Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.268
123.156.442
 
Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn
Dương Kiều Minh

Không ai mở cổng

Nhiều người vẫn tìm được lối vào

(Biến tấu con quạ)

 

Mỗi âm tiết lúc ấy hiện lên một sự thật. Sự thật hiển nhiên đảo lộn mọi quy ước phổ thông

Lời vô nghĩa mở ra tưởng tượng

(Anh anh em em)

 

Thét lớn đến chết

Im lặng đến chết mà tái sinh thế giới

(Những bông hoa mùa thu)

 

Những câu thơ trên được trích dẫn từ hai tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Mai Văn Phấn. Tập thơ HÔM SAU do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, tập thơ VÀ ĐỘT NHIÊN GIÓ THỔI Nhà xuất bản Văn học xuất bản trong cùng mùa thu 2009.

 

Có thể là bất cẩn, khi tôi quyết định đưa ra giả thiết về mã khóa mà nhà thơ Mai Văn Phấn đã yểm trong hai tập thơ này. Biết rằng mật tự trong ngôn ngữ thi ca không phải bao giờ cũng giải được. Nhưng, như vậy không có nghĩa không có người tìm đến để giải, và mật tự cứ nằm im vĩnh viễn. Lý sự là vậy, nhưng thực tế có khác đi ít nhiều.

 

Điểm đầu tiên tôi tìm đến là tập thơ HÔM SAU. Đây là tòa tháp được dựng lên bằng 27 câu chuyện kể. Bắt đầu là câu chuyện tiếp một người khách mà: Người nhà bảo ông mất đã bảy năm.../ Trong nhà/ Trà vẫn nóng/ Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi/ Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt/ Chốc lại cúi gập/ (Vẫn trấn tĩnh tiếp khách ra ngõ).

 

Câu chuyện thứ hai: con ong bay vào phòng/ bằng nhựa hay bằng gỗ?/ nham nhở trên mình những vết cắt dở dang/ đúng nó đã bay/ tiếng vỗ cánh êm ru, hoàn hảo/ không nên tin vào một con ong/ tôi kiểm chứng bằng những cử động nhỏ (Không thể tin).

 

Câu chuyện thứ ba: Trong bóng tối, tiếng những nghệ nhân đã khuất cùng đồng vọng:/ - Hãy quay theo mái nhà đánh thức các đồ vật? / (…)/ Mọi người vừa quay vừa tỉnh dậy. Vẫn đủ thời gian uống nước và rửa mặt, chọn cho mình một đồ vật bất kỳ. Và nhanh chóng đặt chân vào vạch Xuất phát. (Quay theo mái nhà).

 

Câu chuyện về “Anh tôi”: lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức. Anh dặn đây là dữ liệu quý. Nhưng kho ký ức tôi đã đầy ứ, cả mốc meo, thối rữa/ (…)/ anh nhìn tôi buồn lắm! (Anh tôi).

 

Câu chuyện về một người đàn ông ra khỏi nhà: Lúc đi/ (…)/ chốt cửa gỗ/ kéo cửa sắt/ ông bấm năm chiếc khóa/ rồi ném chìa vào trong nhà/(…)/ lật đống chăn nơi ông vẫn nằm/ thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:/ “Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số…/ Xin cảm ơn và hậu tạ (Đúng vậy).

 

Câu chuyện về “Bài học”. Câu chuyện về Cái lưỡi tôi bị thắt/treo lên đỉnh cột, và Đang nghĩ về chiếc lưỡi đau/chợt cánh bướm mọc trên bờ đá (Ở những đỉnh cột).

 

Câu chuyện về cái chết của nhà thơ, dịch giả Diễm Châu: Buổi sáng, ngày 28 tháng 12, mưa rơi/ Mưa lạnh thấu xương!/ Đất lạnh thấu xương!/ Lật trang sách anh còn để ngỏ/ tiếng trẻ con khóc trong vòm cây/ (…)/ Gió lùa về/ làm khăn trắng cuốn quanh gốc sú/ trên đỉnh trời linh cữu nhấp nhô (Giấc mơ vô tận).

 

Câu chuyện về “Đêm lập xuân”: Khêu ngọn đèn/ Từng bầy mũi tên bay qua mái nhà vun vút. Câu chuyện về Lũ trẻ xóm tôi biết quá nhiều về người lớn nên sớm mắc những căn bệnh tuổi già (Dạy trẻ con). Câu chuyện về một đêm nhiều điều kỳ quặc: Những giấc ngủ đã ngấm rượu độc/ trí nhớ rối mù, rồi Có ai bên tai thều thào: Hãy thức chờ xem rêu phủ bầu trời/ Mặt nước ăn những vì sao cuối cùng/ (…)/ Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt/ trời tối không ai ra đường./ Sau lúc 0 giờ, nhà bên/ Một trí thức tỉnh dậy cười hềnh hệch/ Thú nhận những câu nói ban ngày là chuyện đùa/ Đùa dai thật!/ Ai đang rình nấp trên cây/ Chờ lá rụng hóa thành tiền bạc (Còn cậu hãy đứng đằng kia).

 

Câu chuyện về “Hắn”: Hắn cười, vung tay đấm qua lỗ thủng khoét sẵn trên tấm bìa, rồi Hắn liệng tấm bìa vào thùng rác, xuống tấn, đấm liên hồi vào lỗ thủng ước lệ, lao đi tốc độ chóng mặt. (Hắn).

Câu chuyện về “Hội chứng từ một tin đồn…”: “… Có mãnh thú bỏ rừng…”.

 

Câu về một cái thùng rác: trong thùng rác có bộ xương cá/ bị rỉa hết thịt trong tư thế đang bơi. Và, trong thùng rác có cánh diều giấy/ chồng lên bó hoa, dăm bảy đôi giày/ Gió vẫn thổi hồn nhiên qua ống sáo (Nhìn kỹ).                                 

 

Câu chuyện về ông trưởng thôn với chị thu tiền điện: đêm qua bị bắt quả tang/ đang ôm hôn ông trưởng thôn trong quán thịt chó… Lão chủ quán thịt chó... bị người khác đến nắm tình hình... / về đến ngõ vợ đã mắng té tát/ Bạc đầu còn ngu!/ Lão cay mũi/ ức đến tận cổ/ nhưng nghĩ đi nghĩ lại/ thấy đúng quá/ lén lút uống dăm ba chén rượu/ ra sân nhìn nắng lên (Biết thì sống).

 

Câu chuyện về con gián: Con gián bò quanh tôi và nói/ vừa đầu thai được ba tháng tuổi/ kiếp trước từng là người đàng hoàng/ Đàng hoàng sao chịu phận xẹp lép?/ Tôi không tin và đu lên khung cửa/ Thế nhân chứng đâu? Vật chứng đâu?/ con gián giơ một chân lông lá/ Ừ, thì tạm coi đây là cánh tay… (Chuyện còn dài).

 

Câu chuyện về ông già: Về già ông ít nói/ Không buồn, không giận/ Suốt đêm ngồi buông câu bên vũng bùn/ để di dưỡng tinh thần/ (…)/ Có thể dưới bình minh đen/ chất ngất những con cá đen/ Gió móc vào ông lưỡi câu có ngạnh (Giả thiết cho buổi sáng hôm sau). Và câu chuyện về “Biến tấu con quạ”. Đây là bài thơ kết tinh quá trình cách tân thơ Mai Văn Phấn. Bài thơ tụ hội đầy đủ những gì đã lắng đọng trong một thời gian không hề ngắn của công cuộc tìm tòi cách thể hiện mới, kiến tạo nên giọng điệu thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy của thơ hiện đại: Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời/ Con quạ rực sáng/ */ Khai sinh/ Sau tiếng quạ kêu/ Ra đi không cưỡng lại/ Gói bọc được mở ra/ Sự băng hoại không thể cất giấu/ (…)/ Bổ nhào từ đỉnh cao/ Bằng đôi cánh sắc/ Lấy tâm điểm xác chết/ chém toác bầu không/ Gió hấp tấp không kịp băng bó/ (…)/ */ Con quạ mơ/ Mọi cái chết đều được sắp đặt/ Sau tiếng quạ kêu/ Ai đã tự nguyện nằm xuống (Biến tấu con quạ).

 

Ở tập thơ HÔM SAU, mỗi bài thơ là một câu chuyện, như tôi đã tổng thuật có tính toát yếu ở phần trên. Có người hỏi: Đấy là sắp đặt hay là thơ? Lại có người hỏi: Đấy là thơ hay là ngụ ngôn?

 

Vấn đề không chỉ dừng lại ở tính ngụ ngôn hay sắp đặt, đối với thơ hiện đại, việc nhà thơ kế thừa những thể loại văn học có sẵn là không cần bàn cãi. Điều cốt yếu là ở chỗ, thơ hiện đại đã đổi thay những gì. Cái ta thấy gần nhất, nhưng lại không kém bề quan yếu đó là việc đảo lộn mọi quy ước phổ thông. Đây là bức tường thành thứ nhất cần phải vượt qua khi tiếp cận thơ hiện đại. Thơ Mai Văn Phấn không nằm ngoài từ trường đó.

 

Mỗi bài thơ của Mai Văn Phấn là một câu chuyện, những câu chuyện đó không theo quy ước phổ thông, tức không tuân theo thói quen sẵn có của tư duy. Hiện thực được giả định, được đập vỡ, được cày xới, được chiếu rọi từ nhiều phía cùng một lúc. Và khi ấy mỗi âm tiết hiện lên một sự thật. Sự thật hiển nhiên đảo lộn mọi quy ước phổ thông. Và, ta cũng có thể nói rằng, giả định một hiện thực để tạo ra một hiện thực mới mang tính chân thực cao hơn cái hiện thực mà ta từng thấy.

 

*

 

Chuyển qua tập thơ VÀ ĐỘT NHIÊN GIÓ THỔI. Chúng ta vừa đi qua một chặng đường dài nơi Khi qua khe cửa hẹp/ gió biển đang bắn vào từng mũi tên mát rượi. Giờ ta lại đang đứng trước một hiện thực không chỉ được giả định, mà là một hiện thực hiện lên từ tâm tưởng. Đó là điều chính yếu tôi muốn đề cập ở tập thơ này.

 

Hiện thực hiện lên từ đầu dây điện thoại: Khoảng cách với đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau (Nghe em qua điện thoại). Chợt thấy con đường/ Tự nghiêng trong đêm/ (…)/ Cả ngôi nhà lao đi chóng mặt/ Sửng sốt, rã rời khi gặp bình minh/ Anh bấm số điện thoại tưởng tượng/ để em biết mọi điều từ trong giấc mơ (Để nhận ra anh).

 

Hiện thực khi “Nhắm mắt”, “Bưng chậu nước lên cao”, “ra phố”, “tắm đầu năm”, và khi “ra biển”.

Mỗi cơ thể con người mở ra nhiều con mắt lạ, khi những nọc độc bị phong kín vĩnh viễn không tìm thấy đường ra. Nhắm mắt thấy em không rộn ràng như khi mở mắt. Nhưng sự im lặng của em vang lên những âm thanh kỳ lạ (Nhắm mắt).

 

Từng bậc cầu thang/ từng bậc khuôn mặt tôi/ và hơi thở hòa trong chậu nước/ (…)/ Lúc chậu nước lên cao/ những hình ảnh của em vừa hiện/ Đem ghép lại chẳng có gì đồng điệu (Bưng chậu nước lên cao).

Tôi mang giấc mơ ra phố/ Lúc ăn sáng thấy mình giống miếng mộc nhĩ/ sôi lên trong nồi nước dùng/ nồi nước sâu tám mét/ Vào thăm bạn trong ngõ hẹp/ biển số nhà giống miếng mộc nhĩ/ đang sôi trong nồi nước dùng/ Tiếng bạn vọng từ độ sâu tám mét (Chọn cảnh).

 

Thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch/ quay về tắm bằng ngọn đèn/ (…)/ Xối ánh sáng vào từng góc khuất/ góc khuất như lò thúc mầm/ (…)/ Vừa xối mạnh vừa gọi tên em/ ánh sáng bồng bềnh bụng mang dạ chửa/ thử gọi một ai xa lắc xa lơ (Tắm đầu năm).

 

Ra biển một mình/ nỗi nhớ buộc vào chân tóc/ cơ thể em trước đại dương phần phật (Anh anh em em).

Hiện thực của tình yêu được hiện lên như một nghi thức, sự gieo trồng, sự khai mở, và dâng hiến với giác quan nhiều chiều,... thét lớn đến chết/ im lặng đến chết mà tái sinh thế giới.

Yêu nhau. Là nghi thức dâng tụng trời đất (…) Đất rùng mình. Sông chảy. Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung (Anh anh em em).

 

Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở/ Em đổ từng trận lũ dại cuồng/ (…)/ Nụ hôn nín thinh, tỏa nhiệt, khoan vào lòng đất (Bài hát mùa màng).

Anh thu mình bay vào vô tận/ ngọn tháp dâng cao giác quan nhiều chiều (Nơi trời rộng).

Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt (Bài ca buổi sớm).

Thân thể em sáng lên trong hương cỏ mặn mà/ Trong hoa cúc dại thắp dọc triền đê chi chít những cây nến nhỏ./ (…)/ Tỏa hương thanh khiết em bảo: Mình vừa tái sinh dưới đám mây bay (Những bông hoa mùa thu).

 

Bài thơ “Mưa trong đất” gồm 7 khúc. Bài ca ngân vang giai điệu của thiên nhiên, của tình yêu và của đất đai mùa vụ. Bài thơ đã phủ lên cánh đồng thi ca của Mai Văn Phấn một làn hơi ẩm trong trẻo mát lành. Một đời sống mới được hiện lên tinh khôi sau cơn mưa.

 

Những hạt mưa rơi xuống. Em nhắc chúng ta từng là giọt nước. Trong lành em rơi xuống anh./ (…) Lúc mặc áo chống nắng em giống cái kén di động trong phố. Xe cộ giăng giăng cùng những sợi tơ người (…) cái kén di động đi xe máy, nhắn tin qua điện thoại di động: “Em hop xong. Anh nho doi mu va uong nhieu nuoc”./ (…) Em xuyên qua từng bức tường nắng gắt. Qua những ngôi nhà như áo rộng thùng thình. (…). Thoảng nghe xơ xác những dọc hành trong cơn mưa đầu hạ. Tiếng cá quẫy giật mình đêm vắng. Và mùi rau thơm bịn rịn chân tường. (…) Bát canh nóng mở cửa phòng chật hẹp./ (…) Ẩn hiện không gian một chiếc bình lớn. Ai đang về giữa hạt sương trong. Tiếng sấm sâu hút. Cánh hoa mong manh vươn tự do… (…) Miệng em hé lộ khu vườn yên tĩnh (…) khu vườn bình thản trong mùa thu. Nhưng trên vai em mùa hạ vẫn ầm ào đổ xuống (…)/ Ta rực rỡ trong vỏ bọc đêm tối (…)/ Ta xoải mình trở thành người khác, làm hạt giống giã từ sân kho, bồ hóng gác bếp, giã từ thúng mủng, chum vò... lăn xuống đất đai (Mưa trong đất).

 

VÀ ĐỘT NHIÊN GIÓ THỔI của Mai Văn Phấn là tập thơ tình. Trong tập nói nhiều về tình yêu, với nhân vật “em”. Ở đây ngoài nhân vật em – trữ tình, còn có nhân vật em – người vợ, với nghĩa vợ – chồng, “vợ tôi” (MVP). Trong thơ trữ tình của Việt Nam và của thế giới, nhân vật “vợ”, với nghĩa “vợ tôi” xuất hiện không nhiều, đặc biệt là trong thơ hiện đại, nhất là đối với thơ của các nhà thơ cách tân, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Đây là một điểm rất khác biệt trong sự cách tân của nhà thơ Mai Văn Phấn được thể hiện trong tập thơ tình này.

 

Vợ tôi bảo muốn chữa bệnh đau đầu/ phải hồn nhiên như cỏ/ (…)/ Vợ lại bảo dù trí tuệ uyên bác/ nhưng chân tay ngại cử động/ cũng chẳng nghĩa lý gì/ (…)/ Tôi vắt sợi dây qua xà nhà/ buộc một đầu vào chỏm tóc/ cả lúc chăm chú đọc sách/ tay vẫn giật như culi kéo quạt/ Vợ chồng thay nhau ngủ/ quyết không làm người thừa/ vừa tư duy vừa cầm dây giật (Sống hồn nhiên).

 

Tôi ngủ trên giường/ con chó dưới sàn/ cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti/ Sau này vợ tôi đo và bảo thế (Nếu).

 

Bảo tôi sợ hắn, không phải. Muốn thu nạp hắn, không. Hay lãnh đạm, trốn tránh, nể trọng… Cũng không, thế mà hắn đan lẫn vào tôi từng hơi thở. Vợ tôi giải thích: Trong âm có dương, trong dương có âm./ Hết tranh luận (Đến trong ý nghĩ).

 

Về đến ngõ vợ đã mắng té tát/ Bạc đầu còn ngu/ (…)/ Lén lút uống dăm ba chén rượu/ ra sân nhìn nắng lên (Biết thì sống).

 

Thoáng khuôn mặt vợ con trong khoảng lặng những quảng cáo thương hiệu (Đến trong ý nghĩ).

Điểm tôi vừa muốn nhấn mạnh và lưu ý về thơ tình của Mai Văn Phấn, không chỉ là câu chuyện người vợ với nhân vật “vợ tôi” - Đây cũng là điểm mới mẻ và khác biệt trong công cuộc cách tân của nhà thơ Mai Văn Phấn trong hai tập thơ mới xuất bản. Đây là một nét đặc trưng của tính truyện trong thơ cách tân của Mai Văn Phấn. Cái gọi là tính truyện của bài thơ là phương tiện để nhà thơ tiếp cận hiện thực, với cái nghĩa là cái hiện thực được giả định. Cái hiện thực đã phá vỡ, và được kiến thiết lại thích nghi với một đời sống mới. Chất văn xuôi trong thơ Mai Văn Phấn không hẳn nằm ở cú pháp, mà được đặt ở sự phóng to các chi tiết của hình ảnh, cùng với nội dung khác biệt bài thơ được khoác lên cái áo của tự sự mang tính phóng dụ.

 

Hiện thực được giả định là quyết định lựa chọn trong sự cách tân thơ hiện đại của Mai Văn Phấn. Sự giả định được thực hiện trong cách thức xếp đặt và phương pháp giải thích của bài thơ. Trong nó thu nạp và phát huy các yếu tính tự trào, tự giễu trong lối giễu nhại và phóng dụ. Cuộc sống luôn được kiến tạo bởi cái nghịch lý, cái không trật tự của hiện thực. Tự bản chất của sáng tạo thi ca, nó phá vỡ các khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong cùng một ý tưởng thơ nhằm làm phát lộ những bí ẩn trong vô thức và ở cuộc đời, với ham muốn không ngừng chiêm ngưỡng và vươn đến cái chưa biết, và cái vô tận.

Sự vật vốn tĩnh, con người vốn động. Trong thế giới thi ca Mai Văn Phấn cho thấy sự vật biến động không ngừng, còn con người thì tĩnh. Từ kết cấu của mỗi bài thơ, cho tới nhịp điệu thơ Mai Văn Phấn, luôn hòa vào dòng chảy của những nghịch lý với tốc độ chóng mặt, tốc độ của “những mũi tên vun vút”. Nếu ai đó có vấn đề về khí và nhịp tim, khi đọc các chương 24, 25, 26 trong bài thơ dài “Những bông hoa mùa thu” của Mai Văn Phấn, rất nên cẩn trọng, nếu không muốn phải thở hỗ trợ bằng bình ô-xy. Bởi ba chương thơ trên, mỗi chương chỉ là một câu quãng 170 từ, không có ngắt câu bằng dấu chấm, phảy, mà phải đọc một mạch, một hơi.

 

Thơ hiện đại mang trong mình cường độ và tốc độ của xã hội hiện đại, đối với những ai có sức khỏe không tốt, cần có lời cảnh báo trước. Đây cũng là một đặc trưng, rất nên tham khảo khi tiếp cận và thích nghi với thơ hiện đại. Đọc thơ hiện đại, đôi khi cần phải luyện tập, bởi nó liên quan trực tiếp tới thói quen của tư duy và thể lực của cơ thể. Hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn, giúp tôi quả quyết đưa ra ý kiến này, mà tôi đã định bỏ qua./.

 

Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 2296
Ngày đăng: 30.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee. - Nguyễn Thị Minh Duyên
Mai Văn Phấn với “ hôm sau” & “ và đột nhiên gió thổi “ - Vĩnh Phúc
Tạ Hùng Việt – Xộc Xệch nỗi Đam Mê - Lê Khánh Mai
Sholokhov đập Solzhenitsyn : Thư Sholokhov gửi Ban Thư ký hội Nhà văn Liên xô - Mikhail Sholokhov
Đọc Chân Phương cuối hè - Nguyễn Hồng Nhung
Nhà thơ - Huế - và những cơn mưa - Nguyễn Trung Bình
Sức hấp dẩn của “Diệt Tần” - Nguyễn Khắc Phê
Lời Bàn tác phẩm Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện - Trần Hinh
Lòng Mẹ và Tình Con Qua Hai Bài Thơ của Nữ Sĩ Minh Quân - Mang Viên Long
Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long - Quỳnh
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)