Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
960
123.366.912
 
Điểm sách :Tạo dựng tương lai *
Phạm Toàn

Cái "tương lai" được nói đến ở đây là tương lai do nền đại học một quốc gia – trong cuốn sách này là nền đại học Hoa Kỳ –  đem lại cho quốc gia-dân tộc đó.

 

Đi vào mỗi quốc gia phát triển, ta sẽ gặp hệ thống đại học của họ rậm rạp như cả một khu rừng. Đi tìm hiểu hệ thống đại học của Hoa Kỳ, ta sẽ gặp hẳn một miền đại ngàn.

 

Ta chớ nên nghĩ rằng đó là một nền đại học lâu đời nhất của loài người. Trường đại học đầu tiên của Hoa Kỳ, trường Harvard chỉ mới ra đời năm 1636 thôi, thâm niên không sánh nổi với các trường khác. So với châu Âu chẳng hạn, trường đại học Bologna của đế chế Roma xưa ra đời từ năm 1088 đón nhận sinh viên toàn châu Âu, còn đại học Pháp mang tên Sorbonne quen thuộc với người Việt Nam ra đời từ đầu thế kỷ 13. Trường đại học Cambridge của Anh năm nay mở hội lớn kỷ niệm 800 năm ngày thành lập (1209-2009). Ngay cả so về thâm niên với trường Văn Miếu Quốc Tử Giám của Việt Nam thì Harvard cũng thua: trường đại học đầu tiên của Việt Nam thành lập từ năm 1076, hơn năm thế kỷ rưỡi trước khi trường Harvard ra đời, các cụ rùa ở đây cõng bia chở nặng các tiến sĩ đào tạo trong hơn 700 năm đông tới 2.313 vị. Nếu kể các "phân hiệu" Văn Miếu ở Hải Dương (tại Mao Điền), ở Hưng Yên (tại Xích Đằng), ở Bắc Ninh, ở Huế, ở Khánh Hòa (tại Diên Khánh), ở Đồng Nai, ở Vĩnh Long, ở Nghệ An, … cũng dám gọi đó là "một hệ thống đại học" đấy chứ?

Chẳng có gì khó hiểu về sự non trẻ của nền đại học Hoa Kỳ cả, khi ngay bản thân lịch sử Hoa Kỳ cũng còn trẻ măng, nói gì đến hệ thống đại học của nó!

Ấy vậy mà hệ thống đại học đó lại thành đề tài cho vô số nghiên cứu. Đó mới là sự lạ cần xem xét và ngẫm nghĩ.

 

Vậy đâu là khía cạnh hấp dẫn của nền đại học Hoa Kỳ mà ta cần tìm hiểu?

 

 

Tác giả cuốn sách The Creation of the Future (được dịch sang bản tiếng Việt là Tạo dựng tương lai) là Frank H. T. Rhodes. Ông viết cuốn sách không nhằm mục đích tiếp thị hoặc tuyên truyền. Sinh năm 1926, ông thuộc lứa giáo sư thế hệ 1956, là hiệu trưởng Đại học Cornell trong 18 năm liền (từ 1977 đến 1985), được coi là vị hiệu trưởng thâm niên nhất trong bộ "bát quái" tám trường đại học danh tiếng thuộc "Liên đoàn Ivy" (gồm Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania và Yale). Ông viết cuốn sách

 

"…về nơi mình đã làm việc cả đời là bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với nhiều người, trong đó có những người trải qua nhiều thế kỷ đã tạo dựng và duy trì những viện đại học mà trước đây lẫn bây giờ chúng ta mang ơn rất nhiều, và tương lai chúng ta phụ thuộc sâu sắc vào đó… " (Trang 9).

Sau khi đọc hết cuốn sách ông viết, ta sẽ nhận ra được một điều: ông có trong tay những điều để kể, ông có những sự việc đáng để kể ra cho thiên hạ nghe, và điều hấp dẫn ở ông là trong khi kể, ông lại có được những cảm nghĩ riêng để gửi tới bạn đọc. Có cái vốn như thế để kể chuyện đại học Mỹ, chẳng dễ dàng lắm đâu!

 

Sự hấp dẫn của những điều ông có trong tay để kể lại còn có đặc điểm này nữa: chúng có ích cho bất kỳ ai đang có ý định xây dựng một trường đại học, càng có ích cho những ai ôm ấp mộng xây dựng một hệ thống trường đại học. Tại sao vậy?

 

Tại vì, "viện đại học là công trình sáng tạo quan trọng nhất của thiên niên kỷ thứ hai. Từ những bước khởi đầu hết sức khiêm tốn cách đây hơn chín trăm năm, đến nay nó đã trở thành chất xúc tác thầm lặng nhưng quyết định trong xã hội hiện đại, thành tố thiết yếu cho sự vận hành có hiệu quả và sự vững mạnh của xã hội." (Trang 16)

 

Ông lý giải thật ngắn gọn, "Viện đại học không đề xướng hành động chính trị cũng như chính sách của chính phủ, nhưng nó cung cấp kiến thức và dữ liệu để người ta dựa trên đó mà xây dựng những điều này. Nó không chế tạo ra các sản phẩm nhưng nó sáng tạo khoa học và công nghệ mà các sản phẩm phải phụ thuộc vào". (Trang 16)

 

Ông mở rộng thêm chút nữa ý đó, "… ấy là một nguồn lực không thể thay thế, nói cho đúng là bảo vật của quốc gia (Trang 22), … là người gìn giữ kinh nghiệm của loài người, ở một mức độ không ai sánh bằng: là người bảo hộ và là người truyền đạt những điều tinh túy đã từng được suy nghĩ và được viết ra, đã được nói và được thực hiện…" (Trang 23), … "Các viện đại học là các cộng đồng tranh luận và phát kiến" (Trang 24), và "Tương lai của các viện đại học của chúng ta là một vấn đề không chỉ gợi sự quan tâm về mặt học thuật. Mức độ hiểu biết và ủng hộ mà công chúng dành cho các viện đại học sẽ quyết định việc liệu chúng ta bỏ bê một kho báu đã phải mất hơn 350 năm để xây dựng hay khẳng định lòng tin vào tầm quan trọng của tri thức và [… ] chức năng phụng sự xã hội (của nó)". (Trang 24-25)

 

 

Điều tổng quan về chuyện "tạo dựng tương lai" được tác giả xác định ngay từ đầu và chạy xuyên suốt cuốn sách, ấy không phải là những chuyện về quy mô, về số lượng trường và sinh viên, không phải là số lượng những bằng cấp này nọ, mà đó là ý nghĩa và giá trị của một tầm trí tuệ đại học.

 

Cái tầm trí tuệ đại học do bản thân các trường tạo ra và cái tầm trí tuệ đó lại như đang sống trong lòng con người. "Chất lượng cuộc sống mà người dân Hoa Kỳ được hưởng trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này tùy thuộc phần lớn vào nền tảng rộng lớn mà các trường đại học Hoa Kỳ đã tạo lập trong suốt thế kỷ 20. Giáo dục đại học đã là con đường đưa tới sự tiến bộ và sự tham dự vào đời sống xã hội của vô số công dân và hàng chục nhóm dân nhập cư. Nó là con đường hội nhập xã hội của hàng triệu con người …" (Trang 29).

 

Quan trọng như vậy, nhưng khác với sự vất vả tất bật của công cuộc khai phá miền Tây xa xôi, khác với việc công nghiệp hóa các bang miền bờ biển phía đông, khác với sự sốt sắng giải quyết các vấn đề dân tộc để nhanh chóng củng cố Liên bang, các trường đại học Hoa Kỳ lại ra đời rất từ từ như giữa cảnh ồn ã lại người đang nói năng chậm rãi, trầm tĩnh. Tác giả đã miêu tả quá trình đó để trả lời những câu hỏi do chính mình nêu ra: Nền đại học ấy đã hình thành như thế nào? Những lực lượng nào đã định hình sự phát triển của nó? Ngày nay nó có vị trí như thế nào để tiếp tục cống hiến cho tương lai? (Trang 30).

 

Khác với sự ra đời hoành tráng của trường đại học Bologna chỉ sau vài chục năm đã có số sinh viên lên tới cả chục ngàn người, trường Harvard ra đời thật khiêm nhường. Ra đời đầu tiên ở bang Massachussetts năm 1636 với khoản kinh phí Liên bang cấp là 400 (viết bằng chữ: bốn trăm) đồng bảng Anh, nó tồn tại được ngay từ lúc đầu là nhờ đóng góp của mục sư John Harvard, tốt nghiệp ở Cambridge, người đã đem nửa sản nghiệp của mình và tủ sách 260 cuốn để cúng vào trường. Và vào năm 1642, trường Harvard cấp văn bằng cử nhân đầu tiên cho 9 thanh niên! Sao khi đó họ không "hướng về" trường Bologna và đi vay vài trăm triệu đô-la để xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế Harvard nhỉ? Hóa ra, sự nghiệp văn hóa bao giờ cũng không thể nóng vội. Một trường đại học trước khi trở thành danh tiếng phải là một hạt mầm thật sự là hạt mầm chứ không phải là hạt cỏ dại mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng!

 

Cái tính chất "hạt giống thật" của những trường đại học đầu tiên của Hoa Kỳ nằm ở chỗ nào? Tác giả kể với chúng ta về trường hợp đại học Virginia ra đời kế tiếp đại học Harvard: "University of Virginia có hai đặc điểm nổi bật. Không giống những viện đại  học khác cùng thời, viện đại học này không có tính chất tôn giáo và không bắt buộc sinh viên phải theo đạo". (Trang 37) Nếu chỉ đọc lướt qua và không dừng lại ở hai câu ngắn ngủi này, ta sẽ bỏ sót cái hạt giống đó. Trường đại học phải là nơi thế tục, phải là nơi không bị ràng buộc vì bất cứ tính chất thần thánh thiêng liêng nào hết. Nó chỉ có chính hoạt động của nó là mục đích! Nó chỉ bị ràng buộc bởi chính hoạt động của nó mà thôi! Không nhìn thấy rõ chân lý này, xin đừng ai nghĩ đến cải cách giáo dục nói chung và cải cách bậc đại học nữa.  

 

Hạt giống thật thì phải có đất gieo: cái mảnh đất hẩu ấy nằm ở đây, nằm ở "đạo luật Morrill (Morrill Act) được tổng thống Abraham Lincoln ký ban hành vào năm 1862, theo đó Liên bang cấp đất cho các tiểu bang để xây dựng những trường và viện đại học công lập" ""Các trường và viện đại  học được cấp đất" này được lập ra với mục đích "cung cấp một nền giáo dục có tính cách thực tiễn và khai phóng cho các tầng lớp kỹ nghệ trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực chuyên môn khác nhau của đời sống"" (Trang 38-39). Ta sẽ học được gì ở lời giới thiệu "tạo dựng tương lai" này? Nghĩ rằng bài học cần rút ra là cho các cơ quan quản lý giáo dục. Bài học khuyên họ hãy hành động trong phạm vi nhiệm vụ và năng lực của mình: xin đừng "quản lý toàn diện" các trường đại học, đặc biệt là xin hãy khiêm tốn, đừng quản lý nội dung chương trỉnh dạy học của họ. Việc giỏi nhất các cơ quan quản lý có thể "lãnh đạo toàn diện" các trường đại học, ấy là giúp họ sống được, mà việc giản dị dễ hiểu trên hết là cấp đất xây nhà cho họ!

 

Để làm gì? Để các trường đại học rảnh tay làm công việc chuyên môn của mình. Tác giả nói, "Đạo luật (Morrill) này ra đời dẫn tới việc thành lập trong mỗi bang một kiểu trường đại học mới đặc trưng Hoa Kỳ. Có lẽ không có viện đại học nào có tính cách điển hình hơn Cornell University ở chỗ, một mặt, có sự kết hợp giữa khát vọng học thuật với thực tiễn đời sống và, mặt khác, có có sức mạnh phối hợp giữa hoạt động từ thiện tư nhân và ngân sách nhà nước" (Trang 38-39). Nói cách khác, đây là bài học cần rút ra về quan hệ qua lại với nhau giữa một ngân sách riêng của trường và một mục tiêu đào tạo theo phương thức đào tạo mang màu sắc riêng của trường đại học: chính cái ngân sách riêng đó sẽ buộc mỗi trường đại học phải sống bằng bản sắc riêng. Với trường Cornell, cái bản sắc riêng đó là "trường đại học cho mọi người", và khi nói "mọi người" thì cũng có nghĩa là nói về "mọi ngành", mà cứ tự nhiên như cuộc sống, vì "ngành học ra đời từ những nghiên cứu mà người ta ưa thích chứ không từ những nghiên cứu mà người ta miễn cưỡng làm". (Trang 40).

 

Chính cái bản sắc riêng đó tạo mầm mống ra đời công việc nghiên cứu ở bậc đại học, như một lẽ sống của loại hình giáo dục này. "Chương trình học ở Cornell đã cân bằng một cách đầy sáng tạo tinh thần phóng khoáng của xã hội Mỹ, bản chất dễ thay đổi của những định hướng và những cơ hội trong xã hội ấy; nó làm cho một chân lý sinh sôi thành nhiều chân lý, làm cho một số ít nghề nghiệp hạn hẹp nảy nở thành vô số những con đường mới mẻ và đầy tự trọng giúp người ta tiến thân vào tầng lớp trung lưu." (Trang 41).

 

 

Người điểm sách hy vọng những dòng vừa viết ra đã không làm bạn đọc ngán ngẩm. Tới đây, muốn nói thêm với bạn đọc một điều về cách làm việc của người điểm sách: chúng tôi tập trung vào sự xuất hiện của sự vật đại học Hoa Kỳ, thay vì tập trung kể lể những thành tựu cuối cùng hiện thời là điều ai ai cũng quá rõ. Vì sao lại chọn cách làm như thế? Vì đi tìm sự phát sinh sự vật thì sẽ có nhiều tác dụng học hỏi hơn cho một đất nước cũng đang tổ chức sự phát sinh hệ đại học và mong muốn đến lúc nào đó sẽ có một hệ thống đại học như thế – ngoại trừ mấy anh vĩ cuồng muốn trong vòng vài ba năm, dăm bẩy năm sẽ từ cảnh bùng nhùng của những đầu vào là các học trò lớp 12 vừa lười vừa nhếch nhác lại mọc lên ngay những trường đại học "đẳng cấp quốc tế".

 

Xin cho người điểm sách đi tiếp con đường đã chọn. Xin được giới thiệu về những con người, nói cho đúng là những mẫu người đại học đã được tác giả nâng niu kể ra trong sách Tạo dựng tương lai.

Cái "tương lai" ấy được tạo dựng qua hình ảnh ông hiệu trưởng như thế này, được tác giả coi đó là nền văn hóa đại học:  "… vào năm 1891, viện trưởng của University of Michigan, ông James Angell, không hề có thư ký riêng, tự mình viết thư tay để trả lời mọi thư từ, tự mình tuyển từng sinh viên đại học Literary College (Trường Văn khoa), giảng dạy các khóa học về luật quốc tế và lịch sử các hiệp ước, điều hành tất cả các buổi lễ tại nhà nguyện của viện đại học, và biết rõ từng người một trong số 103 giảng viên cũng như biết rõ hàng trăm sinh viên trong tổng số 2420 sinh viên của trường. Howard Peckham bình luận, "Không có phần nào trong chương trình học được coi là xa lạ đối với ông ấy." (Trang 54).

 

Một lời bình không sợ thừa: có bao nhiêu nhà lãnh đạo giáo dục của nước ta (chúng tôi không đụng đến các ngành khác đâu đấy!) mà lại "đi sâu đi sát" đến thế? Có bao nhiêu người ở nước ta có ý thức rằng một hành vi nhỏ nhặt của vị hiệu trưởng, vị trưởng khoa, vị tổ trưởng bộ môn, ngay của một giáo viên bình thường đi nữa… đều sẽ chung đúc thành một nền văn hóa đại học, hoặc một nền văn hóa tiểu học, một nền văn hóa trung học, tóm lại trong một diễn đạt ngắn gọn, thành một nền văn hóa nhà trường?

 

Và đây là công việc dạy học của một giảng viên đại học Hoa Kỳ được Rhodes kể trong chương sách tuyệt vời "Dạy học như một thiên chức đạo đức": "Kỹ thuật chưa bao giờ là môn học gây hứng thú nhất ở đại học" […]  "Vậy thì điều gì giải thích việc những sinh viên ngành kỹ thuật của Mary Sansalone nghe nói đã cười vui ồn ào tới nỗi các đồng nghiệp của cô phải tới phòng học và yêu cầu "Mary, chị làm ơn kiểm soát lớp của chị được không?" […] "Còn nữa, điều gì giải thích tại sao vị giáo sư trẻ tuổi ngành kỹ thuật dân dụng và môi trường này lại là kỹ sư đầu tiên nhận danh hiệu "Giáo sư của năm" cấp quốc gia…?" (Trang 157).

 

Ta hãy nghe tác giả mô tả một buổi dạy của nữ giáo sư đại học trẻ tuổi đó.

"Khi tất cả sinh viên, trừ những người đi muộn vô phương cứu chữa, đã ngồi ngay ngắn, cô đóng cửa lớn lại và bắt đầu. "Lần trước chúng ta đã nói về trọng tải động đối với kết cấu. Hôm nay tôi muốn nói về sức gió."

"Chẳng bao lâu sau đã thấy rõ ràng kỹ thuật là hiểu biết về sự tác động của sức mạnh thiên nhiên – gió, biển và động đất – lên những cây cầu, những tòa nhà văn phòng, và những kết cấu khác. Tập trung vào những cây cầu, cô nhắp chuột vào một số hình chiếu và điểm lại lịch sử của những cây cầu đã bị sức mạnh thiên nhiên tàn phá. (Trang 158-159)

 

Minh họa vui chăng? Tận dụng kỹ thuật giảng dạy để lớp học đỡ tẻ nhạt chăng? Nếu chỉ có vậy thì tầm thường quá! Cô giáo đã đi xa hơn thế, cao hơn thế, cô đưa sinh viên vào với cái cốt lõi của nguyên lý của sự phát triển kỹ thuật trong cuộc đời thực; tác giả kể tiếp:

 

"Sau mỗi trường hợp, cô lại giải thích về những giải pháp được phát triển lên sau đó. Mô thức vấn đề-giải pháp-vấn đề-giải pháp là nền tảng cho hầu hết những bài giảng của Sansalone, tạo ra cách tiếp cận kể chuyện dựa trên kinh nghiệm và minh họa ý nghĩa thực sự của việc làm một người kỹ sư : không phải chép lại những công thức vào vở và học thuộc lòng chúng, mà đối diện những vấn đề mới khi xây dựng những kết cấu mới và tạo ra những giải pháp mới.

 

"Vấn đề-giải pháp-vấn đề-giải pháp-vấn đề: Sansalone bật qua máy chiếu phim để chiếu cảnh sập cây cầu Tacoma Narrows, còn được biết đến dưới cái tên cầu Galloping Gertie (Gertie Phi nước đại). "Ôi trời", một sinh viên la lên. Cây cầu đang chao đảo trong gió. Một chiếc xe hơi bắt đầu qua cầu – đólà xe của một phóng viên, Sansalone cho biết – nhưng người lái xe không thể cho xe đi thẳng được. Cây cầu đang chao đảo quá mạnh, qua phía này, rồi lại phía kia. Anh ta ra khỏi xe và gắng sức chạy nhưng không thể nào chạy thẳng được vì mặt cầu  đang chuyển động dưới chân. Trong một thoáng, nếu coi sự đau khổ của con người là là phi lý buồn cười, thjì trông anh  như một chàng Charlie Chaplin xấu số, nhưng anh bền gan chạy tiếp và cuối cùng chạy qua được, vừa kịp lúc quay nhìn lại và thấy cây cầu đổ sập xuống dòng sông, kéo theo chiếc xe của anh. (Trang 159-160)

 

Tác giả kể lại những gì mình thấy khi tham dự lớp học của nữ giáo sư trẻ tuổi. Không chỉ nhìn và kể lại, tác giả còn nghĩ ngợi.

 

"Dường như người ta nghĩ rằng anh phải đưa cho sinh viên tất cả các công cụ –  toán và vật lý – trước khi anh cho họ thấy bức tranh tổng thể. Tôi nghĩ phải là ngược lại" (Trang 161).

"Cách dạy tốt nhất là để sinh viên áp dụng những kỹ năng của họ càng sớm càng tốt, cho họ trải nghiệm từ sớm  thông qua việc thực hành xây dựng trực tiếp thay vì những con số liên tu bất tận". (Trang 161).

 

Dường như, với cô giáo trẻ dạy kỹ thuật, thì có mô hình thích hợp vấn đề-giải pháp-vấn đề-giải pháp-vấn đề, còn với nhà kể câu chuyện nước Mỹ đang Tạo dựng tương lai, thì cái mô thức cũng hết sức thích hợp cho lối kể chuyện hình như lại là tình tiết-vấn đề-giải pháp-tình tiết-vấn đề-giải pháp … thay vì kể lể hết chuyện nọ sang chuyện kia "liên tu bất tận" và không để đọng lại chút gì trong đầu người bạn đọc đang nghe kể chuyện.

 

Và hình như còn có một bí quyết kể chuyện khác nữa: nói lên được đại học là sự khác biệt  khác biệt đến triệt để, khác biệt giữa hai trường, kể cả khi hai trường có cùng tôn chỉ, mục đích  khác biệt đến cách dạy của hai giáo viên mang hai cốt cách hết sức cá nhân; nói lên được cái riêng ấy, những cái riêng biểu hiện chân lý dạy học như một thiên chức đạo đức, đồng thời nói lên được cái chung của người dân Mỹ trước lòng kính trọng nền đại học của dân tộc mình, một nền đại học tuyệt đối đẹp vì nó vô cùng hữu ích.

 

 

Một chút băn khoăn của người điểm sách, đó là về cách dịch. Đây là một cuốn sách dịch công phu, thể hiện nỗi ưu tư của người dịch muốn đem lại những bài học có giá trị cao cho dân tộc Việt Nam đang bắt tay xây dựng nền đại học của mình. Song, giá như bạn đọc được có trong tay một cuốn sách có giọng văn "Việt Nam" hơn chút nữa, để bớt đi cái cảm giác đọc sách dịch, thì tuyệt vời biết bao!

Ngay câu mở đầu phần "Dẫn nhập": "Viện đại học là tạo tác quan trọng nhất của thiên niên kỷ thứ hai", hình như cũng có thể "dịch" theo cách khác, để sửa lại cả từ "tạo tác" (nghi rằng ở nguyên bản đó là chữ "creation"?) lẫn cả hành văn, để có câu này chẳng hạn: "Thiên niên kỷ thứ hai đã sinh ra được một công trình quan trọng nhất hạng đó là các viện đại học". Câu sau dài hơn câu trước? Đúng vậy. Nhưng trong cuộc đời, đâu có phải bất kỳ khi nào sự tối thiểu cũng là tối ưu đâu?

 

Chuyện hành văn là chuyện lâu dài, khó mà thống nhất với nhau để một sớm một chiều thay đổi cách dịch. Nhưng có thể biên tập để tìm ra những thuật ngữ tương đương sát đúng hơn khi dịch. Dưới đây là vài ba thí dụ nghi là chưa thật chuẩn.

 

Nền giáo dục khai phóng (liberal) liệu có phải là hình thức giáo dục ta đang gọi bằng chữ "toàn diện" ngược lại nghĩa với "phiến diện", "cắt xén", "méo mó", "què quặt"? Tính chuyên nghiệp (professionalism) hình như sẽ đúng hơn nếu dịch là sự chuyên sâu? Về những hoạt động từ thiện tư nhân cộng với ngân sách do Nhà nước rót, có lẽ nếu thay chữ "từ thiện" bằng "quà tặng" thì thích đáng hơn chăng?

 

Đó chỉ là vài ba thí dụ. Rõ ràng chúng chẳng khiến cho bản dịch ảnh hưởng xấu đến nội dung công trình. Song giá như thuật ngữ chọn lọc hơn cộng với chất giọng văn dịch được "bản địa hóa" hơn nữa, thì chắc chắn bạn đọc sẽ còn thỏa lòng hơn nhiều nữa./.

Ảnh : Bìa sách The Creation of the Future

Hà Nội, 12-10-2009

Phạm Toàn
Số lần đọc: 2274
Ngày đăng: 13.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nháp, những vần thơ đêm trắng bạch - Lê Vũ
Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn - Nguyễn Hoàng Đức
Hoàng Vũ Thuật, một chặng đường Thơ - Yến Nhi
Giai điệu trầm quê hương của Trần Vạn Gĩa - Lê Khánh Mai
Vấn đề con người trong tiểu thuyết Hư thực của Phùng Văn Khai - Trần Thị Ngọc Lan
Mai Văn Phấn, Hai tập thơ, Hai mảng màu hiện thực - Lê Vũ
Ngô Thị Thanh Vân – Vĩ thanh lụa và thơ - Nguyễn Thị Anh Đào
Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn - Dương Kiều Minh
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee. - Nguyễn Thị Minh Duyên
Mai Văn Phấn với “ hôm sau” & “ và đột nhiên gió thổi “ - Vĩnh Phúc