Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.148.991
 
Thao thức cùng một bài thơ – ba tác giả ?!
Nguyễn Tam Phù Sa

Tôi may mắn còn lưu giữ bộ sách Văn Đàn Bửu Giám (Văn Học Tùng Thư) gồm 4 tập của NXB Mặc Lâm ấn hành năm 1934, do nhà biên khảo Nam Ký chủ biên, cụ Trần Trung Viên sao lục, cụ Dương Bá Trạc, cụ Tản Đà đề tựa. Năm 1968, cuốn Văn Đàn Bửu Giám lại được nhà nghiên cứu văn học Trần Tuấn Khải duyệt lại và cụ Hư Chu hiệu đính. Trong chương nói về cụ Trần Cao Vân, một chí sĩ yêu nước lỗi lạc đất Quảng Nam, mục Thất ngôn bát cú, bài “Chết chém”  (trang 35, tập 4) có trích nguyên văn bài khẩu chiếm hùng hồn của cụ như sau:

                       

Đứa nào muốn chết! Chết như chơi

Chết vị non sông, chết vị trời

Chết thảo bao nài xương thịt nát

Chết ngay nào nệ cổ đầu rơi

Chết trung tiếng để ngoài muôn dặm 

Chết nghĩa danh lưu đến vạn đời

Chết được như vầy là hả lắm

Ta không sợ chết hỡi ai ơi!

           

Sau đó tôi tham khảo sử liệu văn học của cụ Lê Văn Siêu qua tác phẩm “Văn học sử thời kháng Pháp 1858 – 1945, NXB Trí Đăng 1974” (mục Trần Cao Vân trang 107); “Giai thoại làng Nho” của cụ Lãng Nhân và bài báo “Sĩ khí Việt Nam qua mọi thời đại” của Phan Trung Trực đăng trên tạp chí Thời Nay số 193 ngày 01.01.1967, trang 96, mục “Kẻ sĩ thời Pháp thuộc”. Bài khẩu chiếm hùng hồn “Chết nghĩa lưu danh đến vạn đời” (CNLDĐVĐ) của cụ Trần Cao Vân ở 4 tư liệu nói trên không có sự khác biệt về thời gian (bị xử chém ngày 17.5.1916),  trường hợp (cùng thọ hình còn có các cụ Thái Phiên, Phan Hữu Khánh), nơi chốn xử chém (An Hòa, phía bắc thành nội Huế), và văn phong ứng khẩu, vừa tài tình vừa cực kỳ khẳng khái, đúng như nhận xét của giáo sư Nguyễn Ngọc Hạnh (trong tuyển Trăn năm thơ đất Quảng, trang 196, Trần Cao Vân): “Thơ ông dù là thơ chữ Hán hay thơ chữ Việt, dù là viết về cái cao xa hay cái bình thường đều mang đậm chất suy tưởng, triết luận, tạo nên phong cách riêng trong thơ văn các chí sĩ đương thời.”

           

Ngót nghét gần 43 năm qua, tôi một mực tin vào sách vở do các nhà nghiên cứu văn học cẩn trọng ghi chép, và bài CNLDĐVĐ của cụ Trần Cao Vân luôn la niềm tự hào dân tộc, không riêng với Điện Bàn – nơi cụ Trần sinh ra.

           

Thế nhưng, đầu tháng 11.2005, tôi thật bất ngờ khi đọc  bài viết của anh Hồ Vũ Minh Châu: “Đi tìm tác giả bài thơ CNLDĐVĐ” trên báo Văn hóa Quảng Nam số 53, tháng 9 – 10.2005 do nhà báo Đình Nguyên gởi tặng. Nội dung bài viết chuyển tải một tư liệu văn học cho rằng bài thơ CNLDĐVĐ là của cụ Trần Quí Cáp được trích dẫn từ tác phẩm của Lam Giang: “Trần Quí Cáp và tự trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX”.

 

Chưa hết ngạc nhiên, tôi lại tình cờ đọc được một bài viết trên một đặc san nước ngoài khi đang công tác ở huyện Đức Linh, Bình Thuận. Bài viết ký tên Lý Trường Trân với tựa đề: “Cụ Nguyễn Duy Hiệu – Một lãnh tụ cách mạng kháng chiến xuất sắc của Quảng Nam” đăng trên Đặc san Sông Thu Xuân Quí Mùi, 2003, trang 65. Giữa lúc đang có “nghi án về một bài thơ - 2 tác giả” tại Quảng Nam, tôi thấy có bổn phận với quê nhà và với bạn đọc nên không ngại đưa thêm một tư liệu từ nguồn nước ngoài, với mong muốn “để người đọc tiện đối sánh” [dù không thấy tác giả Lý Trường Trân ghi chú đã trích dẫn từ nguồn tư liệu nào (đính kèm bản phô tô)]. Bài thơ của cụ Nguyễn Duy Hiệu (theo Lý Trường Trân) như sau:

                       

Ai mà sợ chết, chết như chơi

Chết bởi vì vua, chết bởi trời

Chết hiếu không nài xương thịt nát

Chết trung bao quản máu đầu rơi

Chết ân, chết nghĩa danh muôn thuở

Chết liệt, chết oanh tiếng để đời

Thà chịu chết vinh hơn sống nhục

Ai mà sợ chết, chết như chơi.

           

Đối chiếu hai dị bản (một của cụ Trần Quí Cáp và một của cụ Nguyễn Duy Hiệu)  ở hai nguồn tư liệu khác nhau so với bản gốc của cụ Trần Cao Vân ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong cách dụng từ của hai dị bản này (do số từ cho một bài báo không cho phép, mong bạn đọc tự so sánh) dù nội dung vẫn không khác biệt là mấy.

           

Đến đây, dù có một chút thao thức, trăn trở về lai lịch một bài thơ, nhưng tôi hoàn toàn đồng tình lập luận trong bài: “Đi tìm tác giả bài thơ CNLDĐVĐ” của nhà báo Đình Quân trên báo Quảng Nam cuối tuần số 1706 ngày 29.10.2005, xác định tác giả của bài “Chết chém” là của cụ Trần Cao Vân- vì “mọi việc đã quá rõ ràng (lời của ĐQ)”, nhất là sử liệu văn học lại được các nhà nghiên cứu, nhà biên khảo tên tuổi như cụ Nam Ký, Dương Bá Trạc, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hư Chu, Lê Văn Siêu, Lãng Nhân … đã dày công, cẩn trọng ghi chép cách đây 73 năm (1934-2008) lẽ đâu lại có chỗ đáng nghi ngờ hay sao?! ./.

                       

 

 

Nguyễn Tam Phù Sa
Số lần đọc: 2675
Ngày đăng: 30.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tương tác trên net - Đỗ Ngọc Thạch
Trở về cội nguồn minh triết Việt - Hà văn Thùy
Tranh Luận với Francois Jullien - Hà văn Thùy
Ðại cương Nho giáo -1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Nho giáo -2 - Nguyễn Ước
Ðại cương Nho giáo -3 - Nguyễn Ước
Ðại cương Nho giáo -4 - Nguyễn Ước
Vì sao loài người làm thơ? - Triệu Từ Truyền
Ðại cương Ðại thừa -1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Ðại thừa -2 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ước (thơ)
4 truyện ngăn ngắn (truyện ngắn)
4 truyện cực ngắn (truyện ngắn)