Hai trường ca đều được xuất bản giữa năm 2009, cùng một nhà xuất bản: Hội Nhà Văn, cùng một thể thơ: lục bát, cùng chủ đề: lịch sử, cả hai cùng cư ngụ tại miền Trung: Ngọc Thiên Hoa, tác giả viết cuốn “Việt Nam lục bát sử” quê quán Khánh Hòa; Vũ Đình Ninh, tác giả viết cuốn “Tây Sơn – Ai tư vãn truyện” quê quán Bình Định.
“Tây Sơn – Ai tư vãn truyện” dài 3256 dòng (hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du 2 dòng) ghi lại sự thăng trầm của triều đại Tây Sơn cho đến khi bị Nguyễn Ánh tiêu diệt. Theo nhà văn Trần Hinh thì Vũ Đình Ninh được mặc khải từ giấc mơ 9 giờ bên gốc cây trên núi, và hoàn thành trường ca tự sự này trong vòng 45 ngày.
“Đại Việt lục bát sử” dài gần 5000 dòng, dựa vào văn xuôi “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, trước tác theo chiều dài chính sử từ thời Hồng Bàng cho đến khi thực dân Pháp biến cả nước Việt Nam thành thuộc địa; tác giả ghi cuối lời mở: 9/24/2004 và chỉnh lại tháng 1/2007.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét về sáng tác của Vũ Đình Ninh: “… Cái “điệu cũ” này như tái hiện lại những gì cần chân thực mà tác phẩm sẽ mang tới độc giả hôm nay.Cũng như Ngọc Hân đã học giọng điệu từ bản dịch “Chinh phụ ngâm” để viết nên áng thơ khóc chồng “Ai tư vãn” bất hủ,Vũ Đình Ninh học Nguyễn Du và học cả Ngọc Hân nữa.Cứ chậm rãi như thế, cứ miên man như thế và ngòi bút cũng nhiều khi linh họat đến thế…
Hai hàng văn võ cúi buồn
Vương Thung – mưu sĩ tìm phương sách hòa
Không ngờ trúng kế quân ngoa
Anh em – cái hố bất hòa thêm sâu.
Có lẽ nhờ cái giọng kể linh hoạt này mà câu chuyện càng hồi càng hấp dẫn chăng?”
Và:
Tà gian? Chính nghĩa? Rằng ừ!
Một vòng lẩn quẩn gầm gừ lấy nhau
Núi sông ngầm ngập máu đào
Cỏ cây xơ xác hồ ao nhầy nhùa
Như soi rọi từ quá khứ đến bao đời sau.
Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét về sáng tác của Ngọc Thiên Hoa: “Một điểm đáng nói khác là tác giả cho người đọc hình dung bao quát về một đất nước Việt Nam ở tất cả yếu tố tạo ra nó, chứ không chỉ ở việc liệt kê các sự kiện lịch sử như trong phần lớn tác phẩm diễn ca khác, kể cả Đại Nam quốc sử diễn ca.”
Hậu triều Lê quá hoang dâm
Để cho họ Mạc ngấm ngầm cướp ngôi
Phục hưng Lê cũ xa rồi
Lê Trung Hưng mới chia đôi nước nhà.
Hai tác giả rất có lòng với lịch sử, phải yêu mến lắm nên mới cho ra đời bộ sách hoành tráng đồ sộ đến thế, có thể chính sự đam mê của tác giả sẽ kéo theo sự yêu mến môn lịch sử của người dọc, vì vậy hai trường ca sử thi này rất bổ ích cho học sinh sinh viên giáo viên tham khảo; nhất là khi dạy và học lịch sử ít được quan tâm thiếu sự lôi cuốn, môn học mang tính nghĩa vụ chỉ để trả bài trong trường lớp hiện nay. Và đối với hệ thống thư viện, bổ sung hai bộ sách vào chương mục “Lịch Sử” là việc làm cần thiết.