Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.226
123.153.385
 
Lại "BÓNG ĐÈ"hay Thư ngỏ gửi ông Trần Huy Thuận
Nguyễn Bản

Tôi đã nhận được cuốn Ngang qua cuộc chơi và bài viết Nhà văn Nguyễn Bản và cái "vạ" văn chương trên trang vanchuongviet.org ông gửi tặng. Cám ơn ông về thiện chí, nhưng đành lòng phải bầy tỏ cùng ông về những sai sót quả là không chịu nổi trong bài ông viết.

 

Đọc qua, là thấy rõ ông dựa vào bài Nhà văn Nguyễn Bản của Nguyễn Khôi trong cuốn Cổ Pháp cố sự (tập 4) để viết, và còn "hoa lá" thêm, bởi ông có biết gì về tôi đâu.

 

Trước đó vài tháng, Nguyễn Khôi có gửi tặng tôi cuốn sách ấy. Đọc xong phần viết về tôi, tôi đã gọi điện cho Nguyễn Khôi cám ơn, đồng thời than phiền ông này viết sai nhiều quá, và Nguyễn Khôi đã hứa nếu tái bản sẽ sửa lại.

 

Trước hết, là về ngôi nhà 12E ngách 173/151 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội tôi đang ở. Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng là niềm vui của tôi, mà trong bài viết Ông một mình trên trang blog của Trần Nhương tháng 2/2008, chính Nguyễn Khôi đã sao gửi cho tôi ngay sau đó, Dương Hướng viết: "Ông [tức Nguyễn Bản] tự trào nói vui: đây là căn nhà sạch nhất Việt Nam. Nó được mua hoàn toàn bằng những đồng tiền sạch của những tác phẩm sạch ông viết ra, ông thà chết đói chứ không bao giờ chịu uốn cong ngòi bút làm ra những tác phẩm bẩn để lấy đồng tiền bẩn mà khối lão tên tuổi thường làm". Đúng vậy, mua đất, làm nhà là hoàn toàn bằng tiền sạch đó. Vậy mà qua Nguyễn Khôi việc đó lại được hóa phép thành Cháu Tố Tâm (cô giáo tiếng Anh) mua cho trên 10m2, rồi qua ông "thần thông" tiếp thành "may mắn được cô con gái lớn (?) [con gái lớn là Đan Tâm ở Viện 103, chị của Tố Tâm] thương tình mua cho mảnh đất 10m2 và cất cho ông một gian nhà mà nhà thơ Nguyễn Khôi đặt tên là hộp diêm".

 

Phép thần thông biến hóa của hai ông đã biến Dương Hướng thành kẻ nói láo và Nguyễn Bản cũng thành kẻ nói láo. Đáng sợ cho văn chương chữ nghĩa!

 

Đã vạch ra đó là bịa đặt, thì cũng vạch ra luôn thể. Nguyễn Khôi tả: "… đủ kê một cái giường thanh tịnh (giường một, cho cá nhân ở nhà tập thể) [Sự thật là giường đôi trải đệm Everon 1,55 m x 2 m x 10 cm , Dương Hướng đã mấy lần cùng ngủ trên đó, và Nguyễn Khôi cũng đã từng ngả lưng trên đó), tủ nhỏ đựng quần áo, sách vở (sự thật là có bốn tủ, một tủ sách trên gác xép, một tủ sách dưới nhà, một tủ gỗ thông nhỏ, vật kỷ niệm từ năm 1960 và một tủ gương to ba buồng, lim lát, một trăm năm sau chưa chắc đã hỏng) ngóc ngách, xó xỉnh, (sự thật là, vào sâu nữa, là nhà của mấy cán bộ Bộ Ngoại giao và một đại sứ, cả nhà cho Tây thuê, còn đối diện với nhà tôi là nhà 12c mà hai vợ chồng hiện vẫn đang ở sứ quán Việt Nam ở Nam Phi).

 

Xin nói thêm, khi làm nhà xong, tôi vẫn còn một sổ tiết kiệm năm lạng vàng và một ngôi nhà cấp bốn trong ngõ phường Thị Cầu trên thửa đất 147m2 cho ở nhờ (năm 2003 bán được 4 lạng vàng). Khi làm gần xong nhà, tôi có nói với con Tố Tâm được Nguyễn Khôi nhắc tới đó, "nếu tao có thiếu, tao cũng chỉ vay tạm của con Băng Tâm (em nó, bác sĩ thạc sĩ ở Viện Bỏng quốc gia, nghèo nhất trong bốn đứa con, nhưng tiền của nó chắc chắn là sạch nhất). Ngôi nhà không thể dính một chút nghi ngờ là tiền bẩn. Thêm nữa, 20m2 đất/đầu người ở khu Ba Đình trung tâm thủ đô có lẽ còn là mục tiêu của Hà Nội ít nhất năm mươi năm nữa, và ngôi nhà hộp diêm có gác xép 8m2 , khi xây móng vẫn chuẩn bị đội thêm vài ba tầng nữa lên trên, nếu có thêm người ở, đối với một người quen sống tuềnh toàng như tôi là quá đủ.

 

 

Điều quan trọng nữa cần đính chính là việc ông gọi là cái "vạ" văn chương mà Nguyễn Khôi thì gọi là bị "phốt" cùm đời (? - NB).

 

Nguyễn Khôi viết: "Có một lần hứng chí, sau khi giảng xong bài "Ta đi tới" của Tố Hữu, anh đã đọc thêm cho các em bài "Lời mẹ dặn" với đôi lời bình thế sự." Còn ông thì đổi thành: "Trong một lần cao hứng, sau khi giảng xong bài "Ta đi tới" của Tố Hữu, Nguyễn Bản đã "ngoại khóa" cho các học trò của mình nghe bài thơ "Lời mẹ dặn" . Ai đó đã tố cáo chuyện ấy lên trên…" Ôi sợ quá! Xin thưa, tôi chưa hề dạy bài "Ta đi tới" của Tố Hữu bao giờ, thậm chí chẳng nhớ nổi một câu nào trong bài ấy. Không hiểu ông và Nguyễn Khôi đã đọc  bài Bắt đền Phùng Quán trên tạp chí Cửa Việt số 13 năm 1992 và bài Kỷ niệm nghề và nghiệp trên báo Văn nghệ ngày 22-11-2008 chưa, nếu đọc rồi thì phải biết đó là chọn lựa, chính khóa, có chuẩn bị, chủ động, hai tiết học đàng hoàng trên lớp chứ không phải "cao hứng với đôi lời bình thế sự".

 

Thực ra, đem bài thơ của Phùng Quán ra dạy, danh chsinh vẫn là hợp quy, hợp pháp, vì Bộ Giáo dục có chỉ thị hẳn hoi mỗi tháng một lần giáo viên Văn cấp 3 cần chọn một bài đăng trên các báo đem ra dạy để gắn liền với thực tế xã hội, hơn nữa bài thơ lại được đăng trên báo VĂN của Hội nhà văn số 21 ngày 17-9-1957. Một bài thơ hay không đem dạy cũng tiếc … Nhưng đấy mới là danh chính, còn ngôn có phần không thuận. Bởi ngôn ngữ đa thanh, đa sắc, nói "yêu" đâu chắc đã là yêu, nói "ghét" đâu chắc đã là ghét … Trong truyện ngụ ngôn, khi linh dương nói với sư tử "tâu bệ hạ kính yêu" chẳng qua chỉ ở cửa miệng, chứ trong lòng đang muốn "trời đánh thánh vật mi đi" (Kỷ niệm nghề và nghiệp, báo Văn nghệ số 47, năm 2008).

 

Ông thấy đấy, không phải là cái "vạ" văn chương như ông tưởng một cách đơn giản đâu. Khi tôi viết "vì Phùng Quán mà tôi mang vạ và dọa sẽ bắt đền anh, người đọc không cần tinh lắm cũng hiểu ngay là nói lỡm đấy thôi. Tôi chưa viết bài nào cho Nhân Văn, đúng vậy. Nhưng tôi viết cho tôi, tôi luôn là người độc lập mà. Nếu ông đọc truyện Bức tranh màu huyết thạch của tôi, việc ông bố không nỡ đốt mà đem giấu những trang viết và một số báo dưới cái ổ gà trong trong chuồng lợn giột trong truyện, giống như bố Tống Giang giấu cho Tống Giang trong Thủy Hử ấy, chính là chuyện thật của bố tôi, tôi hỏi đâu rồi, ông chỉ một mực "không biết", chỉ tới khi người ta gửi về cho cái huy chương kháng chiến chống Pháp của tôi, và mọi việc đã tạm ổn, ông mới chỉ vào cái ổ gà trong chuồng lợn, lôi ra lôi ra hầu hết đã nhòe nát, chỉ còn mấy chương nháp cuốn “Bão táp” và tờ báo Văn in truyện Ông Năm Chuột của cụ Phan Khôi cũng đã nát, hiện tôi còn giữ làm kỉ niệm, cách đây dăm năm, Phạm Thị Hoài có ghé thăm và ngỏ ý “để em giữ hộ” nhưng tôi không cho, ông sẽ không nghĩ đơn giản như thế. Nếu tôi đơn giản như thế thì làm sao viết được những truyện như Bức tranh màu huyết thạch, Chuyến ly hương cuối đời, Truyện sâu trong ngõ giếng, Đường phố lòng tôi, Thời chuồn chuồn cắn rốn, v.v….

 

Cách đây một tháng, lớp Văn 3 trường Đại học Sư phạm Văn khoa họp mặt sau năm mươi ba năm tốt nghiệp (chứ không phải trường Đại học Sư phạm Hà Nội và không phải thời này Sư phạm học có hai năm như Nguyễn Khôi chua thêm đâu, hiện tôi còn giữ rất nguyên vẹn có ảnh đóng dấu nổi tấm thẻ sinh viên năm thứ ba trường Đại học Sư phạm Văn khoa do giáo sư Trần Đức Thảo, phó giám đốc ký ngày 2-11-1955). Chúng tôi họp ở nhà anh Nguyễn Đức Tiếu 18 Hàng Bè, anh Tiếu cũng đã từng phải đi lao động 14 tháng, anh Nguyễn Khắc Khoán, 14 tháng, hơn một nửa trong số 47 người đã ra đi trong đó có anh Hoàng Đình Luyện phải đi tới 3 năm mới được về Sở Văn hóa Quảng Bình. Các anh Tiếu, Khoán, Luyện có liên quan đến văn chương gì đâu, chưa kể một số đang giảng dạy bị ngồi chơi xơi nước. Việc này có lẽ còn lâu, trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định mới cắt nghĩa và đánh giá được minh bạch hơn.

 

 

Trên đây là hai sự nhầm lẫn lớn làm méo mó Nguyễn Bản đi một cách tệ hại.

 

Còn những nhầm lẫn nhỏ tuy chẳng quan trọng lắm nhưng cũng nên nói ra để thấy khi viết về một con người mà mình chưa hiểu mấy, nhất là những chuyện liên quan đến đời tư của người ta, một người viết nghiêm túc phải hết sức thận trọng, đưa bài viết cho người ta xem đúng hay sai, thậm chí xin phép được công bố.

 

Nguyễn Khôi viết: “Một ngày đầu hè những (?NB) năm 90 thế kỉ trước, Nguyễn Khôi phóng xe máy từ Hà Nội lên Bắc Ninh thăm nhà văn Nguyễn Bản (thật ra là năm 1997). Anh ở nhờ nhà người quen trong ngõ, một gian cấp 4 ọp ẹp… Trận mưa như trút nước nhà giột chảy long tong…” còn ông thì hư cấu thêm “tìm đến tá túc nhà bạn tại một ngõ hẻm suốt mấy chục năm trời cho đến tận những năm 90 của thế kỉ trước”.

 

Đúng là nhà cấp 4 lợp ngói móc, có cửa sắt kéo, và ở mặt đường Lý Thường Kiệt, một đường phố chính và rộng lớn của thị xã Bắc Ninh, mà chủ nhân là anh Nguyễn Kiên, phó công an thị xã Bắc Ninh, yêu văn chương, yêu trí thức và tốt bụng. Lúc đó là cuối năm 1993, tôi đang sống với một cô gái quê mới học hết cấp 2, kém tôi hơn ba mươi tuổi sau khi đã li hôn với người vợ cũ tháng 3-1993. Tôi hỏi thuê của Nguyễn Kiên vì đó là ngôi nhà mặt phố lớn, có vỉa hè 3m5, có thể mở cửa hàng trên thửa đất hơn 100m2 mà nhà hàng Thu Trang liền kề đã trả 50 lạng vàng không bán. Nguyễn Kiên: - Cháu lấy tiền thuê của chú làm gì? Tôi: - Nhỡ được dăm bẩy tháng cậu đòi thì sao? Nguyễn Kiên: -

 

Cháu làm giấy cam đoan cho chú ở nhờ năm năm, thậm chí có thể hơn, nếu chú có con với cô ấy. Và tôi đã ở nhờ ngôi nhà 129 Lý Thường Kiệt ấy từ đầu năm 1994, với số điện thoại 823912 rồi 825868 đến cuối năm 2001. Gần 7 năm (chứ không phải suốt mấy chục năm như ông viết) thì mua đất làm nhà ở Ngọc Hà trở về sống ở Hà Nội (nói trở về vì các con tôi đều sinh ra ở Hà Nội, hộ tịch gốc khu Ba Đình đã trở về cả trước rồi). Sao lại ngõ hẻm, sao lại “mấy chục năm tá túc”? Bịa đến thế là cùng.

 

Ông còn viết: “Vậy mà cái “đòn âm” đã loại anh ra khỏi cả cái chân “Hội viên” hội Văn nghệ địa phương... Người bạn đồng môn thân thiết thời nhỏ tuy không được học hành đến nơi đến chốn, lúc ấy đang làm chức lãnh đạo cấp cao ở địa phowng nhưng không có được cái đức của Dương Lễ đối với Lưu Bình – Nguyễn Bản” … đó là ai vậy, thưa ông? Ở Bắc Ninh tôi chỉ có học trò cũ, không có ai là đồng môn cả. Chỗ này ông lại nhầm lớn rồi. Một phần là do sự nhầm của Nguyễn Khôi: “Sau một thời gian không chịu “nhờ vả” (mặc dù đồng chí Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh lúc ấy là người làng cùng trang lứa, quen biết nhau), anh Bản về hưu non…”. “Nhờ vả” thì Nguyễn Bản nhất định không chịu rồi, còn anh Ly, bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, thì không phải cùng trang lứa, mà hơn tôi mười tuổi, lúc tôi về hưu, anh đã sang làm thứ trưởng bộ Tài chính được mấy năm rồi, không còn là chủ tịch Hà Bắc nữa. Có lẽ ông Thuận đã nhầm về chính ông Nguyễn Ly này và gọi là đồng môn của tôi, khổ thân vong hồn ông Ly quá.

 

Còn chân hội viên Văn nghệ địa phương ư? Điều này thì ông phải hiểu rõ khi Nguyễn Khôi viết: Nguyễn Bản là nhà văn tự do (không ở tổ chức nào cả). Giá mà trước khi viết, ông tham khảo bài “Ông một mình” trên mạng của Trần Nhương. Trong bài này, Dương Hướng viết: “Ông quyết không để mình phụ thuộc vào bất kì ai, bất kì điều gì. Ông không thể và cũng không muốn sinh hoạt trong bất kì tổ chức, hội đoàn nào. Ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (chỗ này Dương Hướng nhầm, lúc đó Hữu Thỉnh là Tổng thư kí, chưa có chức chủ tịch) đích danh mời ông vào Hội, ông chỉ cười ầm ừ rồi thôi”. Hữu Thỉnh hôm đó kéo tôi vào phòng mình và bảo: “Bác phải vào hội đi chứ, rồi chúng tôi còn tài trợ cho bác để viết, tôi giới thiệu và Đỗ Chu giới thiệu, tuần sau cho tôi xin cái đơn và sơ yếu lí lịch”. Đúng là tôi chỉ cười thật.

 

Về bà vợ cũ, vốn là học trò của tôi, Nguyễn Khôi viết: tôi “lọt mắt xanh”, còn ông hoa lá thêm vào “của một người con gái kiều diễm”, tôi đưa cho một người quen xem đoạn này, người ấy biết rõ nhan sắc bà ta thời con gái và cả bây giờ, xem xong ôm bụng cười đến chảy nước mắt.

 

Còn nhiều điều có thể nói nữa, nhưng thôi, Nguyễn Khôi ưu ái tôi mà viết, và đã từng viết tặng tôi mấy câu thơ:

 

Thôi chẳng thiết công hầu quyền thế

Ngọn bút thần đặc tả cảnh trần gian

Ông cũng vậy, đầy thiện ý với tôi.

 

Nhưng:

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau

(Kiều)

 

Tôi thật chẳng biết nói sao ngoài cái cảm giác bị “bóng đè”. Không biết ông đã đọc truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu chưa?

 

Đành phải cho công bố bức thư này, để thoát ra khỏi các cảm giác ấy, bởi nếu không, nhỡ đâu lại có một ông hứng lên dựa vào bài viết của hai ông, hư cấu thêm một bài viết nữa về tôi như thế thì quả nặng nề, mệt mỏi và mất thì giờ cho tôi quá. Việc và người sờ sờ trước mặt còn sai đến thế, đủ thấy việc chữ nghĩa dựa vào sách này, sách khác nhất là dựa vào miệng thế gian, để viết về người và việc trước mình mấy chục, mấy trăm, mấy nghìn  năm, nhiều khi có thể tùy tiện đến thế nào!

 

Rất mong ông thông cảm cho nỗi khổ tâm của tôi khi viết thư ngỏ này.

 

Thân ái

NGUYỄN BẢN

 

Xem thêm :

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=10975&LOAIID=32&LOAIREF=1&TGID=1307

Nguyễn Bản
Số lần đọc: 2043
Ngày đăng: 04.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giữa hai đường sinh tử - Vũ Trà My
Đọc thơ xưa - Đinh Kim Phúc
Đèn dầu lạc - Huỳnh Kim Bửu
Ba bức thư của một người không hạnh phúc - Phan Nhiên Hạo
Hạnh phúc kiếm tìm - Nguyễn Hồng Nhung
Tìm sắc thu trời Huế - Trần Hạ Tháp
Nỗi lòng trí thức mùa Vu Lan - Vũ Ngọc Tiến
Một nhà thơ không đến được vườn Thơ IDS - Phạm Toàn
Sợ ! - Trần Huy Thuận
Nhớ lắm đồng trăng - Huỳnh Kim Bửu