Được biết, nhiều bạn đọc, nhất là những bạn đọc quá ưu tư vẫn thường gọi điện và gửi thư về giục giã Bauxite Việt Nam lên tiếng chính thức đối với Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.
Xin bạn đọc thông cảm, Bauxite Việt Nam bận lắm, lại không phải là một tổ chức, nên không vội đứng ra có một "tiếng nói chung". Bauxite Việt Nam mời một người là một Nguyễn Văn Mỗ nào đó cũng được, thì đó cũng chính là tôi đây, công dân Việt Nam, năm nay 78 tuổi, người vẫn giữ được tấm lòng son để hầu chuyện các bạn.
Vậy thì điều đầu tiên xin có lời thưa: tuy rằng lâu nay Bauxite Việt Nam chưa phát biểu quan điểm chính thức, mới chỉ đăng ý kiến của các tác giả khác, nhưng như vậy cũng đã chứng tỏ rằng Bauxite Việt Nam vẫn đi cùng "một lề đường" (xin lỗi vì đã cố tình dùng lại cách nói năng cứ ngỡ là đầy thông tuệ của một ai đó!) với những ai đã nhìn thấy ở Quyết định 97 cái nguy cơ bóp nghẹt những tiếng nói của trí tuệ và nhân phẩm.
Về việc này, xin các bạn kiểm tra lại mà coi, Bauxite Việt Nam đã rất có ý thức cho đăng tải các ý kiến thuộc ba kiểu loại:
· Kiểu một: ý kiến trực diện của Viện IDS phản đối Quyết định 97, với những phân tích đầy đủ, chặt chẽ trong tính pháp lý và vững chãi trong lập luận, phản ánh tâm trạng những nhà trí thức [[1]] bị dồn vào cảnh con hổ trong vườn bách thú của Thế Lữ.
· Kiểu hai: những đóng góp của bạn đọc xa gần, khi thì bày tỏ tình cảm buồn tiếc và đau, khi thì phân tích vào khía cạnh hiến định của câu chuyện đang diễn ra (lý do IDS phải tự giải thể), cùng những khó chịu về tâm lý cần được giải tỏa [[2]].
· Kiểu ba: những tài liệu cập nhật, mà tiêu biểu là những ý kiến xoay quanh lá thư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, vừa để bạn đọc thấy rõ cách trả lời trong lá thư là bất cập, lại vừa vạch rõ cách thức công bố tư liệu này theo lối cắt xén, a tòng với một quyết định có nhiều cái sai thậm chí cả sai lẫn trái [[3]].
Tóm tắt thế, cốt để bạn đọc xa gần yên lòng: vì sao chúng ta phản đối việc ban hành một quyết định kiểu như Quyết định 97?
Chúng ta đều biết rằng, tầng lớp trí thức bao gồm những con người lao động cho đến khi Giời bắt chết thì mới miễn cưỡng ngừng làm phần công việc riêng tự họ giao cho chính họ. Trong cuộc đời hữu hạn này, không một người trí thức chân chính nào lại không cảm thấy mình đang mắc nợ cuộc đời bằng một công trình riêng của cái phần đời cá nhân bé nhỏ riêng mình. Xin nói luôn rằng, không một người trí thức chân chính nào lại nỡ về hưu chỉ để nhấm nháp hoặc nhồm nhoàm cái khẩu phần tham nhũng đã vơ vét cấu xén khi đương "chức"; tuổi về hưu chỉ là tiếng còi báo động cho cuộc đời trần gian ngắn ngủi, thúc giục họ làm làm nốt mọi việc để gửi trả lại cho cuộc đời: như ở Viện IDS, như tôi được biết, đó là việc chú thích nốt tác phẩm một nhà triết học (trường hợp Bùi Văn Nam Sơn đáng nể mà chỉ riêng công trình về Immanuel Kant ông đã có tới 700 chú giải), hướng dẫn thêm vài ba người học trò (tại Đại học Quảng Nam mà nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Hoàng Tụy rất gắn bó, số sinh viên không phải là vài ba, mà là dăm bẩy ngàn), hoàn thiện nốt một pho tiểu thuyết (bạn đã đọc "Dòng đời" của Nguyễn Trung chưa?), ai đó nữa thì đang gắng hoàn chỉnh nhanh nhất một bộ sách giáo khoa, và trong trường hợp Trần Việt Phương thì đó là thể hiện nhanh nữa những sợi ý tưởng dài thành những khổ thơ chắt lọc mang những tiếng lòng không thể không cất lên…
Công việc cuối đời của họ, nếu đem so với những người đương chức thời nay, chưa biết ai hơn ai, chưa biết ai đích thị vẫn là đương "chức"!
Họ vẫn mải mê như khi trong đời họ đã phải tạm gác bút để làm công việc "ngoài luồng". Đó từng là cái thời họ còn trai trẻ, "gác bút nghiên lên đường tranh đấu", như Việt Phuơng chẳng hạn, đã từng đi Nam tiến bảo vệ "Miền Nam máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam" cho tới những ngày chống Mỹ, cứu nước, khi họ góp những tên tuổi và những không tên tuổi và rụt rè gọi đó là phần đóng góp bé nhỏ vào việc tạo thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họ luôn luôn nghĩ đóng góp của mình là "bé nhỏ" không vì khiêm tốn, mà vì mơ ước của họ còn lớn hơn cái thực tại đó rất nhiều!
Những con người ấy, đến một giai đoạn sau này, vẫn nghẹn lời an ủi nhau: đừng thắc mắc vì một cái tên, tên gì cũng được, miễn là vẫn còn một Việt Nam của ta có mặt trên đời này! Miễn là những liệt sĩ và những ai tử nạn trong cuộc chiến vẫn còn nghe được hai tiếng Việt Nam trong lời khấn của kẻ đang sống! Là những người có học, họ đều biết như Jean-Paul Sartre trong Les mots et les choses, giữa ngôn từ và sự vật thì ngôn từ chỉ là những chỉ định theo quy ước cho sự vật mà thôi. Nên trong lòng họ chỉ đinh ninh duy nhất một điều: Việt nam! Việt Nam của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, Việt Nam của Nguyễn Huệ và Hồ Chí minh, đơn giản Việt Nam của muôn đời Việt Nam, duy nhất Việt Nam, và Việt Nam ấy phải trường tồn và trường tồn trong nhân phẩm! Với họ, Việt Nam không là một tên gọi chỉ định quy ước một sự vật khách quan, Việt Nam là chính họ!
Chính vì lẽ đó mà dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù ở ngành này ngành nọ, dù ở cương vị khác nhau, những người trí thức dễ đoàn kết với nhau và họ thực sự đã đoàn kết với nhau ngay cả trước khi có lời kêu gọi đoàn kết… đặc biệt là họ càng gắn bó khi đứng trước một nguy cơ rành rành và họ phải cùng bắt tay vào phản biện một vấn đề gì đó cho dân tộc, cho tổ quốc. Ấy là vì họ chỉ nghĩ tới cái Việt Nam muôn đời máu chảy ruột mềm của mình. Họ đâu có thèm để bụng tới những kẻ tiểu nhân đang làm lấm bùn vào gương mặt người mẹ Việt Nam yêu quý!
Thật hết sức sai lầm nếu những ai đang được nắm những cương vị trọng trách của đất nước mà lại quên lắng nghe những lời khuyên chân tình, mà lại để mấy người tay chân thân tín nói những lời lăng mạ vào những tác giả đáng kính trọng của những kiến nghị phản biện các loại, và nhất là lại cho cấp dưới soạn thảo ra những văn bản pháp quy hạn chế khéo léo dẫn tới thủ tiêu quyền phản biện của người dân, mà tiêu biểu là Quyết dịnh 97 và những bổ sung Luật báo chí sắp ban hành [[4]].
Người trí thức phản biện không nhằm đòi chia quyền lãnh đạo! Quốc gia dân chủ nào thì cũng thế thôi: chư vị cứ tiếp tục làm mọi việc theo lá phiếu bằng cách gì đó đã thu được của cử tri (cách của ông Obama thì khác với cách của ông Bush chẳng hạn), nhưng chư vị phải làm ăn cho cẩn thận, phải chịu quyền kiểm soát của Dân. Bên cạnh công việc phản biện bằng lý lẽ và dữ kiện, người trí thức cũng còn phản biện cả bằng khả năng tạo ra những cái "mẫu", những "thửa ruộng chuẩn" (những demonstration plot), để chư vị nhĩ mục quan chiêm rồi dùng làm nơi "thí điểm". Vậy thì xin chư vị hãy biết lắng tai nghe và hãy biết mở to mắt nhìn.
Người trí thức làm công việc phản biện của mình không vì động cơ xấu. Giả dụ như có ai đó trong hàng ngũ này có động cơ không chân chính, cuộc sống sẽ loại trừ những sai lạc đó; xin chư vị chớ căn cứ vào vài ba điều sơ sót lặt vặt mà hành xử lối cá mè một lứa. Cũng nên nhận rõ, người trí thức cũng có thể còn thiếu sót nên phản biện của họ cũng có thể còn sai sót, ở đời đó là lẽ thường. Nhưng đã là chính nhân quân tử thì chư vị hãy cư xử đàng hoàng, hãy học cách đối thoại.
Và đây là đối thoại với những con người có nhân phẩm. Đối thoại với nhân phẩm thì chẳng bao giờ thiệt. Khước từ thì mới thiệt. Và thiệt rất lớn, thiệt cho con người ở cương vị mình, và thiệt cho cái đất nước bị phá hoại bởi những hành vi bất cập trên cương vị ấy.
Hãy nhớ một điều: mọi việc làm mang tính phản biện của trí thức chỉ xoay quanh một cái lý này thôi: không phải chuyện phản biện, mà đây là chuyện nhân phẩm./.
Hà Nội, 27-9-2009
[[4]] Đến nỗi trong cuộc hội nghị "góp ý" cho văn bản sắp thông qua, một đại biểu Đà Nẵng đã nói "từ nay theo luật này thì ai cũng có quyền phạt báo chí"! Xin xem : http://bauxitevietnam.info/c/11045.html