Họa sĩ Lê Ký Thương đã nhiều lần triển lãm tranh , tiếc rằng tôi không có cơ hội xem , nên chẳng biết trước đó họa sĩ vẽ theo khuynh hướng nào. Nhưg lần này ( thứ 6) tôi dược xem thì rõ ràng Ký Thương đã Quay về…để tìm về Tâm, Tâm là Nhà sau bao năm lưu lạc ..Nôm na là K.Thương đã vẽ theo khuynh hướng Thiền, phòng tranh bày ở 53 Hồ Tùng Mậu, quận I tp HCM, mang chủ đề “ Lạy Tạ” thuần thành như một hoa sĩ Thiền tông chân chính.
Ý hướng Thiền hay tranh mang tính chất thiền để dành cho những người giác ngộ, những tu sĩ hay phật tử rành vế Thiền luận bàn. Ở đây tôi chỉ là người thưởng ngoạn tự do, thử múa rìu hoang qua mắt bao người, tìm hiểu tranh của Ký Thương vậy.
Tranh của Ký Thương như lời tự bạch là “Quay về” …, nhưng với con mắt trần của chúng ta thì cũng có thể nói là họa sĩ đã vẽ theo tinh thần hiện đại, nghĩa là không vẽ những cảnh vật hay sự kiện ở trước mắt , ở quanh ta mà biểu hiện những tình cảm nội tâm. Hay nói theo sách vở nghệ thuật hiện đại là không phải diễn tả biểu hiện sự vật tầm thường mà là sáng tạo, Họ cho ta xem cái gì mới mà trước đó chưa có, đúng hơn là họ tạo hình thay vì phản ánh, nôm na là họ tạo ra một thế giới màu sắc hình ảnh riêng cho họ mà cũng chính là cống hiến cho mọi người. Thế giới đó mang tính thuần nghệ thuật, nó ẩn kín sâu xa, nó là chân lý, tìm hiểu tác phẩm là tìm cho ra cái chân lý, điều mà tác giả đã gởi gắm vào đó trong khi sáng tác. Đó cũng là thế giới sinh tồn của con người, nên vô tình đã trở thành như một nhu cầu thích tìm đến mà chúng ta không hay biết đó thôi. Chân lý không phải cái gì sâu xa khó tìm, mà chính là trong cuộc sống trong sinh hoạt tình cảm chúng ta; nó chỉ có thể biểu hiện qua màu sắc, hình ảnh, âm thanh,v..v… nói chung là nghệ thuật.
Tranh của Ký Thương đã đạt được phần nào những ước vọng mà tôi vừa phác họa. Trong tự bạch tác giả đã gợi ý nghĩa của Lay tạ I , lạy tạ II, và Quay về. Tôi xin thêm , Lạy tạ I như sơ khởi của ý hướng giác ngộ, nhà sư Nhật Bổn vẽ cái chỗi, còn đây tác giả lại lạy tạ cái chỗi nên người người cũng như tôi không thích lắm, bởi dù sao nó chì là công cụ để quét, cái chỗi đánh vào dầu mới là động tác hành vi quan trọng. Lạy tạ II mới đáng kể, từ động tác lạy, chiếc lá, cách bố cục đến màu sắc của tranh rất độc đáo. Có thể nói nó là tiêu biểu cho ý hướng sáng tác của Ký Thương trong kỳ triển lãm này: Nội dung súc tích chứa đựng trong một hình thức cực kỳ đơn giản như một bầu trời an bình thanh thản. Hình ( dessin) không rườm mà ngây ngô như trẻ thơ, riêng về màu thì có ba bức là Lay tạ II, Cúng dường và Nguồn thiền là tuyệt vời, công sức và tâm tư tác giả đã đổ vào đó không biết là bao nhiêu. Sức sống thần bí của Lạy tạ II nằm ở trong khung màu của đất của nền trời, còn hình trong Nguồn Thiền là sức sống sung mãn rạt rào, màu vừa mát vùa tươi, có đối chọi nhưng rất hòa hài; đến bức Cúng dường phải nói là chua chát đắng cay, chân lý ở đây như chập chờn khắp bức tranh, ý nghĩa biểu hiện của tranh không nói ra mà chỉ phô bày, nhưng nó vẫn thoát ra ngoài sự biểu hiện, nó chứa đựng cả nổi đau của tác giả, rõ nhất là trong bức Đường về. Đất trời đỏ tươi, nhưng cái không gian hiện hữu trên đường về sao mà u ám đến thế, chủ nhân hay tác giả đứng ỳ ra đó với nỗi cô đơn, chỉ có con chó là bạn dồng hành hay đón mừng. Có đối chiếu với bức Quay về, mới thấy rõ, cùng một tác giả mà hai trạng thái tâm hồn khác nhau. Cảm xúc của Quay về, tác giả tự cho mình giống như con nhái giác ngộ…, tôi phàm tục nên nghĩ rằng cuộc sống có giá trị và ý nghĩa là cuộc sống vượt lên trên phàm tục, cũng như cái ngã được xác định bởi bản chất vấn đề tồn tại của nó {Le moi est déterminé par l’essence de sa problèmatique existentielle – ai đã nói câu này tôi cũng chẳng nhớ). Nghệ thuật không thể thoát ly cách biệt với cuộc sống, trái lại nó là cơ sở sinh hoạt chân thực đáng tin nhất.
Với tính cách một bài viết ngắn, tôi chỉ tìm hiểu một số tranh của Ký Thương, dù không nhiều cũng đủ gợi ý để các bạn tự tìm có lẻ thú hơn, ẩn ý của tác giả theo nhận định của riêng mình, chưa chắc ai đã là đúng hơn ai …nhưng điều đó không quan trọng vì mỗi người có thể có những nhận xét khác nhau,
Riêng đối với chủ để của phòng tranh là Lạy Tạ cũng đúng thôi vì có đến 9 bức trong tổng số là 21 mang nhan đế là Lạy Tạ, trong khi những bức khác mang tên khác vẫn có hàm ý là Lạy tạ. Đây chính là điểm tôi không tán đồng với tác giả , vì hành vi lạy tạ tỏ ra quá khiêm nhường đến yếu đuối; một điểm nữa cũng nên nhắc nhở tác giả là trong 7 bức lạy tạ thì đã có đến 4 bức, hình dáng lạy tạ giống nhau. Nhưng nói như thế có vẻ là cầu toàn quá chăng, thật ra nhìn chung phòng tranh vẫn đem lại nhiều thành quả đáng xem./.