Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.151.030
 
Bên kia sông
Phùng Văn Khai

Bên kia sông , ngay sát mép nước ,nơi cái mố cầu xây gạch đã sụp nghiêng xuống dòng sông đêm qua gió bấc về lúc nửa đêm,  vợ chồng ông chài nghe như có tiếng ai rên ngoài lợi nước. Cả hai vợ chồng đều kém mắt lắm. Nhà ông cất vó bè ngay bên mố cầu đã mấy chục năm nay, từ ngày còn giặc giã đến thời hợp tác xã đã ra đây. Đêm hôm qua lúc gió bấc thình lình dồn về, ông bảo vợ: “Tôi nghe như có tiếng con gái gọi dưới sông, hay là con nó về?”. Bà lầm rầm: “Chả có ai gọi đêm hôm thế này đâu. Là do xương cốt của ông gặp gió lạnh đấy. Để tôi dậy lấy thêm cái mền bông”. Ông thở dài nhìn dòng sông qua phên lứa thủng lỗ chỗ gắt: “Bà để tôi, rồi lại ngã ra đấy thì khổ” Bà bảo: “Ông tìm cái mền cũ ấy. Trời rét thế này mai lại đứt bữa thôi, cá tôm nó chẳng đi ăn đâu, ông đừng kéo mất công”. Ông ậm ừ xục xịch khép cánh cửa tre tạm bợ lục xục tìm cái mền bông cũ. Căn nhà nhỏ bé dựa hẳn vào một bên mố cầu đổ, những cánh gọng bè vó vươn lên nền trời đen thẫm gió bấc đánh đu kêu trèo trẽo. Lần lần đưa cho bà tấm mền bông, ông chài giở mình mấy lượt bảo: “Bà cứ để tôi ra xem, rõ là có tiếng con gái. Biết đâu con nó trở về?”

 

Vặn to cái đèn chai treo góc vách nhà, ông rờ rẫm đi ra ngoài. Tiếng gió đập phên nứa phành phạch và tiếng trèo trẽo của gọng vó căng lưới cản gió. Lắng nghe một lúc, nhìn bốn phía chả thấy gì ngoài màu tôi tối quen thuộc, ông chài tiến đến chiếc cọc chân thang treo đèn vào cái đinh thuyền rồi chậm rãi cởi chão hạ bè vó xuống sông, tiếng xích sắt xoảng xoảng va nhau. Bè vó từ từ treo rút lên cao mãi các vật nặng đối trọng khi đầu vó chìm xuống. Cả thân vó ngập nước, các cây tre cần vó cắm xiên ra giữa lòng sông thôi không phát ra tiếng trèo trẽo nữa. Không gian tịnh mịch, gió chừng như cũng mệt mỏi thổi thiêm thiếp những vạt dâu xa. Ông lắng tai nghe ngóng một hồi đang định xách đèn chui vào nhà thì nghe có tiếng người phía bên kia mố cầu: “Ông ơi, cứu cháu với”. Ông định thần nơi phát ra tiếng kêu cứu quả quyết xách đèn sang phía mố cầu bên kia. Tiếng kêu nhỏ lẫn trong gió phều phào: “Ông ơi, cứu cháu với” lại thảng lên. Ông chài đến sát tiếng kêu. Cặp mắt kèm nhèm của ông nhận ra ngay trong cái hốc sát mố cầu một người bị mắc kẹt dưới ấy, giọng đàn bà con gái. Ông tiến lại bảo: “Khổ thân tôi. Ai mà đêm hôm sa xuống đây thế?”. Người dưới hố giọng rất yếu vọng lên: “Cháu, cháu lạc đường... tưởng còn cầu định qua sông thì ngã xuống đây, ngã từ lúc chập tối...”. Ông chài ái ngại: “Nào cô đưa tay đây. ái chà chà, tay lạnh hết cả thế này. Đây, đây, bám vào tôi. Không biết xương cốt có dập gãy gì không”. Người con gái níu tay ông chài leo lên miệng hố rồi vịn vào ông, hai người chập choạng bước về phía căn nhà, tay ông vẫn xách chiếc đèn chai le lói.

 

Căn nhà nhỏ bừng lên ngọn lửa. Bà đã dậy từ lúc nào, lục ra mớ quần áo cũ đưa cho cô gái. Cô gái được ngọn lửa sưởi ấm thần sắc trở lại, bó gối nhìn hai ông bà già. Ông già ngồi hút thuốc lào nhả khói ra mờ mịt và im lặng. Rất lâu ông bảo: “Cháu vào nằm với bà cho lại sức, ta ra kéo vó ở ngoài, trời này rạng đông cá nó cũng đi”. Bà trệu trạo: “ừ, cháu vào đây với bà, có gì đến sáng hãy hay”. Cô gái lặng lẽ nhìn hai người rồi tiến về phía chiếc giường gỗ cũ kỹ nằm xuống. Ông khoác thêm cái áo bông to sù sụ, đội một cái mũ bông buộc kín dây xuống cằm, lũi cũi xách đèn chai với chiếc điếu cày ra ngoài.

 

Tiếng kẽo kẹt vang lên nhịp một, nhịp một. ở phía trong căn nhà tối hơn bên ngoài. Bên ngoài, những cần gọng vó nâng lên hạ xuống trên nền giời cần mẫn, đều đặn và lặng lẽ.

 

Cô gái nhỏ như con mèo con rúc rúc vào nách bà một lúc là ngủ. Thỉnh thoảng cô giật mình ú ớ rồi lại thiếp đi ngay. Bà không sao ngủ được nữa. Ngoài kia dòng sông Tấm quặn mình thở. Tiếng rít thuốc của ông chài và tiếng cá cựa loách choách trong giỏ vó dưới đáy sông. Không biết từ ngày con Tằm đi đến nay là bao nhiêu năm rồi nhỉ? Phải ông mới nhớ chính xác thôi. Còn bà chả nhớ gì. Hơi ấm thoảng mùi son phấn rẻ tiền của cô gái trẻ nằm bên đánh thức tình mẫu tử trong bà. Dễ đã hai mươi năm ấy nhỉ và nếu giời thương cho được làm người con , con Tằm chắc cũng phải bằng cô gái này thôi. Mà có khi nó là con trai thì phải cao lớn lắm rồi, ở nhà đi làm thợ mộc thợ hồ như cánh thợ bên làng Thượng. Con Tằm chắc nó oán bà lắm. Nó hận cha mẹ lắm mới bao nhiêu năm không một tin tức gì. Lạy giời bà vẫn mơ thấy nó. Bà vẫn mơ thấy những buổi chiều chạng vạng con Tằm nhông nhổng ào xuống khúc sông Tấm này với lũ trâu đồng. Cơ mà ngày ấy sông còn rộng và cái mố cầu còn chưa nghiêng hẳn xuống dòng sông. Bà vẫn nhớ như in cái thời dạt vào đây, có khác cô gái này là mấy, còn bầm dập hơn, tủi cực hơn nhiều. May mà ông giời thương, may mà ông chài rộng bụng. Mà đêm ấy cũng gió bấc về thình lình như đêm nay...

 

Ông chài lập bập treo chiếc đèn chai lên cần vó. Đêm đông, sương buông mịt mùng đọng giọt nhỏ tí tách xuống tai đèn cháy lèo xèo. Gần sáng gió từ sông ù ụ thổi tràn qua cái mố cầu. Cái mố cầu có từ thời Pháp thuộc do một sai lầm đo đạc tính toán của một kiến trúc sư người Pháp. Phía bên kia là chùa Giành cũng đang chìm lấp trong sương đục. Buổi ấy khi anh kiến trúc sư trẻ mũi lõ đệ trình bản vẽ lên thượng cấp cũng là lúc sư thầy chùa Giành phát hiện sự thất thường của ni cô mỗi bận tuần tiết phải qua sông. Rồi anh kiến trúc sư phải rời đi đúng lúc đề án mới thực thi được một mố cầu. Ni cô không còn ở chùa và khói chùa in ấn thổi bạt luôn công trình tâm huyết của anh tây mũi lõ tóc xoăn. Lúc ấy ông còn là một trẻ trâu bơi lội tùm tũm con sông Tấm và chả ai hỏi ông cũng chải nói ra làm gì khi nhiều buổi anh người tây lơi tay đo đạc đã thoắt bên ni cô đặt giỏ phẩm oản loạch xoạch triền lau lách lùm sùm cuốc kêu.. Rồi cả tuần mưa gió sầm sập. Chả hiểu đo đạc xây cất thế nào mà mố cầu sụm nghiêng xuống mặt sông rêu mốc đến tận bây giờ. Khúc sông vẫn thầm thĩ chảy qua cả dạo mọi người quăng tượng gỗ xuống lòng sông nổi lêu bêu. Gia đình ông chài rơi rụng dần, móp mép đến bây giờ còn trơ một mình ông. Hễ cứ chạnh nhìn dòng sông Tấm dằng dặc khói sương ông như sống dậy một khuất khúc, một sự thật lùi lũi hiện về rồi lại bảng lảng chuồi đi...

 

...Bà lại giở mình. Ngoài kia tiếng rít thuốc lào và tiếng kẽo kẹt của bè vó vang lên đều đặn. Chắc từ ngày con Tằm bỏ đi ông giận bà hay sao mà ít nói lắm. Cứ lặng lẽ như cái bóng bên cái mố cầu đổ. Đã từ lâu bãi sông Tấm bị bỏ quên, cây dại, dây leo mọc um tùm. Từ ngày con Tằm bỏ đi thì chỉ mỗi bà vào làng, còn ra chợ, ông tịnh không rời bè vó đi đâu. Lâu lâu ấm giời cụ Từ bên đền Thượng hay ông giáo Thụ ra đây chơi cờ với ông chài, chơi cờ tưởng với nhau chả cần quân tướng gì cả, mà đánh nghiêm cẩn lắm. Bao giờ ông chài cũng thắng, còn mấy ông kia lăn lóc say. Người đâu mà lạ thế, cuộc cờ thì phân minh cao thấp không khoan nhượng mà cuộc đời thì cứ mặc kệ đến đâu âu đó. Một hôm, cũng đã lâu lắm, ngày con Tằm mới chập chững tập đi, ông bảo bà: “U nó này, hay là xem xem chỗ nào đi được thì đi. Con Tằm để tôi nuôi cũng được. Bao giờ nhớ con thì về, chứ không ở đây buồn tẻ lắm...”. Lúc ấy bà đã giận ông đến tím người, rấm rứt khóc: “Là ông đuổi khéo tôi đi đấy. Hay là ông kể công kể lênh với mẹ con tôi. Hay là người ta xúc xiểm...”. “Không, không...”. Người đàn ông hốt hoảng “Là tôi sợ bà chán cảnh tịnh mịch ở đây. Bà còn trẻ, lại đẹp. Là tôi nói thật lòng mình...”.

 

Ông chài từ từ kéo gọng vó lên. Quái lạ, sao lại nhẹ bẫng đi thế nhỉ. Không trọng lượng, không cảm giác. Giống cái hôm ông kéo vó thuở chăn trâu cá nhảy tũng toẵng trong lưới mà phía bên kia ni cô luống cuống bên bụi chuối loạch xoạch anh kiến trúc sư người tây. Rồi ni cô chỉ đại về phía góc sông này, cái mố cầu oái ăm mọc ra. Tiếng khánh tiếng mõ chùa gấp rút và tiếng súng quàng lên. Rồi gì nữa ông chả nhớ được lần lượt. ờ, hôm ấy cá sao nhiều thế không biết, cứ bơi vào lưới như phát rồ phát dại, phải chèo thuyền ra tháo giỏ đáy đổ đi. Đổ đi một chốc lại lục xục, rộn rạo cả lòng sông. Cá với chả mú quàng xiên đến lạ lùng. Cái mố cầu như cây đèn biển dụ dỗ muôn loài cá.

 

Ông chài hạ cần vó xuống nhìn sang bên kia sông. Bên kia sông, mấy con cuốc ăn đêm chạy lạch xạch. Hôm nay cá đi thưa, dưới giỏ chắc chỉ mấy con cá nhép lười biếng ngủ quên giạt nước trôi vào, Cái gì cũng trôi vào mố cầu này. Tựa tẫm, tụ vạ lôi nhau đi. Có khi là xoáy cuốn hun hút. Mố cầu mỗi ngày nghiêng sụm xuống. Không biết đến bao giờ thì nó đổ hẳn xuống lòng sông...

 

Sau cái lần ông bảo bà đi bà giận ông càng thương ông. Bà về làm bạn với ông cũng là vạn bất đắc dĩ, có một không hai trên cõi đời. Hồi ấy bà  có mang con Tằm. Quê bà tít thượng nguồn con sông Tấm. Thuở ấy bà đẹp lắm, đẹp nhất làng và tất nhiên bao nhiêu trai tráng trong vùng, cán bộ, viên chức xa gần ong bướm lả lơi. Rồi thì kẻ sở khanh ấy xuất hiện, rồi hứa hẹn, rồi thề bồi để rồi cái gì đến đã đến. Gã họ Sở biến mất để lại giọt máu nơi thảo dã. Cha bà, một lục lâm có tiếng ở vùng mà biết chỉ còn nước chết, chỉ còn nước thả bè chuối trôi sông. Người mẹ thương con sợ hãi hấp tấp đẩy ngay cô sơn nữ lên chiếc thuyền nan dúi vội ít tiền cứ thế bập bềnh xuôi sông Tấm tránh trận lôi đình của người cha gia trưởng. Hôm ấy trời cũng rét và u ám. Ngày không mặt trời. Đêm không trăng sao chỉ đìu hiu một màu nước xám. Khi đói lả và mệt mỏi sau mấy hôm lênh đênh trên sóng nước bà đã để mặc kệ số phận của mình muốn trôi đi đâu thì đi thì gặp ông. Hôm ấy cũng nửa đêm, cũng như mọi bận ông đang bình thản kéo bè vó như bao đêm khác. Chỉ khác chiếc thuyền nan bỗng mắc vào rồi nằm gọn trong lưới. Ông ngạc nhiên vớ chiếc đèn chai bơi thuyền ra sông soi. Loay hoay mãi mới đưa được người phụ nữ lên bờ. Nấu cho bà ăn xong bát cháo thì trời sáng. Chưa kịp hỏi đầu đuôi câu chuyện mấy anh cờ đỏ cùng một công an viên của hợp tác xã đã có mặt bên bè vó. Ông chủ động chào trước: “Mấy chú mua cá à. Đợi tôi một lát”. Người đàn ông lúng túng nhìn cô gái đang đang ở trên giường của mình với bát cháo cá chưa kịp phân bua gì thì tay công an viên dường như muốn chứng tỏ nghiệp vụ đặc biệt của mình vẫy mấy cờ đỏ ra hội ý rồi tiến đến trước mặt ông: “Anh quan hệ bất chính với ả này đã lâu. Bây giờ cơ sở cảnh giác báo lên. Mời anh đưa người lạ đến uỷ ban thành khẩn khai báo”. Khai báo ư. Người đàn ông cố trấn tĩnh: “Các chú nói thế nào chứ? Cô ấy mới giạt vào đây. Người đang còn sốt lắm, đi sao được”. “Không cần biết. Muốn sống muốn tốt thì lên uỷ ban, không lằng nhằng. Mà ông cũng đang ở diện nghi vấn đấy. ốc không mang nổi mình ốc mà còn...”.

 

Rồi chuyện cũng được giải quyết đâu vào đấy. Người đàn bà ở với ông, nên vợ nên chồng. Không có ông, hẳn bà khó mà qua được, nào vượt cạn, nào vượt đói, nào điều tiếng thị phi. Thế mà khi con Tằm mới lững chững ông lại giục bà đi. Dạo ấy bà giận ông suốt mấy tuần liền. Nhưng sau đấy bà mới thấy là ông nói đúng…

 

Ông chài kéo cần vó lên. Mành lưới lục xục, rung rung chạy giần giần. Chắc chú cá măng háu ăn nào ở trong ấy rồi. Dạo giáp mặt mấy anh cờ đỏ cũng mùa cá măng. Thi thoảng các cậu ấy vẫn cử người ra hệch hạc: “Bố cho bọn con tí cá cải thiện”. Dạo ấy ông đâu đã già, mới hơn ba mươi chứ mấy. Thoảng trong mắt lưới khi ấy là bầu trời xanh lác đác sao, có một vì sao chôn ở đỉnh giời lấp lánh mắt ni cô. Mà bao nhiêu năm. Mà bao nhiêu nước trôi khỏi dòng sông Tấm. Về đâu? Và lũ cá. Từ đâu đến. Các anh cờ đỏ cờ đen là chúa hay quên. Lại hay hạch sách. Người đàn ông im lặng. Người đàn bà nằm đấy, phó mặc như lũ cá đua nhau chui vào giỏ. Nếu bà là cá ông đã bơi thuyền ra gỡ dốc trả lại dòng sông...

 

Bà trở mình. Cô gái vẫn bằn bặt, thiêm thiếp chìm vào bao ngẫm ngợi. Một cái gì lan man, hiện rõ rồi vương vấn… Sau khi sinh con Tằm, người đàn bà bỗng hồi sinh. Bà đẹp lạ lùng sáng cả khúc sông. Bao nhiêu người lân la, kiếm cớ xuống với cái mố cầu đổ. Mấy đồng chí uỷ ban thuyết phục ông để bà đến giúp văn phòng tiếp khách. Ông đồng ý. Rồi bà vào đội văn nghệ đi tập, đi diễn suốt ngày, ông lụi cụi nuôi con Tằm, chăm bẵm đón đưa đi nhà trẻ. Nó quấn ông lắm, nó là một cái gì không thể tách rời ông.

 

Ông hạ cần vó xuống. Lại tiếng thở dài của dòng sông Tấm và tiếng gió quẩn u u nơi cái mố cầu… Con Tằm. Nó lẫm chẫm trong bàn tay ông. Nó chèo lên vai ông đu nơi cánh tay cọ vào đám râu lợn cợn của ông rồi chỉ vào lòng sông ngây thơ bảo: “Bố thả hết cá ra đi. Con thích xem cá bơi cơ” Ông chiều con bé. Ông treo lưới lên và bơi ra. Ông nâng giỏ đáy lục xục những cá rồi giơ lên cười loá nhoá: “Bơi này, cá bơi này”. Con Tằm vỗ tay hoan hô ngậu xị. Ông chài dốc trọn vẹn giỏ cá xuống lòng sông. Lũ cá được phóng thích khỏi cái giỏ chật chội tối tăm, đua nhau chạy vun vút trên mặt nước. Có con hứng chí nhảy quàng lên rúc luôn vào lưới giương mắt thao láo lúc lắc. Ông hạ giỏ xuống, bơi vào bờ. Hai bố con lạch xạch nấu nướng. Khi con Tằm ngủ, ông một mình lụm cụm nhìn những đốm lửa bếp bên kia sông.

 

Bà lại trở mình. Cô gái ú ớ, giẫy đạp rồi quay ra ôm chặt bà, rồi chìm vào giấc ngủ. Bà thở dài nhìn ra phía vách ngoài. Sông Tấm lặng im, lóc bóc. Ngày ấy, đội văn nghệ của bà đi nhiều, đi quanh năm suốt tháng vì yêu cầu thi đua mà cũng vì bà một phần. Bà đẹp thế, lúng liếng thế nên có việc gì cấp trên rất hay ới xuống xã, thế là lại đi, lại xô vào ánh đèn sân khấu. Tay trưởng đoàn văn nghệ huyện đã nhiều lần quỳ lạy dưới chân bà, rồi hắn thề. Bà khinh khi mà sao sa vào vòng tay của y lúc nào không biết. Còn thẽ thọt với hắn: “Nhà em hiền lắm, còn bảo em tìm nơi tìm chốn mà đi”. “Trời ơi, bỏ nó ngay đi. Anh sẽ cùng em trọn đời”. “Con còn bé?” “Kệ nó. Con nó nó nuôi”. “Nhưng...” “Không nhưng gì hết. Không lấy được em anh nhẩy xuống sông anh chết”. “Phỉ phui cái mồm”. Nói đến đấy thì người kia ớ ra. Yếm dã bật xuống trễ tràng, tên đàn ông đã trở thành con đực rồi. Mà chính bà cũng say tình như điên dại...

 

Bà xin phép ông dọn đến ở với tay trưởng đoàn trên thị trấn. Ông khẽ khàng đồng ý xin được chăm sóc con Tằm. Lạ thế, đến bây giờ bà vẫn chẳng hiểu ông nghĩ gì khi ấy. Tại sao đồng ý tại sao không? Ông vẫn thế, chiều chuộng bà, chiều chuộng con và mọi người, lầm lụi như con sông Tấm chảy bao năm trước mặt.

 

Ông chài hạ vó xuống mặt sông. Loang loáng ươn ướt chiếc chão ram ráp trong lòng tay. Gọng vó buông một dấu thập chia cắt dòng sông rồi chui hút xuống lòng nước lao xao gợn sóng. Ông bỗng thấy cái gì quẫy đạp trong lòng vó. Vội vã ông túm ngay sợi chão hốt hoảng kéo lên. Trong lòng vó loang loáng nước là con Tằm đang quẫy đạp. Có ai trói nó quẳng vào vó của ông. Ông cuống cuồng kéo tuồn tuột. Tre pheo rít lên trèo trẽo. Những miếng sắt va nhau loảng xoảng. Có tiếng kêu cứu từ đâu dội lên. Ông lao đến chiếc thuyền vội vã bơi ra… Vó trống trơn, lòng ông hụt hẫng. Những mắt lưới gương lên nhìn ông chế giễu. Mấy con cá nhép quẫy đạp loách choách trêu ngươi. Ông hất tòm giỏ đáy trả lại lòng sông, thờ thẫn bơi vào như một kẻ mất hồn còn nghe rõ cả tiếng giở mình của bà...

 

Cô gái lại ú ớ nói mê, người co giật bấm chặt bà. Bà vỗ vỗ vào bờ oai gầy guộc, mong manh của cô gái. Bà thở dài. Không biết đã bao nhiêu năm rồi nhỉ, dạo bà đưa con Tằm lên thị trấn học cấp hai. Hôm ấy ông gắt với bà, khẽ thôi nhưng là gắt, bà biết. Ông bảo: “Không khéo rồi hỏng mất con bé. Bà nên suy nghĩ cho kỹ. Tôi sợ lắm”. Bà gắt lại: “Con tôi, tôi muốn đem đi đâu thì đem. Ông lo thân ông ấy. Già rồi. Rõ lẩm cẩm”. Người đàn ông im lặng nhìn theo những đám mây xa cuối dòng sông. Con Tằm không chịu đi. Ông phải dỗ mãi nó mới thuận. Trẻ con ấy mà. Rồi cũng nhanh chóng hoà với cuộc sống khác thôi. Bến sông xưa lại quạnh quẽ như thuở người đàn bà chưa dạt vào.

 

Con Tằm đi. Một tuần ông không buồn động đến bè vó. Lũ cá suốt đêm ngày tũng toẵng trêu ngươi. Ông đem rượu ra mố cầu đổ ngồi một mình. Phía xa là chùa Giành tiếng khánh tiếng mõ lanh canh, lốc cốc quất vào lòng sông Tấm. Không ai biết ni cô ngày ấy đi đâu. Cậu tây địa chất đi đâu. Mố cầu rêu phong tưởng sụm xuống lòng sông cứ trơ ra khâng khấc. Ông uống đến đêm thì đã say lắm. Hôm ấy trăng suông lòng trời nhạt nhẽo, mờ ảo chập chờn. Ông dọ dẫm bước về phía cần vó, bất giác kéo lên.

 

Tiếng quẫy đạp lục xục mơ hồ. Một bóng đen lùm tùm trong lòng vó. Ông chột dạ nhìn sâu ra lòng sông. Chỉ sương khói lập loà, ù ập. Bóng đen lùm tùm như ảo ảnh ẩn hiện trêu ngươi. Ông bừng tỉnh rượu, chợt trở lên cáu kỉnh thoăn thoắt bắt tay chão kéo ào ào. Trơ ra giữa lòng lưới rõ ràng là một con thuyền rách.

 

Hậm hực bơi thuyền ra giữa lòng sông sương khói, ông xé toang mành lưới lôi phăng con thuyền rách nát kia đẩy ào ào ra khỏi tấm lưới rách nát bật tung cả giỏ đáy. Lũ cá hứng chí phóng rào rào vào ông lành lạnh, tanh tao. Bất kể trên thuyền là ai ông cũng mặc, trôi đi đâu thì đi, ông không cần biết.

 

Lên đến bờ ông chài rã rời, ông dọ dẫm về căn lều nát buông phịch mình xuống. Nhắm mắt cố ngủ mà không sao ngủ được. Vật mình vật mẩy ông như nhìn thấy con Tằm nằm trong chiếc thuyền rách nát, bầm dập bị bọn người nào hãm hiếp bắt trói đẩy xuống thuyền trôi dạt về đây. Rồi chợt như có tiếng người rên rẩm: “Bố ơi! Cứu con. Con chết mất”. Cứ thế ông mộng mị khật khưỡng bước trở lại cái dây chão, tiếng trèo trẽo, loảng xoảng lại cất lên.

 

Người đàn bà trên chiếc thuyền nát là người đàn bà câm. Chị suốt ngày không nói không rằng cứ nhìn dòng sông thảng thốt. Đúng một tuần sau, khi sắc diện người đàn bà hồng hào trở lại tạng nần nẫn, ngực đầy căng, phập phồng thì anh công an viên uỷ ban dẫn dân quân du kích mọc sẵn ở bên lều, một người lên đạn loách choách: “Ông già, ông bảo con kia lên uỷ ban ngay”. Ông chài bước ra, lừng khừng nhìn đồng chí công an viên bực bội: “Các cậu vào mà giải đi. Giải ngay đi”. Đồng chí công an viên trẻ khựng lại. Một cậu cờ đỏ đã xông vào kéo tuột người kia ra. Người đàn bà ú ớ, ngơ ngác cười. Ơ, người điên, lại câm điếc. Cậu cờ đỏ thất vọng khoá chốt an toàn khẩu súng lách cách: “Tưởng ai, con dở người. Mà sao ông lắm chuyện thế. Chả trách vợ con tử tế nó bỏ ông đi”. Anh công an viên khoát tay, mấy người lủi nhanh về phía làng, trơ ra người đàn ông với người đàn bà câm điếc. Tự nhiên người đàn bà ứa ra mấy giọt nước mắt. Người đàn ông không nói gì lặng lẽ bước đến bên vè vó nắm vào sợi chão. Tiếng trèo trẽo vang lên, những mắt lưới nhô lên mặt nước. Một con cá đen trùi trũi phóng qua mành lưới lao chõm xuống lòng sông...

 

Những ngày tiếp theo là cực hình của ông chài. Hôm nào uỷ ban cũng cắt cử một anh cờ đỏ ra căn lều theo dõi người đàn bà câm. Người đàn bà nhìn khẩu súng bên hông anh cờ đỏ trẻ tuổi lấm lét. Cá dưới sông lặn biến đi đâu kéo mãi chả được con nào ông chài đã phải vét đến hạt gạo cuối cùng nấu cháo cho người đàn bà ăn. Anh cờ đỏ ái ngại nhìn hai người đột nhiên chuyển ánh mắt đăm đắm vào bộ ngực căng mẩy của người đàn bà. Người đàn bà hốt hoảng nhìn ra phía dòng sông.

 

Chiều hôm sau, để mặc anh cờ đỏ và người đàn bà ở căn lều ông chài sang chùa Giành tính kiếm ít gạo khi về không thấy cả hai đâu. Ông chạy nháo nhào đi các nơi tìm. Hai người vẫn biệt vô âm tín. Ông buồn, về căn lều thẫn thờ đến cả giờ đồng hồ ngồi bó gối trông dòng sông. Rồi bỗng dưng ông bật dậy, bước ra bè vó nắm sợi chão kéo hùng hục. Một giờ, hai giờ… đến khi mệt lử thì cơ man cá là cá. Sẩm tối, cá đầy lục cục trong giỏ đáy ông lại phải bơi ra dốc sạch vào lòng sông. Đêm buông, ông chài vớ chai rượu ra ngồi bên mố cầu. Ngày ấy cũng đã lùi xa lắm...

 

Khi ông chài đã dần quên đi mọi việc thì mẹ con Tằm trở về mố cầu xưa, buổi đêm, gió bấc trời không trăng sao mịt mùng như đêm nay. Hôm ấy trở trời, người đàn ông không ngủ được. Ông vặn ngọn đèn chai ngồi bó gối một mình. Ông buông vó xuống lòng sông không buồn kéo từ chiều. Kéo nhiều ai mang cá ra chợ. Đã bao lần ông kéo đầy giỏ cá rồi lại thả ra sông. Đang ngồi nhìn miết ngọn đèn chai thì có tiếng lạch xạch. Linh cảm mách bảo ông mẹ con Tằm về. Ông bình thản bảo: “Bà về đấy phải không. Bà chờ tôi một chút”. Rồi ông lập bập đứng dậy đi về phía cửa. Bà nhìn ông, nhìn căn nhà nhỏ rồi bật khóc “Ông, tha lỗi cho tôi...”. Người đàn ông bỗng lúng túng ngay trên căn nhà mình ậm ừ: “Được rồi. Được rồi. Để tôi lấy cho bà chút nước ấm. Bà về một mình thôi à. Thế con Tằm đâu?...”.

 

Thế con Tằm đâu? Một câu hỏi bà chưa trả lời được ông đã năm năm, mười lăm năm và bây giờ nữa. Từ ấy ông ít nói lắm, cứ như là mấy lần ông định khơi ra cái chuyện này lại thôi. Không biết chuyện người đàn bà câm dạt vào đây bà ấy có biết không? Biết thì bà có trách gì không. Lại chuyện mấy tay cờ đỏ canh chừng rồi giong đi có khi bà ấy cũng biết cả. Biết thì đã làm sao. Cứ để lúc nào rồi thưa rõ chuyện ra. Lại phải hỏi cho rõ chuyện về con Tằm nữa chứ. Hai ông bà bao năm nay chưa nói rõ với nhau được về nó. Có lần bà định bảo: “Nó hư lắm ông ạ. Tưởng chịu học, ai ngờ đua đòi, đàn đúm”. Thì bà lại mường tượng lời ông: “Đâu, dạo con bé ở đây với tôi ngoan lắm”. Lúc ấy bà sẽ gắt: “Ông thì biết gì, lúc nào cũng bênh con”. Ông sẽ lại thôi. Định hỏi xem đầu cua tai nheo thế nào lại thôi vì bà đã gắt thế. Ông nhịn bà đã thành quen. Lại một lần ông định hỏi: “Thế nó học có được hết phổ thông không, có thi vào đâu không”. Nhưng ông đã đoán ra câu trả lời của bà: “Học gì cái của nợ ấy. Đú đởn hoang thai tôi mới ra nông nỗi này, con với cái nặng nợ”. Ông lại im. Lại lẩn mẩn chắp nối các dữ kiện về con. Chắc là nó học hết phổ thông rồi, con bé vốn thông minh là thế. Còn hoang thai ư? Tại sao cơ chứ? Mà thôi bà ấy nói thế biết thế chứ đã chắc gì. Ông tin thể nào cũng có ngày nó tìm về với ông. Chắc chắn là như thế.

 

Vừng đông đã hừng lên mặt sông. Rất lạ lùng hôm nay lại ló ra một tí mặt giời. Người đàn ông kẽo kẹt kéo cao bè vó rồi dùng thuyền bơi ra phía giỏ cá đáy lưới. Trời ơi! Nặng trịch một giỏ những là chép là trê tũng toẵng dưới khoang thuyền. Ông bơi vào, bà đã chờ ông bên chân mố cầu đổ. Ông trao rổ cá cho bà dợm hỏi: “Nó vẫn ngủ à” Bà gật gật: “Cứ để cho nó ngủ ông ạ, chắc là cô nàng đói ngủ. Tôi hâm lại nồi cháo rồi đấy. Ông rửa ráy rồi vào ăn đi”.

 

Bà cắp rổ cá đi lẫn vào sương sớm về phía làng. Còn mình ông trong căn nhà nhỏ. Cô gái vẫn thiêm thiếp ngủ vẻ mặt in rõ sự phong sương bầm dập. Nước dãi nhểu ra trôi dạt lớp phấn lem luốc trên khuôn mặt đen đúa, rắn đanh. Ông chài nhìn cô gái rồi nhìn ra dòng sông Tấm qua phên liếp thủng lỗ chỗ. Sương dần tan. Bên kia sông khói ở đâu ngoằn ngoèo vẽ lên trời trong tiếng mõ chùa Giành lốc cốc.../.

 

Hà Nội, tháng 1 năm 2005-Đại Lải, tháng 3 năm 2005

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 2389
Ngày đăng: 14.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một ngày và một đời - Trần Quang Vinh
Chùm truyện mi ni - Dương Đức Khánh
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (Phần 2) - Đỗ Ngọc Thạch
Cha con hội ngộ - John Cheever
Có tật giật mình - Huỳnh Văn Úc
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (phần 1) - Đỗ Ngọc Thạch
Cocktail - Di Li
Phượng Ý - Trần Quang Phong
Đôi mắt rồng - Nguyễn Chính
Sắc sắc không không - Trần Quang Vinh