Anh tên thật là Nguyễn Kim Dũng, công tác ở Hội VHNT Vĩnh Long. Bút danh nhà thơ của anh là Nguyễn Bạch Dương. Mọi người quen gọi tắt là Bạch Dương. Cái tên đó đối với tôi, bỗng dưng gợi lên một nỗi buồn xa lắc. Hình ảnh anh vời vợi ẩn hiện như loài cây mảnh mai nơi xứ Bắc, đứng lặng lẽ giữa mênh mông sương mù tuyết trắng.
Chúng tôi quen nhau ở Trại Sáng tác vào tháng Tám năm 2000 tại Hà Nội. Trại có trên 40 văn nghệ sĩ đến từ các tỉnh. Nhưng trời đất run rủi thế nào khiến tôi và anh lại ở cùng phòng và quen thân nhau ngay từ những ngày đầu. Anh đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới làm. Là người chỉ quen cày xới trên cánh đồng của truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng tôi lại rất mê những câu lục bát mượt mà của chàng trai sông nước Nam Bộ ấy.
Có một mối tình cũ dở dang, anh đã gói nó vào trong sáu câu lục bát, nói về hoa cúc:
“Muộn rồi bông cúc tím ơi!
Cỏ xanh đồi ấy đã phơi sắc vàng
Trễ tràng chi chuyến đò ngang[i]
Để tôi lận đận giữa ngàn thông xanh.
Muộn rồi em - Cúc áo xanh
Ngón tay đính nhẫn đã thành cúc xưa...”
(Cúc xưa).
Nhìn anh bề ngoài có vẻ hơi “bụi”, với chiếc quần bò, áo phông đã nhàu cũ, mái tóc rậm điểm sương và dáng người khắc khổ, màu da xạm nắng, trên đầu lúc nào cũng chụp chiếc mũ vải mềm, chân đi dày vải, loại dành cho những người leo núi. Tuy vậy, anh có nụ cười hiền hậu và giọng nói sôi nổi, trầm ấm, đậm đặc âm sắc sông nước miền Tây.
Không biết có phải lần đầu anh ra Hà Nội không, nhưng đường phố Thủ đô anh không thông thạo lắm. Vào những ngày nghỉ, tôi đưa anh đi chơi công viên, đến nhà triển lãm và nhất là tối nào tôi với anh cũng ra hiệu sách. Anh đứng hàng giờ bên quầy sách văn học và thầm khen sách ở đây phong phú hơn những nơi khác. Gần một tháng ở Trại, các trại viên không ăn uống tập trung. Để được thoải mái, Ban tổ chức phát tiền cho mỗi người tự lo. Thành ra tôi và anh Bạch Dương cứ ngày ba bữa tìm nơi vắng vẻ, sạch sẽ để ngồi. Đôi lần có anh Đặng Tiến Huy ở Bắc Giang, anh Ngô Lương Ngôn ở Cao Bằng cũng góp mặt. Anh Ngôn thích rượu thịt chó, vừa nhâm nhi vừa phì phèo thuốc lá rồi gật gù “gạ” chúng tôi bỏ Trại lên Cao Bằng chơi, xem các cô gái Tày đánh đàn tính và hát then, hát lượn ngoài bờ suối. Còn tôi và Đặng Tiến Huy thì thích bia hơi, phở bò tái Hà Nội. Riêng Bạch Dương chỉ ăn nhẹ. Bia, rượu, thuốc lá là ba thứ anh tuyệt đối kiêng kị. Chúng tôi mời tha thiết thế nào anh cũng đều từ chối. Đặng Tiến Huy lắc đầu: “Cứ bảo các anh hai Nam Bộ đều xả láng, bia bọt tới số, thì ra chỉ là hữu danh vô thực!”. Biết là chàng trai Kinh Bắc nói khích, Bạch Dương nâng cốc cạch với mọi người rồi đặt xuống: “Các anh thông cảm. Tôi có bệnh, bác sĩ dặn phải kiêng”. Ngô Lương Ngôn chìa tay cho Bạch Dương, nhại tiếng Nam Bộ: “Zậy thì được. Cho qua. Chứ dân Bắc tui đã ngồi với nhau mà không uống thì xin mời zô nhà bếp sài cơm cháy với đàn bà, con nít”. Trong khi ba chúng tôi còn lai rai bia rượu thì Bạch Dương đã đứng dậy ra quầy thanh toán tiền. Lần nào cũng vậy, anh trở thành người “bao” chúng tôi những bữa ăn nhậu, còn anh thì kiêng cữ, ăn uống rè rặt.
Gần đến ngày bế mạc Trại, Bạch Dương điện cho vợ là chị Huỳnh Ngọc Kim Phượng ở trong Nam ra. Họ có kế hoạch từ trước, nhân dịp vợ chồng làm một chuyến du lịch Bắc Nam. Sau khi thăm Đồ Sơn, Hải Phòng rồi vịnh Hạ Long, vợ chồng anh lên Việt Trì. Tôi đưa hai người lên thắp hương ở Đền Hùng rồi đến thăm Hội VHNT Phú Thọ cùng một số anh em văn nghệ sĩ của vùng Đất Tổ. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn mời anh ăn món gà tần thuốc bắc, một thứ gần như đặc sản của Việt Trì. Anh khen ngon và thường nhắc đến trong thư gửi cho tôi. Đến ngày thứ ba, tôi đưa vợ chồng anh ra ga xe lửa ngược Lào Cai, tiếp tục cuộc hành trình lên Sa Pa để được tận mắt nhìn thấy "nóc nhà của Tổ quốc" (đỉnh Fanxipăng) rồi bơi trong màn sương đục, thưởng thức cái se lạnh giữa những ngày đầu thu phố núi, buổi tối đến những quán cóc dưới gốc thông gậm ngô bắp và trứng vịt nướng...
Con tàu đã chuyển bánh theo hướng lên miền Tây “vời vợi nghìn trùng”. Hình như cả hai đều không muốn rời chúng tôi, những người đưa tiễn, không muốn rời cái thành phố nằm bên ngã ba sông mà sau này trong những bức thư anh viết cho tôi, không lần nào anh không nhắc đến với một tình cảm thân thương. Anh nói: Cứ mỗi lần đọc báo, nghe đài, xem truyền hình có nói đến Phú Thọ, Việt Trì là lại thấy bồi hồi, tưởng như mình vừa ở đó ra đi.
Từ Sa Pa, Lào Cai rồi sau đó, không biết vợ chồng anh còn rong ruổi, du lãm những đâu mà gần một tháng sau, từ thành phố Hồ Chí Minh anh gọi điện ra cho tôi báo tin là vợ chồng anh vừa về đến nhà. Anh reo lên trong máy: “Chuyến đi thật tuyệt. Có một không hai trong đời!”. Và anh hẹn, nhất định có ngày ra Bắc để một lần nữa lại đến thăm Việt Trì.
Tính đến cuối năm 2005, anh gửi cho tôi gần 20 lá thư và 5 tờ thiệp chúc tết. Lá thư nào anh cũng tha thiết mời tôi vào thăm quê anh. Anh sẽ đón tôi ở Sài Gòn rồi đưa tôi đi thăm các tỉnh Miền Tây, nơi dọc ngang kênh rạch và những miệt vườn sum sê cây trái. Sợ chúng tôi không có nhiều tiền, anh động viên: “Đừng ngại. Anh chị cốt lo vé vào đến Sài Gòn. Còn sau đó vợ chồng em liệu”. Mà cũng tại tôi hứa hão, sẽ vào thăm anh. Nhưng là hứa thế thôi chứ bỗng nhiên một ngày nào đó khăn gói zô Nam để thăm bạn, quả thực điều ấy, không đơn giản. Để khỏi phụ lòng anh, tôi đành viết thư xin lỗi hẹn, chờ dịp khác thuận tiện sẽ vô. Và... lời hứa ấy, đã không bao giờ thực hiện được.
Sau lần đi tham quan Trung Quốc về vào cuối năm 2001, anh gửi ra cho tôi qua đường bưu điện chiếc áo sơ mi anh mua từ Bắc Kinh để làm quà, cùng với những lời rào đón: “Đây là tấm lòng của em. Còn về vật chất, nó không là gì cả”. Chiếc áo đó, tôi mặc đến nay đã sờn. Anh còn gửi cho tôi tập thơ “Gió không mùa”, anh mới in, trong đó có bài “Chia tay ở ga Việt Trì” anh làm tặng tôi. Lời thơ nặng trĩu nỗi buồn chia phôi: “Sáng nay mưa nhẹ/ Ga Việt Trì/ Sáng nay/ Một người tiễn hai người đi/ Đôi dép lê đứng lạnh/ Nặng như chì/ Tàu thở khói lụa/ Biệt ly/ ... Tàu rời Phú Thọ/ Trong toa chật đầy/ Hai đôi mắt ngó lui/ Ngậm ngùi đi/ Ngậm ngùi ở lại...”. Như một điều ứng nghiệm, đó là lần cuối cùng, chúng tôi chia tay nhau để sáu năm sau, (ngày 11 tháng 12 năm 2006) anh về với cõi Phật. Theo trang Web - Nhà văn Vĩnh Long - Quán văn nghệ - thì hôm ấy, hàng trăm bạn bè quen thân của anh trong đó phần lớn là các nhà văn, nhà thơ đồng bằng sông Cửu Long đứng quanh anh ở chùa Pháp Vân, ngậm ngùi nhỏ lệ, nhìn anh đi trong ánh lửa thánh thần cho đến khi chỉ còn lại nắm tro bụi vô hồn.
Thơ Bạch Dương thường nói đến cỏ, đến con sâu, con dế, con cò, cành tre... tất cả ẩn hiện dưới ánh trăng ở một làng quê nào đó của đồng bằng Nam Bộ:
Trong tay còn cọng cỏ nằm
Gỡ ra chợt thấy có mầm kén sâu
Mai ngày bướm lượn vườn sau
Nhớ chăng cọng cỏ úa mầu vàng tăm”
(Mai sau lá cỏ)
Hoa cuối vực hay mầm trăng đầu tháng
Con dế ca, con cá thở hương đồng
Cành tre khuất cong những hình bán nguyệt
Đã cầm bằng đêm rớt lúc rạng đông”
(Kiếp khác)
Với một tâm hồn hoà quyện vào cảnh vật như thế, hẳn là khi “hóa kiếp”, anh muốn được nằm trong hơi ấm của lòng đất mẹ. Nhưng kiếp người nhỏ bé của chúng ta có phải điều mong ước nào cũng thành hiện thực.
Sắp đến ngày giỗ của anh, hôm nay tôi ngồi đọc lại những trang thư anh gửi, lắng nghe những lời anh tâm sự, giãi tỏ nỗi lòng của người con đối với cha mẹ già yếu, với người vợ yêu thương luôn ốm đau bệnh tật, khiến anh phải nghỉ hưu sớm, sức viết chùng lại. Từ Vĩnh Long đi Sài Gòn, tôi chưa hình dung được sự xa gần, nhưng một tháng đôi ba lần anh bươn bả, lúc thì đưa ba, lúc thì đưa má, cả hai cụ đều trên 80 tuổi đi chữa bệnh. Khi sức khoẻ ba má tạm lành thì anh lại chăm sóc vợ vừa phải cấp cứu vì bệnh tim... Có những đêm dài, trời phũ phàng mưa gió, điện mất, anh ngồi trong bóng đêm, một mình sắc thuốc:
Đong từng chén khuya đen, dằng dặc đợi
Tiếng mưa đầu run rẩy giọt con so
Đêm điện cúp chớp loằng ngoằng hẻm ướt
Bếp tuềnh toàng mưa tạt dáng lom khom...
(Mưa đêm sắc thuốc- Tặng Kim Phượng)
Cũng vì thế mà Bạch Dương tiếc nuối cái lần đoàn Văn nghệ Vĩnh Long do nhà thơ Song Hảo dẫn đầu ra thăm Đền Hùng và giao lưu với Hội VHNT Phú Thọ, anh không có mặt, cũng vì má anh bệnh. Anh phải thuốc thang chăm sóc.
Tôi không rõ lắm về mối tình của Nhà thơ Bạch Dương với Kim Phượng. Hình như chị là nhà tạo mẫu thời trang. Những ngày ở Việt Trì, tôi thấy họ thương yêu nhau lắm. Khi leo mấy trăm bậc đá lên Đền Thượng ở khu di tích Đền Hùng, Bạch Dương luôn dìu vợ bước rồi lau những giọt mồ hôi trên má, trên cổ chị. Có lần trò chuyện với bà xã nhà tôi, Kim Phượng thổ lộ: "Em đã có một đời chồng và hai đứa con riêng. Nhưng khi làm bạn với anh Bạch Dương, cả hai đều cam kết không sinh thêm con chung nữa, vì lý do bệnh tật của cả hai người, và hơn nữa, để tránh sự phân tán tình cảm, bởi anh ấy rất thương quý hai đứa nhỏ, mặc dù chúng đã trưởng thành".
Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, chăm súc vợ con khi ốm đau đối với nhà thơ Bạch Dương, đó không những là trách nhiệm mà cũn là niềm hạnh phỳc lớn lao. Anh thường nói với tôi như thế. Nhưng thương thay, trong khi đó bản thân anh cũng lại bệnh tật hoành hành. Những con vi rút quái ác, những nhân tế bào phản bội ngày đêm tàn phá cơ thể anh, không có phương thuốc nào chữa nổi, không có sự chăm sóc nào níu kéo được. Từ cuối năm 2005 trở đi, tôi không nhận được thư anh nữa. Thiệp mừng tết Bính Tý cũng không. Tôi cứ yên tâm là anh bận công việc. Cho đến hôm đọc tin buồn trên báo Văn nghệ...
Bạch Dương ơi! Vậy là anh đã một năm đi xa. Bóng anh nhoà trong sương khói miền châu thổ Cửu Long, lẫn vào cỏ cây hoa lá, để lại những vần thơ ngân vang như tiếng “Gió không mùa” vi vút sớm chiều, mãi mãi trong lòng bè bạn./.
Việt Trì, ngày thu 2009
Ảnh : Nguyễn Bạch Dương và tác giả