Chuyện không dính líu gì tới pháp luật. Một bên là trai chưa vợ, còn bên kia là gái không chồng. Nhưng hậu quả đang diễn ra trước mắt mọi người kia là cậu Cảnh dọn nhà, còn chị Hoài thì nằm khóc vùi trong căn phòng nhỏ đơn côi và bí mật của mình. Chị Tư phụ nữ lo lắng chị Hoài quẩn trí làm bậy nên đập cửa liên hồi:
- Hoài à! Mở cửa cho chị Tư vô coi! Chị Tư có chuyện muốn nói với em mà!
Mặc những cố gắng kiên nhẫn của người đàn bà làm công tác phong trào trong xóm, cánh cửa vẫn đóng im ỉm. ảược cái là từ bên trong đó thỉnh thoảng vẫn vọng ra mấy tiếng nấc nghẹn ngào của chị Hoài.
Mặt trời đang xuống rất thấp phía mương rau muống cuối xóm, làm nổi bật hình ảnh cái chòi dựng từ mái tới vách toàn bằng tôn cũ của gia đình ông Bảy ba gác. Vào mùa nóng này thì cả nhà ông Bảy đều mong chờ chiều xuống sớm. Khi ấy cái nóng sẽ từ từ không còn hầm hập trong chòi như muốn hấp chín bất cứ ai ở trong đó, nhường cho một đôi giờ dễ chịu trước khi hơi lạnh của nửa khuya ùa đến, tới nỗi có những sáng sớm, mặt trong những tấm tôn đọng đầy nước như mồ hôi người lao động nặng.
Hành lý của Cảnh không nhiều. Của một cậu trai độc thân thôi mà! Tất cả đựng trong cái hòm sắt hình chữ nhật cột sau boọc-ba-ga chiếc xe đạp, nơi ghi-đông thì móc cái túi xách lép xẹp. Cảnh thuộc típ đàn ông đẹp theo tiêu chuẩn người lao động chân tay. Cậu không cao lắm, chỉ chừng thước sáu. Không hiểu thân thể vốn thế hay nhờ hành nghề thợ xây mấy năm qua mà cậu có cái vai rộng như vai gấu, đôi tay săn chắc bắp thịt, dáng đứng vững chãi trên đôi bàn chân phải đi dép cỡ số trên 40. Gương mặt Cảnh chữ điền, đôi mày rậm và hàm râu quai nón thật nam tính. Chiều nay cậu mặc cái quần "gin" bạc màu và chiếc sơ mi ca rô xanh nâu bỏ ngoài quần.
Kiểm tra mấy sợi dây cột hòm sắt xong, Cảnh mới quay lại với chú Mười đang đứng trước cửa căn nhà trọ, chìa tay bắt tay từ giã:
- Chú Mười ở lại mạnh giỏi. Con đi...
Đám trẻ con đứng xúm quanh giương những cặp mắt hồn nhiên nhìn hai người lớn. Với chúng, anh Cảnh là một chàng trai dễ thương vì những buổi chiều cuối tuần được lãnh lương thợ, anh thường trở về xóm với mấy bịch bánh kẹo để phân phát cho chúng nó. Những hôm rảnh rang, anh Cảnh còn chơi với đám trẻ, cho từng đứa nhỏ bám vào một cánh tay - có khi hai đứa trên hai cánh tay - rồi gồng, đưa chúng đi một quãng biểu diễn. Anh Cảnh dọn đi, chúng buồn lắm và chẳng hiểu tại sao. Người lớn không cho chúng biết rõ ràng, chỉ nói là anh Cảnh có chuyện gì đó với chị Hoài mà bà con trong xóm không bằng lòng.
Chú Mười nhìn Cảnh với ánh mắt rưng rưng. Cho Cảnh ở trọ đã hai năm nay, chú biết tính nết cậu trai. Hiền lành, chịu khó, chí thú làm ăn. Xa xứ về làm thợ xây cho các chủ thầu tư ở đây, Cảnh vẫn nuôi mộng được một công ty, xí nghiệp xây dựng nhà nước nào đó tuyển dụng để khỏi phải lo ngay ngáy cảnh thất nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều lần cậu ta đã nhờ chú Mười tìm coi có tay "cò" nào tin tưởng được thì giới thiệu để giúp cậu ta xin việc làm, nếu tốn kém lo lót không nhiều, cậu ta sẽ cố gắng lo. Con cái lớn, lập gia đình ra ở riêng hết, chú Mười sống một mình với căn nhà còn rộng nên cho thuê phía dưới để lấy tiền xài. Cảnh là một trong bốn chàng trai ở trọ và là người được chú Mười mến nhất. Vậy mà bây giờ lại ra nông nỗi này...
- Thôi! Mày đi đi kẻo trời tối. Bữa nào rảnh thì về thăm tao.
Chú Mười nói với Cảnh câu nói đó mà chực khóc. Cũng lạ, càng lớn tuổi, chú càng thấy mình dễ mủi lòng. Tội nghiệp thằng nhỏ... Nhưng quả tình là chú Mười không thể nào nói ra một điều chú đã nghĩ tới trong lòng. Liệu nói ra, có bao nhiêu nguời trong xóm này sẽ đồng tình với chú hay là chú lập tức bị mọi người coi như một quái thai!
Cảnh siết mạnh bàn tay của chú Mười, đáp rất nhỏ bằng tiếng "Dạ" như chưa thoát ra khỏi cổ họng. Rồi cậu đến bên chiếc xe đạp của mình, gạc chống, đẩy bộ ra hướng đầu hẻm. ảám trẻ con đi theo Cảnh thành một hàng dài. Bấy giờ mới có những đứa trong bọn chúng lên tiếng:
- Mai mốt về chơi với tụi em nha anh Cảnh.
- Về chơi anh Cảnh khỏi mua bánh kẹo cũng được.
- Nhớ cho tụi em đu tay nha...
Cảnh cười gượng. Những bước chân to khổ của cậu bỗng mất sự vũng chãi hàng ngày khi cậu bắt gặp những ánh mắt của mấy chị phụ nữ trong xóm đang đứng trước cửa nhà họ; bắt gặp cái nhìn thông cảm giấu diếm của mấy người đàn ông đi ngược chiều...
Ánh nắng tắt dần và trong những căn nhà hai bên con hẻm nhỏ đã lần lượt mở đèn. Truyền hình đang chiếu phim Tàu, đánh nhau ì xèo...
*
Chị Hoài cho rằng chỉ một mình chị là người có lỗi.
Chiều hôm ấy chị đi làm về nhà, bật công tắc mới hay đèn không sáng. Mở thử quạt cũng không thấy động tịnh gì. Tới cái đèn tròn ở nhà tắm cũng cứ tối thui. Sẵn bực mình vì một chuyện đôi co với đồng nghiệp ở cơ quan, chị càng thêm bức bối, khó chịu. Chị tính hai ba cách. Hoặc là cứ để đó, đi tắm một cái cho mát rồi sẽ tính. Hoặc chạy Hon-da ra tiệm điệm đầu xóm gọi thợ tới coi. Hay là qua nhờ chú Mười hàng xóm...
Cuối cùng chị đóng cửa nhà, đi tắm cho người ngợm sạch sẽ, đầu óc thoải mái một chút. Quả là khi bình tĩnh, người ta thường sáng suốt hơn. Khi dội tới gáo nước cuối cùng, chị nghĩ tới một người có thể giúp mà mình an tâm nhất. Đó là Cảnh. Cậu ta là thợ xây, còn biết chút đỉnh về điện, ắt phải hơn đứt chú Mười đã trọng tuổi lại không biết có rành điện đóm!
Vừa may là Cảnh đã về, đang thay đồ. Nghe nhờ, cậu ta không chần chừ, đi theo chị Hoài qua sửa điện. Chưa cần dùng tới cây bút thử, Cảnh đã tìm ra nguyên nhân: sợi cầu chì cái ở công tơ bị đứt. Cậu hỏi chị Hoài:
- Sáng nay trước khi đi làm chị có ủi đồ không?
- Có. Vậy là từ nay không thể ủi đồ nữa hả?
Chị Hoài lo lắng khiến Cảnh phì cười giải thích:
- Cầu chì cũ mới bị đứt. Thay cái mới rồi thì chị xài điện việc gì mà không được. Chị đợi một chút, em ra ngõ mua sợi dây chì...
- Không nối lại được sao? Phải mua mới sao?
- Rẻ lắm, ngàn bạc là cùng...
- Không phải... tôi hỏi là vì sợ... sợ làm mất công cậu...
- Trời ơi, chị sao khách sáo quá! Chớ nãy giờ chị không làm mất công em hay sao?
- Vậy... vậy cậu lấy Hon-đa của tôi mà đi cho mau...
- Có chút xíu, em đi xe đạp được rồi...
Cảnh mua dây chì về, loay hoay thay. Khi cậu ta đóng cầu dao, ngọn đèn tròn nơi nhà tắm sáng trưng vì lúc nãy thử, chị Hoài quên tắt. Cảnh mở đèn phòng khách. ngọn huỳnh quang chớp chớp mấy cái mới sáng, hai đầu ống đèn đã đen thui.
- Lúc nào rảnh, chị mua cái bóng đèn khác mà thay đi thôi. Nó sắp chết rồi!
Chị Hoài nghĩ ngợi một chút rồi lấy ra tờ năm chục ngàn:
- Vậy nhân tiện phiền cậu mua dùm tôi rồi thay dùm luôn. Chớ tôi mua về, có biết làm gì đâu!
Cảnh cười vui vẻ:
- Vậy là chị hết sợ em mất công rồi phải không?
Chị Hoài cười theo. Trong lúc Cảnh đi vắng, chị xuống bếp pha một ly nước đá chanh. ảá trong tủ lạnh bị chảy gần hết do điện hư, chị vét mãi mới được mấy cục nhỏ, mòn thín còn sót lại.
Cảnh về, lại loay hoay thay bóng đèn cho chủ nhà. Vừa làm, cậu ta vừa nói:
- Chị là phụ nữ, chuyện điện nước trong nhà có gì cứ kêu em. Chiều đi làm về, em rảnh, ở không chớ có làm gì đâu...
Thử ngọn đèn sáng chắc, Cảnh ngồi xuống ghế uống ly nước đá chanh một hơi hết sạch. Cậu ta gật gù:
- Ngon quá! Cám ơn chị lắm. Phải chi chiều nào em cũng được uống một ly đá chanh thế này thì có mà bằng... tiên!
Cảnh chỉ nói vui như thế. Và chuyện buổi chiều hôm ấy chấm dứt ở đó.
Chàng thợ xây trẻ tuổi không ngờ chiều hôm sau lại được chị Hoài mời qua. Cậu ta tự hỏi:
- Không lẽ cầu chì mới thay lại đứt nữa...
Qua đến nơi, thấy đèn vẫn sáng, Cảnh không khỏi thắc mắc. Chị Hoài cười chỉ ly đá chanh trên bàn:
- Hôm qua ao ước thì bữa nay có đó. Uống đi.
- Trời đất... Là em nói đùa thôi mà...
Chị Hoài một mực bắt Cảnh uống nước rồi còn giữ cậu ở lại cùng ăn cơm chiều với mình, bảo không phải là đền ơn mà chỉ để làm quen. Chị nói có lý. Ở sát vách nhau mà tới chiều này Cảnh mới biết người trong tấm hình đặt nơi bàn thờ là người yêu của chị Hoài, đã hy sinh trong chiến dịch biên giới Tây Nam trước khi kịp trở về làm đám cưới. Từ ấy, chị Hoài sống độc thân với tình yêu thời tuổi trẻ, mặc những lời khuyên của gia đình hai bên. Chị mua căn nhà này ở riêng, sáng khóa cửa đi đến sở khoa học làm việc, trưa ăn cơm tại chỗ, chiều trở về sống thêm từng đêm cô độc.
Biết hoàn cảnh và ao ước của Cảnh, chị Hoài hứa:
- Để chị liên hệ với mấy người quen coi sao, nếu được thì giới thiệu em đi làm nhà nước. Em nghĩ đúng. Làm ngoài thì có thu nhập cao nhưng bấp bênh lắm...
Lời hứa của chị Hoài được thực hiện không bao lâu sau đó. Cảnh đã trở thành công nhân của một công ty xây lắp công nghiệp trong tỉnh. Mối quan hệ giữa hai chị em ngày càng thêm gần gũi hơn. Thậm chí có lần chị Hoài đã buột miệng bảo Cảnh dọn qua ở chung với chị. Nói xong, chị mới thấy là mình lỡ lời. Hai vành tai chị nóng lên, đôi gò má ửng đỏ và từ giây phút ấy, chị nhìn Cảnh, thấy mình phải ý tứ hơn... Về nhà trọ, Cảnh cũng nghĩ ngợi lung tung. Và cậu giật mình khi nhớ lại nhiều ánh mắt, câu nói của chú Mười, của ba thằng bạn cùng trọ mỗi khi Cảnh qua chơi nhà chị Hoài. Nhớ để phát hiện ra rằng quả là còn một hai nghĩa nữa ẩn sau cái nhìn và những câu nói kia...
Chẳng ai bảo ai, bỗng, Cảnh không dám tự động qua nhà chị Hoài và chị Hoài cũng không dám gọi nhờ Cảnh giúp mấy chuyện điện nước vặt vãnh nữa.
*
Chị Tư phụ nữ kể:
- Sáng hôm đó tôi tới nhà cô Hoài để thăm coi cổ đã khỏe chưa. Tội nghiệp, phụ nữ sống một mình, có gì chẳng biết nhờ ai. Nhiệm vụ của tổ phụ nữ xóm mình là phải giúp chị em trong lúc ngặt khó như vậy. Tôi trích quỹ mua hai hộp sữa, nửa chục cam làm quà. Dù gì thì cô Hoài cũng mấy phen giúp đỡ bà con trong xóm mình có công ăn việc làm, khiếu nại thưa kiện nọ kia thắng lợi... Cửa không cài then phía trong, tôi đẩy nhẹ là thấy hết trong nhà. Vật đổi sao dời hết! Mình tới thăm người bệnh thì thấy người bệnh đang lui cui làm bếp như người mạnh khỏe. Còn ở trên giường bệnh thì lại là một người đờn ông đang ngủ ngáy ngon lành.
Một chị có thân hình ú nụ trong đám đông ngồi nghe, cười híp mắt, nói một mình: "Thiệt là tình hết biết. Phải chi mình cầu được ước thấy như vậy...". Chị ngồi cạnh, mặt đầy tàn nhang hưých bạn:
- Để chị Tư kể tiếp...
- Phải công nhận là cô Hoài rất có bản lĩnh. Thấy tôi, cô giải thích liền về sự có mặt của cậu Cảnh. Cổ nói tối hôm qua, cậu Cảnh đi nhậu với bạn bè về quá khuya nên không vô nhà chú Mười được. Cổ đang bệnh cũng ráng mở cửa ra dìu cậu Cảnh vô, cho ngủ tạm trên giường mình. Tôi hỏi mấy chị, có chị nào tin đuợc chuyện đó không?
Cả nhóm nhao nhao lên:
- Tin sao được! Về trễ thì đập cửa, người ta mở cho vô chớ sao lại vô nhà đờn bà!
- Người như cô Hoài trên đời này dễ có mấy tay...
- Vậy sau đó cậu Cảnh tỉnh dậy, cậu ta nói gì?
- Còn nói gì nữa! Phải đóng kịch cho tôi coi chớ sao! Làm bộ ngạc nhiên khi thấy mình ở trong nhà cô Hoài, rồi xin lỗi, rồi đi ra sau bếp ụa mửa...
- Chị Tư xử lý thế nào?
- Còn thế nào! Tôi đành phải tin những gì họ nói, họ diễn xuất là thiệt vậy thôi. Tôi gửi quà cho cô Hoài rồi ra về liền... Nấn ná ở lại cái chốn ô uế đạo đức đó làm chi nữa...
Câu chuyện của mấy người phụ nữ chợt chùng xuống vì mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình.
*
Người ta kháo chuyện khắp xóm.
Cứ như những lời đồn được ghép lại có đầu có đuôi thì giữa chị Hoài và Cảnh đã nảy sinh tình cảm nam nữ từ lâu rồi. Họ cũng đã sống chung với nhau một cách lén lút trong một thời gian trước khi chị Tư phụ nữ tình cờ khám phá ra bí mật của họ.
Có người kể thêm rằng chính mắt mình đã trông thấy hai người chở nhau đi chơi, Cảnh chở chị Hoài bằng chiếc Hon-đa của chị. Ngồi sau xe, chị Hoài ôm eo Cảnh rất là tình tứ.
Lại có người nói đã bắt gặp hai người đi ra từ một khách sạn ở Thủ Đức.
Cuối cùng, người ta tưởng tượng ra đoạn kết: ngày nào đó trong xóm sẽ diễn ra một cái đám cưới mà cô dâu lớn hơn chú rể mười mấy tuổi. Khi đó, kể như Cảnh là "chuột sa hũ nếp".
Chịu không nổi, chị Hoài phải nhờ chính quyền can thiệp. Cũng chẳng hay ho gì cho chị và Cảnh. Người ta tổ chức họp tổ dân phố để giải thích rằng về mặt pháp lý thì hai người có quyền quan hệ tình cảm công khai mà không ai được ngăn cản. Giải thích như thế có khác nào xác nhận những lời đồn!
Bây giờ, Cảnh dọn đi khỏi xóm. Còn ở trong căn nhà cô đơn và bí mật của mình, không ai biết chị Hoài đang nghĩ gì, sẽ làm gì cùng những tiếng khóc nấc. Chị Tư phụ nữ sau một hồi kêu mở cửa không được, đành bỏ ra về mà lòng không khỏi lo âu. Dù gì thì chị cũng là người kể câu chuyện buổi sáng hôm ấy ra cho bà con nghe...
*
Khi chú Mười đẩy cửa nhà chị Hoài bước vào thì thấy chị nằm trên giường, mặc bộ quần áo dài trắng có thêu con công, mắt nhắm lại như nàng công chúa ngủ trong rừng. May mà chú còn tìm được một hơi thở mong manh nơi cánh mũi của chị.
Trời chiều hôm nay xuống chậm hẳn so với mọi hôm. Cả năm con người ở cái chòi tôn của ông Bảy ba gác đều chạy tới sau khi nghe tiếng la thất thanh của chú Mười. Rồi ông Bảy chạy nhanh ra đầu hẻm, gọi nhờ điện thoại báo tin cho công an và bệnh viện. Cả cái xóm nhỏ ồn ào hẳn lên. Chị Tư phụ nữ gạt mọi người ra để đến với người bất hạnh, khóc như chưa từng khóc bao giờ...
Chị Hoài tự tử bằng thuốc ngủ, để lại lá thư tuyệt mệnh ngắn ngủi mà rõ ràng: "Tôi thương cậu Cảnh như em trai. Xin hãy chứng mình là tôi còn con gái. Tôi không oán ai hết, chỉ buồn là vì sao người ta không còn tin vào thời buổi này vẫn còn những tình cảm trong trắng".
Mãi đến lúc người ta khiêng chị Hoài trên băng ca ra xe cấp cứu, mặt trời mới chìm hẳn xuống phía bên kia mương rau muống. Sáng mai, chắc chắn nó sẽ lại nhô lên ở phía đầu hẻm, nhưng không biết chị Hoài sẽ ra sao?
11-2000