(Đọc tập thơ Mười hai tháng sáu của Ngô Thị Thanh Vân, NXB Hội nhà văn năm 2009)
Mấy năm trở lại đây, nhiều cây bút trẻ ở miền Trung – Tây Nguyên có tác phẩm xuất hiện đều trên các báo, tạp chí văn học, họ phần nào khẳng định được vị trí của mình trong lòng bạn đọc. Ngô Thị Thanh Vân là một trong những cây bút trẻ có triển vọng của Tây Nguyên. Mười hai tháng sáu là tập thơ thứ hai của chị, sau tập Qua miền nhớ xuất bản năm 2006. Thơ của Ngô Thị Thanh Vân đằm thắm, có chiều sâu nội tâm và bản lĩnh. Tôi có may mắn được đọc hầu hết các bài thơ trong tập Mười hai tháng sáu khi chị chuẩn bị bản thảo. Điều bất ngờ là toàn tập thơ đã thực sự lột xác, thoát khỏi những vướng bận thường nhật, thoát khỏi sự cầu kỳ của ngôn ngữ, để bứt mình lên, để những ngôn từ thay nhau tung tẩy bằng chính sự chiêm nghiệm của tác giả. Điều quý hơn là người phụ nữ nào làm thơ, viết văn cũng hệ lụy khổ đau với chính mình nhưng lại nhân hậu vô cùng với cuộc đời. Thơ của Ngô Thị Thanh Vân những năm gần đây đã định hình được bản ngã, đã có thể tự trụ lại trong lòng người đọc mà không chứng minh hay không cần đình đám. Chị chọn cho mình cách lặng lẽ hồi sinh cảm xúc để tựa vào đó, sống vì thơ, vì trách nhiệm cầm bút trước cuộc đời.
Với 50 bài thơ trong tập thơ Mười hai tháng sáu, Ngô Thị Thanh Vân đã tự đánh giá lại những việc đã làm, những điều từng trải nghiệm, những vui buồn, đau khổ, những đa mang…Hành trình một người viết trẻ như chị, phải mang theo bên mình ngoài sự hiểu biết, vốn ngôn từ, còn phải mang theo những hệ lụy được lọc lại từ sau sự va chạm đâu đó ngoài đời hay nằm ở tầng sâu nhất của tâm hồn. Đó là cách để chị bày tỏ quan niệm của mình với một lối viết mạch lạc, vốn từ vựng phong phú, có ngữ điệu và chất nhạc trong thơ. Nội dung tập thơ được chia thành hai trường liên tưởng về tình yêu đôi lứa và tình cảm với quê hương, gia đình, bè bạn. Nhưng rất khó có thể phân biệt rạch ròi vì tác giả cố ý đan xen giữa những nội dung đó. Có nhiều bài thơ trong tập Mười hai tháng sáu rất ấn tượng như Lụa, Mùa ningnơng, tháng sáu, vũ khúc, lột xác, soi…nhưng có lẽ sự thành công của Ngô Thị Thanh Vân là ở cách bày tỏ cảm xúc, nén gọn ý tưởng vào những ngữ cảnh thơ. Cụ thể như: Bức tranh đêm - anh vẽ miền hoang sơ cổ tích - bằng mắt môi, hơi thở nồng nàn - lồng lộng đàn ngựa hoang tung vó - ngả nghiêng một cõi nhân gian! (Vũ khúc). Bắt đầu bằng những phác thảo sơ bộ như thế, tôi có hình dung chị đang lặng lẽ chở che và bao bọc cho những đứa con tinh thần vừa thai nghén. Để rồi, giống như con tằm cần mẫn từng đêm đang nhả những sợi tơ mong manh dệt nên những tấm vải đa sắc, lấp lánh nước mắt của một người phu chữ lao công thầm lặng “em học được từ đêm vô số tiếng cười - loài thân mềm phát sáng - cách đi của loài nhuyễn thể - nỗi đau của loài trai biển -để không huyễn hoặc mình - khi chưa đốt lên ngọn lửa - chưa vắt cạn mùa dâng hiến cho thơ”. (Lột xác). Trong dòng cảm nhận đó, Ngô Thị Thanh Vân tự nhận mình như một linh thể trong đêm, để “rút ruột tằm - em mềm như sợi nắng - óng ả đường cong- mời gọi- hoá thân thành người con gái - em mơn mởn lụa là - ngà ngọc - rút ruột tằm - em lên ngôi cao hoàng hậu - che giấu mọi điều bí ẩn -rừng thiêng - núi cao - sông ngòi - khe rạch -khơi nguồn -những sợi tơ dan díu - trói buộc em với số phận con người -tinh tuý một đời -em dệt hình hài trong nỗi đau tê dại - người khoác lên em. Em khoác lên người -sợi tình mỏng manh -chạm mạnh tay sẽ đứt” (Lụa). Với những câu thơ, tứ thơ mang sự trải nghiệm cả tuổi đời còn khá trẻ, Ngô Thị Thanh Vân vẫn thầm được ước ao những khát khao cháy bỏng về tình yêu hạnh phúc sẽ được đáp đền, nhưng phụ nữ đã lỡ vận vào mình hai chữ “đa đoan” khó có thể vượt qua chính những nỗi buồn từ đó. “đa đoan cuốn lấy đa mang - đẩy nhau đến tột cùng em -như chiếc lá –chao - chao – chao- hốt hoảng về những kí ức rãnh cày -mệt nhọc lê bàn chân trên vùng bỏng rẫy -kí tự như dòng xoáy -phăng – phăng – phăng”(Soi). Không dễ gì khi người cầm bút định vị được cho mình một con đường để có thể từ đó nhập cuộc với văn chương bằng những sản phẩm tinh thần chắt lọc từ đời sống. Không lãng mạn đến mức đánh mất mình, nhưng cũng không thực tế đến mức xơ cứng, Ngô Thị Thanh Vân đẩy tiếng lòng mình đi ngoài những dự cảm. Có lần chị nói chị muốn đi tìm cái mới cho thơ nhưng chị muốn vẫn giữ được cho mình những giá trị chuẩn mực của thơ ca truyền thống. Chính cái ý thức đó mách bảo người làm thơ giữ được lòng tự trọng và trách nhiệm cầm bút của mình. Chị cũng không hô hào đổi mới, cách tân vì đang trong guồng quay của những người viết trẻ với nhiều xu hướng sáng tác khác nhau trên xa lộ văn chương thời mở cửa. Viết là ngẫm, là nghĩ, là gửi gắm, là sẻ chia đầu tiên là với cảm xúc của mình với chính mình. Viết có nghĩa là người đang sống với những phút nhẹ lòng cảm xúc tuôn tràn và những dòng thơ chảy ngược về hiện tại. “Bồng bềnh trôi -trăng quấn riết lấy tôi bằng ánh sáng của đêm mười sáu - vằng vặc chân mây -gió xô cây - cây xô lá -lá xô trăng lao xao biển sóng - cuốn phăng lo lắng muộn phiền” (Vũ điệu trăng). Tôi vẫn hình dung về gương mặt người thơ trong những câu thơ chảy tan như nỗi khát khao mùa khô của vùng đất Tây nguyên nắng gió. Những tiết tấu mùa cứ trải rộng, vang xa như tiếng chiêng, tiếng trống của người bản địa, bước chân vẫn ngày ngày tìm đến mặt trời để gieo hạt giống xuống từng chiếc đồi bát úp. Trong khoảng lặng của đời mình, Ngô Thị Thanh Vân đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho vùng đất biển hồ Gia Lai- nơi núi đồi thảo nguyên bốn mùa nương gió, nơi ngát thơm hương café mỗi độ thu về, nơi vàng ngát dã quỳ thiêu đốt tim người mỗi mùa khô róng riết. Và, ở thẳm sâu trong tâm hồn người viết, mảnh đất mình ký sinh để hoài thai từng tác phẩm nghệ thuật, lại mang hơi thở và lòng biết ơn tận cùng. Như Mùa ninh nơng với “Réo rắt chung chiêng thanh âm dài ba đồi bảy núi- rừng mở cửa gọi mùa -mùa vàng chảy tràn trong mắt -mùa ăn năm uống tháng -mùa gọi người về buôn -Sâu trong đêm đôi mắt chàng trai phừng phừng lửa cháy - thẳm trong đêm trái tim cô gái run rẩy bồi hồi -bàn chân muốn đi -đôi tay muốn níu-bậc cầu thang gọi mời…Nàng ủ sẵn rượu cần -chờ ngày vui ngày mùa tuôn chảy -chàng chỉnh chiêng, tập kéo đàn goong - mùa ning nơng lúa mới đầy sàn -bên nhà rông già làng ngồi kể khan mơ ngày hội mới”.
Đối với một người viết trẻ, có thể, sự trải nghiệm trong cuộc đời còn hạn chế, nhưng khi đọc những dòng thơ này, tôi cứ tin vào dự cảm của mình về Ngô Thị Thanh Vân, rằng con đường trước mắt dẫu có trăm ngàn gian khó, bây giờ, chị đã tạo dựng cho mình được một bệ phóng để có thể tiến lên. Trước hết là làm được những điều mình đam mê, thực hiện được những gì mình ao ước và biến ước mơ thành hiện thực bằng năng lực sáng tạo của chính mình. Mười hai tháng sáu là tập thơ mang đến cho người đọc những rung động thật sự của người viết, người đọc có thể tìm thấy một chút bản thân mình trong đó. Nhưng để tập thơ hoàn chỉnh hơn về mặt cấu trúc cũng như cách thể hiện, dùng từ ngữ đắt hơn, Ngô Thị Thanh Vân vẫn phải rướn thân mình hơn một bước. Đọc lại toàn tập thơ, tôi dễ nhận ra những từ ngữ quá quen hoặc những cách chọn tên đề, cách sử dụng các dấu cảm thán trong thơ đôi khi còn bị lạm dụng. Hoặc người viết cố tình sử dụng nhằm làm mới thơ, làm mới cách viết. Nhưng đặt trong những trường hợp cụ thể, với Thơ, sự khen – chê là ở cách cảm, cách đọc và cách thẩm thấu của mỗi người. Tuy nhiên, ngoài những thành công trên, tập thơ vẫn còn những hạn chế nhất định. Có khá nhiều từ Ngô Thị Thanh Vân lặp lại, nếu cân nhắc thêm chút ít, chăm chút thêm chút ít hẳn tập thơ sẽ bớt sự trùng lặp. Ý thơ sẽ sáng và bay bổng hơn. Có thể đơn cử như những từ chị dùng (hoặc cố tình) dùng lặp đi lặp lại nhiều lần: như, có, môi, nỗi nhớ, đau…đã ít nhiều ảnh hưởng tới tính súc tích và logic trong toàn tập thơ.
Những vĩ thanh đằng sau lụa của Ngô Thị Thanh Vân là những vần thơ mang hơi thở của người viết trẻ có chiều sâu nội tâm. So với những người đồng trang lứa, tập thơ Mười hai tháng sáu ít nhiều để lại dấu ấn đẹp, để lại trong lòng người đọc và các bạn văn một nỗi buồn. Khi buồn, là khi trái tim còn xúc cảm, với những gì đã và đang gặp hái, hy vọng qua Mười hai tháng sáu Ngô Thị Thanh Vân sẽ tiếp tục xuất hiện với một sức vóc mới của bề dày của cảm xúc. Thơ là cả cuộc đời, cuộc chơi tao nhã này cần một sự kiên trì và độ nhạy cảm nhất định. Đôi khi sự trải lòng cũng là yếu tố mang đến cho người đọc một cảm nhận thẩm mỹ đầy đủ với Thơ, hẳn đó cũng là điều mà tập thơ Mười hai tháng sáui của Ngô Thị Thanh Vân hướng tới./.
Tiên Sa, tháng 8.2009