( Mây của trời rồi gió sẽ mang đi…H-K)
Ngồi đợi ở phòng chờ của phi trường Tân sơn Nhất, Hạnh sốt ruột. Chuyến bay từ Mỹ về Sài gòn chậm mất mấy tiếng đồng hồ. Chị xem giờ ở chiếc đồng hồ mạ vàng treo trên tường trước mặt và nhìn quanh quất. Những gương mặt xa lạ, háo hức và cũng như chị, họ đi đón người thân từ bên kia bờ đại dương trở về. Không khí ngột ngạt nóng hầm hập mặc dù chiếc máy lạnh đặt ở góc phòng chờ đã mở hết công suất. Chung quanh chị, ai cũng hớn hở ra mặt vì sắp gặp được mặt người thân với bao nỗi ngóng mong, chờ đợi.
Còn chị. Không biết chị đang vui hay buồn đây. Người mà chị bỏ hết cả buổi sáng chờ đợi là Khoa, người chồng cũ và đứa con gái đi vượt biên cùng với ba nó những năm sau hòa bình. Chị đặt tên nó là Mây. Hơn hai mươi năm, giờ thì chị không thể hình dung ra nó được nữa. Bao nhiêu biến cố đổi thay trong khoảng thời gian dài ngút đó. Chị có chồng, Khoa bên đó cũng có vợ. Thời gian nối tiếp nhau ken đầy, dày đặc như xóa nhòa gần hết ký ức. Tưởng như mọi việc chị đã dần quên đi hết thì anh ấy lại báo tin về. Cả đứa con gái mà từ ngày xuống tàu theo ba nó, chị chưa lần nào gặp mặt lần nữa. Trái tim người đàn bà gần năm chục tuổi chùng xuống khi nghĩ về những ngày đầy bão giông hằng đêm cứ ám ảnh chị như một vết thương nhức buốt khó lành.
Chị ngước lên nhìn bầu trời xanh đến nhức mắt mênh mông dài theo phi đạo. Những đám mây trắng trôi bềnh bồng qua ô cửa kiếng, nối đuôi nhau, quyện vào nhau trong không gian rộng lớn của bầu trời buổi trưa đầy nắng. Đời chị từng trôi theo những đám mây kia, hơn hai mươi năm giữa biển trời sóng gió.
Ngày ấy, những chuyến vượt biên thường được giấu nhẹm vì bị xem là bất hợp pháp khi đất nước mới vừa giải phóng. Những người quen rỉ tai nhau, chuyền tin nhau và rồi hối hả bí mật chuẩn bị đồ đạc, thức ăn, xăng dầu, nước uống, thuốc men… để đến một lúc nào đó bất ngờ xuống ghe vượt sóng. . Loại ghe vượt biên hồi đó thường nhỏ,dùng để đánh bắt tôm cá gần bờ nên những chuyến đi rất nhiều bất trắc. Nhưng như hóa rồ, mọi người cứ bước xuống và mặc sức thả trôi theo phương trời vô định. Nhiều người ra đi không vì lý do gì cả. Những lời hứa hẹn, viễn cảnh một thiên đường sung sướng bên trời tây làm họ động lòng. Như chồng chị. Anh không phải là sĩ quan hay binh lính gì trong chế độ trước. Mà là một thầy giáo chưa từng một ngày cầm súng bắn ai. Vậy mà cũng xui chị với đứa con gái mới sinh chưa đầy tuổi xuống ghe vượt biển. Anh nghe bạn bè rủ rê, hứa hẹn. Thế là đi. Cho đến giờ, chị vẫn không hiểu sao lúc đó lại nghe lời anh răm rắp, anh nói gì chị cũng tin, cũng tuân theo mà không một lời ngăn cản.
Rồi ngày vượt biên cũng đến. Chị nhớ như in đó là một đêm tối trời không trăng sao. Tối đến nổi không nhìn thấy rõ mặt người mà chỉ nghe tiếng nói mà nhận diện. Chị bồng con chạy lúp xúp theo anh trên bờ lau sậy um tùm trước con lạch nhỏ đổ ra biển. Anh nói với chị là phải bám sát anh không rời, lỡ khi bị lộ hoặc vây ráp thì vợ chồng không lo lạc nhau. Anh còn bảo chị cạo trọc đầu, bôi mặt xấu đi giả làm nữ tu để trên tàu vượt biên gặp đám hải tặc cướp bóc, hãm hiếp cũng còn đường sống …Những cành cây, lá sắc nhọn cứa vào da thịt chị tứa máu trong cái đêm trốn chui trốn nhủi đáng nguyền rủa ấy. Mặc! Chị vẫn bồng con chạy theo anh. Mây, con gái chị ngay từ lúc ở nhà đã được cho uống thuốc ngủ vì sợ nó khóc trong khi chạy trốn, nằm mê man trên cánh tay mỏi nhừ của chị. Tiếng chân chạy rầm rập, tiếng hò hét đuổi bắt vang lên không ngớt trong cái đêm hải hùng ấy cứ ám ảnh chị trong suốt mấy năm sau. Cuộc vượt biên bị lộ trong lúc chị như quỵ xuống vì mệt, vì sợ. Đứa bé gái vẫn nằm thiêm thiếp trên tay chị nhưng chị thì không lê bước nổi. Chị giao núm ruột mình cho anh rồi thiếp đi, không còn biết gì nữa.
Chị tỉnh dậy trong trại tạm giam với những người vượt biên trái phép. Và như điên dại khi không biết chồng con mình thế nào. Nhiều luồng thông tin trái ngược nhau bay đến tai chị : nào là anh ấy cũng bị bắt trong đêm ấy nhưng đang bị giữ ở một trại khác, nào là anh và con gái thoát được và xuống tàu nhưng sau đó tàu chìm, cả hai cha con mất tích, nào là anh ấy chỉ thoát được một mình còn đứa con không biết ở đâu… Nhưng chị làm gì được khi thân mình lo còn chưa xong. Đêm nào chị cũng khóc tức tưởi, không thể nào chợp mắt. Cũng may, hồi đó người ta thông cảm hoàn cảnh chị. Sau hai tuần, họ cho chị ra trại. Chị tất tả đi tìm chồng con, hỏi thăm đủ mọi nơi trong đêm định mệnh ấy. Cuối cùng thì chị cũng biết được ngay đêm ấy, chồng chị đã nhanh chân thoát được và cùng đứa con gái xuống tàu. …
Rồi những ngày mong đợi nặng nề trôi qua, chị không còn nhận được điều gì nữa từ những người thân yêu nhất. Chị còn biết gì hơn là ngồi đợi tin tức họ với nỗi lòng canh cánh và cuối cùng đành xuôi tay, bất lực. Một căn bệnh thập tử nhất sinh đến với chị trong khi chút tiền bạc, vòng vàng còn sót lại từ ngày chồng ra đi chị đã bán sạch.
Nhưng số phận lại một lần nữa trêu ngươi chị. Lúc mới vào bệnh viện, chị chỉ muốn quyên sinh khi không còn ai thân thiết trên đời và trong tay không còn đồng xu dính túi. Nằm cạnh giường chị là một người đàn ông có hoàn cảnh tương tự. Anh có vợ con, gia đình khá giả nhưng cả hai chẳng may cùng mất trong một tai nạn xe cộ. Chung nỗi đau, họ cảm hấy gần nhau hơn, thường tâm sự, an ủi nhau cho vơi bớt nỗi niềm. Cũng may có Hậu, tên người đàn ông nằm cùng phòng bệnh mà chị vượt qua được những lúc buồn khổ, cô đơn. Từ tấm lòng chân thành và sự sẻ chia, động viên của anh, chị vơi bớt nỗi buồn và nhờ vậy, chị vượt được căn bệnh hiểm nghèo, sống sót. Sáu tháng nằm bệnh viện chị hiểu anh nhiều hơn, mang ơn anh bằng những giúp đỡ kín đáo, tế nhị khi chị thiếu thốn, cần đến qanh bằng sự chia sẻ, cảm thông.
Cho đến ngày chị ra viện, tin tức của chồng và đứa con gái vẫn bóng chim tăm cá. Có người bảo họ đã mất tích ngoải khơi, chị còn trông mong gì nữa. Nén nỗi đau, chị lại ráng chờ nhưng đến gần một năm sau thì chị hết hy vọng. Trong cơn đau khổ, tuyệt vọng và cô đơn khủng khiếp, chị nhận lời lấy Hậu. Gọi là rổ rá cặp lại cũng được vì người mất vợ, kẻ mất chồng, thôi thì bấu víu vào nhau mà sống. Thời gian rồi cũng dấn phai những nỗi đau buồn, chị nghĩ vậy. Và thật là, chị đã tìm thấy sự thanh thản trở lại trong cuộc đời làm vợ lần thứ hai. Cậu con trai của chị và Hậu ra đời vào năm sau đó…
Mãi cho đến lúc nầy thì chồng chị mới đánh điện về.Thật bất ngờ và oái ăm! Anh và đứa con gái đã lênh đênh trên biển hàng tháng trời mới đến được bờ vì tàu lạc phương hướng. Đến nơi, anh và cả đoàn tàu lại bị cách ly ở một đảo xa hàng năm trời với lý do chờ nước thứ ba tiếp nhận. Định mệnh thật tàn nhẫn. Khi hay tin, chị vừa mừng vừa cay đắng. Mừng vì chồng con chị cuối cùng cũng còn sống nhưng đau đớn vì giờ nầy chị cũng đã có gia đình. Làn sóng tưởng như yên ngủ êm đềm trong lòng chị bỗng lại dậy sôi lên. Thân phận đàn bà sao chịu nhiều đau xót thế… Nhiều khi, chị tưởng mình đã hụt hơi trong bước đường cùng không lối thoát. Nhưng tất cả đã an bài, không sao thay đổi được. Hạnh phúc, khổ đau cứ như chỉ cách nhau một làn ranh mỏng manh vậy mà rồi từ bên nầy sang bên kia là một trời xa dịu vợi.
Trách ai bây giờ cũng không còn ý nghĩa gì. Chị như mắc cạn không tìm thấy lối ra giữa làn ranh mỏng manh sương khói ấy.
Thôi thì, tất cả như đã định sẵn, chị tự an ủi mình. Cái tin bên nầy chị có chồng, có con cũng đến tai anh. Anh hụt hẩng, cố không tin nhưng đó lại là sự thật. Chị đã xác nhận điều nầy bằng một lá thư dài, đẫm nước mắt gửi anh. Chị xin anh đừng trách chị và cố nuôi dưỡng đứa con gái của hai người. Tất cả phần hồn của chị giờ đã thuộc về anh còn thân xác, chị viết, tồn tại là chỉ chờ anh, chờ con về cho chị gặp mặt lần cuối. Chị tin có số phận trong đời và biết không làm sao thay đổi được.. Cũng đành thôi, Khoa ơi! Anh hãy vì những điều gắn bó ngày xưa với em mà ráng nuôi dưỡng chăm sóc con gái của chúng ta. Em sẽ không bao giờ nhắm mắt được nếu như không nhìn thấy nó trước lúc rời xa cõi đời. Thư chị viết nhạt nhòe nước mắt…
*
Chuyến bay đỗ xuống. Từ phòng đợi, những thân nhân đứng cả dậy để nhìn kỹ người từ trên máy bay bước ra. Những tiếng khóc khản đặc, tiếng reo mừng, tiếng nấc nghẹn vang lên của người đón và cả người về. Không gian như đặc quánh lại và vỡ òa ra niềm vui náo nức, bừng trên khuôn mặt hạnh phúc trên từng gương mặt rạng rỡ nụ cười.Còn chị, chị vẫn ngồi yên lặng trên chiếc ghế phòng chờ như không nhấc chân lên được. Hai mươi năm, khoảng thời gian chầm chậm nhảy múa trước mắt chị trong những hồi ức cay đắng, vụn vỡ ngày xưa. Và rồi, chị như đứng bật dậy khi nhìn thấy anh.
Vẫn cái dáng cao cao ngày nào tuy gương mặt anh đã già đi trông thấy. Bên cạnh anh là người con gái chừng hai mươi tuổi. Là chị! Đúng là gương mặt chị hai mươi năm về trước, không lẫn vào đâu. Cũng mái tóc búi cao, đôi mắt to mở rộng và chiếc má phúng phính lúm đồng tiền kia, chị như thấy y nguyên ngày nào chị còn trẻ, còn hạnh phúc bên anh. Từng cảm giác ngọt ngào lắng sâu trong chị bỗng bật lên, nóng hổi. Chị đứng sững trước mắt anh, nước mắt thi nhau rơi xuống và như người tâm thần, chị ôm chặt đứa con gái như cứ sợ nó biến mất đi giữa dòng người hối hả.
Hai mươi năm chị lại nhận ra mình. Ở đâu đó trong sâu thẳm trái tim, chút hạnh phúc hiếm hoi trong đời đã mĩm cười với chị.Vòng tay ôm của người mẹ bất hạnh là chị cứ bấu chặt vào đứa con không muốn dứt ra, không bao giờ muốn dứt ra như cái đêm định mệnh khắc nghiệt mà mãi đến hai mươi năm sau, chị mới tìm lại được. Hãy tha lỗi cho mẹ! Chị nói với đứa con gái trên gương mặt đầm đìa nước mắt. Mẹ đã tìm được con rồi, Mây ơi! Và không bao giờ mẹ chịu để lạc mất con lần nữa đâu. Không bao giờ… Không bao giờ… Mây ơi…
Rồi chị như nghẹn thở, buông đứa con gái ra. Mây nhìn chị, cái nhìn hờ hững, không như chị mong đợi. Phải! Cái nhìn không phải của đứa con gái hạnh phúc nghẹn ngào nhìn mẹ sau hai mươi năm xa cách. Nó hụt hẩng, trống vắng, dửng dưng, nguội lạnh. Nó ơ hờ, xa xôi, lạc lỏng…Chị không biết diễn tả thế nào, đôi mắt của đứa con chị. Mênh mông, xa thẳm và có gì thờ ơ lạnh nhạt. Tại sao vậy, chị không thể hiểu. Và chị đâm ngờ ngợ: có phải cô gái đứng trước chị đây đúng là Mây bé bỏng của chị ngày nào…
Khoa lẳng lặng nhìn đứa con gái cứ giương đôi mắt vô cảm nhìn mẹ nó mà thở dài. Sống suốt hai mươi năm bên trời Tây, hình như tình cảm mẹ con thiêng liêng dần nhạt nhòa và yên ngủ từ lâu trong tim nó. Cuộc sống chan chứa tình cảm ở nơi nầy chưa chắc là điều ở nơi khác phải có huống gì cô gái suốt hai mươi năm trời không gặp mẹ. Anh không biết phải làm gì ngoài việc hối thúc Hạnh và Mây mang hành lý ra kêu tắc xi đưa về khách sạn.
Hạnh như người mất của. Chị thẩn thờ nhìn bầu trời đã bắt đầu vào trưa. Nắng ngột ngạt như hắt vào chỗ chị đứng và những đám mây trắng như biến đâu mất trên bầu trời xanh nhức mắt kia. Hình như những cơn gió hiếm hoi từ phía xa đã mang chúng bay đi giữa mênh mông nắng gió. Sau vài câu hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và cuộc sống hiện tại, Khoa móc ví đưa cho chị tấm danh thiếp và hẹn chị trở lại khách sạn sáng hôm sau. Anh không quên dúi cho chị phong thư mà trong đó, những tờ giấy bạc đô la màu xanh nổi rõ lên như vết cắt cứa sâu vào tim chị rướm máu. Còn Mây, con gái chị dửng dưng nhìn chị bằng đôi mắt ráo hoảnh, gật đầu chào rồi nhanh nhẹn theo ba vào cửa xe. Nó còn giơ tay vẫy theo chị và nói câu gì đó nhưng chị nghe không rõ…
Tối đó, chị không ngủ được. Hơn cả một ngọn roi quất ngược vào trái tim người mẹ mà đã có thời, ở đó, Mây là lẽ sống của đời chị. Nhìn đứa con trai sau nầy với Hậu đang say ngủ, chị càng nhớ Mây quay quắt. Con gái của mẹ ơi! Sao lại như thế được? Sao con có thể dửng dưng với mẹ đến mức vô tình trong khi mẹ thương nhớ con hết lòng trong suốt hai mươi năm xa cách. Chị thì thầm tự hỏi mà không biết trả lòi sao, nước mắt tuôn ướt cả gối. Cho mãi đến gần sáng, chị mới gượng ngồi dậy, nhìn đồng hồ và tìm cây viết…
*
Người đàn ông choàng dậy sau một đêm đẫy giấc qua chuyến bay dài về nước. Giường bên, đứa con gái vẫn còn say ngủ. Tối qua, hình như nó thức đến khuya vì lạ chỗ và không khí nóng nực, khác hẳn bên trời Tây, nơi nó sống hai chục năm trời. Con không quen ở đây, ba à! Mình ráng thu xếp công việc để về nước sớm. Con muốn du lịch ở Thụy Sĩ hơn. Thằng Paul đã hứa với con và mẹ Anne đưa con đi trượt tuyết bên đó vào mùa hè nầy. Mây nũng nịu nói với Khoa rồi thiếp đi bên ly rượu màu hồng đào đã vơi đi còn phân nửa.
Trời đã sáng bệch. Khoa vươn vai, mở cửa phòng đón một ngày mới. Từ phòng tiếp tân, người phụ trách đưa cho anh một lá thư. Anh vô cùng ngạc nhiên và bóc ra. Những nét chữ quen thuộc của Hạnh ngày xưa hiện ra, đập vào mắt anh trên tấm giấy nhòe nhoẹt nước mắt:
… Cuối cùng rồi chúng ta cũng đã gặp nhau, phải không anh! Cuộc đợi chờ hai mươi năm của em rồi cũng được đền đáp. Em đã gặp được anh và con, những người yêu thương nhất cuộc đời em. Em đang hạnh phúc như chưa từng hạnh phúc như thế! Tạ ơn trời phật đã nghe lời thì thầm cầu nguyện hàng đêm của em. Đến giờ, dù có chết đi, em vẫn mĩm cười, thanh thản nhắm mắt.
Nhưng rồi, cùng lúc đó, một nỗi đau bất chợt ùa về dày xéo tâm can em. Chúng ta đã từng là vợ chồng nhưng giờ đây bỗng trở thành hai kẻ xa lạ như chưa hề quen biết. Không có lỗi của ai cả! Xin anh đừng trách em như em chẳng bao giờ trách anh. Định mệnh, nếu có trong đời sống nầy thì đó chính là điều đã làm gảy đổ bao yêu thương ngút ngàn và rất đổi thiêng liêng của chúng ta. Em biết làm sao được. Và em đã từng lặng im đầu hàng trước nó cho mãi đến hôm nay…
Bây giờ thì đã quá muộn. Cả cho anh, em và đứa con gái duy nhất của chúng ta. Tất cả như trở thành dĩ vãng khi chúng ta lạ lẫm nhìn nhau hôm đón anh và con ở phi trường. Em muốn níu lại cho mình mãi mãi hình ảnh của ngày xưa nhưng không thể được nữa rồi. Làm sao đôi tay nầy, tấm lòng nầy giữ được những gì đã không phải là của mình, dù đã cố. Hãy tha lỗi cho em, Khoa nhé!
… Mây, đứa con gái bé bỏng của mẹ! Hãy cho một lần cuối mẹ gọi tên con. Mây ơi, dù sao con vẫn là người mẹ yêu thương nhiều nhất trên đời nầy. Nếu phải làm bất cứ một điều gì đó vì con, mẹ cũng sẵn lòng. Mẹ yêu con hơn chính bản thân mẹ nhưng mẹ cũng biết rằng con giờ đã xa mẹ biết chừng nào. Mẹ đặt tên con là Mây. Mây thì sẽ bay về trời bởi mẹ biết, cuối cùng mẹ cũng không giữ được con. Như hai mươi năm trước kia mẹ đã từng không giữ được. Mây ơi! Con đã bay quá xa mà bàn tay mẹ thì ngắn, không còn với tới. Gió mang đi mất Mây của mẹ rồi nhưng lúc nào mẹ cũng yêu con, yêu hơn bất cứ điều gì trên đời nầy, Mây ơi…
Bức thư còn một đoạn nữa nhưng người đàn ông không đọc được hết. Bàn tay anh run lên, đôi mắt đẫm nước và anh cố kìm lòng, lật qua trang cuối.
Từ giữa lá thư, những tờ giấy bạc màu xanh rơi ra, bay lả tả trên nền gạch và cuốn theo gió đến tận chỗ nằm của con gái anh còn đang say ngủ…/.