làm gì? Thằng Giàu nói chưa tính, nhưng cậu nó đang làm cán bộ huyện, hổng lẽ không xin được cho nó công việc bên Phòng thuế hay Hải quan sao? Nghe nói hai chỗ đó dễ hốt bạc lắm. Nhà thằng Giàu có sạp hàng bán đồ khô ở chợ. Má nó buôn bán cũng kiếm được nhưng bả mê số đề quá. Của thiên trả địa hết. Ba nó mất đã lâu vì bị bệnh gan do suốt ngày lấy rượu làm nước uống. Thằng Giàu ham làm giàu từ cái tên gọi. Nó nói sẽ trở thành tỉ phú chớ không “cò con” như má, mỗi ngày kiếm mấy chục ngàn không đủ nuôi lô đề. Nó bắt tay tôi. Bái bai! Có đi lính thì nhớ giữ gìn, rồi xem tao hay mầy cưới được con Lụa.
- Ủa! Tao đã nói nhường con Lụa cho mầy rồi…
- Mày nhường tao nhưng nó có ưng không mới được chớ!
*
Biên giới có tất cả. Nắng, bụi, hàng lậu và khách vãng lai. Chỉ thiếu gió mát và dòng sông xanh biếc lục bình. Lính biên phòng ít mơ mộng, nhiều ao ước. Như tôi bây giờ đang ao ước được nhận một lá thư của ai đó. Tháng trước con Út em tôi gởi thư nói tía má mới trúng vụ mì, tính mua cho anh Hai chiếc xe máy Trung Quốc. Tôi vội nhắn về là hổng thích xe máy Tàu. Có tiền mua mấy chiếc xe “si cần hen” trên nầy chạy ngon hơn. Mà có lúc nào rảnh để chạy xe. Đồn chúng tôi phụ trách từ khu vực chốt Mả Đá đến chốt Bàu Cỏ, đường toàn dành cho bò đi, người đi không chừng bị té nữa chớ dám chạy xe máy. Mỗi ngày chúng tôi phải đi tuần 36 cây số đường biên như vậy, giày vải mỗi năm cấp hai đôi mà vẫn phải mang giày rách. Nửa năm trước con Lụa có viết thư cho tôi. Nó gấp mảnh giấy tập vở thành hình tam giác gỡ hoài hổng ra, lại còn trét dầu thơm vô nhức mũi. “Em nhớ thương anh vô cùng. Khi nào hết nghĩa vụ về có cưới em hông?” Tôi thầm rủa con nầy cải lương. Sau vụ hẹn hò rồi bị tụi trong ấp uýnh “hội đồng”, tôi được mấy thằng bạn bỏ nhỏ: “ Có chơi cho biết thì chơi, đừng để con nhỏ đeo dính là khổ đời. Nó yêu cả chục thằng lận!”. Bởi vậy dù còn mê con Lụa mà tôi thấy ớn. Cứ nghĩ thằng nào nó cũng hôn, thấy mắc ói. Tôi không hồi âm, con Lụa cũng nín luôn. Mấy anh lớn hơn chút tuổi thì nói thời buổi nầy kiếm vợ thiệt khó, nhất là mấy thằng lính như chúng tôi. Mấy ông rùm chuyện quá. Vụ vợ con tới hồi là nó tới chớ, nói chi mắc công đau đầu. Tôi tính trước vụ nầy rồi. Nhắm trong vòng 20 cây số vuông quanh đồn, có em nào dễ thương, siêng mần ăn là kiếm đem về quê. Vậy đó! Xa quê cưới vợ xứ khác cho chảnh.
Bữa trước cô gái người Khờ - me có cái tên ngồ ngộ là Sô li Mê gặp tôi trên đường tuần tra về. Cả tổ công tác ba người mà Sô li Mê cứ níu mình tôi lại. Hai anh bạn cùng tổ nháy mắt cười với tôi rồi chờ phía trước. “ Anh Hai có rảnh ghé qua nhà cha tôi nói chuyện coi?” “Sao cô hổng nói luôn bây giờ…?”
Sô li Mê giơ tay quệt mồ hôi trên đôi má ngăm ngăm, lắc đầu. “Chuyện này chỉ cha nói thôi jớ!”. Sáng chủ nhật tôi ngồi nhờ trên chiếc xe bò kéo, tới nhà Sô li Mê. Cô đang ôm cỏ cho bò ăn, thấy tôi tới thì liếc xéo, mặt đỏ hườm rồi hấp tấp ra sau vườn kêu ông già vô.“ Bác Ba cho con ăn cơm với nghen!” Ông già cười hở hàm răng rụng còn hai ba chiếc, vỗ binh binh vô tảng ngực trần đỏ au. “Tao thiếu người uống rượu thôi. Hóp lênh tê?” Ông rủ tôi “uống chơi không?”. Uống chơi là từ bây giờ tới chiều tối hoặc tới khuya, tuỳ thuộc có nhiều hay ít mồi nhậu. Cuộc sống của bà con vùng biên còn nhiều khó khăn, đôi khi còn thiếu gạo, thiếu mắm ít bữa. Vậy mà tình nghĩa với bộ đội biên phòng lắm, không tiếc thứ gì. Đó! Cô con gái đang xách con vịt xiêm vừa mới lớn từ sân ra sau nhà. Tôi vội nói. “ Bác Ba biểu em Sô đừng mần vịt. Con tới chơi chút xíu rồi phải về trực ban nữa. Để bữa khác đi”. “Jớ! Mầy về tao hông nói chuyện thằng đồng hương mầy cho nghe à”. “ Bác Ba nói thằng đồng hương nào?” “Ờ! Nó mới ngủ nhà tao ba ngày trước mà”. Tôi ngạc nhiên và cảnh giác. Sao có thằng đồng hương ở vùng biên xa lắc lơ nầy? Mà sao nó không kiếm mình? Phải ở lại nhậu với ông già.
Sô li Mê múc cho tôi tô cháo vịt, biểu: “Ăn đi rồi nhậu. Ông già ngồi tới khuya đó”.
“ Thằng đồng hương con, tướng tá sao bác Ba?” Ông già nhằn tới nhằn lui cái chân vịt, khều tôi ghé lại nói nhỏ: “Tao nghi nó làm việc xấu quá…”. Rồi ông liếc cô con gái, dừng lời. Trời đất! Ông già giữ bí mật với cả con mình sao? Vậy là nghiêm trọng rồi nghen. “Bác Ba thấy nó … gì?” Tôi giả bộ hạ giọng hỏi nhỏ. Ông già chuyền qua tôi li rượu mới. “Tao hổng biết! Nhưng nó nhiều tiền lắm. Còn giở ra làm le với con Sô đó. Nó biểu qua bển (Campuchia) chơi, ba bốn bữa về lại ghé tao nữa. Nó nói quê Tiền Giang, vậy là đồng hương với mầy rồi”. Ôi! Bọn thanh niên bên mình rảnh việc qua biên giới vô casino cờ bạc nhiều lắm. Tụi nó đem tiền bạc, nhà cửa đi ăn thua với thiên hạ, kệ cho tụi nó chết. Tôi nói với bác Ba phải về báo cáo đồn trưởng. Vụ nầy đáng ngờ lắm. Sô li Mê cười mỉm biết tôi tìm cớ để thoát khỏi cuộc rượu. “Mầy về hén! Chừng nào thằng đồng hương ghé, tao biểu con Sô kêu tới coi mặt”. Quãng đường về đồn giữa buổi chiều xế nắng gắt thật không dễ chịu, khi mà trong người có chút hơi men. Tôi men theo ven bờ cỏ còn chưa bị vết xe bò cán vỡ, nhảy phăng qua những ổ trâu toang hoác bùn khô.
Roạt! Có tiếng động ngay ven đường. Tôi đang chăm chú từng bước chân nhảy nhót trên những ổ trâu, giật mình ngẩng lên chỉ thoáng nhìn thấy một bóng đen chui tọt vô bụi cỏ Mỹ. Thói quen cảnh giác của người lính biên phòng làm tôi chựng lại. “Ai đó? Bước ra coi!”. Im lặng. Bỗng mấy ngọn cỏ lay động, rồi tiếng người khẽ kêu: “Ui da!”. Dù tiếng kêu nhỏ, nhưng tôi nhận ra đó là tiếng phụ nữ. Tôi nhìn quanh tìm kiếm. Một khúc tầm vông khô lăm lăm trong tay, tôi đập vào bụi cỏ một phát. “Ai trong đó ra đi!”. Không thấy tiếng phụ nữ đâu nữa. Rồi sột soạt bóng người chui ra khỏi bụi cỏ. Đó là một phụ nữ bận bà ba đen, mái tóc dày búi tròn sau vai. “Anh Hai!”. Tôi ngẩn người. Trước mặt tôi là con Lụa. Mặt mũi nó lấm bụi, cái bụng bầu phập phồng dưới hai vạt áo. Trời đất! Lấy chồng hồi nào mà nhanh dữ? Tôi chưa kịp hỏi thì Lụa quay vô hướng bụi cỏ. “Ra đi anh! Em nói rồi, là anh Hai cá lóc mà hổng tin”. Bụi cỏ bỗng lay động, rồi thằng đàn ông cao lớn bận đồ rằn ri bước ra. “Hú hồn! Mày hả Hai? Sao lại ở đây?” Thằng Giàu hua tay xoa đám mạng nhện bám trên mặt, hỏi tôi như không có chuyện gì. Tôi nắm chặt cây tầm vông. “Tụi mầy qua biên giới làm gì đây?” “Cho bà xã tao qua bển chơi ít bữa mà. Quên! Giới thiệu với bồ đây là vợ tao”. Tôi gườm gườm nhìn Lụa. “Cưới hồi nào không cho tôi hay?”. Con nhỏ quay đi giấu cái bụng bầu, không trả lời. Thằng Giàu cười khậc khậc. “Cũng nhớ tới mày đó, nhưng biết ở đâu mà kiếm?” “Lụa có địa chỉ của tôi mà?” “Ôi trời! Sắp cưới được chồng giàu, cô nàng mừng quýnh có nhớ gì đâu. Thôi chào! Tao đưa bà xã vô phum thăm người quen chút”. Nó chuyển chiếc ba lô du lịch ra sau lưng, nắm tay Lụa kéo đi. “Mầy vô ông Ba Khờ- me phải hôn?” Tôi hất cằm hỏi thằng Giàu. Nó vẫn nắm chặt tay vợ, cười giả lả. “ Ủa! Mầy cũng biết ổng? Ông già tốt bụng thiệt đó. Tao có miếng khô mển, tính đem vô nhậu với ổng nè. Mầy vô làm chút hôn?”
Nhìn dáng điệu vợ chồng thằng Giàu, tôi biết chúng đang tìm cách lảng tránh mình. Suy nghĩ một loáng, tôi quyết định. “Ông già vừa nhậu với tao tới bến. Giờ chiều rồi, hai người ghé đơn vị tao nghỉ đi”. Con Lụa vội ôm cái bụng bầu quay đi, miệng chối phắt. “Em hổng có vô …”. Thằng Giàu ngắc ngứ. “Thôi! Vô chỗ anh em lính, ngại quá. Để tao ghé ông Ba được rồi”. Hình như tôi đã nhận ra điều bất thường. Nhìn thẳng vô mắt thằng Giàu. “Mày mang thứ gì từ bển về?” Thằng Giàu lúng túng. “Thiệt với bạn, có mua mấy thứ mỹ phẩm lằng nhằng về cho vợ tao bán kiếm chút lời chờ sanh con. Coi như mầy không nhìn thấy gì cả hén? Cầm chút bạc mời anh em đơn vị nhậu chơi giùm tao đi. Tụi tao mắc công chuyện không ghé được”. Xếp tiền thằng Giàu đưa tôi toàn giấy bạc năm trăm ngàn. Tiền nhiều như vầy, thằng này buôn lậu thiệt rồi. “Mày mang thứ gì đưa tao coi thử!”. Tôi gạt xếp tiền ra bước lại phía thằng Giàu. Nó giật chiếc ba lô trên vai xuống cầm trên tay, mắt đỏ ngầu. “Nể mầy là bạn thân, tao nói thiệt rồi, đừng làm khó tụi tao nữa”. “Không được! Đây là khu vực biên giới, mọi thứ hàng hoá đi qua đều phải kiểm tra, huống hồ hai người lại vượt biên qua đường tiểu ngạch”. Tôi bước tới, thằng Giàu lùi lại. Nó đánh mắt ra hiệu cho con Lụa. “Anh Hai! Cho tụi em đi đi! Hổng có gì thiệt mà”. Tôi nói nhỏ với Lụa. “Có giấu thứ gì nói trước đi. Đừng để tôi báo về đồn lập biên bản là rồi đó”. Cô nàng mặt tái xanh, giơ tay định kéo vạt áo lên. Thằng Giàu nhào tới chắn trước bụng con nhỏ, miệng quát. “Ngu!”. Lụa oà khóc. “Cho em về! Em sợ lắm!”. Bốp! Một cái tát làm Lụa loạng choạng. Thằng Giàu giận dữ nhìn tôi. “Mầy tính cản đường tao thiệt hả?” Tôi chỉ lặng lẽ bước tới đỡ con Lụa. Con nhỏ muốn xỉu, ôm lấy tôi. “Hai ơi! Em sợ lắm! Cho em về đi!” Cái bụng bầu áp vào bụng tôi cứng ngắc, không mềm mại chút da thịt đàn bà. Tôi đã từng ôm vòng bụng này hai năm trước, nó ấm mềm lắm mà. Hàng lậu! Bụng bầu giả! Tôi chợt hiểu và cố gỡ vòng tay ôm chặt của con Lụa ra. “Chát!”. Mắt tôi đổ hoa cà hoa cải, đầu quay mòng mòng ngã chúi xuống, còn loáng thoáng nghe tiếng thằng Giàu lầm bầm: “Má mầy! Cơm không ăn lại muốn ăn cứt”. Tôi cố vùng đứng dậy mà không được, mặt mũi vẫn tối sầm. Chắc thằng Giàu lấy cây tầm vông đập vào đầu tôi. Bỗng tiếng con Lụa thét lên thất thanh. Tiếng thân người nặng nề đổ uỵch. Trời ơi! Không lẽ mầy ra tay cả với vợ hả Giàu. Tôi đau đớn gục xuống. Thất vọng vì sự mất cảnh giác của mình. Giờ hãy giả bộ nằm im, để nó bồi thêm gậy nữa là mình “đi bán muối” đó. Một bàn tay nhẹ nhàng nhấc đầu tôi lên. “Lục ơi! Máu chảy quá trời!” Tôi nhận ra tiếng Sô. Sao cổ lại tới đây?
Tôi nằm bẹp ngày hôm sau mới dậy được. Đồn trưởng cho anh em dìu tôi lên phòng làm việc. Tôi bàng hoàng. Có bốn người ngồi ở đó chờ tôi. Thằng Giàu đầu quấn băng trắng toát. Sau này tôi mới nghe kể lại là Sô chỉ chém nó bằng sống rựa, không thì cái sọ ngu ngốc ấy đã bị bửa làm hai rồi. Con Lụa ngồi nép bên cạnh, mặt xanh như đít nhái, cái bụng bầu đã xẹp xuống. Chiếc còng số tám móc vào tay hai đứa. Bên này là cha con ông Ba. Thấy tôi bước vào, Sô vụt đứng dậy. “Hết đau chưa Hai?” Ông Ba vẫn im lặng, đôi mắt mở to chiếu tia nhìn giận dữ vào thằng Giàu.
Hai đứa chưa là vợ chồng. Thằng Giàu rủ con Lụa đi với nó một chuyến kiếm cho bộn tiền rồi về làm đám cưới. Số ma tuý bị thu giữ nếu chúng mang về tới thành phố sẽ lời hàng trăm triệu, dư sức mua nhà sắm xe an hưởng cả đời. Con Lụa nhìn tôi như cầu cứu. “Cứu tụi em đi anh…Một thời em yêu anh mà”. Tôi đọc được những ý đó trong đôi mắt đẹp quyến rũ. Tôi bình thản nhìn Lụa. Cô đừng dụ khị tôi. Cô yêu tôi mà bỏ ngang theo thằng Giàu vậy hả? Đừng có mong sự tha thứ từ tôi. Con tim tôi đầy ắp giận hờn. Với số lượng ma tuý kia, không ai đảm bảo với cô rằng thằng Giàu được nhẹ tội.
Đồn phó đặt tập biên bản vụ việc lên bàn, bước tới dòm dòm cái đầu tôi. “Cậu lo mà trả ơn cô Sô nhé. Không có cô ấy cứu thì xong rồi. Nào! Hai người đã suy nghĩ kỹ chưa? Cô Lụa có gì khai báo thêm không?”. Mặt mũi con Lụa nhoè nhoẹt nước mắt. Nó lắc đầu, ra ý không còn gì mà khai nữa. Tôi khẽ hỏi Sô: “Sao hay quá vậy?”. Cô bé đỏ mặt: “Thấy anh nhậu nhiều, sợ anh té nên Sô đi theo thôi!”. Tôi chợt bật cười. Số mình cứ lúc nào nguy hiểm là có người phò giúp. Lần trước bị uýnh hội đồng nhờ có thằng Giàu. Lần này bị thằng Giàu ra đòn độc thì gặp em Sô. Nhìn thằng Giàu ủ rũ, tôi nói với nó. “Tao không làm gì cho mày được đâu. Hai thằng không còn ân oán gì hết. Việc bây giờ tao có thể làm cho mày là nhờ em Sô kiếm một con lóc đem nướng trui, rồi xin phép cấp trên nhậu với mày một bữa chia tay. Thế thôi! Mày tính lầm nước đi rồi. Mày còn làm khổ cả đời con Lụa. Đồ ngu!” Chút nữa thì tôi bật ra tiếng chửi thề. Cái đầu tôi nóng lên sắp nổ tung vì giận dữ. Tôi lảng tránh đôi mắt van lơn của con Lụa, quay qua bên phải thì chạm ánh mắt màu nâu trong suốt của Sô. Nỗi đau bỗng dịu đi./.
1/5/2009