Trong những nhà thơ đất cảng Hải Phòng, thú thực chỉ có hai nhà thơ khiến tôi giật mình. Người thứ nhất là Dư Thị Hoàn, tôi bất chợt đọc một hai bài thơ đăng trên tạp chí nào đó, thấy một giọng điệu thơ thật khúc chiết, thâm sâu, trải nghiệm, và mang cả cảm quan vũ trụ.
Người thứ hai khiến tôi giật mình chính là nhà thơ Mai Văn Phấn. Thật ra, chữ giật mình không đúng lắm, vì đó chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi, trái lại tôi đã chiêm nghiệm cả hành trình mà Mai Văn Phấn lầm lũi đi xuyên qua những địa tầng, khai sơn phá thạch, để mở lối cho đường thơ của mình. Có một nguyên tắc thẩm định mỹ học rất thống soái rằng: người ta không thể làm ngơ hay thiếu tin tưởng về một tác giả đang có trình độ và phong độ mỹ học.
Tức là một tác giả đã đạt đến một trình độ nhất định, lại đang có phong độ, thì dường như chẳng thể nghi ngờ tác phẩm của tác giả đó lại có thể xuống cấp thành thứ dở ẹc được; trái lại, tác phẩm đó tương xứng với tác giả của nó, hoặc cao hoặc thấp một tẹo, nhưng đó là một giá trị tương đương, xấp xỉ. Cây nào sinh trái ấy mà. Đó là một cách nhìn tham chiếu của tôi để suy luận rằng: nhìn hành trình của tâm hồn trăn trở đi tìm thơ qua những cung bậc và giai đoạn của Mai Văn Phấn, ta thấy ít ra tác giả đã ghi dấu và gây tin tưởng về con đường, cũng như cách đi đường khá dài, khá xa, khá cheo leo, khá vượt mình... trên đó những dấu mốc đã được cắm lên. Cụ thể, tác giả đã ra những tập thơ: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), Trường ca Người cùng thời (1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009). Rõ ràng, đây không phải một tác giả chỉ yêu thơ theo lối ngâm vịnh, mà là người miệt mài, hăm hở, nhiệt thành, phấn khích không biết mệt để đặt ra những dự phóng cũng như dõi mắt liên lỉ về phía chân trời thơ trong thế giới tâm hồn cũng như mục đích của cuộc đời mình. Hành trình đó tôi không chỉ “chứng nghiệm” trong những trang thơ mà cả ngoài cuộc đời.
Lần đầu tiên tôi gặp họ Mai ở nhà một anh bạn thơ lâu niên, anh Phấn đi cùng vợ. Thoáng nhìn tôi chợt nhủ: một người chồng đang hạnh phúc thế kia làm sao có thể trở thành một nhà thơ được, vì có một phương ngôn rằng “Một nhà thơ giỏi thì phải là một ông chồng tồi”. Tôi còn nghĩ chắc đây là một anh tỉnh lẻ khăn gói lên kinh đô để cải thiện cho danh vọng văn hoá của mình.
Nhưng Mai Văn Phấn đã không dừng bước ở vạch xuất phát đầu tiên, cứ thế anh liên tục phá đường đi về phía trước. Trung bình cứ hai năm anh cho ra đời một tập thơ, không phải theo lối bôi chữ lên giấy một cách hình thức để che đậy sự sốt ruột hay trống rỗng của tâm hồn, mà mỗi tập thơ của anh đều là một cuộc nhảy vọt khỏi chạm vạch đích của tập thơ trước. Phải nói, anh đã thể nghiệm rất nhiều bút pháp thơ từ cổ điển đến các khuynh hướng thơ hiện đại thế kỷ hai mươi và thơ văn xuôi. Tất cả đều được cày xới, chiêm nghiệm, chìm đắm đến nhuần nhị. Đọc thơ anh, có cảm giác bình thản như một nhạc công đã tu luyện thành thạo và dễ dàng biểu diễn những khúc nhạc khó nhẹ như lông hồng.
Mới đây, gặp Mai Văn Phấn lên Hà Nội, nhân đem hai tập thơ mới là “Hôm sau” và “và đột nhiên gió thổi”, trước mặt các bạn thơ Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Lương Tử Đức... tôi đã nói rằng: “nhìn hành trình thơ và diện mạo sống động của Mai Văn Phấn hiện giờ, tôi thấy rõ anh đã hành trình ngược đến thơ. Đó là anh đi từ vai cán bộ, trở về thường dân, rồi vòng lên tu sỹ ngồi thiền, rồi đến nhà thơ”. Đây là một hành trình có vẻ “bại trận” ở cuộc đời, ai lại mong từ cán bộ trở về dân đen trong khi người ta mong được thoát ly như sự nâng cấp cho cuộc đời. Nhưng với thơ thì đây là một hành trình tiến bước và leo cao, bởi lẽ: cuộc đời càng thoát ly khỏi vai vế ưu tiên thì tài năng của con người càng trưởng thành. Và trong muôn người cầm bút hiếm hoi lắm mới thấy một nhà thơ Mai Văn Phấn cởi áo quan mặc áo vải nhà thơ. Đó cũng là lý do chính yếu làm cho tác giả tự nuôi dưỡng và truởng thành trên con đường thơ của mình.
Bàn về nhà thơ thiết thực hơn là bàn về văn bản thơ, đó là sản phẩm để mà “xem quả biết cây”. Con người chỉ có thể trưởng thành nhờ lý trí. Và lý trí thể hiện nó cao nhất qua việc phản tỉnh chính mình. Trong bài Ở những đỉnh cột, tác giả đã treo chiếc lưỡi của mình lên: Lưỡi tôi bị thắt/ treo lên đỉnh cột/ mỗi lần nói/ chiếc lưỡi phải co rút/ kéo thân thể béo ị lên cao/ Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh.
Một đoạn thơ rất ngắn, nhưng ở đó tác giả đã thể hiện khả năng mỹ học và biểu tượng rất cao. Lưỡi là biểu hiện của ngôn ngữ, nó cũng là trí tuệ, cũng là khả năng gia nhập vào công lý, lương tri, nhưng nó bị phản tỉnh bằng cách treo lên. Treo lên đâu? Không phải treo lên hàng rào, cửa sổ hay chỗ nào khác mà là treo lên đỉnh cột, nghĩa là nó tự vấn bằng một chuẩn mực cao nhất, chứ không phải thứ vu vơ.
Cuộc phản tỉnh luôn thường trực trong con người tác giả, đến mức lúc nào anh cũng thấy mình bị phân thân thành hai nửa, nửa nọ đang dò xét nửa kia: Hắn thường đến với tôi trong ý nghĩ./... /Bảo tôi sợ hắn, không phải. Muốn thu nạp hắn, không. Hay lãnh đạm, trốn tránh, nể trọng... cũng không. Thế mà hắn đan lẫn vào tôi từng hơi thở. (Đến trong ý nghĩ).
Từ khao khát phản tỉnh, tác giả luôn mở to cặp mắt tra xét vạn vật và thế giới, muốn chúng trở về là thế giới thật, là môi trường sống lành mạnh cho tâm hồn: Con ong bay vào phòng
bằng nhựa hay bằng gỗ?.../ Nhưng hình như/ mọi con vật trong nhà/ vẫn chế tác từ đồ phế thải: con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?/ con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?/ chim họa mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?/ (Không thể tin)
Hoặc: Đêm tỉnh dậy. Đồ gỗ trong phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão... Tôi quay cùng chai lọ, con giống, bóng đèn… qua môi người thợ thổi thủy tinh, qua con chữ rùng mình nhìn bột giấy chìm trong thuốc tẩy... Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu... Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy. (Quay theo mái nhà).
Cuộc phản tỉnh thật bức xúc và mãnh liệt, đến mức ngay cả ở đáy ấm, người ta cảm giác như trong cơn xoay vần cực bĩ của càn khôn: Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy.
Cuộc phản tỉnh không phải cách ngao du hay làm huyên náo để tâm hồn đỡ buồn, mà tác giả luôn truy xét, chiêm nghiệm, và soi thấu nghiêm khắc chính mình qua những bài học làm người. Trong bài Bài học tác giả viết: Cánh và khuỷu tay vẫn cứng/ Từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm/ Đạo mạo múa tay trong bị/ .../ Đạo mạo giết một con muỗi/ Đạo mạo phát biểu chung chung/ Đạo mạo nghiêng mình trống rỗng/ Đạo mạo lấy trộm áo mưa/ .../ Đạo mạo nhìn ngực chị em trong đám tang/ Đạo mạo ký tên vào công trình khoa học/ Đạo mạo làm thơ tình khi đã liệt dương/ Đạo mạo thả virus vào e-mail người khác/ Đạo mạo đánh tráo bài thi/ Đạo mạo tiêu tiền âm phủ...
Trong truyện ngắn Hóa thân, tác giả Franz Kafka nổi danh hàng đầu thế giới đã tìm cách cứu vớt sự xuống cấp của con người bằng cách phản tỉnh: chàng trai kia khi ngủ tỉnh dậy thấy mình là một con bọ, chàng cử động những cái chân của con bọ một cách vụng về nặng nhọc, rồi suy ngẫm về bản thân mình. Mai Văn Phấn bằng con đuờng của mình đã hạ mình xuống ngang loài gián để phản tỉnh tư cách của mình: Con gián bò quanh tôi và nói/ vừa đầu thai được ba tháng tuổi/ kiếp trước từng là người đàng hoàng/ .../ Con gián giơ một chân lông lá/ Ừ, thì tạm coi đây là cánh tay/ .../ tôi và con gián cùng hội thảo khoa học/ cùng đeo khẩu trang, cùng ngắm hoa/ .../ Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng/ Nó chui ra. Tôi vô cảm./ Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm./ Nó leo tường. Tôi thù vặt./ Nó bài tiết. Tôi ăn gian./ (Chuyện còn dài).
Tất nhiên tác giả không phản tỉnh để tâm hồn tập trận giả bên thiện bên ác, mà để khao khát về một thế giới tốt đẹp. Trong bài Nếu, tác giả viết: Tôi mơ:/ đêm ngủ không cần khóa cửa/ ra đường chẳng ai lừa mình/ họ nghĩ sao nói vậy/ thoáng món ăn ngon và nắng đẹp/ Thật tội nghiệp con chó!...
Người phản tỉnh sẽ trưởng thành. Và chính nhờ hành trình phản tỉnh liên tục của mình, Mai Văn Phấn đã trưởng thành ngòi bút mỹ học. Tác giả thật sâu sắc và thấu đáo khi biểu hiện sự trưởng thành đó qua bút pháp mỹ học ở bài Ghi ở Vạn lý Trường Thành: Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng/ nhòe mắt cát/ thở đầy ngực cát...
Mây là vật mỏng mảnh, nhẹ nhàng, bồng bềnh bay, vậy mà tác giả thấy nó xếp lên vai từng tảng đá nặng, đó hẳn là những hòn đá của bổn phận lịch sử, trong một không gian khó khăn toàn cát là cát. Và: Vạn lý Trường Thành còn xây dở?/ Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ/ Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ/ đánh hộc máu mồm...
Trong nỗi gian khó lao công của những người phu phen, phải vác đá xây thành, vậy mà tác giả vẫn chắt ra từ hàng hàng đống đá chất ngất đó một cái nhìn mỹ học vừa vác đá vừa làm thơ, thật hiếm lắm thay. Những phu phen lam lũ nặng nhọc đang: Còng lưng đẩy nắng đi/ Chồn chân đẩy gió đi/ Miễn sao gần được bông hoa/ đang mởn mơ trong gió lớn.
Ý tưởng mỹ học ở đây rất nhất quán, không hề vu vơ, ngẫu nhiên chút nào, bên trên thì vừa vác đá vừa làm thơ, bên dưới là cảnh tìm mọi cách để đến gần bông hoa.
Và những ý tưởng hay giấc mơ về cái đẹp của bài thơ hay bông hoa, không thể là biển chỉ đường dẫn người ta đến cõi thiên thai xa đời, thoát tục... mà tác giả muốn biến chúng thành tấm biển chỉ đường về thực tại. Thực tại làm người. Thực tại nhân văn dù đã trải qua cả nghìn năm vẫn tươi rói hơi thở, vết thương, cũng như bài học lịch sử cho thế giới nhãn tiền: Đây là đỉnh trời
hay đáy vực sâu/ chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát.
Và thêm một lần nữa ở hai câu cuối, ý tưởng mỹ học của tác giả lại thể hiện sự nhất quán một cách trọn vẹn: Mồ hôi du khách trên đá xám/ nở thành hoa phù dung.
Bằng cách tự đào luyện mình công phu, rất sâu sắc, cộng với vốn văn hoá tích luỹ phong phú, Mai Văn Phấn đã sáng tạo ngôn ngữ thơ chắt lọc, cô thấu và tinh tế. Nó không đơn giản, nôm na như nhiều nhà thơ còn mang nặng bản năng với ngôn ngữ tranh – tre - nứa – lá. Trong tập thơ “và đột nhiên gió thổi”, anh viết nhiều về tình ái trực tiếp, nhưng ngôn ngữ rất tế nhị, không thô lỗ trần trụi, dẫu vậy vẫn hừng hực mạch dập của khao khát cháy bỏng:
Nhắm mắt thấy em không rộn ràng như khi mở mắt. Nhưng sự im lặng của em vang lên những âm thanh kỳ lạ, mách bảo tình yêu đã thấm vào cây cối, đường xá, phố nhà, vào vườn tược, ruộng nương, sông suối... Từ nay ta không cần nghi ngờ điều gì khi nhắm mắt. (Nhắm mắt).
Hoặc: Đừng trôi lại gần đám mây đẫm xăng/ Dù cố giấu đi mười ngón tay có lửa/ Những lưỡi gió thơm tho luồn vào lỗ tai/ Ấp lên hoang sơ giấc mơ của cỏ. (Dấu vết bình minh)
Trong tập này, tôi đặc biệt yêu thích sức bật trong bài thơ Mùa xuân. Nó mở đầu bằng một tứ rất bình dị: Có nhiều dấu hiệu Mùa xuân/ Mây nặng. Hoa đào. Củi mục. Đường trơn.../ Tôi chỉ dẫn các con như vậy./ .../ Con tôi kẹp ngón tay thổi hồi còi dài/ gọi đoàn tàu xuyên qua ngực tối...
Bài thơ vẫn tiếp tục bình dị chuyển động như nhịp đập của thời gian, nhịp của mùa: Tạm biệt mùa Đông!/ Tạm biệt mùa Đông!/ Các con tôi đang tranh luận về thời khắc...
Mấy câu thơ trên thật giản dị nhưng lại hàm xúc một cuộc sắp đặt “lập thể” tuyệt vời. Đó cũng là cách cựa mình để chuyển tiếp nhịp điệu của bài thơ: Các con tôi đang tranh luận về thời khắc. “Tranh luận”, đó là biểu hiện của lý trí. Lý trí đó lại là của những đứa trẻ. Và trong một câu ngắn như vậy, tác giả biểu lộ được khát vọng tiến bộ và lý trí của không khí gia đình gắn với sự vận hành của thiên nhiên vũ trụ. Và bài thơ bỗng ngân lên chói loà, lộng lẫy cảnh sắc tươi tắn tinh khôi của mùa xuân: Ấy là lúc bông hoa đỏ rực vô tình rơi trên mặt nước/ hay những linh hồn được thanh tẩy bay lên?/ Là mây trắng bỗng trôi qua bàn tay ấm áp/ hay hơi ẩm nghẹn ngào đang vỡ ra từng tiếng chim non?
Câu cuối cùng ... hơi ẩm nghẹn ngào đang vỡ ra từng tiếng chim non nổ ra một sức mạnh thật kỳ diệu. Chúng phát ra chẳng khác gì những vụ nổ big bang ngay giữa lòng cuộc sống với mùa xuân đang tái tạo càn khôn trong sức mạnh phục sinh của mình. Sự sống ngập tràn và mãnh liệt dâng lên ở khắp nơi, đến độ, mỗi hơi ẩm có thể vỡ ra từng tiếng chim non.
Nhưng bài thơ kỳ vĩ nhất của tập thơ lại là bài Những bông hoa mùa thu, gồm 27 khúc, dài 60 trang. Nó quả giống một bản giao hưởng về sức mạnh, khao khát, cũng như thể nghiệm hân hoan của tình yêu. Ở đó khúc nối khúc kéo vệt dài một ái tình thật mãnh liệt: Ngựa hoang tung vó trên thảo nguyên/ kéo mây làm gió, sấm chớp/ .../ Biến anh thành bó đuốc, que diêm, sáp nến.../ Đôi môi thiêu đốt những vùng đất rộng/ Cặp mắt vằn vện hung dại/ nổ tung từng trái cây đơn độc...
*
Mai Văn Phấn quả xứng đáng là nhà thơ hiện đại. Theo cách rằng: các nhà thơ cổ điển dùng chữ để biểu hiện cuộc nhào lộn của tu từ pháp. Còn nhà thơ hiện đại dùng chữ để biểu tỏ ý nghĩa của mình, hay cái mình muốn nói.
Nhưng có một sự thật như nhiều nhà thơ, và các phê bình gia đã từng thừa nhận: dù thơ cổ hay thơ tân, thì cái độc giả nhớ về nhà thơ nào đó lại phải ghi dấu ở câu nào hết sức cụ thể. Chẳng hạn với tôi, tầm vóc của Walt Whitman dường như chỉ cần đánh rơi hai câu là đủ: Nếu bạn muốn tìm tôi/ Hãy tìm dưới đế giày của bạn. Và: Anh cùng tôi không một xu dính túi/ Vẫn mua được hương thơm của trái đất này...(nhưng chớ lầm lẫn những câu thơ tủn mủn có thể đủ cho tầm vóc của một nhà thơ lớn. Vạn Lý Trường Thành vĩ đại chỉ vì nó quá dài mà thôi).
Đó cũng là điều chính yếu tôi muốn bàn luận với Mai Văn Phấn. Dù làm thơ thế nào, ngôn từ có lóng lánh bao nhiêu, ý nghĩa có sâu lắng kiểu gì... nhưng rất cần thiết phải có những phương ngôn “cứng”, càng nhiều càng tốt để chúng đóng dấu thi ca cũng như tên tuổi nhà thơ vào trái tim bạn đọc.
Với sức viết và văn hoá của tác giả, tôi mong anh cũng nên thử sức ở các thể loại khác như tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết... Đó không phải con đuờng văng ra khỏi trung tâm thơ, mà để trở về với thơ hoàn hảo hơn. Nhiều khi chúng ta đi rất xa, rất rộng, đại dương này qua châu lục khác, chỉ để trở lại thấy con đường về nhà càng da diết mà thôi.
Tất nhiên đây chỉ là mấy lời chia sẻ, bởi lẽ, đối với một tác giả có khả năng tự đào luyện mình như Mai Văn Phấn, thì mọi lời khuyên sẽ không cần thiết.
Chúc tác giả hành trình tiếp trên con đường thơ đang mở ra rất tương xứng với mình./.
8/9/2009